A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những người “Đi tìm quá khứ”

Hiện nay, hơn 22.000 hiện vật, di vật, hình ảnh, tư liệu hiện diện tại Bảo tàng Quân khu 4 đang được sắp xếp khoa học, có hồ sơ tỉ mỉ, chi tiết đã không chỉ tái hiện các sự kiện lịch sử tiêu biểu của những năm tháng hào hùng diễn ra trên mảnh đất Khu 4, mà còn là minh chứng cho sự kỳ công, vất vả của cán bộ, nhân viên Bảo tàng trong việc sưu tầm, bảo quản hiện vật.

Gia đình liệt sĩ trao hiện vật tặng Bảo tàng Quân khu 4 - Ảnh: Hữu Hoành

 

Tại Ban Kiểm kê - Sưu tầm - Bảo quản, Trung tá Quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Phạm Thị Nam Hà say sưa kể về chiếc nồi gang của Mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Đỉnh: “Đây là một hiện vật quý, từng được mẹ Trần Thị Đỉnh dùng để nuôi dấu cán bộ cách mạng. Bởi chủ nhân của hiện vật lúc đó là cụ ông Vương Hưng Mầu và cụ bà Nguyễn Thị Thể đã hơn 80 tuổi, quá trình tiếp cận, vận động, thuyết phục gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng với sự kiên trì, bằng tình cảm chân thành và trách nhiệm nghề nghiệp, hiện vật đã được sưu tầm về với bảo tàng sau hành trình 10 lần rong ruổi đi và về giữa Nghệ An và Thừa Thiên Huế”.

Chiếc nồi gang của Mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Đỉnh.

 

Rồi chị chia sẻ, công việc sưu tầm hiện vật tuy cực mà vui. Vui vì mình phát huy đam mê, được tận tay mang về những hiện vật gốc, cống hiến một phần sức lực vào sự nghiệp giáo dục truyền thống của bảo tàng. Vui hơn nữa là được gặp các Mẹ Việt Nam anh hùng, những người từng gắn bó với chiến tranh, những cụ già tóc bạc, được nghe kể chuyện ngày xưa nên bản thân cũng hiểu thêm về lịch sử hào hùng của dân tộc. Nói về những khó khăn, chị tâm sự: Nắng bụi, mưa lầy hay đường sá xa xôi cũng chẳng khó bằng việc thuyết phục. Hiện nay, hiện vật cổ có giá trị rất cao nên người dân ngại trao cho bảo tàng. Người sưu tầm phải khéo léo thuyết phục, nài nỉ, giải thích để dân hiểu thì họ mới trao tặng”.

Tuy nhiên, không phải sự van nài nào cũng thành công như mong đợi. Có những lần, cán bộ bảo tàng buồn thiu quay về khi năn nỉ mãi mà người dân vẫn không trao tặng. Nhớ lại chuyến sưu tầm mới đây, Đại úy QNCN Nguyễn Trà My dường như vẫn còn nguyên vẹn cảm xúc, chị buồn bã kể: “Ông Hà Huy Mỳ (ở Kỳ Xuân, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) vừa mới được một cựu binh Mỹ trao trả cuốn nhật ký của liệt sĩ Cao Văn Tuất. Gia đình muốn lưu giữ như một kỷ vật, đồng thời dùng để khai thác thông tin nhằm tìm kiếm hài cốt của ông mình. Suốt hơn 7 tháng, tôi đã kiên trì vận động, đi đến nhiều cơ quan, ban ngành địa phương để liên hệ phối hợp tuyên truyền, giải thích. Hiện gia đình đã hiểu rằng, đến với bảo tàng, hiện vật sẽ được giữ gìn cẩn thận hơn, được tiếp xúc với nhiều người hơn, biết đâu, trong số những cựu chiến binh đến tham quan, qua quyển nhật ký sẽ có thêm thông tin về phần mộ liệt sĩ. Tuy vậy, gia đình vẫn hẹn sau hai năm nữa mới đồng ý hiến tặng. Hành trình thuyết phục vẫn còn gian nan, dang dở…”.

Gia đình Mẹ Việt Nam Anh hùng trao hiện vật tặng Bảo tàng Quân khu 4 - Ảnh: Hữu Hoành.

 

Còn Trung tá QNCN Hồ Thị Phương thì nhớ lại: Cách đây không lâu, Bảo tàng Quân khu đến gia đình một cựu chiến binh ở Hưng Nguyên, Nghệ An, người có biệt tài sáng chế các vật dụng gia đình từ vũ khí thời chiến tranh của Mỹ, Ngụy. Khi được đề xuất hiến tặng một số hiện vật để Bảo tàng trưng bày, triển lãm theo ý tưởng “Sự sống nảy sinh trong cái chết”, gia đình đã mang hai sổ nợ ngân hàng ra để thương lượng. Do nguồn kinh phí eo hẹp, sau nhiều lần thuyết phục không thành, ý tưởng trưng bày cũng đành bỏ ngỏ. Dù không xin được hiện vật nhưng khi biết chủ nhà quý trọng, gìn giữ hiện vật cẩn thận, cán bộ bảo tàng cũng phần nào an lòng.

Giáo dục truyền thống tại Bảo tàng Quân khu 4.

 

Vượt qua nhiều khó khăn, vất vả, có cả niềm vui và nỗi buồn, những cán bộ sưu tầm hiện vật ở Bảo tàng Quân khu 4 vẫn ngày đêm âm thầm “đi tìm quá khứ”, làm sống lại những hành động dũng cảm, chiến công vẻ vang của bộ đội, thanh niên xung phong, dân quân, tự vệ Khu 4 anh hùng. Thượng tá Trần Ngọc Quang, Giám đốc Bảo tàng Quân khu 4 cho biết: Những năm qua, đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác sưu tầm của Bảo tàng đã vượt qua nhiều thử thách, gian khổ, có đóng góp to lớn trong công tác sưu tầm, kiểm kê, bảo quản hiện vật, góp phần giáo dục lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần đấu tranh bất khuất, sự hi sinh xương máu của cha ông ta cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Bài, ảnh: CẢNH VINH


Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội