Thuần thục kỹ năng, sát từng tình huống, sẵn sàng cơ động ứng cứu Nhân dân
Sư đoàn 324 là đơn vị chủ lực của Quân khu 4, đóng quân trải dài trên địa bàn hai tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa, là hai địa phương thường xuyên gánh chịu hậu quả nặng nề do thiên tai, bão lũ. Những năm qua, cùng với thực hiện nhiệm vụ chính trị trung tâm, Sư đoàn còn chú trọng huấn luyện phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn theo phương châm “thuần thục kỹ năng, sát từng tình huống”, nhằm nâng cao khả năng sẵn sàng cơ động ứng cứu Nhân dân mọi lúc, mọi nơi, trong mọi điều kiện hoàn cảnh.
Chúng tôi đến địa bàn Sư đoàn 324 đóng quân vào đúng thời điểm tình hình mưa bão đang rất phức tạp. Áp thấp nhiệt đới, các cơn bão số 6 (Dianmu), số 7 (Lionrock) và số 8 (Kompasu) và không khí lạnh tăng cường dù chưa gây thiệt hại lớn nhưng hoàn lưu của nó đã gây mưa lớn trên diện rộng, làm ngập nghiêm trọng một số địa bàn như Đô Lương, Thanh Chương, Quỳnh Lưu và sạt lở nghiêm trọng ở một số địa bàn vùng núi Nghệ An.
Trong câu chuyện với chúng tôi, người dân nơi đây ai cũng cảm phục tinh thần hết lòng vì dân của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 324 trong trận lũ lịch sử tháng 10-11 năm 2020. Những ngày đó, cả Sư đoàn dàn trận, “căng mình” trên khắp dải đất Khu 4. Vừa trở về sau đợt giúp người dân Quảng Bình ổn định cuộc sống sau lũ, nhận được lệnh của Quân khu, 400 chiến sĩ của Sư đoàn lại kịp thời có mặt tại hai huyện Thanh Chương và Đô Lương kịp thời sơ tán người, tài sản ra khỏi vùng bị ngập, tổ chức giúp dân sửa nhà, cầu cống bị lũ cuốn trôi, tổng dọn vệ sinh môi trường…
Khi tôi đặt vấn đề với Đại tá Nguyễn Thao Trường, Phó Sư đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Sư đoàn 324: “Khả năng sẵn sàng cơ động cao là yếu tố chính để cán bộ, chiến sĩ luôn kịp thời có mặt giúp dân mọi lúc, mọi nơi?” thì anh khẳng định: “Trước diễn biến phức tạp, khó lường, nguy cấp của mưa lũ, yêu cầu cứu hộ, cứu nạn cùng lúc trên nhiều địa bàn trong những tình thế cấp bách, khẩn trương, ngoài nâng cao khả năng cơ động chúng tôi còn tập trung huấn luyện cho bộ đội thuần thục kỹ năng cứu hộ, cứu nạn sát với từng tình huống thực tế ở từng địa bàn thiên tai, lũ lụt”.
Cùng anh Trường đến Tiểu đoàn Công binh 17 vào thời điểm mưa vẫn tầm tã do ảnh hưởng không khí lạnh tăng cường, chúng tôi thấy đơn vị đang huấn luyện nội dung “Di chuyển người, phương tiện ra khỏi vùng bị ngập”, tại khu vực sông Rào Gang, đoạn chảy qua xã Nhân Sơn, huyện Đô Lương. Thiếu tá Lê Tiến Duẩn, Tiểu đoàn trưởng cho biết: “Theo dự báo, thời gian tới, khu vực Bắc Trung bộ sẽ đối mặt với nguy cơ cao “bão chồng bão”, chắc chắn địa bàn sẽ có mưa lớn gây nên “lũ chồng lũ”, vì vậy, chúng tôi đang tập trung báo động luyện tập phòng, chống mưa bão, lũ lụt, cứu hộ, cứu nạn. Mưa to thế này rất sát với thực tế!”.
Sau khẩu lệnh của Thiếu tá Lê Tiến Duẩn, tiếng kẻng báo động liên hồi, dồn dập vang lên, không khí huấn luyện thật khẩn trương. Quãng đường từ kho chứa các phương tiện vật chất cứu hộ, cứu nạn đến vị trí bờ sông dài hơn 500m, địa hình dốc, mấp mô, đất đỏ trơn trượt bị chia cắt bởi suối nhỏ rất khó di chuyển, tuy nhiên, mặc mưa to, các chiến sĩ vẫn “thoăn thoắt” các thao tác khiêng ca nô ra vị trí cơ động, thực hành lắp máy, triển khai các vật dụng sào, dây, phao cứu sinh…chỉ trong thời gian ngắn chiếc ca nô đã đến vị trí cứu nạn. Lúc này, người tung phao cứu sinh, dây, sào; người thì lao mình xuống nước thực hành động tác bơi cứu hộ, tiến hành sơ cứu người bị đuối nước…tất cả phối hợp nhịp nhàng, nhanh chóng.
Đưa tay vuốt vội nước mưa trên mặt, Thượng úy Quân nhân chuyên nghiệp Thái khắc Kiên, Nhân viên lái ca nô thuộc Đại đội 2 - Cầu đường Vượt sông, một trong những quân nhân có nhiều kinh nghiệm trong cứu hộ, cứu nạn nói với tôi: “Một số chiến sĩ thời gian đầu huấn luyện chưa quen các nội dung cứu hộ, cứu nạn trong điều kiện mưa gió. Tuy nhiên, sau quá trình luyện tập trong điều kiện sát thực tế đã thuần thục các kỹ năng như sử dụng ca nô, dây, phao cứu sinh, bơi cứu đuối”.
Chia tay những người lính công binh luyện quân trong mưa, chúng tôi đến Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 335, khi Sư đoàn đang báo động tiểu đoàn cơ động thực hiện nhiệm vụ. Sau thời gian rất ngắn kể từ khi phát lệnh, 100% quân số đã có mặt, quân tư trang bao gói đầy đủ, đúng quy định. Các vật chất hộ đê, khắc phục sạt lở như bao tải, cọc chống, sọt tre, vồ gỗ, rọ đá... được triển khai sẵn sàng cơ động. Trung tá Nguyễn Sỹ Tuấn, Phó Trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Trung đoàn cho biết: “Tháng 11 năm 2020, trận lũ lịch sử đã cuốn trôi cầu Khe Liệu ở xã Mỹ Sơn, Đô Lương, nhưng nhờ chủ động luyện tập các phương án sát thực tế và chuẩn bị vật chất đầy đủ, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ đã kịp thời khắc phục cầu trong thời gian nhanh nhất để Nhân dân đi lại”.
Đại tá Nguyễn Thao Trường khẳng định: “Những năm qua, Sư đoàn đã tổ chức nhiều đợt diễn tập và cơ động lực lượng, phương tiện phòng chống lụt bão, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn. Trước diễn biến phức tạp của mưa bão năm nay, chúng tôi chỉ đạo các đơn vị phải chuẩn bị đầy đủ vật chất, huấn luyện phải chú trọng bồi dưỡng kỹ năng xử trí các tình huống như di chuyển người, tài sản ra khỏi vùng nguy hiểm, bơi cứu đuối, sơ cứu người đuối nước, khắc phục, gia cố cầu đường sát với thực tế, địa bàn cụ thể để khi có lệnh là lên đường được ngay”.
Bài, ảnh: MẠNH HÙNG
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận