A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản
Kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2021); 61 năm Ngày truyền thống Báo Quân khu Bốn (21/6/1960 - 21/6/2021)

Xung kích trong cuộc chiến thời bình

Nơi nào có hoạt động của bộ đội, nơi nào Nhân dân gặp khó khăn nguy hiểm là nơi đó có mặt những nhà báo chiến sĩ Quân khu 4. Với tinh thần “Phía trước là Nhân dân”, những nhà báo chiến sĩ Quân khu 4 và đội ngũ cộng tác viên (CTV) luôn xung kích đi đầu có mặt ở những nơi nguy hiểm để  kịp thời phản ánh, đưa thông tin chân thực sinh động nhất đến cán bộ, chiến sĩ và độc giả.

Cán bộ, phóng viên Báo Quân khu 4 tác nghiệp tại tâm dịch thị xã Hoàng Mai (Nghệ An).

Đợt dịch Covid-19 thứ 4 bùng phát trở lại, trên địa bàn Quân khu 4 xuất hiện các ca dương tính với virus SARS – CoV-2, nhiều địa phương trở thành tâm dịch. Mệnh lệnh phong tỏa, cách ly một số địa bàn và kích hoạt các khu cách ly, cũng là lúc cán bộ, phóng viên Báo Quân khu Bốn lên đường. Từ vùng dịch thị xã Hoàng Mai, Diễn Châu, thành phố Vinh (Nghệ An) đến tâm dịch thành phố Hà Tĩnh, cán bộ, phóng viên Báo – Truyền hình Quân khu Bốn đều có mặt tác nghiệp. Từ trong gian khó, hiểm nguy qua những thước phim, hình ảnh, những tin, bài đã kịp thời thông tin đến độc giả về tình hình, hoạt động của Nhân dân và các lực lượng phục vụ ở tâm dịch. Cũng thông qua những tác phẩm đăng tải trên các báo đài Trung ương, địa phương, Báo Quân khu Bốn đã góp phần nhân rộng những việc làm hay, tấm gương điển hình, mô hình hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 đến với mọi người.

Phóng viên Báo Quân khu 4 tác nghiệp tại tâm dịch thành phố Hà Tĩnh.

Đồng chí Nguyễn Hữu An, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) khi nói về các phóng viên Báo Quân khu Bốn tác nghiệp tại tâm dịch thị xã Hoàng Mai vào tháng 5 năm 2021 đã khẳng định: “Cán bộ, phóng viên Báo Quân khu Bốn thực sự là những chiến binh xung kích, đi đầu trên mặt trận chống dịch Covid-19. Nhờ các anh, đồng bào hiểu hơn về những hy sinh thầm lặng của các lực lượng làm nhiệm vụ phục vụ trong các khu cách ly, sự nỗ lực, quyết tâm chống dịch của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân địa phương”. Theo đồng chí Nguyễn Hữu An, trước diễn biến phức tạp, nguy cơ lây lan dịch Covd-19 mọi người đều rất lo lắng và tìm cách tránh xa các vùng phong tỏa, cách ly. Không quản hiểm nguy, cán bộ, phóng viên Báo Quân khu 4 đã có mặt tâm dịch để ghi hình, đưa tin phản ánh đến với công chúng. Đặc biệt, qua các tác phẩm Báo Quân khu 4 đã góp phần nhân lên những tấm lòng nhân ái góp phần chung tay đẩy lùi dịch bệnh.

 Đại úy QNCN Hồ Quốc Việt, phóng viên Báo Quân khu Bốn tác nghiệp trong đợt cháy rừng tại Hà Tĩnh năm 2019.

Xung kích đi đầu trong cuộc chiến thời bình, bất cứ lúc nào trên địa bàn Quân khu 4 xảy ra thiên tai, bão lũ, cháy rừng là nơi đó có mặt những người làm báo trên “Miền đất lửa”. Trong trận “Đại hồng thủy” năm 2020 xảy ra trên địa bàn các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế, cán bộ, phóng viên và CTV Báo Quân khu Bốn luôn như những con thoi liên tục có mặt tại rốn lũ, tâm bão. Hình ảnh Thượng tá Hồ Công Lĩnh, Tổng Biên tập Báo Quân khu 4 trong bộ quần áo lấm lem bùn đất có mặt dẫn hiện trường vụ sạt lở núi tại Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337. Hay vụ sạt lở ở Thủy điện Rào Trăng 3 (Phong Điền, Thừa Thiên Huế), cán bộ, phóng viên Báo Quân khu Bốn cũng là một trong những người có mặt sớm nhất ở hiện trường đề kịp thời đưa tin, phản ánh tình hình. Để vào được hiện trường, các anh đã phải trèo đèo, lội suối vượt qua hàng chục km đường núi nhiều điểm sạt lở, nguy hiểm đến tính mạng; rồi hình ảnh phóng viên giữa biển nước mênh mông đi vào vùng lũ ở Quảng Bình; phóng viên Hồ Quốc Việt khuôn mặt bám đầy tro bụi giữa biển lửa, kịp thời ghi hình, đưa tin quân và dân chữa cháy rừng trên núi Hồng Lĩnh (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) năm 2019.

Phóng viên Báo Quân khu Bốn tác nghiệp trong tâm lũ.

Để kịp thời có mặt những nơi tâm bão, rốn lũ ngoài việc chuẩn bị đầy đủ về phương tiện, máy móc, vật chất, đội ngũ cán bộ, phóng viên, CTV Báo Quân khu Bốn luôn mang trong mình tinh thần “thép” với tâm thế sẵn sàng vào nơi khó khăn, nguy hiểm. Bởi trong cuộc chiến không tiếng súng với thiên tai, địch họa đã để lại không ít tổn thất đối với cán bộ, chiến sĩ Quân đội nói chung và những người làm báo nói riêng. Biết vậy, nhưng các anh luôn vững vàng tâm thế sẵn sàng lên đường bất cứ trong mọi tình huống. CTV Thiếu tá QNCN Trần Tình, nhân viên Ban Tuyên huấn Bộ CHQS Thừa Thiên Huế đến nay vẫn mang trong mình vết thương trong quá trình tác nghiệp trong cơn bão năm 2006; Thiếu tá Nguyễn Đức Cương, Phó Tổng Biên tập Báo Quân khu Bốn một trong những người thoát nạn tại vụ sạt lở đất ở Thủy điện Rào Trăng 3… nhưng khi trên địa bàn xảy ra thiên tai, dịch bệnh các anh lại lên đường…

Không thể kể hết sự hiểm nguy, gian khổ đối với đội ngũ phóng viên, cộng tác viên những người làm báo trên “Miền đất lửa”, trong cuộc chiến trong thời bình. Nhưng, bằng lòng yêu nghề, phẩm chất nhà báo chiến sĩ với tinh thần “Phía trước là Nhân dân”, đội ngũ cán bộ, phóng viên, CTV Báo Quân khu Bốn vẫn sẵn sàng xung kích, đi đầu kịp thời có mặt trên các “chiến trường” để mang hơi thở cuộc sống đến với độc giả.

Bài, ảnh: NGỌC THĂNG - P.V


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội