A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản
Xem Nhân dân như người thân của mình

Quân về làm ấm lòng dân vùng lũ

Sau những ngày đồng bào các tỉnh Bắc Trung bộ liên tiếp bị những trận “Đại hồng thủy” tàn phá, đi đến đâu chúng tôi cũng chứng kiến sự tận tụy vào cuộc, giúp Nhân dân bằng cả tấm lòng của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 324. Về với Nhân dân những người lính Đoàn Ngự Bình luôn xem bà con như người thân của mình, công việc bà con như chính gia đình mình. Vì vậy, họ làm việc với tinh thần “Vì cuộc sống của nhân dân”, không quản môi trường ô nhiễm, công việc nặng nề tất cả đều hừng hực một khí thế quyết tâm “mỗi người làm việc bằng hai”.

Bộ đội Trung đoàn 335 giúp gia đình bà Lê Thị Lộc, thôn Mỹ Lương thu dọn tài sản, sửa chuồng nuôi nhốt gia súc sau lũ.

Ngày sau khi cơn lũ đi qua, các thôn xóm ở xã Thanh Mỹ và Thanh Hà “đỉnh lũ” của huyện Thanh Chương (Nghệ An) bao trùm một khung cảnh tiêu điều, xơ xác bởi sự tàn phá của cơn lũ lịch sử. Giữa những đống đổ nát của tài sản, vật nuôi, giống má xen lẫn bùn đất ngập ngũa, những người lính Sư đoàn 324 luôn tận tụy, nhiệt tình giúp Nhân dân. Tất cả như đang chạy đua với thời gian, mong sao cố gắng giúp Nhân dân vớt vát phần nào tài sản, đồ đạc còn sót lại sau khi lũ dữ đi qua.

Không nề hà việc gì từ thu dọn, vệ sinh bát đũa đến thau giếng, dọn vệ sinh bộ đội Trung đoàn 335 đều làm việc tận tình.

Tại thôn Mỹ Lương, một trong những thôn chịu thiệt hại nặng nề từ trận lũ lịch sử của xã Thanh Mỹ, từ chiều ngày 01/11/2020, hơn 150 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 335 làm việc quên cả thời gian giúp các gia đình khắc phục hậu quả. Chứng kiến những chiến sĩ tuổi mới đôi mươi, tận tụy giúp bà con không nề hà bất cứ một việc gì, chúng tôi thấy bộ đội như là người thân trong các gia đình. Cùng cán bộ, chiến sĩ đơn vị giúp gia đình bà Lê Thị Lộc, thôn Mỹ Lương thu dọn, vệ sinh số tài sản còn sót lại sau trận lũ, Binh nhất Hồ Hải Long Thành, chiến sĩ Trung đội 7, Đại đội 11, Tiểu đoàn 6 quê ở huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế) nói: “Sinh ra và lớn lên ở miền quê thường xuyên phải gánh chịu sự tàn phá của thiên tai bão lũ nên tôi rất hiểu sự mất mát, thiệt hại của người dân. Ngay sau khi đến địa phương không chỉ riêng mình tôi mà tất cả mọi cán bộ, chiến sĩ đơn vị đều xem công việc của nà con như chính gia đình mình. Vì vậy, ai cũng cố gắng tranh thủ làm thật nhanh để giúp các hộ dân khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống”.

Có mặt cùng tham gia với đơn vị giúp thôn Mỹ Lương khắc phục hậu quả lũ lụt, Trung tá Nguyễn Giang Nam, Phó chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 324 cho biết: “Vừa hoàn thành nhiệm vụ giúp bà con tỉnh Quảng Bình khắc phục hậu quả lũ lụt trở về, nhận được lệnh của cấp trên, 400 cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn nhanh chóng hành quân về huyện Đô Lương và Thanh Chương (Nghệ An) giúp Nhân dân. 3 giờ chiều ngày 01/11 về đến địa phương không kịp nghỉ ngơi, cán bộ, chiến sĩ bắt tay ngay vào công việc và đến tối mịt mới dừng tay. Với tinh thần, việc của dân cũng như chính gia đình mình, mỗi cán bộ, chiến sĩ luôn đề cao tinh thần trách nhiệm, tranh thủ mọi thời gian để giúp bà con”.

Đại úy, Bác sỹ Hồ Xuân Tiến, Trợ lý Quân y Trung đoàn 335 phối hợp với y, bác sĩ Bệnh xá xã Thanh Mỹ khám bệnh cho bà con.

Xem Nhân dân như chính người thân của mình, nên về với bà con từ công việc thau dọn lại nhà cửa đến sửa lại chuồng nuôi nhốt gia súc, gia cầm… cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 324 luôn làm việc với tinh thần cao nhất. Ngay từ tờ mở sáng ngày 02/11, cán bộ, chiến sĩ đã có mặt tại các gia đình để bắt tay vào công việc. Chứng kiến tinh thần làm việc hết mình vì Nhân dân, ông Trần Kim Hùng, giáo dân ở thôn Mỹ Lương nói rằng: “Thiệt hại do trận lũ lịch sử để lại đối với gia đình và bà con địa phương hết sức nặng nề. Vậy nhưng, trong khó khăn, hoạn nạn có sự động viên, giúp đỡ kịp thời của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 324, bà con chúng tôi thấy ấm lòng hơn. Về với bà con chúng tôi, các chú bộ đội làm việc không khác gì người thân trong gia đình. Cảm ơn các chú Bộ đội Sư đoàn 324 nhiều lắm”.

Những bữa cơm nghĩa tình của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 324 đến với bà con vùng lũ.

Trong giúp Nhân dân khắc phục hậu quả lũ lụt, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 324 có những hành động, việc làm hết sức ý nghĩa, thiết thực đối với đồng bào. Từ khi đến địa phương, Đại úy, Bác sỹ Hồ Xuân Tiến, Trợ lý Quân y Trung đoàn 335 không lúc nào nghỉ ngơi. Mặc dù đơn vị chưa có kế hoạch khám, cấp thuốc miền phí cho Nhân dân, nhưng khi nghe tin ở địa phương có một số người dân ốm đau nhưng do điều kiện lũ lụt chưa thể đến bệnh viện, Đại úy Hồ Xuân Tiến đã phối hợp với các y, bác sĩ Bệnh xá xã Thanh Mỹ đi đến các gia đình có người ốm thăm khám cho bà con. Còn với gia đình anh Nguyễn Hữu Hoàng, thôn Mỹ Hương và gia đình bà Nguyễn Thị Ngân thôn Mỹ Lương mấy hôm nay không còn phải ăn mỳ tôm qua bữa. Quá trình lao động giúp bà con, chứng kiến hoàn cảnh các gia đình không còn gì sau lũ, đặc biệt ông bà Nguyễn Thị Ngân năm nay đã gần 90 tuổi nhưng hàng ngày cũng chỉ ăn bánh mỳ, mỳ tôm do lực lượng cứu trợ mang đến, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 335 đã tổ chức bữa cơm nghĩa tình đề dành cho ông bà.

Chạy đua với thời gian, làm việc xuyên trưa giúp Trường Mầm non Thanh Hà vệ sinh sau lũ.

Tại địa bàn xã Thanh Hà sau khi lũ rút để lại khối lượng công việc khá nặng nề, bởi không chỉ bị ngập lụt mà một số khu vực trên địa bàn xã còn bị sạt lở đất đá… Không quản khó khăn, gian khổ ngay khi đến địa phương, 50 cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn 335, Sư đoàn 324 đã bắt tay vào giúp nhân dân tổng dọn vệ sinh sau lũ. Qua trao đổi với các đồng chí lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Thanh Chương, chúng tôi được biết, cùng với công tác bảo đảm vệ sinh sau lũ nhằm không để dịch bệnh lây lan và sớm đưa học sinh trở lại trường học là những việc làm được ưu tiên hàng đầu. Ngoài việc huy động tối đa phương tiên, lực lượng hiện có của địa phương thì huyện Thanh Chương đã nhận được sự giúp đỡ hết sức nhiệt tình của bộ đội Sư đoàn 324, nên hầu hết ở những nơi nước rút đều được vệ sinh kịp thời.

Xã Thanh Hà nằm bên sông Lam nên bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ. Những ngày sau khi lũ rút, khuôn viên sân Trường Tiểu học và Trung học; Mầm non xã Thanh Hà và các lớp học, trang thiết bị dạy học bị vùi sâu trong lớp bùn đất. Ngay sau khi có mặt tại địa phương, cán bộ, chiến sĩ bắt tay ngay vào công việc, không ai bảo ai, mỗi người một việc “chạy đua” với thời gian, làm việc xuyên trưa nạo vét bùn đất, tổng dọn vệ sinh làm sạch, sửa sang sắp xếp bàn ghế… nhằm giúp học sinh trở lại trường sớm nhất. Cô giáo Bùi Thị Vinh, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Sau khi lũ rút, không chỉ thiệt hại về vật chất mà còn đặt ra cho nhà trường khối lượng công việc nặng nề. Chúng tôi dự kiến việc khắc phục hậu quả ban đầu phải mất trong 4 đến 5 ngày. Nhưng rất mừng là hôm nay, có bộ đội vào tăng cường giúp đỡ nên chắc chắn thời gian khắc phục sẽ hoàn thành sớm hơn. Thay mặt Ban Giám hiệu nhà trường tôi xin chân thành cảm ơn tình cảm mà cán bộ, chiến sỹ đơn vị đã dành cho cô trò chúng tôi”.

Lũ đã đi qua nhưng trước mắt cuộc sống bà con Nhân dân nơi “rốn lũ” Thanh Chương còn bộn bề bao khó khăn, vất vả. Với tinh thần “xem Nhân dân như người thân của mình”, những ngày tới cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 324 tiếp tục đồng cam cộng khổ cùng Nhân dân vượt qua mọi khó khăn. Và tin rằng với sự sẻ chia, giúp đỡ của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 324 sẽ góp phần sưởi ấm tấm lòng bà con trong cơn “đại hồng thủy”, sớm ổn định cuộc sống.

                                                                    Bài, ảnh: NGỌC THĂNG


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội