A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Dấu ấn đậm sâu trên đất Quảng Bình

Những việc làm thiết thực, những hoạt động ý nghĩa cùng những khoảnh khắc ấn tượng của Chương trình "Tuổi trẻ với biển, đảo quê hương năm 2023" được tổ chức tại thành phố Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) đã để lại nhiều dấu ấn sâu đậm trong lòng mỗi người dân và đoàn viên, thanh niên. Thực sự là cầu nối lan tỏa tình yêu về chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc cho thế hệ trẻ hôm nay.

Một lòng hướng về biển, đảo quê hương

Sáng sớm, mặt trời đỏ au nơi phía biển. Cửa sông Nhật Lệ (TP. Đồng Hới) bình yên đến lạ. Bên này cảng cá, từng đoàn tàu rẽ sóng cập bến sau nhiều ngày vươn khơi. Những nụ cười rạng rỡ, những khoang tàu “no đủ” như tô điểm thêm cho sức sống của cả một vùng biển trước ngày nắng mới. Và hơn nữa, ngày hôm nay, những chủ nhân tàu cá này lại hân hoan trong niềm vui đón nhận 1500 lá cờ Tổ quốc, 400 chiếc áo phao và phao cứu sinh của đoàn đại biểu chương trình “Tuổi trẻ với biển, đảo quê hương năm 2023” trao tặng.

Đại tá Đoàn Xuân Bường, Phó Chính ủy Quân khu 4 cùng đoàn đại biểu tặng cờ Tổ quốc và áo phao cho bà con ngư dân Quảng Bình.

 

Anh Võ Thành Viên chủ tàu QB 91273 tâm sự: “Nghề biển chúng tôi quanh năm sống với sóng gió, hiểm nguy, trên biển bốn bề một màu, không biết nơi đâu là quê hương, những lúc như vậy, nhìn lá cờ Tổ quốc tung bay, mình như được ở nhà, cảm giác gần gũi, thân thương lắm. Bởi vậy, khi chúng tôi được tặng cờ Tổ quốc, thật sự xúc động, như được tiếp thêm sức mạnh. Nhìn lá cờ, bao nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương tan biến, mình không còn thấy lẻ loi, cô độc giữa muôn trùng biển khơi nữa, điều đó càng thôi thúc anh em phải cố gắng, bằng mọi giá phải bám lấy biển”.

Hẳn vậy, trong tâm sự của các ngư dân về hình ảnh lá cờ Tổ quốc đỏ thắm trước mũi tàu nhắc cho chúng ta nhớ bài học về niềm tự tôn, tự hào dân tộc. Khi những chiếc thuyền hướng ra biển lớn, họ là những chấm đỏ, những cột mốc trong hành trình mấy ngàn năm giữ gìn chủ quyền biển đảo Việt Nam. Biển và ngư dân luôn tồn tại mối quan hệ như máu thịt, như hơi thở từng phút từng giây. Bởi thế, họ gắn bó cả đời với sóng gió trùng khơi dù có bao khó khăn vất vả, vì ở đó chính là quê hương.

Mỗi lá cờ là một cột mốc khẳng định chủ quyền biển đảo.

 

Tạm chia tay cảng cá với bao niềm xúc cảm, tôi tìm về Quảng trường ở xã Bảo Ninh, không khí nơi đây nhộn nhịp hơn ngày thường, từng dòng người đổ về ngày một đông, người trẻ có, người già cũng có. Tại đây, không gian trưng bày triển lãm mang chủ đề “Biển đảo, chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc” trở thành điểm nhấn, hút mắt người xem với những hình ảnh về quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, hình ảnh những ngư dân trên “cánh đồng đại dương” vươn khơi bám biển, can trường trên ngư trường truyền thống, hình ảnh bạn thuyền, tình quân - dân trên biển... đặc biệt, người xem lưu lại rất lâu ở vị trí 50 bức tranh vẽ của các em học sinh trên địa bàn thành phố Đồng Hới trong cuộc thi “Em yêu biển, đảo Việt Nam” do Tỉnh đoàn phát động. “Nếu không đọc dòng chú thích thì tôi không thể tin được đây là những bức tranh do các em học sinh vẽ nên, những nét vẽ ngay thơ nhưng thật sự sinh động, tôi cảm nhận được tâm hồn và cả tình yêu của các em về biển, đảo quê hương trong mỗi bức tranh”, anh Nguyễn Đức Thông (Phường Nam Lý) chia sẻ.

Khách tham quan triển lãm tranh mang chủ đề “Biển đảo, chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc”.

 

Em Lê Thái Bảo Ngọc học sinh Trường THCS Quang Phú tâm sự: “trước giờ em chỉ biết Hoàng Sa và Trường Sa qua những bài học lịch sử, em chỉ mong một lần được ra thăm đảo, cuộc thi vẽ tranh vừa rồi thực sự là sân chơi để em được thể hiện khả năng hội họa của bản thân, và còn là cơ hội để em gửi gấm tình cảm của mình đối với biển đảo của quê hương”. 

Hun đúc truyền thống, bồi đắp lý tưởng

Trở về thăm lại các cựu chiến binh đoàn tàu không số năm xưa, một trong những hoạt động tri ân hết sức ý nghĩa của Chương trình “Tuổi trẻ với biển đảo quê hương năm 2023”, các bạn trẻ như được sống lại những thời khắc hào hùng, cảm nhận được hồn dân tộc qua những câu chuyện kể. Năm nay đã 89 tuổi, nhưng trong ký ức của người cựu binh Trương Văn Can, nguyên Phó thuyền trưởng Tàu 132, Đoàn 125, người chiến sĩ cách mạnh đã đi ra từ chiến tranh vẫn nhớ như in về một thời hoa lửa. 60 năm tuổi đảng là chừng ấy thời gian cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của ông mà thế hệ trẻ hôm nay vinh dự học tập và noi theo. Hào hùng mà sâu lắng, từng câu chuyện như những mạch biển mặn mòi chảy qua tâm khảm mỗi con người, có sức truyền lửa mạnh mẽ khơi dậy trong lòng niềm tự hào về chủ quyền thiêng liêng với một bề dày lịch sử. Khi cả đất nước luôn đau đáu hướng về biển đảo, câu chuyện lịch sử được lật ra như mở từng trang đời, giúp thế hệ trẻ lắng lòng mình lại để chiêm nghiệm thêm về cuộc sống và hiểu hơn, yêu hơn biển đảo Tổ quốc mình, nó như một ngọn lửa tiếp lên truyền thống, lý tưởng sống tươi đẹp và tình yêu về biển đảo quê hương cho lớp thế hệ trẻ hôm nay.

Hoạt động thăm hỏi, tặng quà cựu chiến binh đoàn tàu không số.

 

Thượng uý Trần Sỹ Minh Phúc, Trợ lý Thanh niên Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình chia sẻ: " Qua những con người như cựu chiến binh Trương Văn Can, tôi luôn tự hào về truyền thống cha ông, những anh hùng đã khắc tên mình vào lịch sử, trong câu chuyện của những người đi trước, tôi như được mắt thấy, tai nghe về biển đảo, về cuộc sống gian khó nhưng rất đỗi kiên cường của những người lính đảo. Vì vậy, mỗi cán bộ, đoàn viên thanh niên cảm thấy yêu thêm biển, đảo dẫu họ chưa một lần đặt chân đến, yêu thêm những người lính đang ngày đêm canh giữ biển đảo dẫu họ chưa hề biết mặt, để rồi mỗi người cùng động viên nhau phải ra sức thi đua học tập, rèn luyện và phấn đấu.

Đoàn viên thanh niên chung tay bảo vệ môi trường biển.
Ảnh: HOÀNG CUỐI

Thế hệ cha anh đã không tiếc tuổi thanh xuân để cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Vì thế, thế hệ trẻ hôm nay cần biết trân trọng, khắc ghi, giữ gìn, kế thừa truyền thống cách mạng, cùng tiếp nối mạch nguồn, luôn nỗ lực vươn lên bằng tinh thần vượt qua khó khăn gian khổ, biết hy sinh và sống có trách nhiệm hơn nữa với đất nước bằng những hoạt động cụ thể. Anh Nguyễn Mạnh Hùng (Tp. Đồng Hới) coi biển như một phần cuộc sống và luôn biết cách thể hiện tình yêu đó bằng những việc làm nhỏ nhưng thiết thực. Dù bận rộn công việc đến đâu, sáng nào người ta cũng bắt gặp anh ra biển, vừa ngắm bình minh vừa tranh thủ nhặt rác thải để giữ nét thanh tao của biển. Hôm nay, công việc của anh như được chia lửa bởi vì hơn 300 cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh và đoàn viên thanh niên trên địa bàn thành phố Đồng Hới cũng có mặt để hưởng ứng phong trào tình nguyện bảo vệ môi trường biển và “Chống rác thải nhựa”. Chỉ trong một buổi chiều, hơn 1 tấn rác thải được thu gom và xử lý. Ngắm nhìn bờ biển trong sạch hơn, anh Hùng vui mừng: “Tôi luôn tự hào là người con Quảng Bình, tự hào vì quê hương có bờ biển đẹp với nền cát trắng trải dài, thật vui mừng khi thế hệ trẻ hôm nay cũng thấy được trách nhiệm, tình yêu về biển, đảo quê hương của mình bằng những hành động, việc làm cụ thể, thiết thực góp phần tuyên truyền, làm sạch môi trường biển”.

Thượng tá Bùi Thế Kỷ, Trưởng Phòng Công tác Quần chúng cho biết: “Như mong đợi, với nhiều hoạt động của chương trình “Tuổi trẻ với biển, đảo quê hương  năm 2023” đã truyền được ngọn lửa kiên trung, hun đúc và khơi dậy nên tình cảm, tình yêu thương mãnh liệt của cán bộ, đoàn viên thanh niên về chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, từ đó thế hệ trẻ ý thức được trách nhiệm của bản thân mình để cố gắng học tập, ra sức rèn luyện và phấn đấu cống hiến sức trẻ xây dựng quê hương đất nước ngày càng phát triển”

Bài, ảnh: HẢI HOÀNG

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội