A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tết Mậu Thân ở Huế

Để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 tại khu Trị Thiên-Huế, kế hoạch bí mật đến tận giờ nổ súng được giao cho Ban An ninh đảm trách. Thế nên những ngày chuẩn bị Tết Mậu Thân với các cán bộ an ninh chúng tôi chính là những ngày hoạt động không ngừng nghỉ để... đánh lừa địch.

Một lần hú vía

3 giờ chiều mồng Một Tết Mậu Thân 1968 (theo lịch miền Nam), tức chiều Ba mươi ở miền Bắc, mũi chúng tôi lên đường.

Vượt qua cầu Bến Ngự, chúng tôi tiến vào đường Nguyễn Hoàng (nay là đường Phan Bội Châu, thành phố Huế), được cơ sở của ta cho biết nơi ở của Trần Đình Thương, phó tỉnh trưởng tỉnh Thừa Thiên, một tên ác ôn khét tiếng, có nợ máu với cách mạng. Tiềm nhập vào nhà không thấy một bóng người, mãi sau chúng tôi mới phát hiện vợ con hắn đang trốn ở khu nhà dưới cùng người làm. Tiến hành thẩm vấn, vợ hắn khai, đêm qua Thương có về nhà nhưng nghe “động” nên đã trốn đi đâu không rõ. Chúng tôi tỏa ra lục soát ngoài vườn thì phát hiện có một chiếc thang bắc ra tường rào tiếp giáp với nhà bên cạnh. Anh em phán đoán có thể Thương đã dùng chiếc thang này ra ngoài, nhưng cũng có khả năng hắn vẫn trốn trong nhà. Với quyết tâm bắt cho được Thương, chúng tôi tiến hành lục soát.

Tết Mậu Thân ở Huế
Thiếu tướng Phan Văn Lai thăm lại o Giáng (giữa) tại huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế, năm 1990. Ảnh do nhân vật cung cấp.

 

Đến buồng ngủ của vợ chồng hắn, phát hiện có vết in trên tường để leo lên trần nhà, chúng tôi kêu gọi hắn ra hàng. Không có tiếng trả lời, chúng tôi xác định nhiều khả năng Thương lẩn trốn trên đó. Lúc này, anh em đều tập trung trong phòng, đồng chí Loi được phân công dùng chiếc thang ngoài vườn trèo lên thám thính. Anh vừa ngó lên thì khói bụi cùng những mảnh vỡ của tường nhà lả tả rơi xuống. Tên Thương thật manh động, hắn ném quả lựu đạn về phía chúng tôi. Nhưng lựu đạn không rơi xuống mà nổ ngay trên trần nhà, khiến đồng chí Loi bị thương nhẹ. Thật hú vía! Chúng tôi kiên trì dùng loa kêu gọi hắn đầu hàng nhưng hắn vẫn kiên quyết cố thủ, lại ném tiếp quả lựu đạn thứ hai, buộc chúng tôi phải tổ chức tiêu diệt.

Những người đã sinh ra tôi lần thứ hai

Qua ngày thứ bảy chiếm giữ Huế, chiến trường miền Nam đã lắng xuống, Mỹ-ngụy rảnh tay ở phía Nam và Khu 5 nên bắt đầu triển khai lực lượng ra Huế để phản kích. Chiến sự diễn ra ác liệt. Ta và địch giành giật nhau từng mái nhà, từng góc phố. Đến ngày thứ mười, Mỹ bắc cầu phao qua sông Hương để thay thế cầu Trường Tiền và Bạch Hổ bị ta đánh sập. Một cuộc chiến đấu dài ngày không cân sức. Ngày thứ 21, trên quyết định cho rút quân, đến ngày 26 thì toàn bộ lực lượng ta mới rút khỏi thành phố. Còn chúng tôi được lệnh rút về huyện Hương Thủy, rồi về huyện Phú Vang để chuẩn bị cho đợt 2 của chiến dịch.

Rút về xã Vinh Thái (Phú Vang), tôi về ở nhà o Giáng nằm sát bốt Phú Đa, nơi địch không thể ngờ có cơ sở của ta. O Giáng đã hai lần bị đi tù Côn Đảo vì “tội” đào hầm, nuôi giấu cán bộ. Suốt nhiều năm nằm vùng ở Phú Vang, tôi được o chăm sóc, bảo vệ. Sau đó, tôi được đồng chí La Đình Mão, cán bộ trinh sát vũ trang xã đi theo bảo vệ.

Trước sự càn quét ngày càng khốc liệt của giặc, là người thông thạo địa hình, đồng chí Mão dẫn chúng tôi vượt qua mạng lưới bủa vây như “thiên la địa võng” của địch. Còn nhớ khi chúng tôi tiềm nhập vào rú thì bị máy bay UH-1A phát hiện bắn trúng đội hình. Mão bị thương vào đùi và tay nhưng vẫn gan lỳ dẫn chúng tôi thoát khỏi tay giặc, về trú ở một cơ sở của ta là gia đình ông Hoàng Sa ở thôn Dưỡng Mong A. Suốt 5 ngày đêm, địch chà đi xát lại, tra tấn vợ chồng ông Hoàng Sa dã man hòng bắt họ khai ra hầm bí mật nuôi giấu cán bộ. Chúng tôi ở ngay dưới sân, nghe rõ tiếng kêu khóc thảm thiết của vợ con ông khi bị chúng đánh đập, tra khảo nhưng ông một mực nói: “Nhà tôi không nuôi Việt Cộng, không có hầm bí mật!”. Ở dưới hầm, anh em chúng tôi nhìn nhau rớt nước mắt!

Sau này, tôi có nhiều dịp trở lại Huế, về thăm bà con Phú Vang, nơi che chở cho tôi suốt những năm tháng gian lao. Gặp lại những cơ sở năm xưa như o Giáng, ông Hoàng Sa, anh Mão..., tôi chỉ biết nắm tay cảm ơn họ. Nếu không có nhân dân đùm bọc, giúp đỡ thì tôi không thể có được ngày hôm nay.

PHẠM MINH THẢO (Ghi theo lời kể của Thiếu tướng Phan Văn Lai, Anh hùng LLVT Nhân dân, nguyên Chánh văn phòng Ban An ninh khu Trị Thiên-Huế.)

Nguồn: Báo QĐND


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội