Những hồi ức quý giá với Đại tướng Phùng Quang Thanh
Nghe tin Đại tướng Phùng Quang Thanh, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra đi, tôi bàng hoàng đau xót như sét đánh ngang tai. Mới cách đây mấy tuần tôi còn gọi điện nhắn tin hỏi thăm sức khỏe của Đại tướng, thế mà nay người đã không còn nữa. Bao kỷ niệm với những lần được gặp Đại tướng Phùng Quang Thanh bỗng chốc ùa về.
Khi tôi còn công tác thì Đại tướng Phùng Quang Thanh là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Là một nhà báo Quân đội nên tôi đã có nhiều dịp gặp Đại tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Phùng Quang Thanh và cũng nhiều lần được tháp tùng Đại tướng đi thăm các đơn vị Quân đội.
Tôi vinh dự được gặp và tiếp xúc với đồng chí Phùng Quang Thanh lần đầu tiên vào tháng 12 năm 2004, trong ban bay báo cáo máy bay VNS-41 chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam của Quân chủng Phòng không - Không quân tại sân bay Hòa Lạc. Khi ấy đồng chí Phùng Quang Thanh đang giữ cương vị Thượng tướng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, còn tôi là phóng viên báo Phòng không - Không quân. Khi phi công Nguyễn Duy Lê lên báo cáo với Thượng tướng Phùng Quang Thanh kết quả chuyến bay vừa xong, mọi người ùa ra reo hò vui mừng, nắm tay, ôm hôn anh. Anh trở thành phi công Việt Nam đầu tiên cất hạ cánh trên mặt nước. Thượng tướng Phùng Quang Thanh rất xúc động và thay mặt Bộ Quốc phòng tặng hoa cho phi công Nguyễn Duy Lê. Tôi đã kịp chụp được khoảnh khắc đẹp này và sử dụng tấm ảnh trên các báo.
Lần gặp thứ hai tôi được gặp Bộ trưởng khi tôi về Báo Quân đội Nhân dân và tham gia chuyến công tác của Câu lạc bộ nhiếp ảnh chiến sĩ. Hôm ấy chúng tôi đang đi sáng tác ảnh ở Trung đoàn tên lửa 261 Sư đoàn 367, thì nghe tin Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng sẽ đến thăm kiểm tra Đoàn tên lửa S93. Đây là đơn vị mới tiếp nhận tổ hợp tên lửa hiện đại của nước ngoài. Chúng tôi vội chạy xe từ Vũng Tàu về Long Thành, nơi đóng quân của đoàn S93. Vừa đến nơi thì trực thăng chở Bộ trưởng cũng vừa đáp xuống. Các nhiếp ảnh gia vội cầm máy chạy ra sân cỏ chụp lấy chụp để, ghi nhận hình ảnh Đại tướng bước xuống máy bay gặp gỡ chỉ huy các đơn vị. Trời nắng gắt, nhưng Đại tướng vẫn đi thăm từ nhà này sang nhà khác. Đại tướng vào tận giường chiến sĩ kiểm tra nội vụ, xuống bếp kiểm tra đồ ăn, kiểm tra tác phong của chiến sĩ.
Tôi rất bất ngờ trước phong cách làm việc sâu sát, tỉ mỉ của Bộ trưởng, nhất là khi Bộ trưởng yêu cầu hàng quân xòe bàn tay để kiểm tra từng chiếc móng tay. Bộ trưởng sửa động tác chào cho một sĩ quan, chỉnh sửa quân hàm cho chiến sĩ, hỏi chuyện thân mật một đồng chí xa nhà. Cử chỉ của Đại tướng vừa thân mật lại vừa nghiêm trang, khiến cho chúng tôi rất nể phục. Khi đi kiểm tra vũ khí khí tài, Bộ trưởng yêu cầu chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu, ông hỏi các kỹ thuật viên tính năng, rồi quay sang Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân đi cùng để nhắc nhở cần tuyên truyền sức mạnh quân đội trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đại tá Vi Văn Liên, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 367 gọi tôi lại gần, anh giới thiệu:
“Đây là đồng chí Đoàn Hoài Trung, phóng viên Báo Quân đội Nhân dân, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Chiến sĩ”. Đại tướng bắt tay tôi và căn dặn đại ý cần tuyên truyền không chỉ các loại vũ khí thông thường của quân đội mà cần tuyên truyền các loại vũ khí hiện đại quân đội đang có, để Nhân dân thêm tin tưởng vào sức mạnh quân đội. Điều cần phải giữ bí mật là số lượng và phương án tác chiến. Tôi ghi nhớ trong lòng điều căn dặn của Đại tướng Phùng Quang Thanh và sau này trong các lần đi công tác hay tổ chức các cuộc đi sáng tác ảnh, tôi đều nhắc nhở anh em hội viên câu lạc bộ khắc họa người chiến sĩ hôm nay làm chủ các trang bị vũ khí hiện đại.
Trong cuộc thi ảnh của toàn quân năm 2009 nhân kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Chiến sĩ đã đoạt hàng loạt giải thưởng cao của cuộc thi, bản thân tôi cũng được 3 giải thưởng, giải nhì cuộc thi, giải khuyến khích và giải xét thưởng 5 năm Bộ Quốc phòng về các ảnh thể hiện người chiến sĩ hôm nay với tên lửa, máy bay hiện đại. Đặc biệt năm 2012, nhân kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Chiến sĩ, tôi đã cùng anh em hội viên tập hợp ra cuốn sách ảnh “Ánh sáng thép”. Tôi đã cùng đồng chí Nguyễn Trọng Thiết, hội viên Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Chiến sĩ, phóng viên báo Hải quân đến nhà riêng Đại tướng Phùng Quang Thanh để xin ý kiến Đại tướng về cuốn sách ảnh. Thật vinh dự, tự hào, Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Chiến sĩ đã được Đại tướng bút phê vào cuốn sách ảnh:
“Tôi chúc mừng Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Chiến sĩ bước vào tuổi 20 và xuất bản cuốn sách ảnh: “Ánh sáng thép” mang nhiều ý nghĩa. Đề nghị các đồng chí có nhiều tác phẩm ảnh nghệ thuật đẹp hơn nữa để phản ánh về những hoạt động của các Quân binh chủng Quân đội Nhân dân Việt Nam và dân quân tự vệ trong nhiệm vụ làm nòng cốt bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, bảo vệ chủ quyền biển đảo, bảo vệ vùng trời; phối hợp với công an bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; tình đoàn kết quân dân khắc phục hậu quả sau chiến tranh, giúp dân phòng tránh thiên tai, lao động sản xuất, tham gia phát triển kinh tế xã hội, đào tạo, nghiên cứu khoa học; các hoạt động ngoại giao Quốc phòng… Nên có những tấm ảnh về bộ đội ta làm chủ các loại vũ khí, trang bị hiện đại của Lục quân, Hải quân, Phòng không - Không quân, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Thông tin liên lạc, Tác chiến điện tử, Công nghiệp Quốc phòng… để giới thiệu với đồng bào, chiến sĩ cả nước và bạn bè quốc tế nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Chúc các đồng chí có nhiều sức khỏe, hạnh phúc và thành công.
Ngày 10-11-2012
Phùng Quang Thanh”.
Ngay sau lễ kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Chiến sĩ, chúng tôi đã phát động cuộc thi ảnh “Ánh sáng thép lần thứ nhất” với tiêu chí như lời căn dặn của Đại tướng Phùng Quang Thanh. Kết quả là đã thu được hàng trăm tấm ảnh đẹp về người chiến sĩ thời bình.
Đến thăm đồn Biên phòng cửa khẩu Tịnh Biên, đồng chí Bộ trưởng kiểm tra tình hình cắm cột mốc biên giới, nắm tình hình an ninh trật tự và quan hệ hữu nghị giữa Nhân dân hai nước. Đại tướng căn dặn cán bộ, chiến sĩ biên phòng: “Cần quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới. Kiểm soát xuất nhập cảnh chặt chẽ, nhưng cần làm thủ tục nhanh chóng, tạo điều kiện cho người dân và các doanh nghiệp thuận lợi buôn bán, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước. Làm tốt công tác hữu nghị với bạn Campuchia, tích cực chống buôn lậu và phải thật gần gũi với Nhân dân trong khu vực đóng quân…”. Kiểm tra đơn vị Giang thuyền 962, Đại tướng yêu cầu Quân khu cần lập dự án xây dựng nhà ở trên bờ cho cán bộ chiến sĩ các tàu nghỉ ngơi, tránh việc để cán bộ chiến sĩ quanh năm ở dưới tàu. Đại tướng Phùng Quang Thanh biểu dương các Trung đoàn Bộ binh 1, 3 của Sư đoàn 330 và Trung đoàn Tăng - Thiết giáp 316 đã xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch đẹp, duy trì nghiêm nền nếp chính quy, đồng thời tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao, văn hóa, văn nghệ phong phú cho cán bộ, chiến sĩ trong ngày nghỉ.Những năm làm phóng viên Báo Quân đội Nhân dân từ năm 2005 đến năm 2011, tôi đã được tháp tùng Đại tướng Phùng Quang Thanh đi thăm một số đơn vị. Đặc biệt chuyến đi từ ngày 10 đến 12-7-2009, Đại tướng Phùng Quang Thanh đã đến dự Hội nghị Quân chính Quân khu 9, đi thăm và làm việc tại Trung đoàn 1, Trung đoàn 3, Sư đoàn 330, Trung đoàn Tăng - Thiết giáp 316, đồn Biên phòng cửa khẩu Tịnh Biên (An Giang) và đơn vị Giang thuyền 962. Chuyến đi thăm các đơn vị lần này tôi cảm nhận sự sâu sát, quan tâm đến đời sống của cán bộ, chiến sĩ và tính quyết đoán của Bộ trưởng trước những vấn đề cần giải quyết cho đơn vị. Tại Sư đoàn 330, sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo chỉ huy Sư đoàn, Đại tướng Phùng Quang Thanh đã biểu dương thành tích mà đơn vị đã đạt được trong thời gian qua, đồng thời nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 330 phát huy truyền thống của đơn vị anh hùng, luôn xác định nhiệm vụ trung tâm là sẵn sàng chiến đấu khi có tình huống xảy ra, huấn luyện tốt, duy trì nghiêm kỷ luật đơn vị, đặc biệt chú trọng công tác quản lý, giáo dục bộ đội để không xảy ra vi phạm kỷ luật đơn vị.
Trong Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Chiến sĩ có nhà báo Đức Toại là lão thành cách mạng, ông tham gia hoạt động từ năm 1941. Những năm trên chiến trường, nhà báo Đức Toại đã có bài viết sâu sắc kể về những trận chiến đấu của Đại tướng Phùng Quang Thanh. Nhà báo Đức Toại giờ đây cũng đã đi xa, nhưng bài viết của ông năm xưa về Đại tướng Phùng Quang Thanh vẫn còn nguyên giá trị về người anh hùng Quân đội ta.
Chuyến bay đặc biệt
Tháng 5 năm 2011, tôi được bổ nhiệm làm Trưởng cơ quan đại diện Trung tâm Phát thanh-Truyền hình Quân đội tại Thành phố Hồ Chí Minh. Được về cơ quan mới, tôi càng thấy sự quan tâm sâu sát của Bộ trưởng Phùng Quang Thanh với Trung tâm Phát thanh-Truyền hình quân đội, từ vị trí đóng quân, biên chế tổ chức đến đời sống cán bộ công nhân viên. Bộ trưởng thường xuyên theo dõi các chương trình Phát thanh quân đội, Truyền hình Quân đội và có những chỉ đạo định hướng kịp thời.
Hiện giờ, trung tâm Phát thanh-Truyền hình Quân đội có trụ sở to đẹp, hiện đại bậc nhất so với các đài truyền hình khu vực Đông Nam Á. Đó cũng là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ trưởng Phùng Quang Thanh. May mắn cho tôi có nhiều dịp được gặp Đại tướng Phùng Quang Thanh trong những lần Đại tướng đến thăm Trung tâm. Kỷ niệm sâu sắc nhất là chuyến bay ra Trường Sa với Đại tướng Phùng Quang Thanh tháng 4 năm 2014. Đây là chuyến bay đặc biệt, lúc đó tôi là phóng viên duy nhất được đi theo đoàn, vừa làm nhiệm vụ quay phim vừa làm nhiệm vụ chụp ảnh. Một tay cầm máy ảnh, một tay cầm máy quay tôi đã ghi lại được toàn bộ hình ảnh chuyến đi của Đại tướng Phùng Quang Thanh ra Trường Sa và bài nói chuyện xúc động của Đại tướng với quân dân trên đảo. Tôi may mắn được Đại tướng cho phép chụp chung bên cột mốc chủ quyền Trường Sa. Trên đường từ Trường Sa về tôi đã viết bài thơ tặng Đại tướng:
Kính tặng Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng
Hôm nay Đại tướng tới Trường Sa
Trời biển, sóng nước thật bao la
Đường băng lộng gió mong chờ đón
Quân dân trên đảo vui hát ca
Đây Trường Sa - cột mốc thiêng liêng
Chùa Trường Sa - phong ba bên thềm
Đền thờ Bác - trang nghiêm bên biển
Cây bàng vuông - Tổ quốc linh thiêng
Giáp niên trước anh đã đến đây
Bao công trình để lại nơi này
Trong lòng anh còn bao trăn trở
Để đảo thành hòn ngọc tương lai
Lời anh dặn giữa đảo Trường Sa
Đây biển của ta, đảo của ta
Quân dân đoàn kết luôn cảnh giác
Giữ gìn bờ cõi của ông cha
Đi cùng Bộ trưởng một chuyến bay
Trong lòng tôi như có men say
Tự hào Đại tướng tới biên ải
Khích lệ quân dân ở nơi đây!
Tháng 4 năm 2016, Đại tướng Phùng Quang Thanh thôi giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Tháng 10 năm 2018, tôi cũng chính thức nghỉ hưu. Nhưng mỗi lần ra Hà Nội, có dịp tôi lại ghé thăm Đại tướng Phùng Quang Thanh. Ngày 15-10-2020, nhân dịp nhà văn Phùng Văn Khai, Phó tổng biên tập tạp chí Văn nghệ Quân đội có mời tôi tham gia viết bài cho cuộc hội thảo Thượng tướng Phùng Thế Tài nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh thượng tướng Phùng Thế Tài, tôi có rủ nhà văn Phùng Văn Khai cùng em Phùng Thị Lý, con gái Thượng tướng Phùng Thế Tài sang thăm Đại tướng Phùng Quang Thanh. Thật vui mừng thấy Đại tướng mạnh khỏe. Đại tướng còn gửi lời hỏi thăm và gửi quà cho nhà báo Nguyễn Đức Toại. Mới đây nhất, ngày 17-8-2021, tôi có gửi tin nhắn cho Đại tướng Phùng Quang Thanh: “Anh kính mến! Nhà báo Nguyễn Đức Toại đã qua đời 10 giờ 15 phút ngày 16-8 tại bệnh viện quân y 175. Lễ truy điệu 13 giờ 30 ngày 19-8 tại nhà tang lễ Bộ Quốc phòng phía Nam, báo để anh biết”. Đại tướng đã gửi tin nhắn lại: “Cám ơn chú Trung nhiều. Anh đã nói chuyện điện thoại với chị vợ anh Toại và nhờ Báo Quân đội Nhân dân gửi vòng hoa lễ viếng”.
Thế mà nay Đại tướng Phùng Quang Thanh đã đột ngột ra đi. Dẫu biết có sinh có tử, nhưng đây thật sự là tổn thất lớn cho quân đội, cho đất nước. Chúng tôi - những người lính luôn ghi trong lòng hình ảnh Đại tướng Phùng Quang Thanh - người trưởng thành từ người lính trận mạc, trở thành anh hùng, trở thành tướng tài quân đội, một vị tướng hết lòng yêu thương binh sĩ, suốt đời vì Nhân dân phục vụ.
Theo QĐND Điện tử
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận