Bài 2: Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ hai – ánh sáng soi đường
Hai năm sau Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai do Đảng ta chỉ đạo, đã diễn ra từ ngày 16 đến 20-7-1948 tại xã Đào Giã, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ, khi cả nước đang trường kỳ kháng chiến chống Pháp.
Cùng với Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất năm 1946, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai năm 1948 được xem là “Hội nghị Diên Hồng” đầu tiên về văn hóa - nơi Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh vạch rõ nội hàm và đích đến của “nền văn hóa mới của nước Việt Nam mới”; thực sự là ánh sáng soi đường tập hợp đông đảo lực lượng văn nghệ sĩ, trí thức, các nhà khoa học trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
Xây đắp nền văn hóa kháng chiến, kiến quốc của toàn dân
Cách đây 63 năm, vào mùa xuân năm 1948, Đảng ta phát động phong trào thi đua ái quốc. Sau đó, ngày 11-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc. Tiếp đó, nhiều Hội nghị thi đua ái quốc đã được triển khai ở các ngành, các giới, các cấp, từ Trung ương xuống địa phương.
Chỉ hơn một tháng sau, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai (diễn ra từ ngày 16 đến 20-7-1948 tại xã Đào Giã, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ) do Đảng ta chỉ đạo, được tổ chức. Đây cũng là Hội nghị Thi đua ái quốc của trí thức, các văn nghệ sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa thời kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Cuốn Lịch sử Biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam ghi rõ, mục tiêu của Hội nghị là vạch ra đường lối, nhiệm vụ và phương châm công tác văn hóa; đoàn kết những hoạt động văn hóa thành một mặt trận nhằm động viên các hoạt động văn hóa, văn nghệ kháng chiến, góp phần xây dựng nền văn hóa ở Việt Nam.
Hội nghị đã tập trung hầu hết các nhà lãnh đạo, các nhà văn hóa, các văn nghệ sĩ nổi tiếng trong toàn quốc về dự. Các đồng chí: Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Lê Văn Lương chủ trì Hội nghị.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm đặc biệt đến hội nghị này. Ngay trước ngày khai mạc hội nghị (ngày 15-7-1948), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư chúc mừng hội nghị.
Toàn văn bức thư của Người đã được đọc trân trọng tại lễ khai mạc Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai vào sáng ngày khai mạc hội nghị, 16-7-1948.
Người động viên và kêu gọi tri thức, các nhà hoạt động văn hóa văn nghệ tích cực tham gia đóng góp cho sự nghiệp kháng chiến kiến quốc, trong phong trào thi đua ái quốc của toàn dân tộc và nhấn mạnh: “Trong sự nghiệp vĩ đại kháng chiến kiến quốc của dân tộc ta, văn hóa gánh một phần quan trọng… Song từ nay trở đi chúng ta cần phải xây đắp một nền văn hóa kháng chiến kiến quốc của toàn dân. Muốn đi đến kết quả đó, các nhà văn hóa ta cần tổ chức chặt chẽ và đi sâu vào quần chúng”.
Đồng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định nhiệm vụ của văn hóa là “chẳng những để cổ động tinh thần và lực lượng kháng chiến kiến quốc của quốc dân, mà cũng phải nêu rõ những thành tích kháng chiến kiến quốc vĩ đại của ta cho thế giới.
“Các nhà văn hóa ta phải có những tác phẩm xứng đáng, chẳng những để biểu dương sự nghiệp kháng chiến kiến quốc bây giờ, mà còn để lưu truyền cái lịch sử oanh liệt kháng chiến kiến quốc cho hậu thế” – Lời nhấn mạnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lá thư gửi các đại biểu tham dự Hội nghị cũng chính là lời lý giải vì sao vào đúng giai đoạn cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang ở giai đoạn ác liệt nhất, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn chỉ đạo tổ chức “Hội nghị Diên Hồng về văn hóa” lần thứ hai.
Người cũng bày tỏ, "đang có phong trào thi đua ái quốc của toàn dân, tôi mong rằng Hội nghị sẽ có một chương trình thi đua ái quốc về mặt trận văn hóa. Tôi chắc rằng, sau Hội nghị, văn hóa của ta sẽ có một sự phát triển mạnh mẽ".
Chỉ rõ thái độ chân chính của những chiến sĩ văn hóa
Cuốn Biên niên Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam cũng ghi lại một điểm nhấn tại “Hội nghị Diên Hồng” này: Tổng Bí thư Trường Chinh đã đọc bản báo cáo quan trọng Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam, chỉ rõ lập trường văn hóa cách mạng trên thế giới và ở nước ta.
Đó là: “Về xã hội, lấy giai cấp công nhân làm gốc. Về chính trị, lấy độc lập dân tộc, dân chủ Nhân dân và chủ nghĩa xã hội làm gốc. Về tư tưởng, lấy học thuyết duy vật biện chứng và duy vật lịch sử làm gốc. Về sáng tác văn nghệ, lấy chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa làm gốc".
Báo cáo phân tích tính chất và nhiệm vụ của nền văn hóa mới Việt Nam: “Mục đích của những người làm công tác văn hóa chúng ta là thắng địch, giữ nước, làm cho dân mạnh, dân tiến, dân tin, dân vui, là chống văn hóa nô dịch, ngu dân của thực dân Pháp, khắc phục những tư tưởng phong kiến, lạc hậu trong văn hóa nước nhà, là xây dựng một nền văn hóa dân chủ mới Việt Nam và góp phần văn hóa Việt Nam vào kho tàng văn hóa thế giới".
Báo cáo của Tổng Bí thư Trường Chinh đã chỉ rõ: Muốn hoàn thành nhiệm vụ chính trị - văn hóa trong kháng chiến kiến quốc, để xây dựng nền văn hóa Việt Nam mang tính chất dân tộc, khoa học, đại chúng, cần có người trí thức, tổ chức, văn hóa văn nghệ mới.
Để xây dựng nền văn hóa mới, rất cần có người trí thức, người nghệ sĩ và tổ chức văn hóa, văn nghệ mới. Tác phẩm chỉ ra trách nhiệm của những chiến sĩ văn hóa lúc đó là: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với kháng chiến; không thỏa hiệp với tư tưởng và văn hóa phản động, không trung lập, không giữ thái độ bàng quan; Yêu khoa học, lấy khoa học Mác xít làm kim chỉ nam cho hành động, biết và làm đi đôi, lý luận và thực tiễn kết hợp; Một lòng một dạ phục vụ Nhân dân; gần gũi quần chúng công, nông, binh, cảm thông với quần chúng, học hỏi Nhân dân, nhưng giáo dục, dìu dắt Nhân dân.
“Đó là thái độ chân chính của các chiến sĩ văn hóa mới chúng ta, và cũng là bí quyết thành công của chúng ta” - Tổng Bí thư Trường Chinh nhấn mạnh.
Mặt khác, Hội nghị cũng phê phán một số khuynh hướng, một số quan điểm lệch lạc về mối quan hệ giữa nghệ thuật tuyên truyền về chủ nghĩa hiện thực trong văn nghệ, về quan điểm phục vụ, đối tượng phục vụ.
Đây có thể được xem là văn kiện hoàn chỉnh đầu tiên của Đảng ta về trí thức và văn hóa văn nghệ Việt Nam trong kháng chiến 9 năm (1945-1954).
Ba ngày sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai là Hội nghị Văn nghệ toàn quốc được tổ chức từ ngày 23 đến 25-7-1948. Hơn 80 văn nghệ sĩ đại biểu cho các ngành văn học, sân khấu, âm nhạc, kiến trúc, mỹ thuật từ các nẻo đường kháng chiến đã về dự Hội nghị. Tại sự kiện quan trọng này, Hội Văn nghệ Việt Nam được thành lập, là sự tiếp nối tốt đẹp Hội Văn hóa cứu quốc được thành lập năm 1943. Lãnh đạo Hội và Ban chấp hành của Hội ra mắt, với sự tham gia lãnh đạo, chỉ đạo của đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư của Đảng, Trưởng ban Tuyên truyền của Trung ương; đồng chí Tố Hữu được Trung ương giao trực tiếp tổ chức chỉ đạo công tác văn nghệ; Tiểu ban Văn nghệ còn có các đồng chí Trần Huy Liệu, Nguyễn Khánh Toàn, Hải Triều, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi, Nam Cao, Nguyễn Sơn… Sau Hội nghị, các văn nghệ sĩ nô nức đi vào cuộc kháng chiến với khẩu hiệu “Cách mạng hóa tư tưởng, quần chúng hóa sinh hoạt”. |
Vượt qua những năm tháng kháng chiến gian khổ mà anh dũng, lực lượng chiến sĩ văn hóa kháng chiến đã phát triển và trưởng thành với một đội ngũ đông đảo trí thức khoa học với những tên tuổi lớn như: Giáo sư y khoa Tôn Thất Tùng, kỹ sư Trần Đại Nghĩa, bác sĩ Đặng Văn Ngữ, nhà khoa học Trần Hữu Tước, kỹ sư Võ Quý Huân, kỹ sư Vũ Ðình Huỳnh và kỹ sư Phạm Quang Lễ.
Các văn nghệ sĩ tiêu biểu như: Tố Hữu, Chính Hữu, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Quang Dũng, Hoàng Cầm, Nguyễn Huy Tưởng, Tô Hoài, Nam Cao, Nguyễn Đình Thi, Văn Cao, Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Trần Đăng, Tô Ngọc Vân, Hữu Mai, Hồ Phương, Vũ Cao, Vũ Tú Nam, Xuân Miễn...
Bước tiến quan trọng của phong trào văn hóa nước ta
“Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai đánh dấu một bước tiến quan trọng của phong trào văn hóa nước ta”- đây là nhận định được ghi lại trong cuốn Biên niên Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam.
Theo đó, tác phẩm Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam được Đại hội thông qua là một tác phẩm lý luận về đường lối, phương châm văn hóa của Đảng đặt nền tảng cho mặt trận thống nhất văn hóa Việt Nam, đồng thời xác định nhiệm vụ chân chính của những người làm công tác văn hóa trong sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc.
Trong cuốn trong Tạp chí Lịch sử Đảng năm 2009, TS Hoàng Thị Hồng Nga, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội đã đánh giá, Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ hai chính là bước ngoặt bước trưởng thành lớn trong đường lối lãnh đạo văn hóa của Đảng ta trong quá trình xây dựng nền văn hóa mới mang tính chất dân chủ Nhân dân, là bản lề mở ra một giai đoạn mới trong văn hóa.
“Hội nghị có giá trị soi sáng thêm những điều còn băn khoăn trong các văn nghệ sĩ, các nhà văn hóa: Hiện nay đã có nhiều nhà văn hóa đi vào hàng ngũ, tiến một nhịp với toàn dân. Nhưng biết bao người vẫn loay hoay, lúng túng hoặc vẫn sống bên rìa của cuộc chiến đấu của dân tộc. Hội nghị văn hóa này là một cái đà thi đua cho văn nghệ sĩ nước ta”, TS Hoàng Thị Hồng Nga nhận định.
Theo đó, với đường lối văn hóa “kháng chiến hóa văn hóa, văn hóa hóa kháng chiến”, Đảng ta đã lãnh đạo cả dân tộc giành được nhiều thành tựu nhằm xây dựng một nền văn hoá mới, lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử Việt Nam: Đó là nền văn hóa dân chủ Nhân dân.
"Đã từng có một nhà báo nước ngoài phải thốt lên rằng: Thật là một sự kỳ diệu, trong hoàn cảnh như vậy, dân tộc các anh đã kháng chiến và còn xây dựng nền văn nghệ cho Nhân dân!", TS Hoàng Thị Hồng Nga nói.
PGS, TS Nguyễn Toàn Thắng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cũng chung nhận định: Trong những năm kháng chiến trường kỳ anh dũng, hệ thống vô vàn các tác phẩm văn nghệ của văn nghệ sĩ kháng chiến đã đảm nhận vai trò như một binh chủng đặc biệt có sức mạnh tuyên truyền cổ vũ, động viên lực lượng kháng chiến công - nông - binh và thực sự trở thành một bộ phận của đời sống kháng chiến.
Khẩu hiệu “kháng chiến hóa văn hóa, văn hóa hóa kháng chiến” thời kỳ này đã đưa văn hóa, văn nghệ hòa nhập vào dòng chảy mạnh mẽ của đời sống toàn dân thi đua “kháng chiến, kiến quốc” tiến tới thắng lợi vẻ vang của dân tộc. Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ hai chính là mốc son của sự trưởng thành về văn hóa trong bối cảnh cuộc kháng chiến “gian khổ nhưng vĩ đại”.
PGS, TS Nguyễn Toàn Thắng khẳng định: Trải qua hơn nửa thế kỷ, kể từ ngày thành lập nước và hai lần tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc (1946, 1948) đến nay, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Nhân dân ta đã vượt qua bao khó khăn gian khổ để hướng đến xây dựng nên một nước Việt Nam độc lập, thống nhất, hòa bình, công bằng, dân chủ, văn minh, đem hạnh phúc đến cho con người, nhằm mục đích tới năm 2045, nước ta sẽ trở thành một nước phát triển có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Hội nghị Văn hóa toàn quốc những năm 1946, 1948 với tư tưởng và khát vọng cao cả của dân tộc ngày ấy về sức mạnh kỳ diệu của văn hóa, con người Việt Nam vẫn còn tỏa sáng đến mai sau, giúp dân tộc ta đi đến những bến bờ vinh quang hạnh phúc như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.
Từ năm 1950 trở đi, mô hình xây dựng văn hóa kháng chiến có sự điều chỉnh, hình thức “hội nghị văn hóa toàn quốc” không còn được sử dụng. Nhân Triển lãm hội họa (năm 1951), trong thư gửi các họa sĩ, Hồ Chí Minh khẳng định: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Người nhấn mạnh vai trò xung kích của văn hóa, văn nghệ trong sứ mệnh giải phóng dân tộc. Văn hóa cùng với các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quân sự... phải tạo thành những mặt trận có sức mạnh to lớn trong cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. “Văn hóa nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác không thể đứng ngoài mà phải ở trong kinh tế và chính trị”; “chính trị, kinh tế, văn hóa đều “phải coi là quan trọng ngang nhau”. (PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình, văn học, nghệ thuật Trung ương) |
Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất và sau đó là Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ 2 (năm 1948) đã thể hiện sự phát triển đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng được khởi xướng từ Đề cương về Văn hóa, văn nghệ năm 1943. Trong bản Đề cương về Văn hóa Việt Nam đã nêu ra ba phương hướng có tính nền tảng cho toàn bộ sự phát triển của nền văn hóa Việt Nam mới, đó là: Dân tộc hóa, khoa học hóa và đại chúng hóa. Đây là một mốc son lớn trong lịch sử văn hóa, văn nghệ Việt Nam. (Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam) |
Theo Báo QĐND
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận