A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản
Kỷ niệm 115 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Hà Huy Tập (24/4/1906 - 24/4/2021)

Tổng Bí thư Hà Huy Tập - Người cộng sản kiên trung, bất khuất, nhà lãnh đạo tài năng của Đảng

Kỷ niệm 115 năm Ngày sinh đồng chí Tổng Bí thư Hà Huy Tập (24/4/1906 - 24/4/2021) là dịp để chúng ta ôn lại cuộc đời, tấm gương chiến đấu, hy sinh và những cống hiến to lớn của đồng chí cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta.

Đồng chí Hà Huy Tập sinh ngày 24/4/1906, trong gia đình nhà nho yêu nước tại làng Kim Nặc, tổng Thổ Ngọa, nay thuộc xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Với 35 tuổi đời, trải qua gần 16 năm hoạt động cách mạng ở trong nước cũng như ở nước ngoài, trong đó có gần hai năm giữ cương vị Tổng Bí thư của Đảng (tháng 7/1936 đến tháng 3/1938), với nhiều bí danh và tên gọi khác nhau, đồng chí Hà Huy Tập đã có cống hiến to lớn cho cách mạng Việt Nam. 

Xây dựng nền tảng tư tưởng, lý luận cho một Đảng cách mạng

 Nắm vững nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, thâm nhập vào thực tiễn, vận dụng lý luận đã học để xem xét phong trào cách mạng Việt Nam, Hà Huy Tập đã vượt qua những hạn chế nhất định, phần lớn do bị chi phối bởi điều kiện khách quan, trong việc nhìn nhận đánh giá vấn đề dân tộc và giai cấp ở Việt Nam. Ngay từ đầu, Hà Huy Tập đã có quan điểm rõ ràng, dứt khoát hướng theo tư tưởng cách mạng của thời đại. Lập trường đó có ảnh hưởng lớn đến quan điểm của Hội Phục Việt, rồi Hưng Nam và nhất là chuyển thành Tân Việt Cách mạng Đảng, tư tưởng theo quan điểm, đường lối cộng sản mà Nguyễn Ái Quốc truyền bá. Tân Việt Cách mạng Đảng thật sự là tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam với việc phát triển vững chắc quan điểm của chủ nghĩa cộng sản để trở thành Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Thực tiễn đó cho thấy tầm quan trọng đặc biệt của việc đặt nền tảng tư tưởng, lý luận cho một Đảng cách mạng mà Hà Huy Tập đã có đóng góp lớn ngay từ khi Tân Việt còn là tổ chức tiền thân của Đảng.

Những tác phẩm báo chí đồng chí Hà Huy Tập viết trong quá trình hoạt động cách mạng hiện được lưu giữ tại Khu lưu niệm Hà Huy Tập ở huyện Cẩm Xuyên.

Sau khi đồng chí trở về nước hoạt động thông qua việc triệu tập và chủ trì 3 Hội nghị Trung ương: Hội nghị 3/1937, Hội nghị 9/1937 và Hội nghị 3/1938, đã thể hiện tầm vóc trí tuệ, tư duy sáng tạo của đồng chí Hà Huy Tập, là một bước trưởng thành quan trọng trong nhận thức về lý luận của Đảng trước những biến chuyển rõ rệt của tình hình trong nước và thế giới; đồng thời thể hiện tư duy độc lập, tự chủ, bản lĩnh, năng lực, trí tuệ của Đảng Cộng sản Đông Dương. Đồng chí đã chỉ đạo và trực tiếp viết nhiều tài liệu, sách báo, giáo dục lý luận cho đảng viên và Nhân dân. Đi vào thực tiễn, đường lối đúng đắn của Đảng đã lãnh đạo, hướng dẫn phong trào đấu tranh của Nhân dân những năm 1936-1939

Không ngừng chăm lo xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức.

Sau phong trào cách mạng 1930-1931, thực dân Pháp tăng cường khủng bố khắp nơi, lực lượng cách mạng bị tổn thất nặng nề, hàng vạn người bị bắt, bị tù đày, hầu hết các Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, Xứ ủy Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ bị bắt. Vào những thời điểm khó khăn nhất, liên quan đến sự  sống còn của Đảng, với ý chí kiên cường, đồng chí đã không chịu khuất phục, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ góp phần duy trì sự tồn tại và phát triển của tổ chức Đảng. Sau những nỗ lực, cố gắng của đồng chí Hà Huy Tập trong công tác chuẩn bị, sự phục hồi của Đảng và phong trào cách mạng được đánh dấu bằng Đại hội lần thứ I của Đảng, tháng 3 năm 1935. Điều đó càng tạo lên mối lo sợ kinh hoàng cho nhà cầm quyền. Chúng tăng cường thực hiện các biện pháp khủng bố, đàn áp vây bắt. Một lần nữa, Đảng ta lâm vào tình trạng khó khăn, các tổ chức Đảng gần như bị tan rã, Ban Chấp hành Trung ương Đảng do Đại hội lần thứ I bầu ra không còn tồn tại. Trong bối cảnh đó, theo sự phân công của Hội nghị tháng 7/1936, đồng chí Hà Huy Tập về nước, trên cương vị Tổng Bí thư, để khôi phục lại Ban Chấp hành Trung ương Đảng, xây dựng các tổ chức quần chúng ở trong nước. Tổng Bí thư của Đảng, Hà Huy Tập phân công các Ủy viên Trung ương Đảng liên lạc với các tổ chức Đảng các cấp ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ, chắp nối lại tổ chức. Tháng 3/1937, đồng chí triệu tập Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương mở rộng để thống nhất tổ chức Đảng ở Bắc Trung Kỳ và Trung Kỳ.

Với sự trực tiếp chỉ đạo của đồng chí Hà Huy Tập, hệ thống tổ chức Đảng bao gồm 6 cấp: Trung ương – Ban Chấp hành Trung ương và các cơ quan tham mưu; tỉnh và tương đương (thành, đặc khu); huyện và tương đương (phủ, châu, quận, thành phố nhỏ); tổng – xã; chi bộ - tổ chức cơ sở Đảng đã dần dần được khôi phục.

Nâng cao trình độ lý luận của Đảng

Nhằm tuyên truyền, giáo dục cho đảng viên về lý luận chính trị, đồng chí Hà Huy Tập đã soạn thảo một số công trình khoa học để làm tài liệu như: Lịch sử Tân Việt cách mạng Đảng (1929); Hoạt động của Đảng Cộng sản Đông Dương (1931); Đảng Cộng sản Đông Dương đứng trước chủ nghĩa cải lương quốc gia (1932); Kỷ niệm 3 năm ngày Đảng Cộng Sản Đông Dương thống nhất (1933)... Đặc biệt, tác phẩm Sơ thảo lịch sử phong trào cộng sản ở Đông Dương của đồng chí được viết năm 1933. Đồng chí Hà Huy Tập nhận thức rất rõ vai trò và tác dụng to lớn của báo chí trong công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị cho đảng viên và quần chúng. Từng làm Tổng biên tập Tạp chí Bônsơvích, cơ quan ngôn luận của Ban Chỉ huy ở ngoài, cùng với các đồng chí của mình biến Sài Gòn trở thành trung tâm hoạt động báo chí cách mạng thời kỳ Mặt trận Dân chủ Đông Dương, Hà Huy Tập đã sử dụng ngòi bút là phương tiện để đưa đường lối của Đảng thấm nhuần trong mỗi đảng viên và quần chúng.

Hội thảo “Đồng chí Hà Huy Tập với công tác tư tưởng, lý luận của Đảng” được tổ chức tại Hà Tĩnh sáng 22/4/2021.

Đấu tranh bảo vệ sự thống nhất trong Đảng xây dựng mối quan hệ gắn bó giữa Đảng với Nhân dân

Ngay từ khi còn học tập tại Đại học Phương Đông - Liên Xô, Hà Huy Tập đã có những bài viết sắc sảo xoay quanh những vấn đề đấu tranh về tư tưởng, đảm bảo giữ vững sự trong sạch, vững mạnh và thống nhất của Đảng Cộng sản Đông Dương. Đồng chí khẳng định, một trong những khó khăn của Đảng ta đó là cuộc đấu tranh về mặt tư tưởng để chống lại chủ nghĩa cơ hội, khuynh hướng manh động, khủng bố, cá nhân biệt phái và chủ nghĩa công đoàn.

Năm 1932, trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin, đồng chí Hà Huy Tập đã khái quát lên ba nội dung lớn về nhiệm vụ của Đảng Cộng sản Đông Dương, trong đó có hai nội dung đồng chí yêu cầu phải đấu tranh hết sức nghiêm khắc về mặt tư tưởng và chính trị đó là: chống chủ nghĩa cải lương quốc gia tư sản; phê phán mạnh mẽ tính không nhất quán, tính do dự của các Đảng cách mạng quốc gia tiểu tư sản.

Bản thân đồng chí Hà Huy Tập luôn thể hiện quan điểm tuân thủ và giữ vững nguyên tắc tính Đảng, tuân thủ đường lối chính trị của Đảng; kịp thời khắc phục những lệch lạc, sai lầm tả khuynh và hữu khuynh, đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, xét lại, chống giáo điều, bảo thủ. Đồng chí đã đấu tranh bảo vệ quan điểm về Đảng Cộng sản, đội tiên phong của giai cấp vô sản với một hệ tư tưởng vững chắc, bảo vệ đường lối chính trị và kỷ luật của Đảng, thống nhất về ý chí, nguyên tắc và hoạt động cách mạng.

Sau khi về nước, trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng, thời kỳ Mặt trận Dân chủ, đồng chí đã lãnh đạo cuộc tiến công trên mặt trận lý luận, báo chí, vạch trần bộ mặt của Tờrốtxkít đội lốt cách mạng. Những cuốn sách và bài báo của đồng chí đã góp phần quan trọng vào việc đập tan các luận điệu xuyên tạc của bọn cách mạng đầu lưỡi, giả danh cách mạng, kêu gọi xiết chặt hàng ngũ; đưa tư tưởng và lý luận chân chính của Đảng thấm nhuần tới mọi đảng viên và quần chúng Nhân dân, tạo sự thống nhất tư tưởng và hành động cách mạng.

Thực tiễn phong trào cách mạng 1936-1939 đã có bước phát triển mới về hình thức và phương pháp đấu tranh phù hợp với hoàn cảnh lịch sử, đánh dấu sự trưởng thành của Đảng ta trong công tác vận động quần chúng, giác ngộ, thu hút và tổ chức lực lượng của các tầng lớp Nhân dân đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong sự phát triển đó có công lao to lớn của đồng chí Hà Huy Tập trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng.

Trong mối quan hệ giữa Đảng với tổ chức quần chúng, đồng chí Hà Huy Tập khẳng định: Đảng là người chỉ đạo về đường lối, Đảng không có quyền và không nên đem mệnh lệnh áp đặt cho các hội quần chúng mà gián tiếp chỉ đạo thông qua đảng đoàn và các tổ chức quần chúng để giải thích và thuyết phục quần chúng theo đường lối của Đảng; Đảng phải nêu cao sáng kiến của quần chúng... Những quan điểm đó của đồng chí Hà Huy Tập là sự gặp gỡ với quan điểm của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và cho đến hiện nay vẫn còn mang giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc.

Tổng Bí thư Hà Huy Tập là một trong những chiến sĩ cộng sản tiền bối tiêu biểu, một Tổng Bí thư kiên trung, bất khuất của Đảng. Đồng chí đã phấn đấu, hy sinh không mệt mỏi cho lý tưởng cách mạng, cho độc lập tự do của dân tộc và hạnh phúc của nhân dân. Học tập và làm theo tấm gương Tổng Bí thư Hà Huy Tập trong điều kiện hiện nay trước hết, cần quán triệt sâu sắc các nhiệm vụ trọng tâm đã được Đại hội XIII xác định đó là: Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị toàn diện, trong sạch, vững mạnh. Đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, "lợi ích nhóm", những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ. Xây dựng đội ngũ đảng viên và cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Củng cố lòng tin, sự gắn bó của Nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa.

Nhân dân Hà Tĩnh thắp nến tri ân Tổng Bí thư Hà Huy Tập.

Tập trung kiểm soát đại dịch Covid-19, tiêm chủng đại trà vắc-xin Covid-19 cho cộng đồng; phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển phù hợp với nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập; phát triển đồng bộ và tạo ra sự liên kết giữa các khu vực, các vùng, các thành phần kinh tế, các loại hình sản xuất kinh doanh; có chính sách hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp trong nông nghiệp; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tạo động lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững; hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là pháp luật về bảo hộ sở hữu trí tuệ và giải quyết các tranh chấp dân sự, khắc phục những điểm nghẽn cản trở sự phát triển của đất nước.

Giữ vững độc lập, tự chủ, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, tạo tiền đề vững chắc phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo, vùng trời; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước.

Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế; có chính sách cụ thể phát triển văn hoá đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam.

Hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm phát huy mạnh mẽ dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của Nhân dân; đồng thời xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch, vững mạnh; cải cách tư pháp, tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội, trước hết là sự gương mẫu tuân theo pháp luật, thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa của cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội các cấp, của cán bộ, đảng viên; tăng cường đại đoàn kết toàn dân tộc.

Quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai, tài nguyên; bảo vệ, cải thiện môi trường; chủ động, tích cực triển khai các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, thiên tai khắc nghiệt.

Nguồn: TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội