A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cội nguồn báo chí Cách mạng Việt Nam

Nói đến Thái Nguyên, chúng ta có thể nhắc tới mảnh đất “Đệ nhất danh trà”, hay một vùng đất lung linh, huyền ảo với sông Công, hồ Núi Cốc… nhưng không thể không nhắc tới một địa danh đặc biệt đó là An toàn khu (ATK) Định Hóa - mảnh đất với địa thế “Tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ” (tiến có thể đánh, lui có thể giữ) đã vinh dự được Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn làm “An toàn khu” tuyệt mật của Trung ương trong căn cứ địa Việt Bắc giai đoạn 1946-1954.

ATK Định Hóa với 128 địa điểm di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh đã được Chính phủ công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt năm 2012. Đây không chỉ là nơi ở, làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng và Chính phủ mà rất nhiều cơ quan của Trung ương đã ra đời trên chính mảnh đất này, trong đó có Hội nhà báo Việt Nam. Nhân dịp kỉ niệm 70 năm ngày thành lập Hội nhà báo Việt Nam (21/4/1950-21/4/2020), hãy cùng chúng tôi hành hương về với “Thủ đô gió ngàn” ATK Định Hóa, thăm nơi ra đời Hội Nhà báo Việt Nam, để cùng sống lại những ngày tháng hào hùng của 70 năm về trước... 

Nhà bia di tích được xây dựng trên nền hội trường 8 mái - nơi diễn ra Hội nghị thành lập Hội những người viết báo Việt Nam, tức Hội Nhà báo Việt Nam ngày nay (21/4/1950).

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Danh nhân văn hóa kiệt xuất, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam cũng là một cây bút xuất sắc, một nhà báo lớn. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Người đã nhận thấy rằng: “Báo chí chính là vũ khí sắc bén, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc”. Chính vì vậy, ngay từ khi còn hoạt động ở nước ngoài, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã giành sự quan tâm đặc biệt tới việc sử dụng báo chí để tuyên truyền, giác ngộ cách mạng.

Ngày 21/6/1925 tại Quảng Châu - Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc sáng lập báo Thanh niên - tờ báo theo Chủ nghĩa Mác-Lênin nhằm đấu tranh giải phóng dân tộc. Với tờ báo này, Nguyễn Ái Quốc trở thành người khai sinh ra nền báo chí Cách mạng Việt Nam.

Tiếp sau đó, nhiều tờ báo khác cũng đã được đời. Chỉ tính đến tháng 6/1936, đã có 120 tờ báo của Đảng được xuất bản cả bí mật lẫn công khai. Báo chí đã thực sự trở thành vũ khí sắc bén chống lại ách áp bức, bóc lột và chế độ cai trị của Thực dân Pháp.

Thực tế này đã đặt ra một yêu cầu đó là, phải có một tổ chức chung của những người làm báo. Chính vì vậy, đầu năm 1947, Đoàn Báo chí kháng chiến được thành lập tại ATK Định Hóa.

Tháng 4/1949, giữa muôn vàn khó khăn gian khổ, được sự giúp đỡ của Tổng bộ Việt Minh, Đoàn Báo chí kháng chiến đã mở lớp viết báo Huỳnh Thúc Kháng để đào tạo cán bộ cho phong trào báo chí kháng chiến, kiến quốc đang ngày càng phát triển.

Cũng trong năm 1949, báo Cứu quốc do đồng chí Xuân Thủy làm Chủ nhiệm đã đặt tòa soạn, nhà in và nơi phát hành tại xóm Ròong Khoa - xã Điềm Mặc. Cũng tại đây, đồng chí Xuân Thủy đã tổ chức Ban chấp hành lâm thời Hội những người viết báo Việt Nam gồm 15 nhà báo.

Đặc biệt, vào đầu buổi chiều ngày 21/4/1950, tại Hội trường 8 mái ở Ròong Khoa - xã Điềm Mặc - huyện Định Hóa - tỉnh Thái Nguyên đã diễn ra một sự kiện lịch sử quan trọng, đánh dấu sự phát triển bước ngoặt của báo chí Cách mạng Việt Nam. Đại diện các báo, Đài tiếng nói Việt Nam, Việt Nam Thông tấn xã đã họp bàn và quyết định thành lập Hội những người viết báo Việt Nam, tức Hội nhà báo Việt Nam ngày nay, do đồng chí Xuân Thủy làm Hội trưởng.

Điều lệ của Hội cũng được thông qua, nêu rõ mục đích của Hội, đó là: Xây dựng nền dân chủ nhân dân bằng chính nghề nghiệp của mình, bênh vực quyền lợi của những người viết báo, nâng cao vị thế của người làm báo.

Tháng 7/1950, tại Đại hội lần thứ III của Tổ chức quốc tế, các nhà báo họp tại Hensiki - Thủ đô của nước Phần Lan đã quyết định công nhận Hội những người viết báo Việt Nam là một thành viên chính thức với trên 300 hội viên.

Hội những người viết báo Việt Nam ra đời vào thời điểm khi cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp của dân tộc ta đang trong giai đoạn vô cùng cam go, khốc liệt. Hội đã trở thành mái nhà chung quy tụ những người làm báo, dùng ngòi bút, trang giấy của mình, góp phần vào cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Từ mái nhà chung ấy, các phóng viên, nhà báo đã tỏa đi khắp các chiến trường. Những thước phim, hình ảnh, bài báo liên tục được gửi về đã phản ánh một cách chân thực nhất, sinh động nhất cuộc đấu tranh của quân, dân ta và tội ác của kẻ thù. Có những khó khăn gian khổ, những giọt mồ hôi đã rơi, thậm chí máu của nhiều nhà báo đã đổ xuống. Chúng ta sẽ không bao giờ quên nhà báo Lê Đình Dư với câu nói nổi tiếng trước khi hi sinh: “Người chiến sỹ có thể đứng bắn, quỳ bắn, nằm bắn. Còn phóng viên chúng tôi chỉ có quyền đứng thẳng trên chiến hào, dùng vũ khí là máy ảnh, bút máy để ghi lại chiến công của đồng đội và tội ác của kẻ thù!”.

Đất nước đã yên tiếng súng, thế nhưng cuộc chiến của các anh chị vẫn chưa dừng lại. Những ngày tháng 10/2017, chúng ta bàng hoàng khi biết tin nhà báo Đinh Hữu Dư - chàng trai 29 tuổi với trái tim tràn đầy nhiệt huyết đã bị dòng lũ cuốn trôi khi đang đưa tin về trận lũ kinh hoàng tại Yên Bái. Phép màu đã không xảy ra, thi thể của anh được tìm thấy sau 2 ngày nỗ lực tìm kiếm… Có ai đó đã đặt ra câu hỏi rằng: Liệu trong khoảnh khắc mà ranh giới giữa sự sống và cái chết vô cùng mong manh như vậy, các anh có hối hận về nghề báo - nghề mà mình đã lựa chọn hay không? Mỗi nhà báo sẽ có câu trả lời của riêng mình, nhưng có một điều chắc chắn rằng, trong hành trang các anh, chị mang theo luôn có lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người thầy mẫu mực của các nhà báo: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sỹ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”.

70 năm đã trôi qua kể từ sự kiện thành lập Hội những người viết báo Việt Nam, cùng sự biến động trong từng thời kỳ lịch sử của dân tộc, ngày hôm nay, chúng ta có thể tự hào và nói rằng: “Hội nhà báo Việt Nam đã đi sâu phản ánh mọi mặt của đời sống xã hội, cho dù đó là những vấn đề nóng bỏng, cấp thiết nhất”. Từ các vấn đề biên giới hải đảo, an sinh xã hội đến phòng chống tham nhũng… để từ đó có những đóng góp to lớn vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước; trở thành tiếng nói của Đảng, của Nhà nước và của nhân dân!

Theo HNB


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Tin liên quan
Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội