Quốc hội sẽ xem xét việc sửa đổi Luật Sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam vào năm nay
Chính phủ đã thông qua 4 đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trong đó có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Chiều 11-7, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 35, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tổng kết Kỳ họp thứ bảy và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV.
Tại phiên họp, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, tiếp nối thành công và kết quả tốt đẹp của Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, sau 27,5 ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV đã thành công tốt đẹp, hoàn thành khối lượng lớn công việc trên cả ba lĩnh vực lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, tiếp tục đổi mới, cải tiến, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tiễn.
Quốc hội đã thông qua 11 luật, 21 nghị quyết (trong đó có 3 nghị quyết quy phạm pháp luật); cho ý kiến lần đầu về 11 dự án luật và xem xét nhiều báo cáo quan trọng khác; trong đó, đã xem xét, quyết định kiện toàn nhân sự cấp cao của Nhà nước. Các nội dung được xem xét, quyết định thuộc nhiều lĩnh vực với nhiều vấn đề quan trọng, góp phần xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, toàn diện, giải quyết căn cơ những bất cập, điểm nghẽn, vướng mắc trong thực tiễn; tạo động lực thúc đẩy sự phục hồi và phát triển kinh tế, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của đất nước trong thời kỳ phát triển mới.
Đặc biệt, công tác nhân sự được tiến hành thận trọng, đúng định hướng của Đảng với quy trình, thủ tục chặt chẽ theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch, đạt được sự đồng thuận, thống nhất rất cao của các đại biểu Quốc hội. Lễ tuyên thệ, nhậm chức của Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội được tổ chức trang trọng, truyền hình, phát thanh trực tiếp, nhận được sự đồng thuận rất cao của đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân...
Về chuẩn bị Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ, do số lượng nội dung lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng tại Kỳ họp thứ tám rất lớn, nhiều nội dung khó, phức tạp nên đề xuất tiếp tục tổ chức Kỳ họp thứ tám theo 2 đợt họp (với khoảng cách 9 ngày giữa 2 đợt họp) để có thời gian cho các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan hữu quan tiếp thu, giải trình các ý kiến của đại biểu Quốc hội, chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo luật, nghị quyết với chất lượng tốt nhất trước khi trình Quốc hội thông qua.
Như vậy, dự kiến Quốc hội làm việc trong thời gian 23,75 ngày, khai mạc vào ngày 21-10-2024; bế mạc vào ngày 28-11-2024; dự phòng ngày 29-11-2024.
Trường hợp có các dự án luật, nghị quyết được bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV thì thời gian tiến hành kỳ họp sẽ tăng thêm 1 - 2 ngày, dự kiến bế mạc muộn nhất vào ngày 30-11-2024.
* Phát biểu tại phiên họp, Phó thủ tướng Lê Thành Long tán thành chia Kỳ họp thứ tám thành 2 đợt, thống nhất với ý kiến của Chủ tịch Quốc hội là Ban cán sự Đảng Chính phủ và Đảng đoàn Quốc hội sẽ họp với nhau sớm hơn các kỳ họp trước, trước khi khai mạc Kỳ họp thứ tám khoảng một tháng.
Phó thủ tướng Lê Thành Long cho biết, Chính phủ đã thông qua 4 đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 gồm: Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; Luật Phòng bệnh; Luật Dữ liệu; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.
Nguồn: BÁO QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận