A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản
Đoàn Kinh tế Quốc phòng 92

Tích cực, chủ động, phòng chống thiên tai, khắc phục sự cố môi trường

Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 92 (Đoàn 92) được thành lập ngày 24/5/1999 có nhiệm vụ xây dựng Khu Kinh tế - Quốc phòng A So, huyện A Lưới, ở phía Tây tỉnh Thừa Thiên Huế. Gần 25 năm đứng chân thực hiện nhiệm vụ trên địa  4 xã A Roàng, Lâm Đớt, Hương Phong, Đông Sơn; đây là các xã đặc biệt khó khăn nhất của huyện A Lưới; có 32 km đường biên giới giáp với nước bạn Lào; đồng bào các dân tộc thiếu số như: Tà Ôi, Cơ Tu, Pa Cô, Mường, Thái, Khoa, Tày, Pa Hy chiếm 92,4% dân số. Đặc biệt, đóng quân giữa thung lũng A So, địa bàn bị ảnh hưởng nặng nề bởi chất độc da cam/dioxin do Đế quốc Mỹ sử dụng trong chiến tranh. Cùng với đó, đóng quân thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn biên giới, địa hình hiểm trở, núi cao, có nhiều khe, suối, đèo dốc, vào mùa mưa, khu vực A Lưới thường xảy ra lũ quét, sạt lở đất,... Những năm qua, Đảng uỷ, chỉ huy Đoàn 92 đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phối hợp tốt với cấp uỷ, chính quyền địa phương tích cực chủ động, phòng chống thiên tai, khắc phục sự cố môi trường.

 Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 92 (Đoàn 92) thuộc Quân khu 4, được thành lập ngày 24 tháng 5 năm 1999, đóng quân tại xã Lâm Đớt, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, có nhiệm vụ xây dựng khu KT-QP A So, A Lưới trên địa bàn 5 xã: A Roàng, A Đớt, Hương Lâm, Hương Phong, Đông Sơn, nay là 4 xã: A Roàng, Lâm Đớt, Hương Phong, Đông Sơn của huyện miền núi A Lưới phía Tây tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây là các xã biên giới đặc biệt khó khăn, dân cư thưa thớt, chủ yếu là đồng bào các dân tộc Tà Ôi, Cơ Tu, Pa Cô; trình độ dân trí thấp; kinh tế chậm phát triển, đường sá đi lại khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh; hủ tục, tập quán còn lạc hậu. Đặc biệt, đóng quân giữa thung lũng A So, nơi hứng chịu hậu quả nặng nề của chất độc điôxin. Toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có gần 16.000 người bị nhiễm chất độc da cam/ điôxin, riêng huyện A Lưới là khoảng 5.000 người.

Từ sau khi kết thúc chiến tranh đến nay, đã có một số dự án thực hiện việc khảo sát tình trạng đất nhiễm độc trên địa bàn huyện A Lưới, trong đó khu vực thung lũng A So cơ bản đều bị nhiễm độc ở các cấp độ khác nhau. Do sự nhiễm độc nồng độ điôxin cao đã ảnh hưởng đến môi trường, nhất là nguồn nước, đất đai, nó đã trở thành “kẻ thù vô hình” xâm hại đến sức khoẻ, đời sống của bà con nhân dân và cán bộ, nhân viên, trí thức trẻ tình nguyện (TTTTN) đơn vị.

Cán bộ, nhân viên Đoàn 92 xây dựng hệ thống đường nước, đưa nước sạch về cho bà con Nhân dân.

 

Quán triệt sâu sắc nhiệm vụ và nhận thức rõ những thuận lợi, khó khăn của Khu KT-QP A So, A Lưới, ngay từ những ngày đầu thành lập Đảng uỷ, chỉ huy Đoàn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị nhanh chóng ổn định tổ chức biên chế; tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ, nhân viên, nhất là  những kinh nghiệm, kiến thức, hiểu biết, kỹ năng nhận biết và xử lý khi làm việc và sinh hoạt ở vùng đất nhiễm chất độc da cam.

Đơn vị đã thường xuyên phối hợp với cấp uỷ, chính quyền địa phương và các lực lượng trên địa bàn nắm chắc tình hình, tác động của chất độc hoá học điôxin ảnh hưởng đến nguồn nước, đất đai, sức khoẻ con người; kịp thời tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương tuyên truyền tới bà con nhân dân trên địa bàn nhận thức đầy đủ tính chất nghiêm trọng, hậu quả nặng nề của chất độc da cam (CĐDC) đối với môi trường và sức khỏe con người, đồng thời không hoang mang lo lắng, tin tưởng vào Đảng, Nhà nước, Quân đội, cấp uỷ chính quyền địa phương, phối hợp tốt trong quá trình khắc phục hậu quả của chiến tranh để lại; kết hợp giữa kinh nghiệm, kỹ năng của bà con với khoa học kỹ thuật trong khắc phục hậu quả. Động viên bà con không sử dụng nguồn nước ngầm để sinh hoạt; tích cực cải tạo đất đai trồng cây xanh, trồng trọt, chăn nuôi, phát triển kinh tế.

Quá trình triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng vùng Dự án, Đoàn đã tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền các cấp tổ chức sắp xếp, bố trí lại dân cư cho 610 hộ thuộc 4 xã vùng dự án, hình thành 17 thôn, bản dọc tuyến biên giới; các thôn bản đều ở xa khu vực có nguy cơ nhiễm độc nặng. Đơn vị kết hợp với địa phương xây dựng hệ thống nước tự chảy với 06 dự án cung cấp 100% nước sạch sinh hoạt cho đơn vị và nhân dân; khắc phục kịp thời tình trạng chỉ trông chờ vào nước mưa do nguồn nước ngầm bị nhiễm chất độc trong chiến tranh. Cùng với đó, quá trình Đoàn triển khai các dự án hỗ trợ giống, vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật đã kết hợp chặt chẽ với cải tạo nhiều vùng đất xấu, hình thành các diện tích đất màu mỡ phục vụ trồng trọt cây hoa màu, cây lâu năm đạt 67 ha, trồng rừng đạt 873 ha mang lại hiệu quả cao cho bà con Nhân dân.

Đoàn 92 thăm hỏi, tặng quà, tư vấn sức khoẻ cho gia đình chính sách bị ảnh hưởng bởi chất độc hoá học/dioxin.

 

Sau khi có Dự án xử lý đất nhiễm chất độc da cam/dioxin tại sân bay A So, Đoàn 92 phối hợp với cấp uỷ, chính quyền địa phương xã Đông Sơn, Bộ Tư lệnh Hoá học tuyên truyền tới mọi người dân chấp hành nghiêm các quy định đảm bảo an toàn của dự án; tin tưởng vào quy trình xử lý theo nguyên lý khoa học; luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho lực lượng xử lý đất nhiễm điôxin tại sân bay A So. Đồng thời, tham mưu Ban quản lý dự án A So thường xuyên lấy mẫu nước xét nghiệm, phân tích nồng độ điôxin, cũng như khám sức khoẻ cho bà con Nhân dân ở trên địa bàn.

Cùng với đó, Đảng ủy, chỉ huy Đoàn quan tâm triển khai nhiều biện pháp, huy động nhiều nguồn lực để giúp đỡ các nạn nhân nhiễm độc, xoa dịu nỗi đau da cam với các hình thức giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam như: Thăm hỏi, tặng quà; trợ cấp đột xuất; khám bệnh, cấp thuốc miễn phí; tặng các phương tiện sinh hoạt; hỗ trợ làm kinh tế, cho vay vốn sản xuất và hỗ trợ học bổng, học nghề; giúp tìm việc làm; giúp làm nhà, sửa nhà … Gần 25 năm qua, Đoàn 92 đã phối hợp với địa phương tổ chức tốt việc giúp đỡ, động viên gia đình có nạn nhân nhiễm chất độc da cam/điôxin; gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với 2.160 lượt, tổng số tiền là hơn 1,1 tỉ đồng, đã góp phần làm vơi bớt những mất mát hi sinh của đồng bào nơi biên giới.

Cùng với đó, đóng quân thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn biên giới, địa hình hiểm trở, núi cao, có nhiều khe, suối, đèo dốc quanh co, giao thông đi lại khó khăn … vào mùa mưa, khu vực A Lưới thường xảy ra lũ quét, sạt lở đất, nhất là địa bàn các xã dọc theo tuyến Đường Hồ Chí Minh từ đèo Pê Ke đến Quảng Nam, Quốc lộ 49 nối thành phố Huế lên A Lưới gây ra hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản; nhiều khu vực bị chia cắt, cô lập. Nhiều năm nay, lũ chồng lũ, mưa lớn, dài ngày, trên diện rộng, ở nhiều xã đã xảy ra sạt lở đất, vùi lấp đường giao thông, thiệt hại rất lớn đến sản xuất nông nghiệp; lũ ống, lũ quét làm chết người, trôi sập, hư hỏng nặng về nhà ở, cuốn trôi, vùi lấp nhiều tài sản, ảnh hưởng rất nặng nề đến đời sống của người dân…

Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: Bão, lụt là “loại giặc” nguy hiểm, không chỉ tàn phá môi trường, mà còn đe dọa nghiêm trọng tới tính mạng, tài sản của nhân dân… Vì vậy Đảng uỷ, chỉ huy Đoàn 92 luôn giáo dục, quán triệt cho cán bộ, nhân viên, TTTTN xác định việc giúp dân phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa môi trường là trách nhiệm chính trị, nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc nắm, theo dõi, dự báo chính xác thời điểm, khu vực bão, lụt, sạt lở đất, thảm họa có thể xảy ra; từ đó xây dựng và luyện tập các phương án theo nhiều tình huống đã xác định. Phối hợp tổ chức thực hiện công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, cứu hộ cứu nạn theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ).

Thực hiện phương châm “mưa dầm thấm lâu”, nói cho dân hiểu, làm cho dân tin, Đảng uỷ, chỉ huy Đoàn 92 tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các đội sản xuất và đội ngũ trí thức trẻ tình nguyện thường xuyên nắm địa bàn, bên cạnh giúp đỡ, hướng dẫn bà con nhân dân phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, chủ động lồng ghép, trò chuyện, hướng dẫn bà con có những kiến thức, cách phòng tránh thiên tai khi mùa mưa đến, nhất là hộ dân ở khu vực ven khe, suối có nguy cơ sạt lở cao. Đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân không đốt nương làm rẫy, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và nguy cơ xảy ra cháy rừng…

Cán bộ, nhân viên, TTTTN Đoàn 92 giúp đỡ địa phương khởi thông cống rãnh.

 

Khi dự báo sẽ xảy ra thiên tai, Đảng ủy, chỉ huy Đoàn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, củng cố, kiện toàn phương án, lực lượng phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu; đồng thời chủ động nắm chắc tình hình, loại hình, chiều hướng diễn biến thiên tai, trên cơ sở đó, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung tuyên truyền, hướng dẫn đồng bào chằng, chống, gia cố để bảo vệ an toàn nhà cửa, tài sản; tuyên truyền, hướng dẫn, giúp đỡ nhân dân ở khu vực nguy cơ sạt lở di dời đến vị trí tránh trú an toàn; cử lực lượng canh gác, tuần tra ở các khu vực nguy hiểm để hướng dẫn việc giao thông trong khu vực. Khi thiên tai xảy ra, điều động lực lượng, phương tiện tham gia cứu hộ, cứu nạn, kịp thời hỗ trợ lương thực, thực phẩm, đồ dùng sinh hoạt cho người dân bị ảnh hưởng do thiên tai… tập trung lực lượng, phương tiện, phối hợp với địa phương nhanh chóng nắm chắc tình hình thiệt hại, báo cáo đề nghị trên để tập trung khắc phục hậu quả.

Mặt khác, Đoàn đã phối hợp với Ban Chỉ huy Quân sự huyện A Lưới, Đồn biên phòng Cửa khẩu A Đớt tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng sát với đặc điểm tình hình địa bàn. Trong đó, chú trọng luyện tập các phương án chiến đấu tại chỗ, phòng chống cháy rừng, bão lụt, cứu hộ, cứu nạn, chống các hoạt động xâm nhập biên giới; phối hợp tuần tra, canh gác, góp phần bảo vệ vững chắc địa bàn, không để xảy ra cháy rừng.

Nhờ công tác chuẩn bị tốt về mọi mặt, nên khi có tình huống xảy ra, Đoàn 92 không lúng túng, bị động, mà luôn sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao trước sự tàn phá của “giặc thiên tai”. Tính từ 5 năm trở lại đây, Đoàn 92 đã huy động hơn 2.000 lượt cán bộ, nhân viên, TTTTN tham gia phòng chống thiên tai, cháy rừng, dịch bệnh và giúp đỡ bà con Nhân dân khắc phục hậu quả do mưa lũ, lốc xoáy như sửa sang nhà ở, chuồng trại, hoa màu. Tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ, tặng quà các gia đình bị ảnh hưởng do mưa lũ, lốc xoáy, phòng chống dịch bệnh với tổng số tiền hơn 500 triệu đồng.

Những đóng góp của cán bộ, nhân viên, TTTTN Đoàn 92 đã góp phần cùng cấp uỷ, chính quyền địa phương xây dựng vùng biên ngày một khởi sắc, môi trường sinh thái luôn được củng cố; hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ Đoàn 92 luôn toả sáng nơi biên cương và được cấp uỷ, chính quyền, nhân dân địa phương nơi biên cương xứ Huế tin tưởng và đùm bọc, che chở, luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Từ thực tiễn công tác, để chủ động, phòng chống thiên tai, khắc phục sự cố môi trường, Đoàn 92 rút ra một số kinh nghiệm để hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn trong thời gian tới đó là:

Trước hết: Phát huy vai trò trách nhiệm cho cấp uỷ, chỉ huy các cấp trong việc phối hợp với cấp uỷ, chính quyền, nhân dân địa phương tích cực chủ động phòng chống thiên tai, khắc phục sự cố môi trường, nhất là vai trò tiên phong đi đầu của cán bộ chủ trì các cấp trong tham gia phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn. Làm tốt công tác giáo dục, tuyên truyền, cảnh báo, nâng cao nhận thức cấp uỷ, chính quyền địa phương, cán bộ, nhân viên, TTTTN đơn vị về vai trò, sự cần thiết phải tiến hành công tác ứng phó sự cố thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, khắc phục sự cố môi trường; coi đây là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên, nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình; xây dựng ý chí quyết tâm, đoàn kết của tập thể đơn vị khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Thứ hai: Phối hợp chặt chẽ với cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể địa phương, nhất là trưởng thôn, bản, thông qua họ, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đồng bào tin tưởng vào Đảng, Nhà nước, Quân đội, đơn vị, Ban quản lý Dự án A So và cấp uỷ, chính quyền địa phương trong xử lý chất độc da cam/ điôxin. Tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học trong chiến tranh. Phối hợp với địa phương tham mưu, đề nghị với các cơ quan chức năng đầu tư nguồn lực giải quyết nhanh, dứt điểm những tác động của chất độc hoá học đối với môi trường sinh thái và sức khoẻ của người dân trên địa bàn đóng quân.

Thứ ba: Tích cực tham gia Phong trào “Hành động vì nạn nhân chất độc da cam”, nhằm khơi dậy tinh thần “tương thân, tương ái”, đạo lý “uống nước, nhớ nguồn”, “thương người như thể thương thân” của dân tộc Việt Nam hỗ trợ, chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam. Phối hợp với cấp uỷ, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân tích cực xây dựng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt, trồng cây, gây rừng, vừa phát triển kinh tế vừa củng cố môi trường sinh thái.

Thứ tư: Thường xuyên phối hợp chặt chẽ với cấp uỷ, chính quyền địa phương, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, phương tiện với phương châm “4 tại chỗ” trong xử lý các tình huống trên địa bàn đóng quân. Chủ động nắm vững tình hình, duy trì trực 24/24 giờ ở các cấp; tổ chức huấn luyện, luyện tập thành thục các phương án sẵn sàng chiến đấu, phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu hộ, cứu sập và phòng, chống cháy rừng. Chuẩn bị tốt phương tiện, vật tư tại chỗ, sẵn sàng cơ động ứng phó nhanh, kịp thời với các tình huống xảy ra. Tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân nâng cao khả năng ứng phó sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, ý thức tự bảo vệ mình, tự ứng cứu lẫn nhau khi có tình huống xảy ra và tinh thần tương thân, tương ái trong cộng đồng.

          Thứ năm: Tổ chức rút kinh nghiệm, biểu dương điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt trong tham gia phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn. Tổ chức bình xét tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, gương người tốt để biểu dương, khen thưởng, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ về hình ảnh, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” giúp dân vượt qua khó khăn, hoạn nạn trong đơn vị. Đồng thời, phải nghiêm túc kiểm điểm, phê bình những tập thể, cá nhân còn hạn chế, thiếu sót trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ để rút kinh nghiệm chung trong đơn vị.

Xây dựng Khu kinh tế quốc phòng trên các địa bàn chiến lược biên giới, miền núi, vùng sâu, vùng xa là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta. Cùng với các Đoàn kinh tế quốc phòng trong toàn quân, Đoàn kinh tế quốc phòng 92 đã và đang góp phần đưa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với đồng bào các dân tộc vùng biên giới xứ Huế; vừa tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, y tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, vừa tham gia tốt công tác khắc phục sự cố môi trường, phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn; củng cố cơ sở chính trị, tăng cường nền Quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững mạnh, tạo niềm tin, chỗ dựa vững chắc cho bà con nhân dân nơi biên cương xứ Huế, góp phần cùng lực lượng vũ trang Quân khu 4 hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.

Đại tá Lưu Đức Chinh

Bí thư Đảng uỷ, Chính uỷ Đoàn 92


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội