Thứ năm, 18/04/2024 - 17:20
Trung tướng Hà Thọ Bình, Tư lệnh Quân khu 4 kiểm tra Đội quy tập 589, Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình. Bộ Tư lệnh Quân khu 4: Thăm, chúc Tết Bun Pi May tại tỉnh Khăm Muồn. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình Khánh thành Bức phù điêu “Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên Phong” Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đến Bắc Kinh, bắt đầu thăm chính thức nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Trung tướng Trần Võ Dũng, Chính ủy Quân khu 4 thăm, chúc Tết Bun Pi May tại tỉnh Viêng Chăn (Lào) Trung tướng Hà Thọ Bình, Tư lệnh Quân khu 4: Kiểm tra tại Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh Đại học Huế Bộ Tư lệnh Quân khu 4 thăm, chúc Tết Bun Pi May lãnh đạo Đảng, Nhà nước Lào Quân khu 4: Khai giảng bồi dưỡng kiến thức Quốc phòng và An ninh Quân khu 4: Tổng kết công tác doanh trại, đầu tư xây dựng cơ bản; trường bắn, thao trường huấn luyện năm 2023 Quân khu 4: Đảm bảo tốt chế độ, chính sách thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ Chi bộ Báo Quân khu 4 lãnh đạo hoàn thành tốt các kết luận, nghị quyết của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và chỉ thị về xây dựng “chi bộ 4 tốt”, “đảng bộ cơ sở 4 tốt”
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khát vọng Cồn Cỏ

Trải qua những năm dài đánh Mỹ, quân và dân đảo Cồn Cỏ (tỉnh Quảng Trị) đã đặt một dấu son đỏ thắm trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Đảng bộ và quân, dân Cồn Cỏ vinh dự được Đảng, Nhà nước 2 lần phong tặng danh hiệu “Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Bước vào thời kì đổi mới, Đảng bộ, quân và dân Cồn Cỏ phấn khởi tự hào với niềm khát khao cháy bỏng xây dựng đảo quê hương phát triển toàn diện, xứng đáng với truyền thống Đơn vị Anh hùng và trở thành điểm du lịch nổi tiếng trong nước và quốc tế.

Tượng đài anh hùng, bất khuất

Trong suốt những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Cồn Cỏ là Đảo thép tiền tiêu của miền Bắc XHCN. Một hòn đảo nhỏ diện tích tự nhiên chỉ vỏn vẹn 230 ha; quân, dân trên đảo đã phải đương đầu suốt 1.500 ngày đêm, chiến đấu gần 1.000 trận lớn nhỏ, với hàng trăm đợt máy bay và tàu chiến kẻ thù ném bom, bắn phá, hòng chiếm giữ đảo. Quân, dân Cồn Cỏ đã chung lưng đấu cật, kiên cường chiến đấu giữ đảo “một tấc không đi, một li không rời” và đã bắn rơi 48 máy bay Mỹ, bắn chìm 17 tàu chiến và hải thuyền của địch. Gần 200 đồng bào, chiến sĩ đã anh dũng chiến đấu hy sinh chọn mảnh đất thiêng nằm lại để hun đúc nên ý chí kiên cường của một “chiến hạm thép” anh hùng mãi mãi đi vào lịch sử của dân tộc…

Trong cuộc chiến đấu sinh tử đó quân, dân Cồn Cỏ đã làm tròn nhiệm vụ trung chuyển sức người, sức của vào chiến trường miền Nam. Chỉ trong 4 năm từ 1964 đến 1968, quân và dân Vĩnh Linh đã có hơn 4.000 chuyến thuyền tiếp tế với hơn 2.500 tấn hàng hóa, vũ khí ra đảo. Để ngăn chặn và cắt đứt tuyến đường chi viện của ta, Mỹ - ngụy đã nhiều lần cho quân đổ bộ, vây ráp, ném bom, đánh phá rất ác liệt. Nhưng bằng niềm tin và ý chí bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển đảo, quân và dân Cồn Cỏ đã anh dũng chiến đấu chặn đứng, đập tan mọi âm mưu của kẻ thù. Vượt lên gian khổ, hy sinh, cán bộ, chiến sĩ đảo Cồn Cỏ vẫn vững vàng trên tuyến đầu, viết lên trang sử  huyền thoại…

Với những thành tích đã đạt được, Đảng bộ, quân, dân đảo Cồn Cỏ 2 lần vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; 3 lần vinh dự được Bác Hồ kính yêu gửi thư khen và đề tặng hai câu thơ: “Cồn Cỏ nở đầy hoa thắng trận/Đánh cho tan xác giặc Huê Kỳ”.

Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ trên đảo Cồn Cỏ.

 

Cựu chiến binh, Đại úy Nguyễn Duy Thúy (năm nay đã hơn bảy mươi tuổi), vốn là chiến sĩ phân đội pháo cao xạ bảo vệ Cồn Cỏ từ năm 1965, sau hơn 50 năm trở lại Cồn Cỏ, ông đã không dấu nổi niềm xúc động và tự hào cho tôi biết: “Hãy còn nguyên dấu tích chiến hào, công sự đánh Mỹ - ngụy năm xưa. Cồn Cỏ thật xứng đáng nằm trong hệ thống các di tích lịch sử nổi tiếng trong cuộc trường chinh giữ nước của quân và dân Quảng Trị như: Sông Bến Hải; cầu Hiền Lương; vĩ tuyến 17; địa đạo Vịnh Mốc; Thành Cổ Quảng Trị...”. Đứng trên trận địa của phân đội cao xạ ngày ấy, ông phấn chấn kể lại tường tận: “Từ ngày 7 đến ngày 11/2/1965, đế quốc Mỹ mở rộng cuộc chiến tranh đánh phá miền Bắc, bị phân đội pháo cao xạ chúng tôi bắn rơi 2 máy bay phản lực và làm bị thương nhiều máy bay khác. Mãi sau này cán bộ, chiến sĩ phân đội tôi mới được biết, đó là đêm tướng ngụy Nguyễn Cao Kỳ dẫn đầu tốp máy bay tấn công Cồn Cỏ phải nếm mùi thất bại”. Với chiến thắng oanh liệt này, chiến sĩ và cán bộ đảo Cồn Cỏ đã vinh dự được Bác Hồ gửi thư khen ngợi:

“Thân ái gửi chiến sĩ và cán bộ đảo Cồn Cỏ!

Vừa qua, các chú đã chiến đấu liên tục và rất dũng cảm, đã bắn nhiều máy bay và đánh đuổi tàu biệt kích Mỹ. Các chú đã xứng đáng với truyền thống anh hùng của quân và dân ta. Bác vui lòng thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ gửi lời khen ngợi các chú. Các chú cần nâng cao cảnh giác, đoàn kết chặt chẽ, khó không nản, thắng không kiêu, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Chúc các chú sức khoẻ và lập nhiều chiến công hơn nữa. Chào thân ái và quyết thắng. Bác Hồ!”.

Tác giả và Cựu chiến binh Nguyễn Duy Thủy trước chòi quan sát năm xưa của anh hùng Thái Văn A.

 

Từ trận thắng đó, khắp Vĩnh Linh nơi nào có cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt nhất nơi ấy được đặt tên là Cồn Cỏ. Càng thất bại, Mỹ - ngụy càng điên cuồng dùng máy bay đánh phá Cồn Cỏ ác liệt hơn. Hầu hết cán bộ, chiến sĩ trên Đảo đã viết thư bằng máu với lời thề “Thà hy sinh tất cả chứ không để mất đảo”. Trang sử chống ngoại xâm của tỉnh Quảng Trị nói riêng, của dân tộc ta nói chung còn tô đẫm những dòng son đỏ thắm: Nhiều cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh để làm rạng danh đảo nhỏ anh hùng, làm sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng của Quân đội nhân dân Việt Nam: Anh hùng Thái Văn A, chiến sĩ đài quan sát khi bị thương đã tự mình băng bó, quyết không chịu rời trận địa; chiến sĩ Nguyễn Hữu Quí giữa lúc bom đạn thù xối xả đã bất chấp hiểm nguy, cởi mũ sắt che cho kính ngắm SĐI khẩu 14,5mm, cùng đồng đội bắn rơi 4 máy bay Mỹ; chiến sĩ Lê Ngọc Oanh, bị vết thương nặng trước lúc lâm chung chỉ kịp nói với đồng đội: “Tôi không có gì phải tiếc nuối hay ân hận, chỉ tiếc rằng không được cùng các đồng chí tiếp tục chiến đấu bảo vệ đảo”. Đó là đảo trưởng Vũ Kỷ, mưu trí, sáng tạo chỉ huy pháo mặt đất 85mm trực tiếp bắn rơi 1 thuỷ phi cơ Mỹ, tiêu diệt toàn bộ giặc lái hay chiến sĩ Trần Văn Thục kiên trì chịu đựng trên bàn mổ không một lời kêu rên khi phải nối chín khúc ruột không có thuốc gây tê... và hàng trăm cán bộ, chiến sĩ khác đã góp phần dựng nên tượng đài Cồn Cỏ anh hùng bất khuất.

 

Khát vọng vươn lên

Cồn Cỏ vốn là cái rốn bom đạn của giặc Mỹ, một hòn đảo đọng biết bao nhát chém chiến tranh. Thế mà sau gần 50 năm Cồn Cỏ đã hồi sinh, vẫn giữ được màu xanh nguyên vẹn của những cánh rừng, vẻ đẹp hoang sơ và đa dạng sinh học biển đảo. Đảo Cồn Cỏ hiển hiện một địa danh đầy tiềm năng phát triển du lịch sinh thái rất lớn, là nơi hội tụ của nhiều hệ sinh thái điển hình vùng biển nhiệt đới, trong đó có hệ sinh thái rạn san hô, là khu vực tập trung các bãi đẻ của nhiều loài hải sản quý, có giá trị kinh tế cao và đặc hữu. Hệ sinh thái rừng nhiệt đới trên đảo thuộc vào dạng quý hiếm với gần 80% diện tích trên đảo là rừng. Đến thăm đảo Cồn Cỏ, du khách sẽ có dịp chiêm ngưỡng những vẻ đẹp hoang sơ của rừng già. Hệ thống rừng ở đảo Cồn Cỏ với nhiều loại cây đã sống lâu năm, xen giữa rừng có một số là cây dược liệu, tạo nên một sự phong phú đa dạng về hệ sinh thái.

Là hòn đảo trong vùng biển Quảng Trị, Cồn Cỏ có vị trí đặc biệt quan trọng, cách đất liền điểm gần nhất 13 hải lý; điểm cao nhất so mặt nước biển 63,4m;. Cồn Cỏ có vị trí quan trọng về quân sự, là vọng gác tiền tiêu của Tổ quốc, cảnh giới cho miền Bắc và là điểm chốt phía Nam vịnh Bắc Bộ. Đảo Cồn Cỏ có giá trị về địa chất và sinh thái cảnh quan như một bảo tàng thiên nhiên với các thềm đá bazan độc đáo, các bãi tắm nhỏ hoang sơ, nước biển trong xanh, nhiệt độ ổn định. Động vật trên đảo tuy không nhiều nhưng chủng loại khá độc đáo. Đó là những đàn chim én; các loại bò sát, trong đó có loài rắn lục đuôi đỏ rất độc nhưng là nguồn dược liệu quý hiếm. Đặc biệt, Cồn Cỏ có loài cua đá nổi tiếng vừa sống trên cạn, vừa sống dưới nước và là động vật được bảo vệ nghiêm ngặt.

Ngày 1/10/2004, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định 174/2004/NĐ-CP về việc thành lập huyện đảo Cồn Cỏ, với mục tiêu xây dựng phát triển đảo Cồn Cỏ thành “Huyện đảo Du lịch”. Ngày 18/4/2005, Tỉnh uỷ - HĐND - UBND tỉnh Quảng Trị đã long trọng tổ chức lễ công bố Nghị định 174 của Chính phủ. Huyện đảo Cồn Cỏ chính thức được thành lập và bước vào một giai đoạn mới: Vượt qua khó khăn, chủ động sáng tạo - xây dựng huyện đảo vững về chính trị, kinh tế, xã hội; mạnh về quốc phòng an ninh, xây dựng huyện đảo trở thành điểm hẹn của du khách trong và ngoài nước. Với Nghị định hợp lòng dân đã khơi dậy niềm khát khao, cháy bỏng của quân, dân huyện đảo. Các dự án cảng cá và khu dịch vụ được mở rộng. Doanh trại quân đội, các trường mầm non, tiểu học Phong Ba thật khang trang với số vốn đầu tư bước đầu 5 tỷ đồng, bước đầu đã đáp ứng được nguyện vọng của quân, dân trên đảo. Làng mới trên đảo được xây cất kiên cố, khang trang. Bà con chăm chút làm ăn, sinh hoạt thật ấm cúng bằng các nghề chài lưới, nuôi trồng thủy sản, chế biến nước mắm... Cồn Cỏ trở thành đơn vị hành chính thứ 10 của tỉnh Quảng Trị. Hơn mười năm qua, hệ thống chính trị huyện đảo được hình thành, ngày càng hoàn thiện. Chỉ tính năm 2017, kinh tế - xã hội huyện đảo Cồn Cỏ tiếp tục phát triển và đạt được những kết quả quan trọng; 11/12 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tổng thu ngân sách huyện hơn 23.293.498.000 đồng đạt 102,3%. Cơ sở hạ tầng tiếp tục được quan tâm đầu tư trong đó tập trung vào cơ sở hạ tầng phục vụ mở tuyến du lịch. Một số mô hình phát triển sản xuất kinh doanh áp dụng trên địa bàn bước đầu đạt kết quả đem lại thu nhập cho người dân. Các hoạt động VHVN, TDTT diễn ra sôi nổi. Đời sống nhân dân từng bước được cải thiện. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, quốc phòng an ninh được củng cố, tăng cường.

Đồng chí Lê Minh Tuấn, Bí thư kiêm chủ tịch UBND huyện đảo Cồn Cỏ cho chúng tôi biết: “Thực hiện định hướng cơ bản phát triển kinh tế - xã hội,  quốc phòng - an ninh của huyện đảo Cồn Cỏ đến năm 2020, Đảng bộ cùng quân và dân huyện đảo chúng tôi quyết tâm chủ động khắc phục khó khăn, tiếp tục kêu gọi đầu tư xây dựng kết cấu cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh và hoạt động du lịch; quan tâm chú trọng tạo sản phẩm hàng hóa có giá trị từ cây trồng, vật nuôi trên đảo; từng bước xác lập định hình cơ cấu kinh tế theo hướng Du lịch - Dịch vụ - Hải sản - Lâm, nông nghiệp. Thực hiện di dân, sắp xếp cơ cấu lao động, dân cư gắn với việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho quân và dân; coi trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh. Tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ gắn với việc đổi mới phương thức lãnh đạo, điều hành phù hợp đặc thù của huyện đảo; tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo; xây dựng huyện đảo Cồn Cỏ vững về kinh tế, đẹp về văn hoá, mạnh về quốc phòng, an ninh. Với những chiến công oanh liệt và bề dày lịch sử, Cồn Cỏ vừa là địa chỉ đỏ, đồng thời là một trong những điểm đến tham quan du lịch không thể thiếu khi về miền Trung.

Chúng tôi được biết, ngày 31/10/2016, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã đồng ý chủ trương mở tuyến du lịch ra đảo Cồn Cỏ theo đề xuất của UBND tỉnh Quảng Trị. Phó thủ tướng giao tỉnh Quảng Trị phối hợp với các bộ: Quốc phòng, Văn hóa - Thể thao và Du lịch và các cơ quan liên quan trong quá trình triển khai việc lập quy hoạch và đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với xây dựng củng cố thế trận quốc phòng trên địa bàn. Cuối năm 2016, UBND tỉnh Quảng Trị đã mở cảng cá đảo Cồn Cỏ, tiếp nhận phương tiện vận tải hành khách và hàng hóa ra, vào cảng với các loại tàu lớn. Đây là sự kiện đánh dấu bước phát triển mới của đảo Cồn Cỏ trong lộ trình trở thành đảo du lịch. Suốt chặng đường hơn 10 năm thành lập, xây dựng và phát triển, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân huyện đảo Cồn Cỏ luôn phát huy truyền thống anh hùng, đoàn kết, xây dựng quê hương thành huyện đảo phát triển toàn diện về chính trị, kinh tế - xã hội, vững chắc về quốc phòng - an ninh. Hiện nay, Cồn Cỏ đã mang trên mình tấm áo nhiều màu sắc của quá trình hội nhập và phát triển, là hòn đảo của sắc xanh hòa bình canh giữ biển trời Tổ quốc.

Đồng chí Lê Minh Tuấn cho chúng tôi biết thêm: “Nhờ sự quan tâm đầu tư của trên, đến nay, huyện đảo Cồn Cỏ đã có điện lưới quốc gia. Bà con trên đảo đã chú trọng đầu tư nâng cấp dịch vụ để phục vụ du lịch. Nhiều nhà đầu tư đã đến tìm hiểu và lập dự án du lịch với số vốn hàng nghìn tỷ đồng. Hiện nay, Cồn Cỏ đã xây dựng một số cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh như: Hệ thống cấp nước sinh hoạt, trung tâm y tế, trường học, khu dân cư mới phục vụ công tác di dân...”.

 

Làng thanh niên xung phong lập nghiệp trên đảo Cồn Cỏ.

 

Cùng với các “mạnh thường quân”, ngày 20/4/2018, Đoàn Thanh niên Báo Quân đội Nhân dân phối hợp các cơ sở đoàn: Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng không Thăng Long, Thư viện Quân đội, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức về với Cồn Cỏ và trao tặng trang thiết bị dạy học và tủ sách thiếu nhi cho Trường mầm non Hoa Phong Ba trị giá hàng trăm triệu đồng. Trong chuyến về với Cồn Cỏ lần này, chúng tôi có cơ hội gặp và trò chuyện với những người thuộc lứa thanh niên xung phong hai xã Vĩnh Quang, Vĩnh Thạch thuộc huyện Vĩnh Linh trong số 43 thanh niên của Tổng đội Thanh niên xung phong Quảng Trị tình nguyện ra đây xây dựng đảo theo mô hình “Đảo thanh niên”. Những bước chân tình nguyện của lớp thanh niên này đã đặt những dấu mốc đầu tiên trong việc xây dựng Cồn Cỏ trở thành địa bàn có kinh tế - xã hội phát triển, quốc phòng - an ninh vững chắc. Từ đây đảo đã có những cư dân đầu tiên đến định cư, mở ra một hướng mới trong việc xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội trên Cồn Cỏ. Buổi đầu cuộc sống lao động khó khăn vất vả lắm, vì cảm mến nhau mà nhiều đôi đã nên vợ nên chồng rồi quyết định cùng nhau định cư lâu dài tại Cồn Cỏ. Trao đổi với chúng tôi vợ chồng anh Hồ Văn Lịch và chị Hoàng Thị Thủy cho biết: “Theo quy định, mỗi gia đình được cấp một ngôi nhà rộng 42 m2 trên nền đất 200 m2, hỗ trợ lương thực bằng tiền mặt trong 18 tháng, kèm sinh hoạt phí, giống vật nuôi, được vay 100 triệu đồng không thế chấp… Vì thế, các hộ gia đình phần nào an tâm và có kế hoạch, phương hướng xác định nghề nghiệp cụ thể, tổ chức sinh sống, định cư lâu dài tại huyện đảo Cồn Cỏ. Cuộc sống gia đình đã thật sự ổn định...”. Anh Lịch theo nghề đánh bắt cá trên biển, còn chị Thủy ở nhà buôn bán nhỏ và chế biến nước mắm. Anh Hà Tiến Nam, Phó Bí thư huyện đoàn Cồn Cỏ cho biết: “Từ ngày có những hộ thanh niên đầu tiên ra lập nghiệp đến nay đảo đã có hơn 30 cháu được sinh ra trên hòn đảo lịch sử này. Dân số của đảo hiện hơn 400 người. Bà con cô bác sinh sống trên đảo đều thật sự gắn bó, coi Cồn Cỏ là quê hương. Cuộc sống mới của người dân trên đảo tiền tiêu hôm nay so với buổi đầu, cơ sở vật chất, giao thông ở đảo cũng thuận lợi hơn nhiều. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng nhờ tinh thần đoàn kết, chung lưng đấu cật xây dựng mà đảo Cồn Cỏ nay đã thật sự đổi mới; đời sống bà con đã được cải thiện, hệ thống đường giao thông đã được rải nhựa. Vấn đề thiết yếu nhất là nước ngọt đã được giải quyết với hệ thống giếng bơm trải đều. Giữa trung tâm huyện có hồ chứa nước ngọt, là nguồn nước dự trữ vừa tạo cảnh quan môi trường...”.

Đáng mừng hơn tàu sắt chở khách công suất lớn dự kiến được đưa vào hoạt động phục vụ tour du lịch sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nhu cầu đi lại của người dân ở đảo và đất liền. Cư dân đảo Cồn Cỏ phấn khởi trước thông tin huyện sẽ cho xây dựng tour cho du khách ra tham quan đảo. Đây là cơ hội để người dân Cồn Cỏ giới thiệu với du khách về hòn đảo thép trong đánh Mỹ, hòn ngọc quý trong thời kì đổi mới này. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để Đảng bộ và cư dân trên đảo có thể phát huy hơn nữa những tiềm năng, thế mạnh về kinh tế - xã hội của mình. Niềm khát khao cháy bỏng của Đảng bộ và nhân dân huyện đảo Cồn Cỏ là vậy. Để niềm khát khao đó trở thành hiện thực, ngoài nỗ lực sáng tạo của Đảng bộ, quân và dân trên đảo còn rất cần đến sự quan tâm đầu tư của Trung ương và các mạnh thường quân trong nước và nước ngoài.

Bài, ảnh: THUẬN THẮNG


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội