A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tư lệnh Chu Huy Mân chỉ đạo củng cố thế trận chiến tranh Nhân dân trên địa bàn Quân khu 4 trong những năm đầu kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trên cương vị Chính ủy, Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh Quân khu 4, với tài năng của vị tướng song toàn, mạnh cả về chính trị và quân sự, tầm nhìn chiến lược sâu sắc, vừa sâu sát, tỉ mỉ, gần gũi với cán bộ, chiến sĩ, đồng chí Chu Huy Mân đã góp phần quan trọng vào củng cố thế trận chiến tranh Nhân dân trên địa bàn Quân khu 4, nổi bật là:

Đại tướng Chu Huy Mân và cán bộ, chiến sĩ Quân khu 4 đón Bác Hồ về thăm đơn vị.

Một là, làm tốt công tác tư tưởng, xây dựng thế trận, sẵn sàng đánh bại mọi âm mưu, thủ đoạn của đế quốc Mỹ trên địa bàn Quân khu 4

Ngày 21 tháng 7 năm 1954, Hiệp định Giơnevơ được ký kết, địa bàn Quân khu 4 trực tiếp chịu sự chia cắt giữa hai miền: Các tỉnh Bắc Vĩ tuyến 17 bao gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và khu vực Vĩnh Linh được giải phóng, cùng Nhân dân miền Bắc đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội; Nam Vĩ tuyến 17 là Quảng Trị, Thừa Thiên Huế chịu sự thống trị của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Kể từ đây, Quân khu 4 trở thành nơi đụng đầu trực tiếp giữa lực lượng cách mạng xã hội chủ nghĩa với đế quốc Mỹ. Sau khi nhận nhiệm vụ Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Quân khu 4, tháng 7 năm 1957, đồng chí Chu Huy Mân đã đi thăm, kiểm tra một số địa phương, đơn vị ở giới tuyến, trực tiếp xuống từng trận địa, từng phân đội gặp gỡ cán bộ, chiến sĩ để nắm tình hình tư tưởng, công tác xây dựng thế trận phòng thủ, việc tổ chức lực lượng tại chỗ, lực lượng cơ động, công tác đảm bảo thông tin, y tế, xây dựng trận địa pháo mặt đất, trận địa pháo cao xạ.

Nắm bắt kịp thời những vấn đề đặt ra, đồng chí Chu Huy Mân trực tiếp chỉ đạo các đơn vị triển khai  các biện pháp giáo dục, quán triệt nhiệm vụ, đấu tranh với những tư tưởng sai trái, tiêu cực, cá nhân chủ nghĩa, làm chuyển biến mạnh mẽ tình hình tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ. Đồng thời, khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong xây dựng thế trận phòng ngự, nhằm từng bước nâng cao chất lượng, khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang Quân khu, đảm bảo luôn chủ động đánh bại mọi cuộc tiến công của địch khi chúng liều lĩnh tiến công ra miền Bắc. Trên cương vị là người đứng đầu về công tác đảng, công tác chính trị, đồng chí đã cùng với Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 4 vận dụng sáng tạo những chủ trương, quan điểm cơ bản của Đảng về tổ chức lực lượng vũ trang và thế trận chiến tranh Nhân dân, góp phần xây dựng Quân khu 4 trở thành hậu phương trực tiếp của tiền tuyến lớn miền Nam.

Tháng 5 năm 1961, sau thời gian làm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Quân khu Tây Bắc; kiêm Bí thư Khu ủy Tây Bắc, Trưởng đoàn cố vấn quân sự giúp đỡ cách mạng Lào, đồng chí Chu Huy Mân trở lại Quân khu 4 đảm nhiệm trọng trách Tư lệnh kiêm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Quân khu. Đồng chí đã chỉ đạo lực lượng vũ trang Quân khu đẩy mạnh phong trào “Xây dựng Quân đội tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chính quy, hiện đại” do Quân ủy Trung ương phát động. Triển khai các bước cụ thể, Đồng chí chỉ đạo các đơn vị kiểm điểm đánh giá, rút kinh nghiệm về các mặt công tác, nhất là kiện toàn tổ chức và xây dựng kế hoạch tác chiến phòng thủ, sẵn sàng đánh địch tập kích từ bờ biển và biên giới vào nội địa, lập phương án phòng chống địch tấn công quy mô lớn. Nhận rõ vị trí, nhiệm vụ quan trọng của Quân khu tuyến đầu miền Bắc xã hội chủ nghĩa, hậu phương trực tiếp của chiến trường miền Nam và Lào; với trọng trách là Tư lệnh kiêm Chính ủy, Bí thư Quân khu ủy, đồng chí Chu Huy Mân đã trực tiếp chủ trì cùng với một số cán bộ Quân khu kiểm tra, nắm tình hình và triển khai nhiệm vụ cụ thể đối với Sư đoàn 325 và một số đơn vị bố trí dọc khu vực giới tuyến tạm thời.

Sau khi trực tiếp đi khảo sát địa bàn và nghe các đồng chí cán bộ lãnh đạo chỉ huy đơn vị báo cáo tình hình địch, tình hình đơn vị và các biện pháp để đối phó địch; đồng chí Chu Huy Mân và đoàn kiểm tra của Quân khu nhận thấy: Nhận thức tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ các đơn vị đứng ở tuyến đầu cũng như phía sau đang theo hướng phòng ngự tích cực, với kế hoạch: Nếu quân địch vượt sông Bến Hải sang bờ Bắc, ta đánh trả đến mức nào đó rồi lùi về tuyến hai, lấy điểm cao 74 làm chuẩn; trường hợp quân địch tiếp tục tiến công, ta lại đánh trả một số trận rồi lùi về tuyến dốc Sỏi; đến đây sẽ có lực lượng chủ lực của Quân khu và Bộ ra phản công.

Với tầm nhìn chiến lược, đồng chí Chu Huy Mân nhận thấy các đơn vị nặng về tư tưởng phòng ngự thụ động, nếu địch liên tục tấn công, ta sẽ rơi vào bị động, lúng túng trong đối phó với địch. Sau nhiều lần khêu gợi khả năng vượt sông Bến Hải tiến vào phía Nam, chủ động tiến công địch, nhưng không ai có ý kiến. Đồng chí đã quán triệt cho đội ngũ cán bộ chủ trì các đơn vị giới tuyến về chủ trương của Quân khu ủy trong đối phó với những âm mưu, hành động mới của địch; đồng thời giao nhiệm vụ cho các đơn vị cần chủ động phối hợp với các lực lượng tại chỗ trên địa bàn thực hiện tốt các phương án tác chiến, kiên quyết đập tan những hành động liều lĩnh của địch. Trong đó, đồng chí đặc biệt lưu ý các đơn vị về kế hoạch tác chiến chung trên chiến trường, nhấn mạnh: Nhiệm vụ phòng ngự và phản công đều phải được chuẩn bị chu đáo, nhưng trước hết là phải chăm lo đầy đủ, đúng mức công tác phòng thủ; chỉ có tổ chức phòng ngự vững chắc, nghiêm mật thì mới có điều kiện phản đột kích và xuất kích; ngược lại sẵn sàng xuất kích đánh tiêu diệt địch thì mới hỗ trợ đắc lực cho phòng ngự, mới đè bẹp ý chí xâm lược phản động của địch, bảo vệ được lãnh thổ vững chắc.

Qua đợt kiểm tra các địa phương, đơn vị, đồng chí đã rút ra nhiều vấn đề quan trọng, đồng chí nhanh chóng chuẩn bị nội dung họp Quân khu ủy, ra nghị quyết lãnh đạo: Chấn chỉnh các đơn vị và cơ quan nhằm bảo đảm lãnh đạo, chỉ huy được chặt chẽ và tăng thêm mức sẵn sàng chiến đấu của bộ đội. Tiếp tục tăng cường chất lượng công tác phòng thủ sẵn sàng chiến đấu, kiên quyết đập tan mọi âm mưu của địch, chuẩn bị sẵn sàng để xuất kích khi có lệnh. Chấn chỉnh công tác huấn luyện ở các trường quân chính, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện năm 1962, đưa trình độ bộ đội tiến lên và sát với yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu. Tiếp tục củng cố tổ chức lực lượng dân quân tự vệ, tích cực xây dựng cơ sở các vùng xung yếu, sẵn sàng chiến đấu và bảo đảm kế hoạch động viên lực lượng được nhanh chóng. Chấn chỉnh và xây dựng công tác quản lý cơ sở vật chất và kỹ thuật, bảo đảm yêu cầu sẵn sàng chiến đấu (nhất là đối với các đơn vị cần cơ động) và các yêu cầu về xây dựng, huấn luyện của lực lượng thường trực cũng như hậu bị.

Đồng chí Chu Huy Mân, Tư lệnh trưởng Quân khu 5 đến thăm và động viên cán bộ,chiến sĩ đơn vị xe tăng T54 Quân giải phóng trước giờ tiến công vào giải phóng thành phố Đà Nẵng.

Hai là, phối hợp với với bạn Lào bảo vệ biên giới, góp phần củng cố tình đoàn kết chiến đấu giữa hai nước Việt Nam - Lào

Thực hiện nghị quyết của Quân khu ủy về tăng cường phòng thủ, phối hợp hoạt động bảo vệ biên giới, lực lượng vũ trang Quân khu cùng với bộ đội Pa-Thét Lào tổ chức một số hoạt động quân sự trên địa bàn Trung và Hạ Lào. Biết rõ địch bị sơ hở tại địa bàn Trung và Hạ Lào, đồng thời theo yêu cầu của Bạn, Bộ Quốc phòng chỉ thị giao nhiệm vụ cho lực lượng vũ trang Quân khu 4, nhanh chóng phối hợp cùng lực lượng Pa-thét Lào, tổ chức tiến công giải phóng Đường số 8 nhằm tạo nên căn cứ địa rộng lớn cho Bạn ở Trung Lào, uy hiếp cạnh sườn địch, phối hợp với chiến trường chính của ta ở miền Nam.

Tháng 1 năm 1962, sau khi phân tích, đánh giá tình hình thực tế ở địa bàn Quân khu, đồng chí Chu Huy Mân và các đồng chí trong Thường vụ Quân khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 quyết định điều Tiểu đoàn 927 cơ động tới phối hợp với lực lượng tại chỗ bảo vệ tuyến đường và lệnh cho Tiểu đoàn 44 hành quân chiếm lĩnh hướng Thà-khống. Ngày 28 tháng 1 năm 1962, Bộ Quốc phòng chỉ thị cho Quân khu tranh thủ lúc địch đang tập trung lực lượng đối phó ở Nậm - Thà (Thượng Lào), phối hợp cùng Bạn nhanh chóng tiến công tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch trên Đường số 12, đẩy mạnh hoạt động vùng sau lưng địch. Thực hiện chỉ thị của Bộ Quốc phòng, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 101 được lệnh áp sát biên giới Việt - Lào vùng Cha Lo (Quảng Bình) sẵn sàng cơ động sang đất Bạn. Để đối phó với âm mưu địch có thể chiếm lại Ma-hả-xây và Nhôm-ma-rát, Quân khu đã điều Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 101 từ Đường số 9 lên Đường số 12. Tiểu đoàn 18 của Bạn tập kết tạm thời ở Thanh Lạng (Tây Quảng Bình) cũng nhanh chóng trở lại cùng Quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu.

Trên Đường số 12, những tháng đầu năm 1962, ta tập trung một lực lượng mạnh gồm Tiểu đoàn 927, Tiểu đoàn 929, Tiểu đoàn 9 của Trung đoàn 101, Tiểu đoàn 44, hai khẩu pháo 105 ly, một đại đội pháo cao xạ 37 ly. Lực lượng Bạn có Tiểu đoàn 16, Tiểu đoàn 18 và một đại đội của Tiểu đoàn 17. Ngoài ra, còn có một tiểu đoàn lực lượng Vương quốc tham gia phòng thủ Ma-hả-xây, Nhôm-ma-rát. Các đơn vị trên có nhiệm vụ tích cực hoạt động tiêu diệt, tiêu hao sinh lực địch, bảo vệ Đường số 12 huyết mạch, sẵn sàng đánh trả kẻ địch nếu chúng tiến công, kiên quyết giữ cho được các vị trí xung yếu.

Đồng chí Chu Huy Mân (ngoài cùng, bên trái) tại đài quan sát một chiến dịch, tháng 6-1972.

Do vị trí chiến lược của chiến trường Trung Lào ngày càng quan trọng đối với cách mạng hai nước và để tăng cường hiệu quả chiến đấu, cần thống nhất chỉ huy các lực lượng trên chiến trường này, ngày 3 tháng 6 năm 1962, Bộ Tổng Tham mưu đã ra quyết định giao cho Bộ Tư lệnh Quân khu 4 tổ chức một cơ quan chỉ huy ở khu vực Trung Lào.

Với sự chuyển hướng về tổ chức lực lượng, thống nhất lãnh đạo, chỉ huy, cuộc chiến đấu của quân tình nguyện và lực lượng vũ trang của Bạn trên chiến trường Trung - Hạ Lào trong sáu tháng cuối năm 1962 đạt hiệu quả cao, giành nhiều thắng lợi lớn. Được sự hỗ trợ của quân tình nguyện, trong năm 1962, lực lượng vũ trang của Bạn ở Trung - Hạ Lào đã đánh 36 trận, diệt và làm bị thương nhiều địch, bắt 12 tên, gọi hàng 34 tên, thu trên 60 súng các loại, nhiều quân trang, quân dụng và hai kho gạo... Đến cuối năm 1962, vùng giải phóng Lào mở ra rộng lớn gồm 2/3 đất đai và 1/2 số dân, chạy dài từ Thượng Lào xuống Hạ Lào, nối liền với miền Bắc và vùng giải phóng miền Nam Việt Nam.

Tháng 9/1963, sau khi hoàn thành khóa học công tác tham mưu tại Học viện Quân sự Phơrunde (Liên Xô), đồng chí Chu Huy Mân trở lại với trọng trách Tư lệnh kiêm Chính ủy, Bí thư Quân khu ủy Quân khu 4. Triển khai chủ trương của Bộ và yêu cầu của Bạn, Thường vụ Quân khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 quyết định mở Chiến dịch “128”. Đây là chiến dịch đánh quân địch do tướng Coong Le và Phu Mi dưới sự điều khiển của Mỹ với âm mưu chiếm đóng vùng cao nguyên Trung Lào nằm trên địa bàn giữa Đường số 8 và Đường số 12, nơi ta và địch tranh chấp. Đồng chí Chu Huy Mân, cùng Thường vụ Quân khu ủy 4 họp, thống nhất quyết định thành lập Bộ Chỉ huy Chiến dịch, lực lượng gồm Trung đoàn 95 (Sư đoàn 325), Tiểu đoàn 3 thuộc Lữ đoàn 324. Đảng ủy chiến dịch đã xác định mục tiêu là giải phóng khu vực phía Tây sông Nậm Thơm, tạo điều kiện cho Bạn hoạt động trên Đường số 13, giúp Bạn xây dựng lực lượng và cơ sở cách mạng, củng cố vững chắc vùng giải phóng. Sự chuẩn bị chu đáo đã giúp chiến dịch giành được thắng lợi: Làm tan rã 2 tiểu đoàn, bắt làm tù binh hơn 2.000 tên, giải phóng vùng cao nguyên rộng lớn với 2 tuyến đường quan trọng số 8 và số 12 gắn liền với tuyến biên giới Việt - Lào dài 700 km. Củng cố thế và lực cho cách mạng nước Bạn, đảm bảo cho tuyến biên giới giữa Quân khu 4 và nước Bạn Lào khỏi sự uy hiếp của địch.

Cán bộ, chiến sĩ các đơn vị Quân khu 4 tham qua Khu lưu niệm Đại tướng Chu Huy Mân tại xã Hưng Hòa.

Ba là, xây dựng lực lượng hậu bị vững chắc, đẩy mạnh nhiệm vụ phòng thủ và tăng cường khả năng tác chiến của lực lượng vũ trang trên các địa bàn Quân khu

Để tăng cường phòng thủ bảo vệ địa phương và sẵn sàng chi viện cho tiền tuyến, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Chu Huy Mân và Thường vụ Quân khu ủy, các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa đã mở cuộc vận động “xây dựng lực lượng hậu bị” nhằm củng cố và tăng cường chất lượng đội ngũ dân quân tự vệ và bộ đội địa phương, thực hiện tốt hơn công tác đăng ký nắm chắc và huấn luyện quân dự bị. Cuộc vận động được quần chúng hưởng ứng rộng khắp. Từ thành thị đến nông thôn, từ các công trường, nông trường, lâm trường, xí nghiệp đến các cơ quan hành chính sự nghiệp, trường học, lực lượng dân quân tự vệ đã được chấn chỉnh lại, được trang bị thêm vũ khí và phương tiện, thực hiện chế độ huấn luyện theo định kỳ. Cấp ủy các địa phương thực sự nắm và lãnh đạo lực lượng vũ trang; Bộ đội địa phương Nghệ An và Hà Tĩnh phát triển lên 4 tiểu đoàn và đưa lên hoạt động ở các huyện xung yếu trọng điểm miền núi: Tương Dương, Quỳ Châu, Kỳ Sơn, Hương Sơn, Hương Khê theo kế hoạch của Quân khu.

Là địa bàn tiếp giáp với địch qua giới tuyến quân sự, Vĩnh Linh giữ một vị trí quan trọng trong cuộc đấu tranh của quân và dân Quân khu 4 nhằm đánh bại các hoạt động phá hoại của kẻ thù. Đồng chí Chu Huy Mân cùng Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu và Đảng ủy, chính quyền khu vực Vĩnh Linh thống nhất chủ trương chỉ đạo bộ đội, Công an vũ trang, dân quân tự vệ và Nhân dân tăng cường cảnh giác sẵn sàng chiến đấu, bình tĩnh không để bị địch khiêu khích, đồng thời hoàn chỉnh các phương án tác chiến giữ thế chủ động.

Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Chu Huy Mân, Quân khu 4 đã căn bản hoàn thành việc xây dựng các công trình phòng thủ trên các hướng trọng yếu ở giới tuyến, đảo, bờ biển, biên giới với hệ thống đường hầm cơ động, giao thông hào, chiến hào, hầm pháo, hầm dự trữ đạn, lương thực, thuốc men, hầm giải phẫu, hầm thương binh sơ cứu... bảo đảm cho từng tiểu đội trung đội, đại đội bám trụ chiến đấu dài ngày. Hệ thống đài quan sát, trạm ra-đa, mạng thông tin, sở chỉ huy các cấp được xây dựng vững chắc. Đặc biệt ưu tiên xây dựng cho đảo Cồn Cỏ và giới tuyến. Đến đầu năm 1964, ba tuyến phòng thủ cơ bản được củng cố hoàn chỉnh thêm: Tuyến phòng thủ giới tuyến, tuyến phòng thủ bờ biển và tuyến phòng thủ biên giới Việt - Lào. Dựa vào địa hình tự nhiên có lợi liên kết với các cụm làng xã chiến đấu, hệ thống các công trình quốc phòng được xây dựng từng bước, bố trí sử dụng các lực lượng tại chỗ là chính, trước hết kết hợp với phân công cho các trung đoàn, sư đoàn bộ binh và các đơn vị binh chủng của quân khu sẵn sàng cơ động thực hành phản kích, phản công theo phương án tác chiến đã chuẩn bị và đã diễn tập trên các khu vực phòng thủ chủ yếu.

Cán bộ, chiến sĩ các đơn vị Quân khu 4 chăm sóc, vệ sinh Khu lưu niệm Đại tướng Chu Huy Mân tại xã Hưng Hòa.

Phán đoán những hướng tiến công chủ yếu của địch nếu chúng đưa quân xâm lược miền Bắc, đồng chí Chu Huy Mân đã chỉ đạo các địa phương tăng cường khả năng phòng thủ phía Nam, tập trung từ khu vực đảo Cồn Cỏ đến khu vực dọc bờ sông Bến Hải lên phía Tây Quốc lộ số 1, xây dựng Vĩnh Linh thành pháo đài quân sự vững chắc, dựa lưng vào tỉnh Quảng Bình, bảo đảm tiền duyên và chiều sâu của tuyến phòng thủ giới tuyến đều mạnh. Ngoài ra, các cửa sông, bãi biển, các khu vực mà địch có thể đổ bộ, Quân khu đều xây dựng công trình phòng thủ vững chắc, bố trí các trung đội, đại đội, bổ sung vũ khí, khí tài, tăng cơ số đạn dự trữ cho tuyến đảo từ các đảo: Mê, Ngư, Mắt, Hòn La đến Cồn Cỏ, bảo đảm cho bộ đội bám trụ chiến đấu dài ngày. Ở phía Tây, phối hợp với quân và dân Lào, Quân khu đã tăng cường khả năng phòng thủ ở các địa bàn xung yếu, các cửa khẩu các tuyến đường số 7, số 8, đường 217.

Nhằm nâng cao khả năng tác chiến của các lực lượng vũ trang, đồng chí Chu Huy Mân chú trọng nâng cao chất lượng huấn luyện cho cả ba thứ quân, tiến hành diễn tập công tác tham mưu và thực binh theo phương án tác chiến, tăng cường huấn luyện phân đội nhỏ đánh gần, đánh đêm, tập kích, phục kích, rèn luyện hành quân đường dài mang vác nặng... huấn luyện binh chủng và nghiệp vụ chuyên môn, nâng cao trình độ tổ chức chỉ huy tác chiến hiệp đồng binh chủng (chủ yếu giữa bộ binh với pháo binh và xe tăng). Cấp ủy và chính quyền các địa phương chú trọng chất lượng dân quân tự vệ về khả năng tác chiến, chống biệt kích đường biển, đường không, đặc biệt là kỹ thuật ném lựu đạn, bắn súng. Nhiều địa phương tổ chức diễn tập trung đội tập kích, phục kích. Để tăng cường sự lãnh đạo, các cấp ủy Đảng địa phương đã cử một ủy viên thường vụ trực tiếp chỉ huy ở các cấp. Cơ quan quân sự được kiện toàn từ tỉnh đến xã. Bộ Tư lệnh Quân khu có chỉ lệnh bồi dưỡng cán bộ dân quân tự vệ hàng năm. Mỗi tỉnh có một trường huấn luyện cán bộ hậu bị. Năm 1964, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình đã huấn luyện 6.523 cán bộ xã đội và cán bộ tự vệ cấp trung, đội đại, đội tiểu đoàn.

Trong những năm đầu kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, hoạt động trên chiến trường Quân khu 4, đồng chí Chu Huy Mân luôn vận dụng đúng đắn, sáng tạo đường lối chiến tranh Nhân dân của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vào thực tiễn của chiến trường. Trong chỉ đạo xây dựng, củng cố thế trận chiến tranh Nhân dân, đồng chí luôn biết dựa vào sức mạnh, tinh thần yêu nước, đoàn kết của toàn dân. Củng cố thế trận chiến tranh Nhân dân trên địa bàn Quân khu 4 là cơ sở quan trọng để quân và dân ta thực hiện cuộc tiến công chiến lược, lần lượt đánh bại các cuộc tiến công của đế quốc Mỹ. Trí tuệ sáng tạo và bản lĩnh kiên cường trong lãnh đạo củng cố thế trận chiến tranh nhân dân của đồng chí Chu Huy Mân, cùng với tinh thần yêu nước của quân và dân trên địa bàn Quân khu 4 trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là những bài học kinh nghiệm quý báu trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày nay.

Trung tướng HÀ THỌ BÌNH, Tư lệnh Quân khu 4


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội