A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Về với Cồn Cỏ

Chuyến đi đầu tiên trên con tàu vận tải quân sự số hiệu 15-11-26 của Lữ đoàn Vận tải 654 (Cục Hậu cần Quân khu 4), đưa tôi từ dòng sông Lam ra biển lớn, đến với Cồn Cỏ - hòn “đảo thép” anh hùng thật nhiều cảm xúc mạnh mẽ. Từ những gương mặt thủy thủ đầy quyết tâm đến những con sóng vỗ về, tôi cảm nhận sâu sắc niềm tự hào dân tộc. Trong khoảnh khắc ấy, tình yêu biển, đảo; ý thức về lịch sử hào hùng của dân tộc và sự gắn bó với quê hương ùa về, hòa quyện trong lòng tôi.

Bài 1: Giấc mơ đến với biển

Chuyến đi này tôi có 3 cái đầu tiên: Lần đầu tiên được đi trên con tàu vận tải biển quân sự có sức chở 450 tấn; lần đầu tiên được ngủ nhiều đêm liền trên biển; lần đầu tiên được đến với Cồn Cỏ - Hòn đảo Thép anh hùng nên tâm trạng vừa vui mừng, vừa hồi hộp... Từ lúc di chuyển bằng chiếc ca nô nhỏ trên dòng sông Lam để lên chiếc tàu vận tải quân sự số hiệu 15-11-26 của Lữ đoàn Vận tải 654, Cục Hậu cần Quân khu 4, tôi luôn tự nhủ mình phải đứng thật vững giữa chòng chành sóng nước… Vậy mà, khi bước chân lên con tàu lớn, đôi chân tôi cứ líu ríu, ngỡ ngàng, bởi niềm vui chỉ thời gian ngắn nữa thôi con tàu sẽ đè sóng dòng Lam, hướng ra biển lớn, đến với Cồn Cỏ...

Kíp tàu chuẩn bị rời bến.

 

Tàu chưa xuất bến, nhưng trên những gương mặt thủy thủ mồ hôi cứ đầm đìa chảy dưới cái nắng chiều như thiêu, như đốt của “chảo lửa” miền Trung. Các anh tất bật làm công tác chuẩn bị… Giữa không khí hối hả ấy, tôi ngước nhìn lên thấy lá cờ đỏ sao vàng phần phật tung bay ở nơi cao nhất của con tàu… Phía xa, sau màu đỏ tự hào ấy là núi Quyết, cầu Bến Thủy như rực lên, lóa sáng dưới nắng chiều… Tôi cứ nghĩ, chuyến đi này là mạch nguồn kết nối những trang sử hào hùng, oanh liệt giữa các địa danh “rực lửa chiến công” trên dải đất, sông núi, biển trời của khúc ruột miền Trung… Những liên tưởng trong dòng chảy màu đỏ truyền thống ấy lại càng làm tôi xốn xang hơn…

Bước lên buồng lái và được phép của người chỉ huy tàu, tôi ngồi vào chiếc ghế của người lái tàu. Hai tay tôi run run đặt vào vị trí điều khiển theo hướng dẫn của các thủy thủ, mắt hướng về phía trước. Trước mắt tôi, sóng của dòng Lam Giang như ánh lên, nhảy múa tý tách dưới nắng chiều vàng rộm, chia vui cùng tôi. Niềm vui chỉ lát nữa thôi, con tàu khởi hành đưa tôi đắm mình trong sóng xanh, biển biếc quê hương, đến với Cồn Cỏ...

Thủy thủ tàu 15-11-26 vững vàng tay lái trên hải trình đến với đảo Cồn Cỏ.

 

Được ngồi trên chiếc ghế lái của một con tàu lớn (dù chỉ là tượng trưng để biết công việc của người lái tàu) mà tôi thấy như ước mơ từ thuở bé của mình đã thành hiện thực. Tôi sinh ra từ rừng, qua lời cha kể, qua trang sách học trò… biển trong giấc mơ tôi cứ chập chờn như chiếc giường khổng lồ, mênh mang, tít tắp trải rộng cho đến khi trời, nước gặp nhau... Tôi nằm trên chiếc giường biển khơi, ngàn con sóng như ngàn chiếc võng cứ chao nghiêng ru tôi ngủ… Lớn lên, tôi vào bộ đội, được đi xa, được nhìn thấy biển, được biết về Hoàng Sa, Trường Sa trong những trang sử, câu thơ dậy sóng… biết được các thế hệ ông cha đã có bao người ngã xuống để làm nên một con đường Hồ Chí Minh trên biển… và cả những thế hệ nối tiếp thế hệ cưỡi sóng Biển Đông, chống chọi với thiên tai, giặc dã (dẫu trong tay không một tấc sắt, trước sự tấn công hung hãn của những con tàu lạ) vẫn kiên cường bám biển… Tôi mới hiểu biển cũng thật dữ dội… Êm ả, bao la, cuồng phong, dữ dội đã nuôi lớn trong tôi tình yêu biển…

Tình yêu ấy cứ lớn dần theo năm tháng… đến hôm nay tôi được đi biển dài ngày và càng ý nghĩa hơn khi tôi được về với Cồn Cỏ - “Chiến hạm nổi” giữa biển khơi, nơi hàng ngàn tấn bom đạn của đế quốc Mỹ trút xuống cũng không thể nhấn chìm…

17 giờ 21 phút con tàu xuất bến… Từ người chỉ huy đến các thủy thủ trên tàu đều thể hiện rõ quyết tâm: Vận hành tàu, xử lý các tình huống đúng kế hoạch, hải trình, đảm bảo an toàn tuyệt đối… Qua những cuộc trò chuyện, tôi biết các anh đều mơ ước sẽ có lần lái chính con tàu thân yêu của mình đến với Trường Sa… Những chuyến đi, huấn luyện, vận chuyển hàng hóa đến với đảo Hòn Mê, đảo Ngư, đảo Mắt, đảo Sơn Dương, đảo Hòn La, đảo Cồn Cỏ của dải đất Quân khu 4 từ Tam Điệp đến Hải Vân… là một lần tích lũy kinh nghiệm chuẩn bị cho các hải trình xa hơn, thực hiện nhiệm vụ lớn hơn khi Tổ quốc cần…

Đại tá Trần Văn Chiến, Lữ đoàn trưởng kiểm tra hải trình ban đêm của chỉ huy tàu 15-11-26.

 

18 giờ 30 phút tàu rẽ sóng Cửa Hội, hướng ra biển theo phía phải đảo Hòn Ngư. Đã có lần được theo tàu của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An ra đảo Mắt nên tôi biết sóng Cửa Hội là sóng ngang, phải thật vững tay lái mới đảm bảo an toàn. Trời chạng vạng tối, trong ánh sáng mờ mờ dần bủa vây mặt biển, những con tàu của ngư dân sau một chuyến ra khơi đang hối hả trở về. Giữa sóng nước chiêng chao, tôi thấy trên những chiếc tàu cá, ngư dân đều giơ tay chào khi gặp tàu quân sự đi qua… Hình ảnh ấy thật gần gũi, thân quen như bộ đội chúng tôi vẫn chào nhau bằng điều lệnh… Tôi bấm số điện thoại gọi cho anh ngư dân ở Cửa Lò (người ngư dân can trường bám biển mà tôi quen từ dạo đi tìm hiểu để viết bài khi Biển Đông không yên ả vì bị nhiều tàu lạ hung hãn tấn công). Gia đình anh, thế hệ nối tiếp thế hệ, từ đời kỵ, đời cụ, đời ông, đời cha, đời con đều làm nghề đi biển và gắn bó với ngư trường Hoàng Sa. Vượt đạn bom trong chiến tranh, vượt sự côn đồ, trơ tráo, hung hãn của tàu lạ và những kẻ có dã tâm xấu trong thời bình… lớp cha trước, lớp con sau của gia đình anh luôn coi vùng biển Hoàng Sa là nhà và như anh nói: Hoàng Sa là máu thịt của đất nước mình, một tấc biển không thể tách rời…

KIểm tra hải trình.

 

Anh lý giải cho tôi biết, khi gặp tàu quân sự, ngư dân không ai bảo ai đều giơ tay chào bởi đối với họ đó là tín hiệu bình yên… Làm nghề biển lênh đênh, cách bờ xa thẳm, nhưng ở bên cạnh, đồng hành với ngư dân luôn có tàu của lực lượng kiểm ngư, hải quân, cảnh sát biển, tàu vận tải quân sự… nên dẫu chỉ một sự cố nhỏ thôi và cả khi có tàu lạ hung hăng chèn ép… thỉ chỉ sau cuộc gọi từ bộ đàm tàu của các lực lượng Quân đội hoạt động trên biển luôn có mặt để hỗ trợ ngư dân. Vì thế, mỗi khi nhìn thấy lá cờ Tổ quốc tung bay và ngôi sao vàng trên con tàu quân sự, mọi ngư dân đều giơ tay chào… Lời của anh ngư dân can trường bám biển Hoàng Sa, gợi cho tôi nhớ đến, nhiệm vụ của các thủy thủ trên con tàu 15-11-26, nhiệm vụ của Lữ đoàn vận tải 654 không chỉ là vận tải hàng hóa quân sự mà còn cứu hộ, cứu nạn khi ngư dân gặp sự cố trên sông, trên biển. Năm 2014, con tàu vận tải với sức chở 2000 tấn của Công ty TNHH Thương mại Thịnh An gặp sự cố bị trôi dạt ở vùng biển đảo Mê, Thanh Hóa, tàu 15-11-26 của Lữ đoàn đã vượt sóng biển khơi, cứu hộ, lai dắt con tàu bị nạn vào cảng Bến Thủy an toàn.

Bài, ảnh: HỒ LĨNH


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội