A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tầm vóc tư tưởng vĩ đại trong con người giản dị Hồ Chí Minh

Từ nhiều thập kỷ nay, đối với mỗi người dân Việt Nam và bạn bè tiến bộ trên thế giới, ngày 19/5 hằng năm  - Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở nên thiêng liêng, trọng đại với nhiều ý nghĩa sâu sắc. Những ngày tháng 5 lịch sử này, đồng bào, đồng chí, chiến sỹ cả nước và bà con ta ở nước ngoài đang hướng về Người với tất cả sự thành kính và lòng biết ơn sâu sắc công lao trời biển của Bác! Cuộc đời và sự nghiệp của Người là một bản anh hùng ca, một tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa yêu nước, về phẩm chất người chiến sĩ cộng sản.

Trí tuệ uyên bác, tư tưởng đi trước thời đại, khát vọng cháy bỏng, với ham muốn tột bậc” là “làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”[1], đạo đức cách mạng trong sáng, cốt cách giản dị, hòa mình vào lòng dân tộc, nói đi đôi với làm của Người là sự cổ vũ lớn lao đối với các thế hệ người Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu

 

Công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh với đất nước ta như non cao, biển rộng. Người đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân cho đến hơi thở cuối cùng. Tên tuổi và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ còn mãi với non sông đất nước, sống mãi trong lòng mỗi chúng ta. Người đã để lại cho chúng ta và thế hệ mai sau một gia tài đồ sộ, một di sản hết sức quý báu, gồm ba bộ phận, là: Tư tưởng Hồ Chí Minh; thời đại Hồ Chí Minh và tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Nhận thức đúng về tầm vóc vĩ đại của di sản Hồ Chí Minh mà các Chỉ thị: Số 06-CT/TW ngày 7/11/2006 của Bộ Chính trị về tổ chức Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; số 03-CT/TW ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh lần lượt ra đời. Sự thay đổi này không đơn giản là sự thay đổi câu từ hay thêm bớt nội dung một cách cơ học mà nó phản ánh sự chuyển biến sâu sắc, sự phát triển trong nhận thức, tư duy của toàn Đảng, toàn dân về tầm vóc di sản vĩ đại mà Bác đã để lại cho thế hệ mai sau. Nếu ở Chỉ thị số 06 về tổ chức Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” thì đến Chỉ thị số 03, việc học tập và làm theo Bác không dừng lại ở tính chất một “Cuộc vận động” nữa, mà nó đã thường xuyên, liên tục và gắn liền với mọi hoạt động chiến đấu, học tập, lao động, sản xuất và đời sống của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Còn đến Chỉ thị số 05 thì không những không còn dừng lại ở tính chất một cuộc vận động mà nội hàm của việc học tập và làm theo Bác đã được khẳng định đúng đắn, đầy đủ hơn về tầm vóc vĩ đại di sản Hồ Chí Minh, đó là cần học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Bác Hồ về thăm quê.        Ảnh tư liệu

 

Thật đúng vậy, di sản mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho chúng ta, cho nhân loại, trước hết phải là tư tưởng Hồ Chí Minh; nói cách khác, Người được cả thế giới thừa nhận sự vĩ đại trước hết là vì tư tưởng tiến bộ đi trước thời đại của Người. Rồi từ tư tưởng kết hợp với đạo đức cách mạng mới kết tinh thành phong cách Hồ Chí Minh, một mẫu mực đặc sắc của thời đại!

Từ 20/10-30/11/1987, Đại Hội Đồng UNESCO họp phiên khoá 24 để xét các danh nhân, kỉ niệm vào những năm chẵn, trong ba năm 1988, 1989, 1990, xét những danh nhân vào tuổi 100 để tổ chức kỷ niệm, mức độ khác nhau. Danh nhân nào là danh nhân văn hóa, hay những nhà hoạt động kiệt xuất, nhà thơ vĩ đại,… được toàn thế giới kỷ niệm. Bác Hồ của chúng ta đến năm 1990 tròn 100 năm ngày sinh; ông Nehru, Ấn Độ (năm 1989); Mekarencô, nhà sư phạm vĩ đại của Liên Xô (năm 1888),... Khi xét công nhận ông Nehru xong, đại biểu 3 quốc gia đề nghị kỳ họp Đại Hội Đồng UNESCO năm nay chỉ xét danh nhân có năm chẵn là năm 1989 để kỉ niệm còn danh nhân sinh vào năm 1890 hoãn lại để bàn lại tiêu chuẩn vĩ nhân vì lâu nay xét vĩ nhân còn một số điều chưa chặt chẽ. Nên chỉ xét đến năm 1989, số còn lại hoãn đến năm đầu tiên của thế kỉ XXI hãy xét. Như vậy Bác Hồ rơi vào năm 1990, mà đời người chỉ có một lần kỉ niệm 100 năm.

Tuy nhiên, ý kiến của 3 quốc gia đó bị các đại biểu phản ứng mạnh mẽ, cho rằng thiếu tiêu chuẩn thì bổ sung, vì năm 1990 là kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh là ngọn cờ đầu giải phóng dân tộc, không xét là không công bằng, cuối cùng đưa ra biểu quyết. Vì đây không phải khóa chấp hành nên không lấy theo đa số, nguyên tắc bầu là lấy 100% số phiếu và Bác Hồ đã được đại biểu 159/159 quốc gia dự họp biểu quyết đồng ý tôn vinh là “Anh hùng giải phóng dân tộc của Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới”[2]. Xét ông Nehru thuận lợi hơn Bác Hồ, vì Ấn Độ là một nước lớn, trung lập, ổn định về kinh tế, xét ông Nêru ở mức cao “nhà quán quân của phong trào giải phóng dân tộc”. Nhưng không phải là người tiêu biểu số một của phong trào giải phóng dân tộc. Xét ông Nehru trong vòng 45 phút là xong. Bác Hồ phải xét trong 7 tiếng. Vì xét ở mức cao hơn và là danh nhân văn hoá, tiêu biểu cho nền văn hoá của nhân loại, không phải văn hóa nghệ thuật. Người không tha hoá về vật chất, không mang tiếng về đời tư, tiêu biểu trong thế kỉ XX.

Thập kỉ 90 của thế kỷ XX, Liên Hp Quốc mới đề ra chủ trương các nước trên thế giới phải xóa được nạn mù chữ thì Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng ta đã đặt ra chủ trương xóa nạn mù chữ đầu tiên vào năm 1945 và Liên Hợp Quốc nhận ra điều đó. Người là một nguyên thủ của nước nhỏ, có tầm nhìn dự báo chiến lược, đã thấy được, còn dân đói, dân dốt thì nguy cơ mất nước còn bị đe doạ. Cũng trong những năm 90 của thế kỷ XX, Liên Hợp Quốc mới đặt ra vấn đề bảo vệ môi trường, bảo vệ hành tinh xanh thì Hồ Chí Minh là người đầu tiên đề ra Tết trồng cây từ năm 1960, cách đó 30 năm về trước, để bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái.

Thế giới ngày nay là thế giới đang chuyển dần từ đối đầu sang đối thoại, Bác Hồ của chúng ta đã chủ trương và thực hành đối thoại để tìm kiếm, gìn giữ hòa bình từ năm 1945. Ngay sau khi giành được chính quyền, Người đã cố tránh cuộc chiến tranh với Pháp bằng việc phải thoả thuận với Tưởng để níu kéo, gìn giữ hòa bình. Những năm tháng đó, Bác Hồ của chúng ta như phải chịu một khổ nhục kế, để tránh hiểm hoạ cho Nhân dân, chứ đâu phải Người sợ hãi thực dân, đế quốc. Giữa năm 1946, những nỗ lực đàm phán hòa bình để công nhận một nước Việt Nam độc lập không thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến vào ngày 19/12/1946, mở đầu Người viết: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng, nhưng chúng ta càng nhân nhượng thực dân Pháp càng lấn tới...” - Tư tưởng đối thoại để tìm kiếm, gìn giữ hòa bình của Người đã được thể hiện rất rõ ngay từ những ngày tháng đó.

Tư tưởng tiến bộ đi trước thời đại của Hồ Chí Minh phải nhiều thập niên sau thế giới mới có thể thấu hiểu được, còn khi Người thực hành nó thì thế giới cho đó là những “nghịch lý”! Chẳng hạn như, cho đến năm 1945, khi cả thế giới thuộc địa vẫn nằm trong đêm trường nô lệ, chưa có nước nào giành được độc lập. Việt Nam là nước đương đầu với một nước có nhiều thuộc địa. Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập có trích hai bản tuyên ngôn của Mỹ (1776) và Pháp (1789). Cánh mạng Việt nam kế thừa tinh hoa từ cuộc cách mạng năm 1776, năm 1789, cho đến cuộc cách mạng tháng Mười năm 1917 ở Nga để thực hành cách mạng tháng Tám năm 1945. Nhưng xu thế lúc đó chưa thể chấp nhận được tư tưởng Hồ Chí Minh. Cho nên “nghịch lý” là Hồ Chí Minh thực hiện không một quốc gia nào ủng hộ. Nhưng bây giờ, khi một nước tuyên bố độc lập, có hàng loạt nước ủng hộ ngay, từ đó chúng ta mới thấy rõ tư tưởng đi trước thời đại của Hồ Chí Minh.

 

Bác Hồ chung vui với các em nhỏ trong ngày Quốc tế thiếu nhi (năm 1969). Ảnh tư liệu

Lần tìm những nơi in dấu chân của Người, tìm lại tiếng nói của những nhân chứng đã biết Người, chúng ta càng ngưỡng mộ Người bằng cả đầu óc khoa học. Đầu thế kỷ XX, hầu như những chính khách mỗi khi đến tham quan, chiêm ngưỡng Tượng Nữ thần Tự do ở New York, rồi ghi vào cuốn sổ ca ngợi Thần Tự do, chính khách nào cũng chiêm ngưỡng ngôi sao toả sáng trên vương miện Thần Tự do, cho đó là ánh sáng tự do, hết lời ca ngợi. Nguyễn Tất Thành cũng đến New York, đến thăm Tượng Nữ thần Tự do, cũng ghi vào sổ lưu niệm nhưng khác với những chính khách, Nguyễn Tất Thành lại nhìn xuống chân Tượng Nữ thần Tự do và ghi: “Ánh sáng trên đầu Thần Tự do toả sáng trên bầu trời xanh, còn dưới chân Tượng Thần Tự do này thì người da đen bị chà đạp, số phận người phụ nữ đang bị chà đạp. Bao giờ người da đen được bình đẳng với người da trắng, bao giờ có sự bình đẳng giữa các dân tộc, bao giờ người phụ nữ bình đẳng với người nam giới”. Duy nhất có Bác của chúng ta nhìn xuống chân tượng Thần Tự do, nhìn số phận con người, không chiêm ngưỡng hào quang trên đầu Tượng Nữ thần Tự do! Duy nhất có Hồ Chí Minh đứng trước Thần Tự do ghi điều đó khi mình còn lầm than và chính những điều đó đã góp phần làm nên nhân cách thời đại Hồ Chí Minh.

Thời điểm xét để tôn vinh, kỷ niệm 100 năm sinh nhật của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Liên Hợp Quốc tiếp cận, xem xét về tư tưởng Hồ Chí Minh trước hết, rồi xét Bác Hồ về mặt đạo đức, 24 năm Bác làm nguyên thủ quốc gia không mảy may có chút gì nghĩ cho bản thân mình. Khi Người nằm xuống, ngoài nhà sàn, không có một gì khác gọi là của riêng mình! Hồ Chí Minh là người cộng sản, học thuyết Mác-Lênin là phương tiện, còn mục đích là dân phải được no ấm, nước nhà phải được độc lập, dân tộc ta phảỉ được bình đẳng với các dân tộc khác. Thế giới  còn nhìn nhận để tôn vinh  Bác Hồ ở góc độ là con người khi lên làm Chủ tịch nước 24 năm và đến phút qua đời trên giường luôn lấy dân làm gốc, vì dân.  Từ tuổi lớn lên, ra đi  tìm đường cứu nước ở Bến cảng Nhà Rồng cho đến suốt chặng đường 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, Người đã hy sinh tất thảy cho dân, cho nước, và trong chặng đường đó, Người đã phải nói với một người con gái, sau này đã trở thành một Đại văn hào, rằng: “Nếu tôi muốn có văn bằng thì tôi đã thi năm 1904, ở trong nước. Nếu tôi muốn có gia đình thì tôi lấy vợ, vì tôi có một người con gái ở quê nhà, yêu, mà đành phải ra đi”[3]. Thấu hiểu những điều như vậy chúng ta mới có thể hiểu hết tầm vóc vĩ nhân của Bác, để chúng ta càng kính yêu và thương nhớ Người hơn, dù đó chỉ một vài câu chuyện trong suốt cuộc đời bao la như trời biển của Người. Cũng là để hiểu về Bác hơn ở nghĩa một con người, như lời cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói: “Hồ Chí Minh của chúng tôi trước hết là một con người, sau cùng cũng là một con người, dù Người vĩ đại như thần thánh!”.

Bác Hồ thăm cán bộ, chiến sĩ Lực lượng vũ trang Quân khu 4 năm 1957. Ảnh tư liệu

Tôi rất tâm đắc với câu nói của nhà văn Sơn Tùng: “Những chuyện Bác Hồ - cả trăm năm chưa dễ thấu ngọn nguồn!”. Và đây chính là tên gọi được con trai nhà văn, anh Bùi Sơn Định đặt cho cuốn sách mà mình viết để hoàn thành nốt tâm nguyện của người cha sau khi ông mắc bạo bệnh không thể tiếp tục tự viết. Đây cũng chính là điều mà nhà văn Sơn Tùng đúc kết lại như một lời chuyển tiếp cho thế hệ tương lai sau hơn 60 năm ông tìm tòi, nghiên cứu và viết về Bác Hồ. Càng tìm tòi, nghiên cứu về Người, chúng tôi càng thấy câu nói của nhà văn Sơn Tùng thật sâu sắc.

Đọc lại tác phẩm “Búp sen xanh” của nhà văn Sơn Tùng, đến đoạn “... Chôn cất mẹ xong, Côn lại bế em về ngôi nhà hoang vắng… Côn không muốn đưa em đến ở nhà ai vì sợ người ta khó chịu vì sự có mặt của hai đứa trẻ mồ côi… Côn bế em vào lòng, tựa lưng vào bàn thờ mẹ nhìn đau đáu trong đêm…”, mắt tôi nhòa lệ. Tôi thấu hiểu sâu sắc thêm một điều rằng, có lẽ vì xuất phát từ hoàn cảnh đó mà trái tim Bác càng thêm bao la tình cảm yêu thương con người, nhất là đối với những bà mẹ và các cháu thiếu niên, nhi đồng!

Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng tôi tìm tòi, nghiên cứu để viết ra những điều này, dù là rất ít ỏi, nhưng đó như là một tấm lòng thành kính dâng lên Người, hoặc cũng một nguồn tư liệu nho nhỏ giúp mọi người hiểu thêm về Bác, để thêm kính yêu, thương nhớ Bác hơn, từ đó, tự giác học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác thiết thực hơn, góp phần dựng xây đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như Người hằng mong muốn!

NGUYỄN VĂN ĐỔNG

 

[1] Hồ Chí Minh. Toàn tập. NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, T 4, Tr.161-162

[2]Nguyên văn trong Nghị quyết 24C/18.65 của UNESCO năm 1987: “...Notting that the year 1990 will mark the centernary of the birth of President Ho Chi Minh, Vietnamese hero of national liberation and great men of culture”

[3] Trích từ Bài nói chuyện của nhà văn Sơn Tùng tại Hải Dương, tháng 11/1989.


Tác giả: nguyễn văn đổng
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội