A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quê hương ơn nghĩa sinh thành

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người con ưu tú của quê hương Lại Đà, xã Đông Hội (Đông Anh, Hà Nội) đã về với thế giới người hiền. Hình ảnh một vị lãnh đạo cấp cao trở về làng trong bộ trang phục giản dị, ngồi bậc thềm tâm sự với các bậc cao niên, dân dã ngồi gói bánh chưng ngày Tết... giờ được kể mãi trong hoài niệm nhớ thương.

Trong tình làng, nghĩa xóm

Ngôi làng cổ Lại Đà nằm bên bờ sông Đuống những ngày này trở nên âm thầm, lặng lẽ. Mọi người dân đều hướng về khu nhà cổ kính tường gạch đá ong của Tổng Bí thư thời niên thiếu cùng gia đình với niềm khắc khoải nhớ thương. Để thực hiện nghi lễ tiễn ông trước lúc đi xa lần cuối, mấy hôm nay, rất nhiều bà con thôn xóm hối hả, tất bật dọn dẹp, trang hoàng đình làng, thôn xóm, bảo đảm trang trọng, chu đáo.

Quê hương ơn nghĩa sinh thành
Đồng chí Ngô Duy Chinh ôn lại kỷ niệm về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

 

Dẫn chúng tôi đi trên con đường trục chính của làng dẫn lối qua cụm di tích lịch sử đình, chùa, miếu, lên tới con đê sông Đuống, ông Ngô Duy Chinh, 60 tuổi, ở thôn Lại Đà, xã Đông Hội tâm sự: “Con đường này đã gắn liền với bao kỷ niệm của đồng chí Tổng Bí thư. Xưa kia, đây là con đường cậu học trò Nguyễn Phú Trọng đi bộ ra bến đò Đông Ngàn để vượt sông sang Trường Nguyễn Gia Thiều, huyện Gia Lâm (nay thuộc quận Long Biên, thành phố Hà Nội) học. Sau này, mỗi lần về thăm quê, Tổng Bí thư hầu như đều đi bộ, qua đình làng, rồi thường dành thời gian đi thăm các hộ cao tuổi, hộ nghèo, các cháu nhỏ. Tình cảm của bác với quê hương rất sâu sắc”. Theo người dân Lại Đà, cách đây tròn nửa tháng, dù sức khỏe đã yếu song Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn về thăm nhà, thắp hương tổ tiên, ngắm lại ngôi nhà mới sửa sang. Không ai ngờ, đó là lần cuối cùng ông về thăm quê hương...

Mở điện thoại cho chúng tôi xem hình ảnh Tổng Bí thư trong những lần về thăm quê, ông Nguyễn Phú Việt, Bí thư Chi bộ thôn Lại Đà xúc động cho biết: “Dù biết quy luật sinh-lão-bệnh-tử nhưng chiều hôm ấy, nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, tôi không khỏi bàng hoàng, xót xa. Một con người hết lòng vì dân, vì nước, suốt đời cống hiến cho sự nghiệp của Đảng, Nhà nước đã về với thế giới người hiền”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong một lần về thăm quê hương thôn Lại Đà (xã Đông Hội, huyện Đông Anh).

 

Với người dân Lại Đà, sẽ chẳng thể nào quên hình ảnh vị lãnh đạo cấp cao nhưng luôn gần gũi, mộc mạc, gần dân. Ông Ngô Duy Chinh kể lại, năm 2012, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về quê nhà đúng dịp bà con đang tổ chức khao thọ cho các bậc cao niên trong làng. Hôm ấy, ông Chinh đang ngồi dùng cơm tại gia đình người chú họ là ông Nguyễn Phú Sơn (bạn học cùng lớp cấp 1 với đồng chí Nguyễn Phú Trọng). Lúc gia đình đang dùng bữa thì bất ngờ nghe tiếng đồng chí Tổng Bí thư ngoài cửa. Không chỉ chúc thọ người bạn của mình, đồng chí Nguyễn Phú Trọng còn nán lại dùng bữa cơm thân mật với gia đình rồi mới đến các gia đình khác. Tình cảm ấy thật gần gũi, nồng hậu, cao quý mà cả cuộc đời mình ông Chinh không sao quên được.

Cũng bởi sự thân tình ấy mà cứ đến ngày việc họ (giỗ Tổ) hay các dịp làng mở lễ hội, bà con thôn Lại Đà đều mong mỏi được đón đồng chí Nguyễn Phú Trọng về dự. Đồng chí Phạm Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông Hội nhớ nhất là vào mồng 9 Tết Giáp Ngọ 2014, dân làng tổ chức Lễ chúc thọ cho các cụ cao niên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã về dự và nhận cờ mừng thọ 70 tuổi. Đồng chí Phạm Tiến Dũng kể lại: “Sau khi chúc sức khỏe các cụ cao niên trong làng, Tổng Bí thư bày tỏ xúc động và luôn mang ơn nghĩa nặng tình sâu của bà con quê hương; đi đâu cũng nghĩ mình là dân Đông Anh, dân Đông Hội, dân Lại Đà và hứa sẽ giữ gìn để xứng đáng với sự tin cậy của lãnh đạo, của dân làng”.

Về thôn Lại Đà, chúng tôi còn được chứng kiến tình cảm sâu sắc của những người bạn thuở hàn vi đối với đồng chí Tổng Bí thư. Một trong những người bạn thiếu thời gắn bó ấy là ông Vương Khắc Côn, 81 tuổi, ở xóm 7, thôn Lại Đà. Ông Côn và đồng chí Nguyễn Phú Trọng học chung với nhau suốt thời cấp 1, cấp 2. Tuổi thơ của hai ông là những buổi đầu trần, chân đất, áo mỏng đi bộ tới trường. Cả hai cùng là thành viên đội văn nghệ thiếu nhi của thôn Lại Đà, thường biểu diễn trong các dịp lễ, hội.

Quê hương ơn nghĩa sinh thành
Ông Vương Khắc Côn, bạn học cùng lớp với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ôn lại kỷ niệm.

 

Ông Côn cho biết: “Tuổi thơ chúng tôi lúc ấy là những bữa cơm trộn với củ khoai, củ sắn, những buổi chiều cùng nhau tắm sông. Anh Trọng vất vả hơn cả, bởi bố mẹ đều làm nông, gia đình đông anh chị em. Thế nhưng anh Trọng lại có một nghị lực lớn, luôn ham học hỏi, điềm đạm, từ tốn và học rất giỏi, nhất là môn Văn”. Cũng theo lời ông Côn, dù sau này, khi đã đảm nhiệm cương vị lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhưng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn luôn quan tâm, thăm hỏi thầy, cô giáo, bạn bè cùng trang lứa. Có việc hiếu, việc hỷ, dù bận việc không về được nhưng ông đều nhắn tin, gọi điện thăm hỏi, động viên. Tình cảm chân tình đó, không chỉ tôi mà bà con quê hương rất xúc động, trân trọng”. Trong một lần gặp lại bạn cũ, ông Vương Khắc Côn đã làm bài thơ có tựa đề "Gặp bạn học cũ" gửi tặng Tổng Bí thư, với những câu thơ: "Họ hàng làng xóm tự hào/ Dân yêu, Đảng trọng, tin vào nơi anh/ Với lòng quyết chí trung thành/ Mở ra một cuộc đấu tranh tuyệt vời...".

Đoàn kết, quyết tâm xây dựng quê hương

Đồng chí Phạm Tiến Dũng cho rằng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một người rất khiêm tốn, giản dị, gần gũi với nhân dân, nhưng trong công việc thì rất kiên quyết và cụ thể. Đặc biệt, đồng chí Tổng Bí thư rất quan tâm đến vấn đề “tam nông”: Nông nghiệp, nông thôn, nông dân ở xã Đông Hội. Sự quan tâm, trăn trở ấy thể hiện rõ trong nhiều lần gặp gỡ, trong những bài phát biểu trước nhân dân và chính quyền địa phương.

Đồng chí Dũng nhớ lại cuộc gặp mặt cán bộ xa quê đang công tác ở trong nước và nước ngoài diễn ra tại Nhà văn hóa thôn Lại Đà, dịp Tết Nguyên đán 2014. Phát biểu lúc ấy, đồng chí Tổng Bí thư đặc biệt quan tâm đến chiến lược phát triển, đầu tư xây dựng cơ bản và vấn đề nông nghiệp, nông thôn trước những biến đổi của công cuộc hiện đại hóa, đô thị hóa ở Đông Hội. Để có những quyết sách đúng đắn, theo đồng chí Tổng Bí thư, vấn đề cốt lõi là phải xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực, trình độ và phải có tâm; đồng thời phải đề cao vai trò và huy động được sức dân. Bởi muốn đất nước phát triển bền vững, cần phải “khoan thư sức dân”, nghĩa là làm sao để mọi người dân được sống mạnh khỏe, an cư, an toàn, an tâm và hạnh phúc.

Đồng chí Dũng cho rằng, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp xã Đông Hội đã tập trung xây dựng chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, tập trung quy hoạch và xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; xây dựng, sàng lọc đội ngũ cán bộ, nâng cao lý luận chính trị, đào tạo cơ bản, tạo nguồn cán bộ chủ chốt. Trong đó, Hội Nông dân thực hiện hiệu quả các mô hình như: Mỗi xã một sản phẩm; chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp gắn với thương mại, dịch vụ... Nhờ đó, bộ mặt nông thôn mới có nhiều khởi sắc. Theo đồng chí Lê Thế Chuyên, Bí thư Đảng ủy xã Đông Hội, thực hiện lời căn dặn của Tổng Bí thư, Đảng bộ và nhân dân xã Đông Hội luôn phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết, sáng tạo trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, nhằm xây dựng quê hương Đông Hội ngày càng giàu đẹp, văn minh. Từ một xã nghèo của huyện Đông Anh, đến nay, Đông Hội đã trở thành xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân từng bước được cải thiện.

Nguồn: Báo QĐND


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội