A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

“Hùm xám đường số 4” Đặng Văn Việt – Còn in bóng núi

Sáng ngày 27/9/2021, tang lễ cụ Đặng Văn Việt, Trung đoàn trưởng đầu tiên Trung đoàn 174, Sư đoàn 316 được tổ chức trọng thể tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.

Nhân chứng của nhiều sự kiện lịch sử

Trung tá Đặng Văn Việt năm 1958. Ảnh tư liệu 

Trung đoàn trưởng Đặng Văn Việt trút hơi thở cuối cùng hồi 0 giờ 55 phút sáng 25/9/2021, hưởng thọ 102 tuổi. Cụ là nhân chứng để lại nhiều dấu ấn trong lịch sử Việt Nam thế kỷ XX.

Ngày 21/8/1945, cùng với Nguyễn Thế Lương (sau này là Thiếu tướng - PGS Cao Pha, Phó viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam) Đặng Văn Việt được cử hạ lá cờ quẻ ly của Triều Nguyễn, kéo lá cờ đỏ sao vàng của chính quyền cách mạng lên kỳ đài trước Ngọ Môn (Huế). Đây là một trong những sự kiện góp phần đánh dấu chấm hết cho sự tồn tại của chế độ phong kiến kéo dài nghìn năm trong lịch sử nước ta. Sau đó, hai ông Nguyễn Thế Lương và Đặng Văn Việt lại nhận lệnh đi bắt cựu Tổng đốc Ngô Đình Khôi trong ngày Huế khởi nghĩa (ngày 23/8/1945). Hai cha con Ngô Đình Khôi, Ngô Đình Huân được giải thẳng vào giam trong nhà lao Thừa Phủ. Sau này, trong kháng chiến chống Mỹ, thỉnh thoảng nhớ lại chuyện cũ, ông Việt lại cười thầm: “Nếu trong lúc này mà Ngô Đình Diệm bắt được người đã bắt Ngô Đình Khôi và Ngô Đình Huân thì chắc chắn ông ta sẽ không tha, trả thù cho bõ ghét”.

Lễ tang cụ Đặng Văn Việt (27/9/2021). 

Trước đó, đang là sinh viên Y khoa Đại học Đông Dương, sau sự kiện Nhật đảo chính Pháp, ông về Huế, trở thành học viên trường Thanh niên Tiền tuyến do Bộ trưởng Bộ Thanh niên Phan Anh mở. Từ những kiến thức quân sự vỡ lòng ở ngôi trường này do thầy Phan Tử Lăng - Hiệu trưởng huấn luyện, Đặng Văn Việt tham gia xây dựng lực lượng vũ trang, trở thành người đầu sổ trong Phân đội 1 của giải phóng quân Thừa Thiên Huế. Sau này, ông vẫn gọi một cách vui vẻ mình là người Giải phóng quân số 1 của giải phóng quân Thừa Thiên Huế.

Làm Hiệu trưởng trường Quân chính Trung Bộ được khóa thứ hai, ông Đặng Văn Việt được lệnh rời Huế lên Khe Sanh sang Tchépone làm Chỉ huy trưởng Mặt trận đường số 9, rồi Tham mưu trưởng Mặt trận đường số 7, chặn quân Pháp từ Lào đánh sang.

Ít lâu sau, Đặng Văn Việt trở thành cán bộ khung tại trường Võ bị Trần Quốc Tuấn khóa đầu tiên khai giảng ngày 26/5/1946. Rồi ông về Phòng Tác chiến – Bộ Tổng tham mưu, Trợ lý của Trưởng phòng Tác chiến Đào Văn Trường (sau này là Đại tá, Tổng Tham mưu phó).

Người chỉ huy nổi tiếng 

Tài năng quân sự của ông Đặng Văn Việt bắt đầu lọt mắt xanh thủ trưởng cơ quan Bộ Tổng tham mưu. Cuộc tấn công bất ngờ Thu Đông 1947 của thực dân Pháp lên chiến khu Việt Bắc, nhằm đánh úp cơ quan đầu não kháng chiến và Chính phủ Hồ Chí Minh. Đặng Văn Việt được cử làm phái viên tác chiến trên đường số 4. Từ đây, những báo cáo quân sự của ông về cơ quan “Bộ Tổng” đã được chú ý.

Đại tá Trần Trọng Trung (1923-2013) ở cơ quan Bộ Tổng tham mưu lúc đó đã nhớ lại: “Chính nhờ thư và báo cáo của phái viên mà cơ quan hiểu về ta và địch hơn. Có những bức thư thật hoàn chỉnh về một sự kiện, ví như thư báo cáo của Đặng Văn Việt về trận phục kích của Tiểu đoàn 374 Trung đoàn 11 Lạng Sơn, phục kích địch trên đường Bông Lau - Lũng Phầy. Thư công tác mang ý nghĩa một tổng kết nhỏ về một trận đánh hiệu suất cao”.

Trung đoàn trưởng Đặng Văn Việt chỉ huy trên đường số 4. Ảnh tư liệu  

Ông trở thành Trung đoàn phó, rồi Trung đoàn trưởng Trung đoàn 28 (Lạng Sơn) năm 28 tuổi. Hợp nhất 3 trung đoàn 28 (Lạng Sơn), 72 (Bắc Kạn) và 74 (Cao Bằng) thành Trung đoàn 174, Đặng Văn Việt là Trung đoàn trưởng đầu tiên. Tên ông vang danh với Trung đoàn 174 với đường số 4 từ đó cùng những chiến công tại các trận: Bông Lau - Lũng Phầy, Bố Củng Lũng Vài, Bản Nằm, Đông Khê, Bình Liêu…

Chiến binh Pháp chiến đấu trên đường số 4 biên giới Việt - Trung, tôn vinh Đặng Văn Việt là “Đệ tứ Quốc lộ Đại vương”, “Hùm xám đường số 4”.

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Biên giới thu đông 1950, Trung đoàn trưởng Đặng Văn Việt là nhân chứng cuối cùng trong lớp cán bộ chỉ huy thời đó. Phó Tổng tham mưu trưởng Phan Phác (1915-2010) người chỉ đạo trận đánh Đông Khê lần thứ nhất (25/5/1950), Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái (1915-1986), Trung đoàn trưởng Trung đoàn 209 Lê Trọng Tấn (1914-1986) là hai vị Chỉ huy trưởng và Chỉ huy phó trận đánh đồn Đông Khê lần thứ hai (16/9/1950)… đã ra đi trước ông. Tròn 20 năm trước, khi dự hội thảo Chiến thắng Biên giới, bạn bè đến chạm cốc chúc mừng ông: “Đồng chí Đặng Văn Việt trước đây đã là và ngay nay trở lại vẫn là Đệ tứ Quốc lộ Đại vương”.

Sau trận đánh không thành công ở Nà Si thuộc tập đoàn cứ điểm Nà Sàn cuối năm 1952, Trung đoàn trưởng Đặng Văn Việt phải chia tay Trung đoàn 174, trở thành học viên lớp trung cao khóa 8 trường Sĩ quan lục quân Việt Nam. Ông kể trong hồi ký: “Tôi xác định: Lâu nay, không được học hành quân sự lại phải đánh nhau lu bù, bây giờ được đi học để củng cố kiến thức có hệ thống và toàn diện. Đó là thời cơ có một”. Học xong khóa 8, ông Việt được giữ lại làm cán bộ nhà trường.

Năm 1958, trong đợt phong quân hàm chính quy đầu tiên của quân đội, ông được phong quân hàm Trung tá. Ra quân năm 1960, tiếp tục chiến đấu trên mặt trận xây dựng 20 năm trong đó 15 năm liên tục chỉ làm Cục phó ở Tổng cục Thủy sản (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đến khi nghỉ hưu…

Từ năm 80 tuổi, ông Đặng Văn Việt đã viết đôi điều như một di chúc (được in trong sách “Người lính già Đặng Văn Việt chiến sĩ đường số 4 anh hùng” - NXB Trẻ, 2003). Ông phân loại 3 kiểu người trong đời sống này, trong đó có “loại người tiếng thơm để lại muôn đời”. 

“Hùm xám đường số 4” qua đời. Nơi biên cương Tổ quốc trên tuyến đường số 4 biên giới Việt - Trung, hẳn vẫn còn in bóng núi hình ảnh Trung đoàn trưởng Đặng Văn Việt năm xưa.

KIỀU MAI SƠN

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội