“Nơi ấy nuôi dưỡng chúng tôi trưởng thành”
Trong những ngày trung tuần tháng Tư lịch sử, tại Cố đô Huế, các thành viên của Trại trẻ Quân khu những năm 1965 - 1971 sẽ tổ chức gặp mặt. Trước ngày gặp mặt diễn ra, tôi có dịp gặp gỡ, trò chuyện với các bác, các cô, các chú là thành viên của Trại trẻ Quân khu năm xưa. Giờ đây, họ “đầu đã bạc”, song những kỷ niệm một thời cùng sống chung dưới ngôi nhà chung Trại trẻ Quân khu vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức của từng người. Được gặp, trò chuyện và nghe các bác, các cô, các chú kể về những kỷ niệm quãng đời thơ ấu, tôi cảm nhận ở họ cảm xúc bồi hồi, xúc động; đặc biệt, họ luôn xem Trại trẻ là nơi nuôi dưỡng, giúp các thành viên hình thành nhân cách, xây dựng ước mơ để luôn nỗ lực, phấn đấu trưởng thành và có nhiều đóng góp cho Quân đội, đất nước.
Ảnh: C.T.V
Nói về hoàn cảnh lịch sử của việc thành lập Trại trẻ, các cô, các chú kể rằng, vào những năm 1964, đế quốc Mỹ ồ ạt leo thang mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân, hải quân, trong đó Quân khu 4 trở thành địa bàn trọng điểm đánh phá ác liệt. Cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu tỏa khắp các mặt trận, chiến trường B để cùng với các địa phương phòng chống, đánh trả các đợt đánh phá của địch.
Trong bộn bề nhiệm vụ, Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu đã ra Chỉ thị cho Cục Chính trị thành lập trại trẻ Quân khu 4, đưa các cháu là con của cán bộ trong lực lượng vũ trang Quân khu và các đơn vị chủ lực của Bộ đóng quân trên địa bàn về nuôi dưỡng, giáo dục, ươm mầm những “hạt giống đỏ” sau này; tránh những mất mát, tổn thất để bố mẹ yên tâm công tác, chiến đấu. Trại trẻ đóng tại xã Thanh Bình, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An được chia các lớp theo các lứa tuổi. Đang còn nhỏ tuổi, phải xa bố mẹ sớm, nhưng những đứa trẻ ngày đó dù là con của cán bộ cao cấp hay là con của cán bộ, nhân viên vẫn sống hòa đồng, đoàn kết, sẻ chia, yêu thương đùm bọc lẫn nhau; đặc biệt là rất ý thức kỷ luật, chấp hành mọi quy định của Trại và hăng say học hành.
Với Đại tá Bùi Mạnh Quân, nguyên Phó Sư đoàn trưởng Sư đoàn 316, Quân khu 2 (dự nhiệm), nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Chiến dịch Binh chủng hợp thành, Học viện Phòng không - Không quân, những ngày tháng ở Trại trẻ sẽ không bao giờ phai nhạt trong anh. Lúc đó, bố anh là Đại tá Bùi Thúc Dưỡng, Trưởng phòng Quân báo Quân khu, sau đó được điều chuyển vào làm Tham mưu trưởng Mặt trận B5 rồi Tham mưu trưởng Quân khu Trị Thiên. Khi sáp nhập Quân khu Trị Thiên vào Quân khu 4, Đại tá Bùi Thúc Dưỡng giữ chức vụ Phó tham mưu trưởng Quân khu đến năm 1977 được điều chuyển giữ chức Trưởng khoa Chiến lược Học viện Quốc phòng và được phong hàm Thiếu tướng. Chính vì vậy, 3 anh em Đại tá Bùi Mạnh Quân một thời gian dài không gặp bố mẹ, người thân nhưng như những đứa trẻ khác họ dần lớn lên, trưởng thành dưới sự yêu thương, chăm sóc, dạy dỗ của các cô, chú ở Trại trẻ. Nhớ về những ngày tháng tuổi thơ đầy ắp kỷ niệm, Đại tá Bùi Mạnh Quân bồi hồi kể: “Dù còn nhỏ tuổi, xa người thân nhiều năm, song anh em tôi cũng như những đứa trẻ ở Trại lúc đó luôn ý thức phải ngoan ngoãn, nghe lời các cô, các chú và thi đua học giỏi để bố mẹ tự hào, yên tâm công tác…”.
Ảnh: C.T.V
Còn với Thượng tá Nguyễn Hải Hòa, nguyên Bác sĩ Khoa Nội truyền nhiễm, Bệnh viện Quân y 268 thì nhớ như in những ngày tháng chiến tranh ác liệt nhưng tràn đầy niềm vui ở Trại trẻ. Anh kể với tôi: “Giai đoạn 1966 đến 1968, đế quốc Mỹ nhiều lần ném bom xuống thành phố Vinh, huyện Hưng Nguyên, huyện Nam Đàn…, Trại trẻ buộc phải di chuyển nhiều địa điểm, trong đó năm 1968 chuyển ra xã Cộng Hòa, huyện Nông Cống (tỉnh Thanh Hóa), đến hè năm 1969, khi tình hình chiến sự đỡ hơn, Trại trẻ chuyển về Núi Chung, xã Kim Liên. Trong gian khổ, thiếu thốn của chiến tranh, chúng tôi đều ý thức phải làm thật nhiều việc tốt. Bạn nữ thì đun nước, quét dọn, nhặt nhạnh những mẫu tre, nứa, tưới nước nền nhà; bạn nam thì đào hố, trộn đất với rơm đạp nhuyễn để trát tường, làm lán trại, thu gom tờ rơi địch rải để đốt lửa nấu ăn… Ai cũng vui vì làm được nhiều việc có ích”.
Không chỉ làm nhiều việc có ích mà các thành viên Trại trẻ Quân khu ngày đó đều tự hào vì được nuôi dưỡng, học tập, trưởng thành trên quê hương Bác Hồ kính yêu. Dù đã trải qua hơn 50 năm, song nhiều người họ vẫn nhớ như in từng tên làng, tên núi, tên sông của vùng đất mà họ xem như là quê hương thứ 2 của mình. “Chuyển về quê Bác, trong chúng tôi ai cũng háo hức. Núi Chung ngày trước, Bác Hồ như độ tuổi chúng tôi vẫn thường lên đây chăn trâu, thả diều, nuôi lớn ước mơ, hoài bão. Vì thế mỗi buổi chiều, chúng tôi từng tốp lên núi Chung ngắm nhìn làng quê, ruộng đồng xanh mướt trải dài xa thẳm. Phía Bắc là làng Trù quê ngoại Bác với hàng cây xà cừ cổ thụ như hàng quân ngay ngắn, xa nữa là dãy Đại Huệ sừng sững; phía Đông là núi Thành, núi Dũng Quyết và những đỉnh núi trùng điệp của dãy Hồng Lĩnh cùng dòng sông Lam như dải lụa uốn lượn; xa xa là dãy Trường Sơn xanh thẳm, hùng vĩ. Cứ mỗi buổi học, chúng tôi từ phía Tây trèo qua núi Chung sang phía Đông xuống học trường làng dưới chân núi. Lớp lớn thì theo con đường có hàng cây xà cừ ra quê nội Bác học. Ngày qua ngày, trong mỗi chúng tôi, cứ lớn dần niềm tự hào được sống trên quê hương Bác, tình yêu quê hương đất nước...” - Đại tá Trần Hưng, nguyên Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Khánh Hòa nhớ lại.
Những năm tháng ở quê hương Bác đã rèn dũa “những đứa con người lính” năm xưa dần lớn khôn nên người, biết ước mơ, nuôi hoài bão và hình thành nếp sống kỷ luật của người lính; lòng tự hào về quê hương, về bố mẹ được nuôi dưỡng, vun đắp lớn dần. Vì thế, sau này nhiều người trong số họ trở thành phó giáo sư, tiến sĩ, cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước, Quân đội và thành công trên nhiều lĩnh vực. Tâm sự với họ, phần lớn các cô, chú cho biết, trên đường đời mỗi khi gặp khó khăn, vất vả, họ đều nhớ về cái nôi nuôi dưỡng họ trưởng thành, tìm cho mình một điểm tựa, động lực tiếp thêm nghị lực mà phấn đấu vượt qua.
Đại tá Trần Khôi, nguyên Chính ủy Sư đoàn 968 kể rằng, từ việc dạy dỗ tận tình của các cô, các chú ở Trại trẻ, ai cũng thi đua, bảo ban nhau học hành. Đó là nền tảng để sau này, 100% các thành viên của Trại trẻ đều tốt nghiệp Đại học, phần lớn tiếp nối truyền thống gia đình, nhập ngũ và phấn đấu trở thành cán bộ trong Quân đội. Trong số đó có đồng chí Phan Anh Việt là con út của Thiếu tướng Phan Văn Đường, nguyên Phó chính ủy kiêm Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 4, sau đó là Ủy viên Thường trực Ủy ban kiểm tra Quân ủy Trung ương. Sau khi rời khỏi Trại trẻ, đến năm 1979, anh Việt nhập ngũ vào Sư đoàn 441 huấn luyện tại Khe Lang (Hà Tĩnh). Từ người chiến sĩ, anh đã luôn nỗ lực phấn đấu và được đào tạo cơ bản trong các trường Quân đội rồi giữ chức vụ Phó Tổng cục trưởng Tổng cục 2, hiện nay là Trung tướng, Phó giáo sư, tiến sĩ, Phó Giám đốc Học viện Quốc phòng. Các anh chị của Trung tướng Phan Anh Việt đều nhập ngũ và công tác trong các đơn vị Quân đội như: anh Phan Nam, nguyên Tiểu đoàn trưởng thuộc Lữ đoàn Công binh 414; Trung tá Phan Thị Cẩm Vân, nguyên bác sĩ Bệnh viện Quân y 175, chị Phan Thị Hải Dương (tên thường gọi là Hòa), nguyên là bác sĩ Bệnh viện Quân y 4; Đại tá Phan Tử Bình, Phó hiệu trưởng Trường 17, Tổng cục Kỹ thuật. Hay như các con của Đại tá Đàm Quang Trung, nguyên Tư lệnh Quân khu sau đó là Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước kiêm Chủ tịch Hội đồng dân tộc Việt Nam (đồng chí được phong quân hàm Thượng tướng năm 1984), được nuôi dưỡng ở Trại trẻ sau này đều trưởng thành, phát triển trong Quân đội. Còn đối với Đại tá Quách Sỹ Kha, nguyên Phó chính ủy Quân khu sau đó là nguyên Phó chánh án Tòa án quân sự Trung ương có 3 người con từng ở Trại trẻ là Quách Vi Dân, phi công lái máy bay Mic 21 thuộc Sư đoàn Sao Đỏ hy sinh trong huấn luyện; Đại tá Quách Sao Mai, Bác sĩ chuyên khoa II, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và Đại tá, tiến sĩ Quách Ngân Hà, Trưởng khoa Nội tiết Bệnh viện Quân y 175;...
Với bạn bè cùng trang lứa ở Trại trẻ Quân khu phát triển trưởng thành sau này còn có Đại tá, Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Quang Bộ, nguyên Phó giám đốc Học viện Phòng không - Không quân; Đại tá, Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, nguyên Phó Giám đốc Học viện Hải quân (con trai Đại tá Nguyễn Văn Thuận, nguyên Phó tư lệnh – Tham mưu trưởng Quân khu, nguyên Cục trưởng Cục dân quân tự vệ và được phong quân hàm Thiếu tướng năm 1979); Đại tá Trần Hưng, nguyên Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Khánh Hòa; Đại tá Đoàn Thiếu Lam, Phi công cấp 1, Sư đoàn Không quân 371…
Các thành viên Trại trẻ Quân khu 4 không chỉ phát triển, trưởng thành trong Quân đội mà trong số họ còn có nhiều người giữ nhiều chức vụ quan trọng trên nhiều lĩnh vực công tác của Nhà nước. Đó có thể kể đến là đồng chí Trần Tiến Dũng, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình (là con Đại tá Trần Sự, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình); anh Hoàng Đình Phúc, nguyên Tổng Giám đốc PMU1 - Bộ Giao thông - Vận tải (con của Đại tá Hoàng Đình Phương, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 384, Binh đoàn Trường Sơn); đồng chí Lê Anh Xuân, nguyên Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Quảng Bình; đồng chí Đặng Chính Nghĩa, nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh; đồng chí Trần Đình Hải, Tổng giám đốc Công ty xây lắp cơ khí (Bộ Xây dựng); tiến sĩ Đặng Phương Lan, Phụ trách Trung tâm Nghiên cứu y học, thành phố Atlanta (Hoa Kỳ)…
Hơn 50 năm trôi qua, chưa bao giờ gặp lại nhưng đến ngày 6/7/2016, được sự quan tâm của Thường vụ Đảng ủy - Bộ tư lệnh Quân khu, Cục Chính trị đã tổ chức gặp mặt và đón tiếp những thành viên của Trại trẻ năm xưa tại Trạm khách T50. Từ đó hàng năm, Cục Chính trị Quân khu lại tổ chức các buổi gặp mặt để các thành viên Trại trẻ có dịp ôn lại những kỷ niệm một thời thơ ấu.
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, mới ngày nào những đứa trẻ lần đầu tiên đến Trại trẻ còn nhiều bỡ ngỡ, mẹ cha, cô chú còn phải vỗ về, an ủi, giờ đây, mái đầu của họ đã điểm bạc. Trên đường đời muôn nẻo, mỗi người một nơi, một hoàn cảnh, song dù ở đâu, làm gì, trên cương vị công tác nào, các thành viên của Trại trẻ Quân khu đều tâm niệm phải phấn đấu thật tốt vì thành công của bản thân cũng chính là noi gương bố, mẹ, người thân mình một thời trên tuyến lửa của Tổ quốc, góp một phần nhỏ bé công sức xây đắp bề dày truyền thống lực lượng vũ trang Quân khu 4 anh hùng.
ĐỨC CƯƠNG
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận