Cờ Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân và những chiến công lịch sử
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, tiểu đoàn 1 Pháo cao xạ, Quân khu 4 độc lập chiến đấu trên các chiến trường ác liệt nhất của Quân khu 4, nước bạn Lào, tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, lập nên nhiều chiến công xuất sắc, bắn rơi 83 máy bay Mỹ, được Bác Hồ gửi thư khen ngợi. Với thành tích đó, sau 38 năm đất nước ngừng tiếng súng, Tiểu đoàn vinh dự được Đảng, Nhà nước tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và tặng cờ đơn vị Anh hùng. Chiếc cờ đó hiện đang được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Quân khu 4 với số đăng ký BTQK4/2199/L.240 minh chứng cho những chiến công vang dội, đi vào lịch sử của tiểu đoàn 1 Pháo cao xạ Quân khu 4, góp phần làm nên chiến thắng kỳ tích của dân tộc.
Tiểu đoàn 1 Pháo cao xạ, Quân khu 4, tiền thân là tiểu đoàn 21 pháo cao xạ, trung đoàn 367, sư đoàn 351, ra đời trong những năm kháng chiến chống Pháp, từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ 1953-1954. Tháng 12/1957 tiểu đoàn được biên chế về sư đoàn 312, mang tên tiểu đoàn 14 pháo cao xạ. Sau sự kiện vịnh Bắc bộ ngày 5/8/1964, Tiểu đoàn cơ động về chiến đấu bảo vệ thủ đô Hà Nội.

Cuối năm 1964, cách mạng miền Nam chuyển sang thế tiến công và giành nhiều thắng lợi to lớn, chiến lược chiến tranh đặc biệt của đế quốc Mỹ thất bại thảm hại, nguỵ quân và nguỵ quyền Sài Gòn sụp đổ. Để cứu vãn tình thế, tổng thống Giôn Xơn và tập đoàn cầm quyền Mỹ quyết định đưa quân viện chinh vào miền Nam và chính thức gây chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân ra miền Bắc hòng làm lung lay quyết tâm chống Mỹ của nhân dân ta, phá hoại tiềm lực kinh tế và quốc phòng của miền Bắc, ngăn chẵn sự chi viện của hậu phương lớn cho tiền tuyến lớn. Trong đó, vùng đất quân khu 4 nơi hậu phương trực tiếp chi viện cho cách mạng miền Nam và cách mạng Đông Dương, nơi tuyến đầu của miền Bắc xã hội chủ nghĩa là trọng điểm đánh phá ác liệt nhất. Trước tình hình trên, Tiểu đoàn được điều động vào chiến đấu ở địa bàn Quân khu 4, mang tên tiểu đoàn 12, đến tháng 12/1965 đổi thành tiểu đoàn 1 Pháo cao xạ, Quân khu 4.
Những năm tháng chiến đấu trên chiến trường Quân khu 4 ác liệt, đầy gian khổ, các thế hệ cán bộ, chiến sỹ Tiểu đoàn 1 Pháo cao xạ, Quân khu 4 luôn đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn, phát huy truyền thống “Đánh thắng trận đầu”, “Đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể”, đã độc lập chiến đấu hàng trăm trận, lập nên những chiến công oanh liệt và đặc biệt xuất sắc, bắn rơi nhiều máy bay Mỹ. Tiêu biểu như:
Tháng 3/ 1965, tiểu đoàn được giao nhiệm vụ cơ động sang Lào chiến đấu trên đường 12 và đường 9B, bảo vệ Đèo Mụ Giạ, Dốc Pa na phào, ngã 3 Lằng Khằng và các trọng điểm dọc đường 96 như Sân bay Pha Nốp, ngầm Seng Phan, Pắc pha Lăng... Ở đây, Tiểu đoàn đã lập công xuất sắc, bắn rơi 31 máy bay các loại của Đế quốc Mỹ. Trong đó, có các trận đánh điển hình như: Ngày 01/4/1965, tại Pa Na Phào Tiểu đoàn bắn rơi 4 máy bay Mỹ; ngày 09/5/1965, tại sân bay Pha Nốp Tiểu đoàn bắn rơi tại chỗ 1 F105D ngay loạt đạn đầu. Đây là lần đầu tiên Pháo cao xạ Việt Nam bắn rời tại chỗ F105D của Mỹ, mở ra phương châm “Đánh thắng ngay từ loạt đạn đầu, bắn rơi tại chỗ” của lực lượng phòng không ta và đây cũng là chiến công Tiểu đoàn kính dâng lên mừng thọ 75 tuổi Bác Hồ kính yêu. Trong các trận đánh đã xuất hiện nhiều tấm gương chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, tiêu biểu như trận 01/4/1965, đồng chí Nguyễn Văn Thức pháo thủ số 5, hy sinh trong tư thế đang nạp đạn; trận 27/2/1966, đồng chí Lưu Tất Đạt quân khí viên tiểu đoàn xuống trận địa sửa pháo, bị địch đánh vào trận địa, lúc sắp hy sinh còn hô vang khẩu hiệu “Đảng Lao động Việt Nam muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm”... Với những thành tích xuất sắc đó, ngày 20/9/1966, Tiểu đoàn vinh dự được Bác Hồ gửi Thư khen ngợi, trong thư Bác viết: Tiểu đoàn 1 Pháo cao xạ, Quân khu 4 đã đoàn kết nội bộ tốt, đoàn kết quân dân tốt, huấn luyện chính trị và quân sự tốt, xây dựng chi bộ tốt. Tiểu đoàn đã vượt qua khó khăn, chiến đấu dũng cảm, đã bắn rơi 30 máy bay Mỹ. Bác vui lòng thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ khen ngợi toàn thể chiến sỹ, cán bộ và nhắc nhớ các chú cần phải: Luôn luôn nêu cao chí khí chiến đấu và truyền thống anh hùng của quân đội ta, cùng toàn thể toàn quân và toàn dân quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.
Cuối mùa khô 1965 – 1966, Trung ương nhận định, do thất bại trong âm mưu mở rộng chiến tranh phá hoại ra Miền Bắc, Đế quốc Mỹ sẽ phải thực hiện chiến tranh phá hoại hạn chế trên Miền Bắc, chúng sẽ tập trung đánh phá các trọng điểm Quân khu 4. Do vậy, tháng 5/1966, Bộ tư lệnh Quân khu 4 điều Tiểu đoàn - một đơn vị có kinh nghiệm về chiến đấu trên địa bàn 3 tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, bảo vệ các trọng điểm ác liệt nhất: Đập Nam Đàn, cầu Gang, đập Đô Lương, phà Bến Thuỷ, Linh Cảm, Khe Giao, ngầm Tùng Cóc, ngã 3 Đồng Lộc, phà Địa Lợi, phà Xuân Sơn, ngầm La Khê, Tân Đức, Ca Tang, ngầm Khe Rinh, ngã 3 Khe Ve, ngầm La Trọng, ngầm Bãi Dinh, v.v... Tiểu đoàn luôn phát huy truyền thống đoàn kết trên dưới, quân dân một lòng, chiến đấu anh dũng, kiên cường đọ sức với không quân Mỹ, tiếp tục lập công bắn rơi 15 máy bay Mỹ, bảo vệ an toàn nhân dân, các trọng điểm giao thông, các đoàn Bộ đội hành quân, xe chở hàng ra tiền tuyến.
Sau Chiến dịch Mậu Thân (1968), để tăng cường lực lượng binh khí kỹ thuật, đặc biệt là pháo Phòng không cho chiến trường Miền Nam. Tháng 3/1968, Tiểu đoàn được lệnh đổi thành Đoàn 2024, nhận nhiệm vụ cơ động xe, pháo vào miền Nam chiến đấu. Đoàn đang trên đường hành quân, có lệnh tạm dừng hành quân và triển khai chiến đấu bảo vệ các trọng điểm: Đèo 32, ngầm 42, ngầm Sê Sụ và các trọng điểm thuộc Binh trạm 37. Với quyết tâm cao, chiến thuật tốt, chỉ trong vòng 1 năm, Đoàn 2024 đã bắn cháy 13 máy bay các loại (trong đó có 6 trực thăng).
Tháng 8/1969, Đoàn 2024 đổi thành Tiểu đoàn 8 pháo cao xạ, thuộc Đoàn 559, cơ động chiến đấu bảo vệ các trọng điểm: Tôm Ru, Dốc Thơm, kho M1, M14, Trung chuyển, Bãi đá ngầm, Dốc 28, ngã ba La Hạp, đường B45 và trực tiếp tham gia chiến dịch Đường 9 Nam Lào. Trong 4 năm chiến đấu bảo vệ các trọng điểm thuộc các Bình trạm: 37, 41, 42, 32, 33, 34, Tiểu đoàn 8 bắn rơi 21 Máy bay giặc Mỹ xâm lược (trong đó có 1 AC 130 và 1 B52).
Tháng 10/1972, Tiểu đoàn 8 được tăng cường cho Trung đoàn 210, cơ động vào chiến đấu ở chiến trường miền Nam và trực tiếp tham gia Chiến dịch Phước Long (1974), Chiến dịch Hồ Chí Minh (1975). Tại đây tiểu đoàn 8 tiếp tục lập công, bắn rơi 3 máy bay Mỹ. Chiến công này, góp phần quan trọng cùng các đơn vị tiến về Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Trong các chặng đường chiến đấu, dù tên gọi khác nhau nhưng Tiểu đoàn luôn phát huy truyền thống đoàn kết, chiến đấu anh dũng, lập công xuất sắc, bắn rơi 83 máy bay Mỹ, ghi nhận thành tích đó, ngày 25/4/2013, Tiểu đoàn được Nhà nước tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Lá cờ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân của Tiểu đoàn 1 Pháo cao xạ, Quân khu 4, là hiện vật có giá trị lịch sử, minh chứng cho ý chí chiến đấu kiên cường, hy sinh anh dũng của các thế hệ của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 1 Pháo cao xạ, Quân khu 4 nói riêng, quân và dân cả nước nói chung, góp phần vào sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trước đây và giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc cho các thể hệ hôm nay và mai sau.
Bài, ảnh: NAM HÀ
Bảo tàng Quân khu 4
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận