A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những “chiến binh văn hóa” tôn vinh, quảng bá hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ

Tại Army Games 2022, cuộc thi của “Đội quân văn hóa” là một trong những nội dung quan trọng được Ban tổ chức hội thao đưa vào thi đấu, góp phần quảng bá hình ảnh quốc gia, hình ảnh Quân đội, văn hóa, đất nước, con người của các nước.

Thượng tá Đặng Mỹ Hạnh, Đội trưởng Đội tuyển văn hóa-Nghệ thuật Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia Hội thao Quân sự quốc tế đã chia sẻ với phóng viên Báo Quân đội nhân dân Điện tử về quá trình chuẩn bị tập luyện và trước giờ thi đấu của “Đội quân văn hóa” tại Army Games 2022.

Phóng viên (PV): Với 16 thành viên được tuyển chọn từ nhiều cơ quan, đơn vị trong toàn quân, đội tuyển “Đội quân văn hóa”, theo chị với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, “Đội quân văn hóa” sẽ mang tới Army Games 2022 những tiết mục đặc sắc ra sao?

Những “chiến binh văn hóa” tôn vinh, quảng bá hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ
Đội tuyển Đội quân Văn hóa Quân đội nhân dân Việt Nam tại Army Games 2022. Ảnh: Đức Thuận

 

Thượng tá Đặng Mỹ Hạnh: Năm 2022, các thành viên Đội tuyển Đội quân Văn hóa Quân đội nhân dân Việt Nam được tuyển chọn từ 7 đơn vị trong toàn quân. Vì vậy, có thể nói, các thành viên tham gia thi đấu hay hoạt động chuyên môn năm 2022 đều được lựa tuyển rất kỹ lưỡng để đáp ứng các yêu cầu của cuộc thi. Qua 5 tháng huấn luyện, trong 20 tác phẩm được sáng tác, triển khai luyện tập, Đội tuyển mang tới Cuộc thi biểu diễn nghệ thuật quốc tế 12 tác phẩm chính thức. Ngoài ra, còn số lượng lớn tác phẩm dự bị phục vụ biểu diễn các sự kiện trong khuôn khổ Army Games. Đây là những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc bởi tính chất truyền thống của dân tộc và Quân đội nhân dân Việt Nam, bởi các kỹ năng biểu diễn chuyên nghiệp và biên đạo, dàn dựng công phu, mang đậm bản sắc văn hóa Việt.

PV: Trong hai phần thi “Nghệ thuật” và “Hoạt động triển lãm”, xin chị cho biết điểm nhấn về những tiết mục và trưng bày các hình ảnh nhằm quảng bá nét đặc trưng của Việt Nam như thế nào tại Army Games năm nay?

Thượng tá Đặng Mỹ Hạnh: Năm 2022, chủ đề mà Ban tổ chức Army Games hướng tới là di sản văn hóa của các dân tộc, truyền thống của quân đội, trong đó quảng bá về văn hóa, đất nước, con người của các quốc gia, dân tộc dự thi, ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tình yêu quê hương, đất nước… Theo đó, ở cả 4 giai đoạn thi nghệ thuật và 1 giai đoạn thi hoạt động triển lãm, các tác phẩm dự thi hay nội dung, hiện vật trưng bày triển lãm đều tập trung vào những vấn đề nêu trên.

Đây là những nét đặc trưng của nền văn hóa nông nghiệp lúa nước, thể hiện sự kiên cường và tự tôn dân tộc, yêu chuộng hòa bình, hợp tác quốc tế; những đặc trưng của một quốc gia có nền văn hóa đa dạng trong thống nhất với sự độc đáo của văn hóa 54 dân tộc Việt trải khắp 3 miền Bắc - Trung – Nam. Trong đó đậm nét nhất là thể hiện nét thanh lịch, tinh túy từ hình ảnh, vật phẩm văn hóa, ẩm thực của con người Tràng An (Thăng Long - Hà Nội); sự tinh tế, dịu dàng, sâu sắc của văn hóa xứ Huế (qua sản phẩm cỏ bàng xứ Huế); sự mạnh mẽ của đại ngàn núi rừng Tây Nguyên, sự hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc (nhạc cụ Tơ Rưng, thổ cẩm thêu tay); sự kiên trung, bất khuất của miền Đông Nam Bộ (sản phẩm văn hóa từ cây dừa Bến Tre)…

Đặc biệt, lần đầu tiên, hoạt động triển lãm được thiết kế công phu, hiện đại với khối lượng sản phẩm thi công và trưng bày lên tới 1,7 tấn vật tư nhằm truyền tải chủ đề Di sản Văn hóa Việt Nam; không gian thi công 36m2 từ ý tưởng thiết kế mô hình Khuê Văn Các, biểu trưng của Hà Nội - Thành phố hòa bình. Trong không gian này sẽ diễn ra nhiều hoạt động tương tác, trải nghiệm, quảng bá đậm nét truyền thống dân tộc và Quân đội nhân dân Việt Nam.

Những “chiến binh văn hóa” tôn vinh, quảng bá hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ
Thượng tá Đặng Mỹ Hạnh (thứ 3 từ phải sang) tại Army Games 2022. Ảnh: Tác giả cung cấp.

 

PV: Được biết, năm nay, chương trình, nội dung huấn luyện của đội tuyển “Đội quân văn hóa” đã được kế thừa, phát huy từ bài học kinh nghiệm của lần tham gia Army Games trước, xin chị cho biết việc tập luyện và chuẩn bị của các thành viên đội tuyển như thế nào trước khi tham gia hoạt động này?

Thượng tá Đặng Mỹ Hạnh: Đó là quá trình, quy trình được Thủ trưởng Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam chỉ đạo, Cục Tuyên huấn tổ chức triển khai rất chặt chẽ và khoa học, hiệu quả; từ khâu tuyển quân, xây dựng kế hoạch, triển khai huấn luyện kỹ thuật cơ bản, lựa chọn đội tuyển chính thức và huấn luyện nâng cao song song với đội dự bị để chủ động dự phòng phương án bất khả kháng thay nhân sự trong quá trình huấn luyện. Trong đó có sự mạnh dạn, bứt phá với quyết tâm chính trị cao ngay từ khi triển khai nhiệm vụ và trong suốt quá trình huấn luyện; sáng tác, rồi thay sáng tác mới, ý tưởng nội dung, thay người, điều chỉnh thể loại tham gia, quyết tâm tập luyện tác phẩm hay triển khai thi công trưng bày triển lãm khó, đòi hòi kỹ thuật cao… Tựu chung lại, đó là sự vào cuộc của các cấp, tạo nên sức mạnh, là sự tổng hòa từ khâu lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai nhiệm vụ, sự phối hợp ăn ý, thống nhất, trách nhiệm của các lực lượng thực hiện nhiệm vụ, sự nhiệt huyết của thành viên đội tuyển và lực lượng chuyên gia.

PV: Phát huy tinh thần “Đội quân văn hóa” của Quân đội nhân dân Việt Nam trong quá trình thi đấu, theo chị, Đội đã xây dựng những tiết mục ra sao để tạo dấu ấn, hình ảnh, góp phần tôn vinh, tỏa sáng phẩm chất và vẻ đẹp của Bộ đội Cụ Hồ trong lòng bạn bè quốc tế?

Những “chiến binh văn hóa” tôn vinh, quảng bá hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ
Tiết mục biểu diễn phục vụ các đội tuyển của “Đội quân văn hóa”. Ảnh: Đức Thuận

 

Thượng tá Đặng Mỹ Hạnh: Phẩm chất, hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ chính là một trong những giá trị trong hệ giá trị văn hóa con người  Việt Nam. Do vậy, trong các nội dung thi ở cả 5 giai đoạn, các tác phẩm dự thi đều nhằm tôn vinh, quảng bá về Bộ đội Cụ Hồ và chiếm 30% nội dung tổng thể. Đó là những hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong các hoạt động quân sự, quốc phòng, gìn giữ hòa bình, xây dựng quê hương, đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Và không chỉ các tác phẩm dự thi, chúng tôi được quán triệt, rèn luyện để mỗi thành viên Đội tuyển Đội quân văn hóa tham gia Army Games 2022 chính là hình ảnh sống động về Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.

PV: Chiều ngày 13/8 (giờ Việt Nam), “Đội quân văn hóa” bắt đầu thi đấu, tinh thần tập luyện và biểu diễn của các nghệ sĩ tham gia chương trình đến lúc này như thế nào?

Thượng tá Đặng Mỹ Hạnh: Dù luyện tập hay thi đấu thì tinh thần chúng tôi sẵn có là sự quyết tâm, đoàn kết, đồng lòng, khắc phục khó khăn, sáng tạo, nhiệt huyết của những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng. Hơn nữa, còn là bổn phận, trách nhiệm và vinh dự cao quý không chỉ với với Quân đội và với đất nước, mà chính là với mỗi chúng tôi, những “chiến binh văn hóa” (chúng tôi vẫn tự gọi nhau với cái tên gọi như vậy từ khi thành lập đội tuyển) để cùng nhau hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

KHÁNH HUYỀN (thực hiện)

(Theo QĐND)


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Tin liên quan
Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội