A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vẹn tròn nghĩa tình “đứa con” của Nhân dân

Thừa Thiên Huế, mảnh đất nhỏ giữa lòng miền Trung vừa trải qua trận “ốm” nặng. Đợt lụt kéo dài nhà cửa, hoa màu ngập chìm trong nước, đất đai sạt lở chôn vùi tài sản… Vì tính mạng đồng bào, bất chấp hiểm nguy, từ chính quyền địa phương, các lực lượng cho đến những con người bình dị nhất đều gắng sức, chung tay giúp nhau vượt qua. Và trong hoạn nạn thiên tai, tình nghĩa quân - dân thêm tỏa sáng gắn kết, những câu chuyện nhân văn, những hành động cao cả thấm đẫm tình người của người lính “Bộ đội Cụ hồ” như lửa ấm lan tỏa, tiếp thêm năng lượng cho người dân nơi đây chống chọi đi qua mưa lũ.

Nơi mưa lũ đi qua

Sáng sớm, tiết trời đã lạnh! Có lẽ chính cái gió mùa cộng với áp thấp nhiệt đới đã làm nặng thêm cơn mưa ở dải đất miền Trung này. Tiếng mưa ào ào, phủ trắng bầu trời, người ta lại nghĩ về xứ “Thần kinh” với những cơn lũ đến vội. Chỉ sau một đêm, nước nguồn đổ về cộng thêm cơn mưa kéo dài làm cho phố xá, huyện làng mênh mông biển nước, lũ lụt lại viếng thăm đất Huế…

Mưa lớn toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 8 huyện, thị, thành phố bị ngập lụt từ 0,3m đến 1,5m - Ảnh: Báo Tuổi trẻ.

 

Nước lên từng hồi. Nhìn con nước tràn bờ làm cho cái cái thất thỏm, lo âu mấy hôm rồi trông mưa, ngóng đài nghe tin thời tiết của bà con nay đã thành thật. Từ Chi Lăng, Phú Hậu, An Hoà, Tây Lộc xuôi về Đập Đá, Vỹ Dạ... trắng trời gió và mưa. Dù có quen với lụt, cũng có sự chuẩn bị nhưng sức mạnh của mẹ thiên nhiên khó mà lường trước được, nước dâng nhanh người dân cũng khó lòng trở tay. Cũng hay, ở thời đại công nghệ, cảnh lũ lụt lại được cập nhật kịp thời, khắp các phương tiện truyền thông, trang mạng xã hội ngập tràn hình ảnh nước lũ ngập đường xá, nhà ở, hoa màu…  người này chia sẻ người kia, để những người cùng trong gian khó biết việc nhau mà giúp đỡ, mà phòng chống và cả những người con xa quê đang hướng ánh mắt về miền Trung, về Huế để sẻ bùi nỗi khó khăn mà mọi người đang oằn mình vượt lũ, chống đỡ từng đợt gió lốc, những ngôi nhà ngập nước, vườn tược hư hao, hoa màu dập nát … nhìn cảnh đó ai cũng thắt ruột chao lòng khôn tả.

Khu dân cư ở phường Hương Chữ, TP Huế ngập lụt - Ảnh: Báo Tuổi trẻ.
 

Trận lụt năm nay thật bất thường và lên nhanh, cơn mưa chỉ mới bất đầu từ ngày 13 nhưng đến chiều 14 và sáng 15/11 thành phố Huế, thị xã Hương Trà, Hương Thuỷ, Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang… đã ngập trong biển nước, có những nơi ngập sâu thừ 0,8 - 1,3m, gần 17.500 ngôi nhà, 85% tuyến đường giao thông của 36 phường, xã bị đều bị nước bao phủ, lũ vượt đỉnh năm 2020. Chưa kể các huyện vùng cao hơn như A Lưới, Nam Đông những vụ sạt lở đất đá vùi lấp các tuyến đường giao thông huyết mạch, chia cắt dân cư. Lũ từ nguồn cũng đã cuốn trôi một số gia xúc của bà con, mối nguy hại tiếp tục lũ quét và sạt lở rất cao, đe dọa tính mạng tài sản của Nhân dân. Đài Khí tượng thuỷ vân tỉnh liên tục phát tin cảnh báo lũ khẩn cấp trên sông Bồ, sông Hương và một số con sông trên địa bàn đã vượt mức báo động 3. Một số hồ thuỷ điện buộc phải xả lũ điều tiết để bảo vệ an toàn hồ đập.

Mưa vẫn cứ rơi nặng, Huế vẫn lặng lẽ đón nhận và chịu đựng. Nước sông dâng cao, nước mưa động lại, dòng đục dòng trong tràn khắp các mặt phố, làng quê. Những con xuồng chạy ngang dọc len lỏi, tiếng gọi đò ngay giữa lòng phố, một kiểu thơ mộng bất đắc dĩ. Biết mưa lụt là một phần của Huế, dù vẫn bình tĩnh, lạc quan sống cùng với lụt nhưng tâm can ai cũng hiểu trận lụt này, biết bao hàng hóa, lương thực, vật dụng gia đình cứ ngâm nước là coi như bỏ, công trình công cộng, giao thông hư hại, học sinh các trường lại nghỉ học dài ngày, điện, nước cũng gián đoạn, muôn vàn khó khăn đang hiện hữu trước mắt, và đâu đó cũng đã có thiệt hại về người. Thiên tai, mất mát là điều không thể tránh khỏi. Nhưng có lẽ khó khăn luôn làm đậm thêm cái cốt cách của người miền Trung vốn can trường, chịu thương, chịu khó. Trong cơn “giặc lũ”, người ta chung sức cùng nhau vượt qua, khi hoạn nạn, ngó quanh ai cũng rộng lòng đỡ đần nhau, và trong đó, luôn có sự sát cánh kề vai, đồng lòng cùng người dân căng mình vượt lũ của Lực lượng vũ trang tỉnh, những người con thân thương của Nhân dân.

Vẹn tròn nghĩa tình “đứa con” của Nhân dân

Oằn mình chống lụt, thế nhưng người dân xứ Huế chẳng bao giờ đơn độc, ngoài tình làng, nghĩa xóm cùng các tổ chức, đoàn thể, bà con luôn có sự đồng hành của cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Thừa Thiên Huế, những người con "hết mình vì Nhân dân phục vụ", thế mới thấy trong gian khó, hoạn nạn, tình quân dân càng thắm đượm, tỏa sáng.

 
Cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS Thừa Thiên Huế sơ tán người dân vùng lũ đến nơi an toàn.

Ngay từ những ngày đầu của đợt mưa kéo dài, điện thoại trực ban tác chiến Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh reo liên tục báo tin từ các hướng về tình hình mưa lũ trên địa bàn tỉnh. Nhận định rõ tính phức tạp của thời tiết, Bộ CHQS tỉnh đã quán triệt, triển khai nghiêm công điện của Quân khu 4 và UBND tỉnh về chủ động ứng phó với thiên tai. Đồng thời triển khai cho các cơ quan, đơn vị, Ban CHQS các huyện, thị xã, thành phố nắm chắc tình hình địa bàn, huy động cán bộ, chiến sĩ bộ đội thường trực, dân quân tự vệ và phương tiện sẵn sàng tham gia ứng cứu Nhân dân.  Lúc này “Đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho Nhân dân” trở thành mệnh lệnh hành động của mọi cán bộ, chiến sĩ. Chính sự chủ động mà khi lũ dâng cao, hơn 200 lượt cán bộ, chiến sĩ bộ đội thường trực cùng hàng nghìn lượt dân quân tự vệ các địa phương của tỉnh phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các lực lượng tổ chức sơ tán gần 4.000 hộ dân với hơn 10.000 nhân khẩu đến nơi sơ tán an toàn. Mọi phương tiện từ xe chuyên dụng như Kamaz, BRT-152, xe Chỉ huy thông tin cho đến ca-nô, xuồng cao tốc, xuồng hơi… được huy động hết công suất để vận chuyển tài sản, nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân. Nơi xa xôi và nguy hiểm không ai đến được, nơi đó có mặt bộ đội, dân quân.

 
Cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS Thừa Thiên Huế giúp Nhân dân khắc phục hậu quả mữa lũ.
 

Những người lính có thể tạm an tâm khi tính mạng và tài sản Nhân dân đã an toàn, nhưng có lẽ bình yên trọn vẹn nhất là khi nỗi lo âu không còn hiện hữu trên gương mặt bà con. Trong tình cảnh nước ngập mênh mông, mùa màng thiệt hại, lương thực phục vụ hàng ngày cũng trở nên khó khăn thì truyền thống chia ngọt, sẻ bùi lại tỏa sáng phát huy. Nhiều chuyến xe cùng hàng lượt đoàn công tác của Quân khu, Bộ CHQS tỉnh không quản gió mưa, lụt sâu, đến từng nhà, từng người ở những nơi xung yếu nhất sẻ chia từng thùng mì tôm, từng bao gạo… có thể tuy nhỏ nhưng cũng đủ để sưởi ấm lòng người trong cảnh nguy khó đúng như tinh thần của Thủ tướng Chính phủ “Không để người dân bị đói, rét, không có chỗ ở do mưa lũ”. Chính tinh thần đoàn kết đó như những cây tre, luôn đùm bọc, bảo vệ lẫn nhau, bất chấp thiên tai hay hoạn nạn.

Đại tá Hoàng Văn Nhân, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh trao quà hỗ trợ cho gia đình bà Nguyễn Thị Liệu ở phường Hương Vinh - Ảnh: Báo Thừa Thiên Huế.
Ban CHQS huyện Phong Điền hỗ hợ nhu yếu phẩm cho người dân bị ảnh hưởng mưa lụt tại địa phương - Ảnh: Báo Thừa Thiên Huế.

 

Từ trước, trong và sau mưa lũ, những người lính vẫn luôn sát cánh cùng bà con Nhân dân. Có những người chiến sĩ bản thân mình cũng có nhà bị ngập sâu, chưa về với gia đình nhưng vẫn sẵn sàng gác lại việc riêng để tiếp tục làm tròn nhiệm vụ trên trận tuyến còn dang dở. Bởi khi nước rút hậu quả hiện hữu là rác thải, bùn đất và ô nhiễm môi trường… 

“Nước rút đến đâu, khắc phục đến đó” Bộ CHQS tỉnh, Ban CHQS 9 huyện, thị xã, Thành phố và các đơn vị trực thuộc đã khẩn trương huy động lực lượng, phương tiện toả về các địa phương nhanh chóng dọn dẹp vệ sinh, phòng chống dịch bệnh tại các nhà dân, công trình công cộng và cơ sở hạ tầng, khẩn trương để sớm giúp nhân dân quay lại cuộc sống bình thường. Tinh thần khẩn trương này không chỉ mong muốn góp phần làm vơi đi nỗi mất mát cho người dân vùng lụt mà còn thể hiện tinh thần trách nhiệm của những người lính bộ đội Cụ Hồ luôn làm trọn nghĩa vụ thời bình trước Nhân dân.

Bài, ảnh:  HẢI HOÀNG - CTV


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội