A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Gặp người cán bộ “tiền khởi nghĩa” 75 năm tuổi Đảng

Trú tại Khối 17, phường Hưng Bình, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, ông Phạm Đức Thân là người hiếm hoi của thành phố Vinh và tỉnh Nghệ An vì có 75 năm tuổi Đảng, ông là cán bộ “Tiền khởi nghĩa”.

Đại gia đình ông Phạm Đức Thân.

 

Kể chuyện cuộc đời gần 100 năm về trước, ông Phạm Đức Thân, mặc dù trí nhớ có phần khó khăn, nhưng ông vẫn nhớ nhất quãng đời mới 17 tuổi, ông đã gia hoạt động cách mạng; tham gia cướp chính quyền năm 1945. “Chúng tôi chỉ luôn tiến lên phía trước chứ không chịu lùi bước trước những khó khăn, Đảng giao nhiệm vụ gì tôi đều hoàn thành xuất sắc”. Ông Thân nói.

Quả là xa xưa đối với thế hệ hôm nay sống trong điều kiện đất nước hòa bình, độc lập, tự do; trẻ em sinh ra được đùm bọc chở che, ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành.

Thỉnh thoảng ông cầm ấm trà rót sang phía tôi, chậm rãi kể. Thời ấy không biết sao mà chúng tôi sống được, tồn tại được. Nạn đói 1945 thật khủng khiếp, nên học đến “Đệ Tam Niên” (Lớp 6 bây giờ), là tôi phải bỏ học về quê cày ruộng cùng cha mẹ. Lúc đó Pháp Nhật đánh nhau, chúng có mặt khắp thôn cùng ngõ vắng; giặc Pháp thì thực thi “Chính sách sưu cao thuế nặng”, còn quân Nhật thì “Phá lúa trồng đay”. Cuộc sống người dân đã cơ cực lại còn bị dồn tận cùng đáy của sự nghèo khổ. Nhiều người dìu nhau lê lết đi ăn xin, nhiều gia đình ôm nhau chết đói bên đường... Lòng căm thù chế độ thực dân phong kiến dồn nén đã thôi thúc chàng thanh niên tuổi 17 tham gia đội ngũ tiên phong cướp chính quyền hồi đó.

Ông Phạm Đức Thân đón nhận Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng.

 

“Tôi có nhiệm vụ tịch thu con dấu của Lý trưởng và Hương kiểm nộp cho Ủy ban cách mạng lâm thời Huyện Thanh Chương, rồi tham gia cướp chính quyền ở xã. Sau đó tôi được tổ chức giao nhiệm vụ làm giáo viên dạy các lớp “Bình dân học vụ”; rồi làm hiệu trưởng Trường cấp I, rồi đại biểu Hội đồng nhân dân xã, Ủy viên Ủy ban Kháng chiến xã, làm Bí thư Thanh niên xã và được cử đi học ngành Y, phấn đấu qua các cấp đào tạo của ngành Y trở thành Bác sĩ”. Ông Phạm Đức Thân kể.

Về sự nghiệp Y tế, ông Phạm Đức Thân được giao nhiệm vụ Trưởng Phòng Y tế ở các huyện biên giới Tương Dương, Kỳ Sơn, rồi chuyển về Đô Lương, Diễn Châu, sau đó làm Giám đốc Trung tâm bảo vệ sức khỏe bà mẹ trẻ em và Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Nghệ An, là Ủy viên Trung ương Hội kế hoạch hóa gia đình Việt Nam.

Ông Thân nhớ lại: “Trong kháng chiến chống Pháp, tôi phải thay đổi nhiệm vụ công tác ở nhiều nơi và hồ sơ lý lịch thì chuyển bằng bưu điện, chiến tranh, nên bị thất lạc, thậm chí có thời gian bị mất liên lạc, nhưng tôi vẫn kiên trung theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn. Tuy vậy các cơ sở Đảng của ta vẫn đủ căn cứ cấp giấy giới thiệu sinh hoạt Đảng khi tôi chuyển công tác. Ngày 06/11/1984, tôi vinh dự được Hội đồng Nhà nước tặng “Huân chương kháng chiến Hạng Nhất”, vì “Đã có công lao trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước”. Ông Phạm Đức Thân chia sẻ cùng những chứng chỉ, tấm bằng.

Gia đình, người thân chúc mừng ông Phạm Đức Thân.

 

Trong Giấy xác nhận “Người hoạt động cách mạng từ 01/01/1945, đến trước Tổng khởi nghĩa năm 1945, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An ghi, “Đồng chí Phạm Đức Thân đã có thời gian hoạt động cách mạng từ ngày 01/3/1945, là cán bộ Ban Vận động cướp chính quyền huyện Nam Đàn, Trưởng Ban khởi nghĩa”; và chính vì lẽ đó ông được hưởng thâm niên ưu đãi “Tiền khởi nghĩa”.

Từ năm 2004 lại nay, sau khi nghỉ hưu, ông Phạm Đức Thân là công dân trú tại khối 17, phường Hưng Bình, thành phố Vinh. Các thế hệ cán bộ đảng viên phường Hưng Bình cũng như bà con lối xóm luôn lấy tấm gương người đảng viên 75 năm tuổi Đảng là niềm tự hào trong sinh hoạt và hành động. Nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh Nghệ An cũng thường xuyên đến thăm hỏi chúc sức khỏe ông, vinh danh ông là tấm gương để noi theo, người cán bộ cách mạng “Tiền khởi nghĩa” luôn giữ vững phẩm chất trong sinh hoạt cũng như đời sống thường ngày. Hiện ông có một gia đình hạnh phúc, hai ông bà đều bước qua tuổi 90 và các con cháu đều có công ăn việc làm ổn định. Người đảng viên 75 năm tuổi Đảng ấy đã minh chứng cho chúng ta thấy rằng: Khi đứng vào hàng ngũ của Đảng, chúng ta ai cũng đã hứa rằng suốt đời phấn đấu cho lý tưởng cao đẹp của Đảng. Do đó dù ở cương vị nào, hay dù đã nghỉ hưu không còn giữ trọng trách, mỗi đảng viên cần nhận thức vào Đảng là để phục vụ Nhân dân, phục vụ đất nước, phấn đấu cho mục tiêu chung của cách mạng, đem lại cuộc sống hòa bình, ấm no, tự do, hạnh phúc cho Nhân dân, trong đó có bản thân và gia đình mình. Cán bộ, đảng viên khi về nghỉ hưu, vẫn phải phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, làm gương cho lớp con cháu tránh được những biểu hiện suy thoái; tăng cường “sức đề kháng”, khả năng “miễn dịch” cho bản thân trước mọi biến đổi và những tác động tiêu cực từ xã hội.

Cán bộ cách mạng "tiền khởi nghĩa" hạnh phúc bên gia đình, con cháu.

 

Đến thăm ông, ai cũng cảm phục trước sự nghiệp, nghị lực và ý chí mà người cán bộ cách mạng “Tiền khởi nghĩa” như ông đã vươn lên, đạt được những thành tích sáng ngời. Ông nhìn và chỉ sang bà Hà Thị Thọ, người đồng nghiệp, người bạn đời đã luôn bên ông, hậu thuẫn cho ông vượt qua bao khó khăn; “Nếu không có bà ấy thì tôi không bao giờ đạt được những thành tích trong đời, bà ấy hội đủ những phẩm chất người phụ nữ Việt Nam thời chiến cũng như thời bình”. Ông Phạm Đức Thân trìu mến nhìn vợ, nói.

Theo hướng tay ông chỉ, tôi nhìn lên tấm bằng, ngày 6/11/1984, Hội đồng Nhà nước CHXHCN Việt Nam tặng “Huân chương kháng chiến Hạng Nhất”, bà Hà Thị Thọ, xã Nam Chấn, huyện Nam Ninh, tỉnh Hà Nam Ninh, “Đã có công lao trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước” và cảm phục trước một gia đình cách mạng mà cả hai vợ chồng đều được tặng “Huân chương kháng chiến Hạng Nhất”. Tháng 11 năm 2023, ông vinh dự đón nhận Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng.

Theo Tạp chí điện tử Da cam Việt Nam


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội