A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xây dựng Bảo tàng Quân khu 4, hiện đại, xứng tầm với vị thế di tích lịch sử Quốc gia.

Nhà trưng bày Bảo tàng Quân khu 4 được xây dựng từ năm 1993, đến nay đã hết niên hạn sử dụng. Trải qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa, Nhà trưng bày cùng với nhà ở của cán bộ, nhân viên đang đối mặt với sự xuống cấp nghiêm trọng, điều kiện cơ sở vật chất không còn đảm bảo được tính thẩm mỹ và an toàn cho các hoạt động trưng bày, bảo quản hiện vật. Việc xây dựng mới Bảo tàng Quân khu 4 không chỉ là cần thiết mà nhằm bảo tồn di sản lịch sử, phát huy các giá trị văn hóa, đồng thời hướng đến xây dựng Bảo tàng Quân khu 4 hiện đại, xứng tầm với vị thế di tích lịch sử Quốc gia.

Nhà trưng bày Bảo tàng Quân khu 4 được xây dựng từ năm 1993.

 

Bảo tàng Quân khu 4 được thành lập ngày 22/12/1966. Gần 60 năm xây dựng và trưởng thành, đơn vị đã từng bước sưu tầm, bảo quản, trưng bày gần 30.000 hiện vật, hình ảnh, tài liệu, trong đó có nhiều hiện vật độc đáo, góp phần tái hiện sinh động những giá trị lịch sử văn hóa quân sự tiêu biểu của đất và người Khu 4. Đặc biệt, tại đây ngày 15/6/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm và nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Quân khu nhân dịp Người về thăm quê sau 50 năm xa cách.

Nhằm xây dựng Bảo tàng Quân khu 4 nhằm đáp ứng yêu cầu và trưng bày hiện vật, nâng cao tầm vóc và vị thế của Bảo tàng, xứng tầm với giá trị, lịch sử, tuyền thống cách mạng, dự án xây dựng lại Bảo tàng Quân khu 4 đã được phê duyệt theo Quyết định số 2456/QĐ-BQP ngày 12/6/2024 của Bộ Quốc phòng. Đây được coi là công trình chào mừng kỷ niệm 80 năm ngày truyền thống LLVT Quân khu 4”. Quy hoạch tổng mặt bằng doanh trại đã được Tư lệnh Quân khu phê duyệt, đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn hiện đại và yêu cầu về bảo tồn lịch sử.

Bác Hồ thăm cán bộ, chiến sĩ Quân khu 4 năm 1957 - Ảnh tư liệu.

 

Từ ngày 10/8/2023 đến 10/9/2023, Cục Chính trị Quân khu đã mời 12 đơn vị tư vấn thiết kế uy tín tham gia dự án. Sau khi xem xét và đánh giá kỹ lưỡng, Cục Chính trị đã chọn lọc 4 phương án quy hoạch tổng mặt bằng và 6 phương án kiến trúc nhà trưng bày. Các phương án này đã được 55 đầu mối ý kiến là tướng lĩnh, nguyên thủ trưởng Bộ Tư lệnh, nguyên thủ trưởng Cục Chính trị Quân khu; lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị; các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành đánh giá cao với 98,18% đồng thuận về phương án quy hoạch và kiến trúc.

Trang 1, Quyết định phê duyệt dự án Bảo tàng Quân khu 4.

 

Trong đó, ngoài việc đồng thuận chủ trương xây dựng mới Bảo tàng, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu quan tâm đến việc bố trí khu vệ sinh trong nhà phải đảm bảo không ảnh hưởng đến các hoạt động khác, các phương án kiến trúc phải thể hiện được nét đặc trưng của Quân khu 4. Thượng tướng Mai Quang Phấn, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam cho rằng phải chú trọng công năng sử dụng, cần mang tính lưỡng dụng, đón đầu được xu thế phát triển trong tương lai, thu hút được nhiều du khách tham quan để Bảo tàng phát triển theo mô hình tự chủ. Thiếu tướng Nguyễn Xuân Chí, nguyên Bí thư Đảng ủy, Phó Tư lệnh Quân khu là người được giao phụ trách, chỉ đạo trực tiếp quá trình xây dựng Nhà trưng bày Bảo tàng giai đoạn 1991-1993 đã góp ý và truyền đạt lại một số kinh nghiệm trong quá trình quản lý, xây dựng. Thiếu tướng Nguyễn Phong Phú, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Quân khu rất chú trọng đến ý tưởng thể hiện, ý nghĩa của từng phương án kiến trúc, việc bố trí các phân khu chức năng, việc bố trí tuyến tham quan, cầu thang trong nhà phải phù hợp với tất cả các đối tượng, đặc biệt là trẻ em, người cao tuổi, thương binh và người khuyết tật…

Đồng chí Bùi Công Vinh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Nghệ An phát biểu tại Hội nghị thông qua quy hoạch tổng thể mặt bằng doanh trại, phương án kiến trúc công trình và đề cương sơ bộ nội dung trưng bày Bảo tàng Quân khu 4, ngày 21/9/2023 - Ảnh: HUY CƯỜNG.
PGS, TS Trần Ngọc Long, Trưởng Khoa Xây dựng, Trường Đại học Vinh phát biểu ý kiến tại Hội nghị thông qua quy hoạch tổng thể mặt bằng doanh trại, phương án kiến trúc công trình và đề cương sơ bộ nội dung trưng bày Bảo tàng Quân khu 4, ngày 21/9/2023 - Ảnh: HUY CƯỜNG.

 

Đại tá Trần Ngọc Quang, Giám đốc Bảo tàng Quân khu 4 cho biết, trong thời đại công nghệ số, Bảo tàng cần được hiện đại hóa để tăng tính tương tác và trải nghiệm cho khách tham quan. Các công nghệ mới như thực tế ảo (VR), hệ thống trưng bày thông minh… sẽ giúp người xem tiếp cận thông tin một cách dễ dàng, sinh động, góp phần nâng cao giá trị giáo dục và quảng bá văn hóa, lịch sử. Nhà trưng bày cũ của Bảo tàng chưa đáp ứng được yêu cầu này. “Ngoài ra, với vị trí trung tâm của thành phố Vinh, Bảo tàng mới sẽ trở thành điểm nhấn quan trọng trong không gian đô thị, góp phần vào việc phát triển hạ tầng văn hóa. Sự hiện diện của một công trình văn hóa tầm cỡ không chỉ nâng cao hình ảnh của Quân khu 4 mà còn thúc đẩy du lịch, tạo cơ hội giao lưu văn hóa và thu hút sự quan tâm của người dân cũng như du khách quốc tế, làm phong phú thêm diện mạo đô thị hiện đại” – Đại tá Trần Ngọc Quang nhấn mạnh thêm.

Có thể nói, quyết định xây dựng lại Bảo tàng Quân khu 4 không chỉ là giải pháp cấp bách trước tình trạng xuống cấp của cơ sở vật chất, mà còn là quyết định chiến lược nhằm khẳng định giá trị lịch sử và vai trò quan trọng của công giáo dục truyền thống trong giai đoạn cách mạng mới.

Bài, ảnh: CẢNH VINH


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội