Cơ sở pháp lý quan trọng xây dựng đội ngũ sĩ quan Quân đội vững mạnh
Luật Sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam (viết tắt là Luật Sĩ quan) được Quốc hội khóa X, Kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 21/12/1999, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/4/2000 và được sửa đổi, bổ sung năm 2008, năm 2014. Trong gần 24 năm qua, Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu và cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị đã tập trung quán triệt, triển khai thực hiện Luật Sĩ quan cùng các Nghị định, Thông tư, hướng dẫn của Bộ Quốc phòng với nhiều giải pháp đồng bộ, có hiệu quả, góp phần trực tiếp xây dựng đội ngũ sĩ quan vững mạnh. Tuy nhiên, đến nay, Luật Sĩ quan đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập cần được khắc phục để đáp ứng yêu cầu xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ sĩ quan trong giai đoạn mới.
Triển khai đồng bộ, thực hiện hiệu quả
Ngay sau khi Luật Sĩ quan và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn được ban hành, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị đã lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ với nhiều nội dung hình thức phù hợp, sát với đặc điểm, yêu cầu, nhiệm vụ.
Đại tá Lưu Quyết Thắng, Chính ủy Sư đoàn 324 cho biết: “Là đơn vị chủ lực của Quân khu, quân số Sĩ quan đông, ở nhiều cơ quan, đơn vị, thực hiện các nhiệm vụ khác nhau. Để thực hiện tốt Luật Sĩ quan, những năm qua, Đảng ủy, Chỉ huy Sư đoàn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị xây dựng hệ thống Quy chế làm việc, Quy chế lãnh đạo công tác cán bộ của cấp ủy của cấp mình sát với chức năng nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm; thường xuyên bổ sung khi có sự thay đổi, bảo đảm đồng bộ, thống nhất. Qua đó, nâng cao nhận thức trách nhiệm cho cấp ủy, chỉ huy, đội ngũ sĩ quan các cấp trong triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Sĩ quan, góp phần trực tiếp xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, Sư đoàn vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”.
Cùng với việc quán triệt, giáo dục, các cơ quan, đơn vị thuộc Quân khu đã tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến cho đội ngũ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp và hạ sĩ quan, chiến sĩ nắm chắc nội dung Luật Sĩ quan và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, thông qua nhiều hình thức, biện pháp phong phú như: Thông qua tập huấn cán bộ hằng năm; lồng ghép vào chương trình giáo dục chính trị cho các đối tượng, tập trung các chuyên đề của sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp; sinh hoạt đơn vị; đối thoại dân chủ; tổ chức diễn đàn thanh niên, tọa đàm sĩ quan trẻ, thi tìm hiểu pháp luật, phát thanh nội bộ, tuyên truyền trên các trang mạng xã hội… Từ đó, giúp đội ngũ sĩ quan nắm chắc, hiểu sâu các nội dung cơ bản của Luật Sĩ quan để luôn phát huy tốt quyền và nghĩa vụ trong thực hiện nhiệm vụ.
Trên cơ sở Luật Sĩ quan và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị đã nghiên cứu, triển khai thực hiện tốt các mặt công tác cán bộ; quản lý, nhận xét, đánh giá khách quan, toàn diện và bố trí, sử dụng, điều động bổ nhiệm cán bộ đúng chức vụ, chức danh, tiêu chuẩn, điều kiện theo đúng quy định của Luật.
Đại tá Nguyễn Kỳ Hồng, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An nói: “Là địa phương có diện tích rộng nhất nước, các cơ quan quân sự đóng quân trên các địa bàn có tính chất đặc thù khác nhau. Do đó, quá trình triển khai thực hiện Luật Sĩ quan, hằng năm, Đảng ủy Quân sự tỉnh đã tiến hành đồng bộ các biện pháp để giải quyết hợp lý số lượng, trong đó, chú trọng bổ nhiệm, điều động, điều chỉnh đội ngũ Sĩ quan từ nơi thừa sang nơi thiếu, phù hợp với năng lực công tác, sở trường, trình độ của từng cán bộ; xét, đề nghị đào tạo, bồi dưỡng đúng quy hoạch, đúng chức vụ gắn với trình độ học vấn, lý luận chính trị tương ứng… Từ đó, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong đội ngũ Sĩ quan để phát huy tốt tinh thần, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ…”.
Quá trình thực hiện Luật Sĩ quan, các cơ quan, đơn vị còn tập trung bồi dưỡng, rèn luyện nâng cao trình độ chính trị, quân sự, chuyên môn nghiệp vụ gắn với đổi mới phương pháp tác phong công tác để đội ngũ Sĩ quan các cấp luôn sâu sát, cụ thể, chủ động, sáng tạo, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Kết hợp chặt chẽ giữ kiện toàn các chức vụ cán bộ với kiện toàn cấp ủy, tổ chức Đảng; mạnh dạn bổ nhiệm cán bộ đã qua rèn luyện, thử thách, cán bộ tẻ được đào tạo cơ bản, đúng cương vị, có trình độ, năng lực, quá trình công tác tốt, có triển vọng phát triển vào các chức vụ, chức danh thích hợp, đảm bảo tính liên tục, kế thừa và phát triển vững chắc. Nhờ đó, đội ngũ sĩ quan luôn có bản lĩnh chính trị vững vàng, yên tâm công tác, xác định tốt nhiệm vụ, tích cực học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ, phương pháp, tác phong công tác; chủ động khắc phục khó khăn, luôn nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Hằng năm, các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt công tác rà soát, nắm cán bộ đến hạn thăng quân hàm, nâng lương, đặc biệt các đồng chí có đủ điều kiện thăng quân hàm trước thời hạn để đề nghị đúng phân cấp, bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch. Việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với sĩ quan tại ngũ, sĩ quan thôi phục vụ tại ngũ; chính sách về tiền lương, phụ cấp, trợ cấp đối với lực lượng làm nhiệm vụ đặc thù, làm nhiệm vụ trên địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn được các cấp quan tâm triển khai thực hiện có hiệu quả. Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm các quy định, hướng dẫn về chế độ phép, tranh thủ, an nghĩ dưỡng hàng năm; hỗ trợ sĩ quan có điều kiện hoàn cảnh khó khăn xây Nhà đồng đội; xét, đề nghị cấp đất ở đối với sĩ quan. Quan tâm thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với cán bộ, hậu phương gia đình cán bộ… Từ đó, góp phần chia sẻ, giúp đỡ gia đình cán bộ giảm bớt khó khăn, tạo được động lực, khích lệ, động viên đội ngũ cán bộ yên tâm công tác, cống hiến.
Còn nhiều khó khăn, bất cập
Luật Sĩ quan đi vào cuộc sống đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng đội ngũ cán bộ Quân đội nói chung và cán bộ trong lực lượng vũ trang Quân khu nói riêng “vừa hồng, vừa chuyên”. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Luật Sĩ quan đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế, cần sớm sửa đổi, bổ sung phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.
Theo ý kiến của nhiều sĩ quan ở các đơn vị, thì hiện nay Luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội mới có quy định, tuổi nghỉ hưu của nam là 62 tuổi, nữ là 60 tuổi, để hưởng được 75% lương khi nghỉ hưu theo Luật thì người tham gia phải đóng Bảo hiểm xã hội phải đủ 35 năm. Trong khi đó, Luật Sĩ quan quy định hạn tuổi nghỉ hưu của sĩ quan theo cấp bậc quân hàm, mà phần đông sĩ quan hiện nay ở lực lượng vũ trang Quân khu 4 nghỉ hưu ở cấp Thiếu tá là 48 tuổi, Trung tá là 51 tuổi, thì thời gian đóng Bảo hiểm xã hội ngắn nên mức hưởng lương hưu thấp. Vì vậy, các ý kiến đề nghị nghiên cứu, tăng tuổi phục vụ tại ngũ cho phù hợp để sĩ quan có cấp bậc quân hàm Thiếu tá, Trung tá khi nghỉ hưu được hưởng mức tối đa 75% để tính lương hưu, đỡ thiệt thòi cho cán bộ khi nghỉ hưu. Cụ thể, điều chỉnh độ tuổi nghỉ hưu đối với quân hàm Thượng tá từ 54 tuổi lên 56 tuổi, Trung tá từ 51 tuổi lên 55 tuổi, Thiếu tá từ 48 tuổi lên 54 tuổi để không lãng phí nguồn nhân lực; đồng thời, bảo đảm chế độ cho sĩ quan có đủ thời gian đóng bảo hiểm 35 năm.
Đối với các quy định về chức vụ cơ bản và chức vụ, chức danh tương đương theo Luật Sĩ quan, Đại tá Lê Văn Trung, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Thanh Hóa nêu ý kiến: "Trần quân hàm đối với trợ lý cơ quan Bộ CHQS tỉnh và trợ lý Ban CHQS huyện phần lớn là Thiếu tá. Luật và các Thông tư hướng dẫn cũng chưa quy định chức vụ tương đương. Việc này dẫn đến những bất cập, vướng mắc khi triển khai thực hiện Đề án cải cách chính sách tiền lương trong lực lượng vũ trang khi chuyển đổi từ hình thức trả lương theo cấp bậc quân hàm, phụ cấp chức vụ sang trả lương theo vị trí, chức vụ và phụ cấp quân hàm”.
Cùng chung ý kiến với đồng chí Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Thanh Hóa, Trung tá Lê Khắc Ngọc Anh, Chính ủy Trung đoàn 19, Sư đoàn 968 nói: “Theo Luật Sĩ quan thì đến nay việc sắp xếp cấp bậc quân hàm còn vướng mắc, bất cập khi chức danh từ Tiểu đoàn trưởng đến Phó Trung đoàn trưởng, Chính trị viên tiểu đoàn đến Phó chính ủy Trung đoàn đều quân hàm trung tá; chức danh trợ lý cơ quan trung đoàn quy định tương chức danh đại đội trưởng, chính trị viên đại đội, trong khi đó chức danh, nhiệm vụ khác nhau. Cùng với đó, Luật Sĩ quan hiện hành cũng chưa có quy định, chế tài xử lsy cụ thể khi sĩ quan trẻ được đào tạo cơ bản qua các học viện, nhà trường Quân đội ra trường công tác, cống hiến còn ít, xin phục viên, xuất ngũ. Do đó, quá trình thực hiện nhiệm vụ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với đơn vị làm công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu”.
Theo Thượng tá Vũ Trọng Tám, Chính trị viên Kho Kỹ thuật K2, Cục Kỹ thuật Quân khu, thì việc thực hiện chế độ tiền lương và phụ cấp chưa tính hết các vấn đề liên quan đến chức danh chuyên môn - kỹ thuật - nghiệp vụ và quy định về phụ cấp chức vụ cũng chưa phù hợp, chiếm tỉ trọng nhỏ trong tiền lương của sĩ quan Quân đội. Do đó, cần sửa đổi, bổ sung vấn đề này theo hướng tính đến chế độ đối với chức danh chuyên môn kỹ thuật phù hợp trong thời gian tới…”.
Song song với những vấn đề trên, Luật Sĩ quan hiện hành có quy định: Sĩ quan tại ngũ được hưởng tiền lương, phụ cấp, nhà ở và điều kiện làm việc; trong đó, chế độ tiền lương và phụ cấp có đề cập đến việc “bảng lương của sĩ quan tính theo chức vụ, chức danh đảm nhiệm và cấp bậc quân hàm phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của Quân đội là ngành lao động đặc biệt... Tuy nhiên, đến nay chính sách tiền lương và phụ cấp đối với cán bộ Quân đội chưa tương xứng với tính chất, mức độ, đặc thù của hoạt động quân sự và từng loại hình đơn vị. Việc tăng bậc lương của sĩ quan chủ yếu còn theo cấp bậc quân hàm dẫn đến việc kết hợp giữa công tác tổ chức với công tác chính sách và bảo đảm đời sống cho cán bộ gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, việc nâng lương không quá 2 lần đối với sĩ quan đã giữ cấp bậc quân hàm cao nhất của chức vụ cũng gây ra nhiều bất cập. Thực tế, hiện nay, có nhiều sĩ quan có cấp bậc quân hàm cao nhất của chức đảm nhiệm giữ chức trên 10 năm trở lên nhưng không có hướng dẫn xét nâng lương… Do đó, tác động lớn đến tư tưởng, tình cảm của cán bộ đang công tác, hoặc chuẩn bị nghỉ hưu.
Đại tá Lưu Đức Chinh, Chính ủy Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 92 cho biết: “Hiện nay nhiều cán bộ có nhu cầu cấp thiết về nhà ở công vụ nhưng mới giải quyết được cho một bộ phận nhỏ, phần lớn sĩ quan chưa được hưởng chế độ này, gây khó khăn cho việc ổn định đời sống, công tác của sĩ quan. Đặc biệt, ở các đơn vị đóng quân, thực hiện nhiệm vụ ở vùng biên giới, hải đảo thì việc đảm bảo hưởng phụ cấp nhà ở, được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội cho cán bộ là rất cần thiết để thân nhân gia đình sĩ quan ổn định đời sống, giúp đội ngũ sĩ quan yên tâm công tác, phục vụ lâu dài ở vùng sâu, vùng xa…”.
Có thể khẳng định, gần 24 năm qua, Luật Sĩ quan là cơ sở pháp lý đặc biệt quan trọng để xây dựng đội ngũ sĩ quan vững mạnh, “vừa hồng, vừa chuyên” trong từng giai đoạn cách mạng. Tuy vậy, trong giai đoạn hiện nay, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Luật Sĩ quan để tiếp tục xây dựng đội ngũ sĩ quan vững mạnh, làm nòng cốt xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới.
Bài ảnh: ĐỨC CƯƠNG
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận