A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sự phát triển nghệ thuật chiến dịch trong chiến dịch Điện Biên Phủ

70 năm trôi qua nhưng chiến dịch Điện Biên Phủ mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, Chi Lăng hay một đống Đa trong thế kỷ XX và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đập tan thành trì của chủ nghĩa thực dân. Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ là kết tinh của nhiều yếu tố mà trong đó là thắng lợi của đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam. Đó là sự kết hợp cả ba lĩnh vực gồm chiến lược quân sự, nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về bảy nghệ thuật chiến dịch đặc sắc trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Một là, nghệ thuật xác định phương châm chiến dịch đúng "đánh chắc, tiến chắc".

Ban đầu phương châm chiến dịch được xác định là "đánh nhanh, giải quyết nhanh". Ngày 14 tháng 01 năm 1954, tại Thẩm Púa, Bộ Chỉ huy chiến dịch đã phê chuẩn kế hoạch tiến công Điện Biên Phủ theo phương châm đó.

Trong quá trình chuẩn bị chiến dịch, qua theo dõi phân tích tình hình, ngày 25 tháng 01 năm 1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quyết định cho dừng nổ súng để chuyển sang phương châm mới là “đánh chắc, tiến chắc”. Có sự thay đổi phương châm tác chiến chiến dịch là vì địch đã tăng quân số lên 12 tiểu đoàn, 3 đại đội bộ binh, 1 đại đội xe tăng, 1 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội vận tải, 1 phi đội máy bay, với hệ thống công sự kiên cố vững chắc, liên hoàn, hoả lực mạnh. Chia thành 3 phân khu, với 49 cứ điểm, khoanh thành 8 cụm cứ điểm, mỗi cứ điểm và cụm cứ điểm có khả năng độc lập tác chiến. (Quá trình chiến dịch, địch tăng viện 4 tiểu đoàn bộ binh, 2 đại đội dù và các lực lượng khác khoảng 4.000 tên, đưa tổng quân số của Pháp ở Điện Biên Phủ lên tới 16.200 tên).

Bộ đội ta kéo pháo vào trận địa trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

 

Địa hình Điện Biên Phủ là một thung lũng rộng lớn nằm ở phía Tây vùng rừng núi Tây Bắc, cách Hà Nội khoảng 300km, cách Luông Pha Băng 190km, có chiều rộng (Đông - Tây) từ 6 - 8km, chiều dài (Bắc - Nam) 18 - 20km nằm giáp biên giới Việt - Lào. Bao bọc xung quanh là một vùng rừng núi trùng điệp, độ cao trung bình 500m, có các mỏm đột xuất cao tới 1.461m, độ dốc lớn, án ngữ các con đường vào khu trung tâm. Khó khăn cho ta là khi pháo vào gần, khó giữ được bí mật khi tác chiến ban ngày, bộ đội dễ bị hỏa lực địch sát thương, các sông suối chia cắt. Địa hình có lợi cho phòng ngự, bất lợi cho tiến công, không cho phép chiến dịch triển khai “đánh nhanh, giải quyết nhanh”.

Công tác chuẩn bị cho tác chiến của chiến dịch chưa hoàn chỉnh, pháo binh chưa vào chiếm lĩnh xong, hướng Đại đoàn 312 hậu cần chưa bảo đảm đủ; bộ đội lại chưa có kinh nghiệm tác chiến hiệp đồng quy mô lớn; cán bộ, chiến sĩ chưa có nhiều kinh nghiệm tiến công tập đoàn cứ điểm, các biện pháp hạn chế hoả lực địch chưa chắc chắn.

Do vậy, nếu “đánh nhanh, giải quyết nhanh thì không bảo đảm chắc thắng”. Ngược lại với phương châm "đánh chắc, tiến chắc", ta có điều kiện chủ động về thời gian, chủ động lựa chọn mục tiêu, mục tiêu nào thấy chuẩn bị chắc thắng thì đánh, cho phép chiến dịch tập trung ưu thế tuyệt đối vào từng trận đánh, bảo đảm chắc thắng, phù hợp với nguyên tắc chỉ đạo tác chiến, tạo điều kiện cho chiến dịch vận dụng linh hoạt được các hình thức chiến thuật trong quá trình tiến công (đánh từng bước, xây dựng trận địa bao vây tiến công, triệt đường tiếp tế của địch).

"Đánh chắc, tiến chắc" sẽ hạn chế đến mức thấp nhất chỗ mạnh của địch đó là hoả lực pháo binh và không quân, đồng thời khoét sâu chỗ yếu của chúng là bao vây cô lập, tiếp tế tăng viện khó khăn, đồng thời, hạn chế thương vong của bộ đội ta do hoả lực địch gây ra và phù hợp với trình độ của bộ đội lúc bấy giờ (bộ đội lúc đó mới có kinh nghiệm tiến công tiêu diệt từng cụm cứ điểm cỡ 1 tiểu đoàn địch, nay tiến lên tiêu diệt cụm cứ điểm nằm trong tập đoàn cứ điểm).

Từ những lý do trên, Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định thay đổi phương châm từ "đánh nhanh, giải quyết nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc" là hoàn toàn đúng đắn, khoa học và thực tế đã chứng minh cho sự đúng đắn đó.

Hai là, nghệ thuật vận dụng cách đánh chiến dịch hiểm, phát huy thế mạnh của ta, khoét sâu chỗ yếu của địch.

Cách đánh chiến dịch Điện Biên Phủ là: "vây hãm" kết hợp với "đột phá" lần lượt có trọng điểm từ ngoài vào trong tiêu diệt từng bộ phận, làm suy yếu địch, tiến tới tổng công kích tiêu diệt toàn bộ quân địch.

Dựa vào hệ thống trận địa, thực hành vây hãm kết hợp với đột phá lần lượt có trọng điểm từ ngoài vào trong, tiêu diệt từng bộ phận, làm suy yếu, tiến tới tổng công kích tiêu diệt toàn bộ quân địch. (Đào khoảng 400km chiến hào bao vây từng khu vực, từng cụm cứ điểm của địch) mọi kế hoạch tháo chạy của địch đều không thể thực hiện được.

Bộ đội đào hào vây hãm các cứ điểm địch. Ảnh tư liệu

 

Kết hợp đánh chính diện với các mũi thọc sâu, luồn sâu, tạo thế chia cắt, tiêu diệt từng bộ phận, làm suy yếu địch. (Từ trung tuần tháng 4, ta đã đào hào cắt đôi sân bay Mường Thanh từ hướng Tây, Đông...). Kết hợp các đợt đánh lớn và thường xuyên vây lấn ngày càng xiết chặt vòng vây từng cụm cứ điểm và tập đoàn cứ điểm, chia cắt thế trận liên hoàn của chúng, tạo thời cơ thực hành tổng công kích tiêu diệt toàn bộ quân địch.

Đã xây dựng được thế trận tiến công và bao vây rộng lớn, thực hiện chia cắt chiến lược, chiến dịch, chiến thuật trên cả phạm vi lớn và nhỏ. Dùng lực lượng nhỏ đánh lấn, bắn tỉa, làm cho địch căng thẳng tinh thần.

Điển hình ở phân khu Nam, trong nửa tháng các tổ thiện xạ của Trung đoàn 57 đã diệt khoảng 100 tên địch, xấp xỉ bằng số địch bắn tỉa trên toàn phân khu trung tâm (có chiến sĩ diệt 13 tên với 15 viên đạn). Tinh thần của Bộ Chỉ huy chiến dịch: Một viên đạn một tên địch, một viên đạn mấy tên địch, kiên nhẫn, tích cực, nhằm đúng mục tiêu, hễ bắn là trúng. Bao vây siết chặt, khống chế sân bay, tiêu diệt máy bay địch.

Ba là, nghệ thuật xây dựng trận địa tiến công và bao vây rộng lớn, chia cắt và cô lập

Thế trận của ta là bao vây chia cắt chiến lược (tức là cô lập Điện Biên Phủ) với các chiến trường khác. Bao vây chia cắt chiến dịch (ở chiến trường Điện Biên Phủ). Bao vây chia cắt chiến thuật (từng cứ điểm). Từ tháng 12 năm 1953, ta đã tiến công và chốt trên các ngả đường về Điện Biên Phủ. (Điện Biên Phủ - Lai Châu, Điện Biên Phủ - Tuần Giáo, Điện Biên Phủ - Thượng Lào và 2 đầu con đường độc đạo dọc theo cánh đồng Mường Thanh).

Từ khi thay đổi phương châm, bộ đội ta đã đào hàng trăm kilômét giao thông hào và công sự bao quanh phân khu, ngày càng siết chặt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, khống chế không phận và triệt đường tiếp tế của địch, làm cho kế hoạch tháo chạy của địch không thể thực hiện được.

Bốn là, nghệ thuật tập trung tạo ưu thế binh hoả lực đánh chắc thắng, tiêu diệt từng bộ phận sinh lực, phá vỡ từng mảng phòng ngự, tiến tới tiêu diệt toàn bộ quân địch

Tập trung là nguyên tắc trong tổ chức, sử dụng lực lượng, muốn thắng địch phải mạnh hơn địch. Tập trung bao gồm con người, vũ khí trang bị, phương tiện, bảo đảm, lãnh đạo chỉ huy. Tập trung vào khu vực, mục tiêu chủ yếu, thời điểm quan trọng, trận then chốt, then chốt quyết định.

Bộ đội thực hành xung phong tiêu diệt các cứ điểm địch. Ảnh tư liệu

 

Chiến dịch Điện Biên Phủ, ta tập trung bộ binh: ta 2/địch 1, pháo binh: ta 1/địch 1, địch có hơn 3 tháng xây dựng và củng cố công sự, trận địa, có ưu thế tuyệt đối về máy bay, xe tăng, tình hình trên bên phòng ngự có lợi hơn bên tiến công. Nhưng để chắc thắng, trong từng trận, ta đã tập trung lực lượng tiến công hơn hẳn địch. (Đợt một, đánh Him Lam bộ binh: ta 3/địch 1, pháo binh: ta 10/ địch 1; đánh cứ điểm đồi Độc Lập bộ binh: ta 4,5/ địch 1)1.

Sử dụng lực lượng tập trung như vậy nên trong từng trận đánh ta tạo được ưu thế lực lượng hơn hẳn địch và nhanh chóng giành thắng lợi, mở toang cánh cửa phía Bắc vào phân khu trung tâm.

Năm là, nghệ thuật chỉ đạo vận dụng chiến thuật linh hoạt, sáng tạo

Đây là nội dung thể hiện sự linh hoạt sáng tạo của Bộ Tư lệnh chiến dịch, trước đối tượng địch mạnh, phòng ngự kiên cố, có hỏa lực mạnh, khả năng tiếp ứng, chi viện nhanh bằng đường không.

Để hạn chế điểm mạnh, khoét sâu điểm yếu của địch và phát huy sở trường chiến đấu của bộ đội, ta đã lựa chọn hình thức chiến thuật "vây lấn tiến công", nhằm bảo đảm bí mật, bất ngờ, tạo ra thế chủ động lựa chọn không gian, thời gian và mục tiêu của từng trận đánh, ngoài hình thức chiến thuật "vây lấn tiến công", ta đã chỉ đạo linh hoạt các hình thức chiến thuật, phù hợp với thực tế diễn biến tác chiến.

Trong đợt 2 của chiến dịch Điện Biên Phủ, khi tiến công phân khu trung tâm ở cánh đồng Mường Thanh, đã thể hiện rõ sự linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo chiến thuật.

Sáu là, nghệ thuật hiệp đồng tác chiến của các binh chủng có nhiều phát triển, bảo đảm chặt chẽ, đáp ứng được yêu cầu của chiến dịch

Hiệp đồng phối hợp giữa bộ binh, pháo binh, công binh; giữa lực lượng kiềm chế địch ở phân khu Nam, với lực lượng tiến công địch ở phân khu trung tâm; giữa tiến công tiêu diệt địch ở từng cứ điểm với đánh địch phản kích, bảo vệ mục tiêu đã chiếm, bảo vệ trận địa bao vây tiến công.

Hiệp đồng giữa các trận đánh tiêu diệt lớn với tác chiến tiêu hao rộng rãi của các đơn vị đánh lấn, bắn tỉa, đoạt dù, tiếp tế, luồn sâu, đánh hiểm vào trung tâm tập đoàn cứ điểm.

Sự hiệp đồng chặt chẽ cùng với cách đánh hiểm, làm cho địch đông mà hoá ít, trang bị mạnh mà hoá yếu. Do đó, đến cuối tháng 4, mặc dù ta chưa hoàn toàn làm chủ các điểm cao phía Đông, nhưng đã uy hiếp khu trung tâm, tạo mọi điều kiện chắc thắng cho đợt tiến công thứ ba.

Bảy là, nghệ thuật chủ động khắc phục khó khăn, tạo mọi yếu tố vật chất, tinh thần đưa chiến dịch đến toàn thắng

Về vận tải, ngoài xe của hậu cần còn huy động 21.000 xe đạp thồ, 251.000 dân công, phá hàng trăm thác ghềnh trên sông Nậm Na, đưa hàng ngàn tấn vật chất về Lai Châu. Hậu cần chiến dịch bảo đảm 303.000 ngày công, cung cấp 14.950 tấn gạo, 557 tấn thịt, 565 tấn thực phẩm khô, 1.450 tấn vũ khí. Thực hiện phong trào tăng gia ở hậu cứ từng đơn vị như (đào củ mài, kiếm hoa chuối rừng thay rau, trồng rau ngắn ngày, bắt cá sông suối, ngâm giá đỗ...) đã khắc phục khó khăn trong điều kiện thời tiết chuyển mùa khô sang mùa mưa.

Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Ảnh tư liệu

 

Thực hiện lấy vũ khí địch đánh địch: Trong đợt ba, ta lấy được của địch bằng một nửa tổng số đạn ta đem đến, riêng lượng đạn pháo lấy của địch để đánh địch bằng cả tổng số đạn từ hậu phương đưa lên. Chống tư tưởng hữu khuynh tiêu cực, từ đó cán bộ, chiến sĩ đã quyết tâm bước vào đợt ba hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên giao. Đúng 17 giờ 30 phút ngày 7/5/1954, chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi, ta tiêu diệt và bắt sống 16.200 tên địch trong đó có 1 thiếu tướng, 16 đại tá, bắn rơi phá hủy 62 máy bay, thu nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng, buộc thực dân Pháp phải ngồi vào bàn đàm phán ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, chấm dứt chế độ thực dân tại Đông Dương.

Thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ đã để lại nhiều bài học quý về tư tưởng chiến lược tiến công, tư tưởng nhỏ thắng lớn, thô sơ thắng hiện đại, nghệ thuật tổ chức, chỉ huy và phát huy sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân, nghệ thuật tổ chức chuẩn bị và điều hành chiến dịch... Bằng cách đánh sáng tạo của chiến tranh nhân dân Việt Nam, mặc dù không có máy bay, xe tăng, pháo lớn, lại xa căn cứ hậu phương, nhưng chúng ta vẫn chiến thắng. Những bài học đó sẽ tiếp tục được nghiên cứu, kế thừa và vận dụng sáng tạo trong huấn luyện và sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

1 Lịch sử nghệ thuật chiến dịch Việt Nam 1945-1975, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1995, tr.211

MẠNH HÙNG


Tác giả: Mạnh Hùng
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội