Ký ức về mẹ
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những vết sẹo thời gian vẫn hằn sâu trong tâm khảm bao gia đình Việt Nam. Hàng triệu người con ưu tú đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc, để lại phía sau những người mẹ, người vợ âm thầm gánh chịu nỗi đau mất mát. Mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH) Nguyễn Thị Huệ là một trong những người mẹ như thế.
Trong ngôi nhà ấm áp, nghĩa tình, ông Trương Xuân Lan, con trai út của Mẹ VNAH Nguyễn Thị Huệ, chậm rãi kể về cuộc đời đầy hy sinh của mẹ. Bên tách trà nóng, ánh mắt người con trai chợt trầm xuống, như đang lật giở những trang ký ức nhuốm màu khói lửa, đẫm nước mắt nhưng cũng đầy niềm tự hào.
Mẹ Nguyễn Thị Huệ sinh năm 1930 tại xóm 7, xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Năm 1942, mẹ kết duyên cùng ông Trương Xuân Vinh, một cán bộ giao thông vận tải tận tụy với cách mạng. Cuộc sống thời chiến đầy gian khó, nhưng mẹ luôn kiên cường lao động sản xuất tại hợp tác xã, tích cực tham gia đội dân quân tự vệ. Đồng thời, mẹ còn là người vợ hiền, người mẹ đảm đang, một mình nuôi dạy bảy người con (bốn gái, ba trai) khôn lớn. Gánh nặng gia đình dồn lên đôi vai gầy, nhưng mẹ chưa từng một lời than vãn, luôn hoàn thành mọi việc bằng tất cả tình thương và nghị lực phi thường.
.jpg)
Không chỉ là người vợ, người mẹ mẫu mực, mẹ còn là một cán bộ phụ nữ tiêu biểu của xã, đi đầu trong mọi phong trào. Mẹ từng làm “hoa tiêu”, dẫn đường cho bộ đội vượt sông vào Nam chiến đấu. Ngôi nhà nhỏ của mẹ trở thành nơi che chở, đùm bọc cho nhiều chiến sĩ cách mạng. Trong số đó, có anh Đạt, một chiến sĩ gốc Hà Nội, cảm động trước tấm lòng của mẹ đã xin nhận mẹ làm mẹ nuôi.
Nhưng rồi, chiến tranh tàn khốc đã cướp đi những người thân yêu nhất của mẹ. Tháng 8 năm 1972, trong một chuyến công tác vận chuyển hàng hóa chi viện cho chiến trường miền Nam trên “Đoàn tàu không số”, chồng mẹ - ông Trương Xuân Vinh, đã anh dũng hy sinh giữa biển khơi. Nỗi đau mất chồng chưa nguôi ngoai, mẹ lại phải gánh chịu thêm một mất mát to lớn khác khi người con trai cả, ông Trương Xuân Thành, đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường Quảng Trị. Chỉ trong vòng bốn tháng ngắn ngủi, chồng và con trai mẹ đã mãi mãi ra đi.
Giọng ông Lan nghẹn lại khi nhắc đến khoảnh khắc mẹ cầm trên tay hai tờ giấy báo tử. Không một tiếng khóc than, không một lời oán trách, mẹ lặng lẽ ôm trọn nỗi đau vào sâu thẳm trái tim. Trong lòng mẹ, tình yêu nước và tình thương con đã hòa quyện thành một sức mạnh phi thường, giúp mẹ đứng vững, tiếp tục nuôi dạy các con trưởng thành.
.jpg)
Ông Lan xúc động chia sẻ: “Sau ngày bố và anh trai tôi hy sinh, cuộc sống gia đình vốn đã khó khăn lại càng thêm chật vật. Chị Trương Thị Hoa - chị gái đầu của tôi, đành phải dang dở việc học để ở nhà phụ giúp mẹ. Mọi gánh nặng mưu sinh dồn lên đôi vai của mẹ và chị. Thế nhưng, chưa một lần tôi thấy mẹ than phiền hay oán trách. Mẹ luôn tâm niệm rằng, trong thời chiến, sự hy sinh và cống hiến cho cách mạng là điều thiêng liêng và cao quý nhất. Vì độc lập, tự do của dân tộc, mẹ sẵn sàng hiến dâng những gì tốt đẹp nhất của mình”.
Nén chặt nỗi đau, mẹ gồng mình nuôi các con khôn lớn. Đến nay, các con của mẹ đều đã thành đạt và lập gia đình ở quê. Ghi nhận những hy sinh cao cả đó, năm 2014, mẹ Nguyễn Thị Huệ vinh dự được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ký quyết định phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng. Tháng 2 năm 2022, mẹ đã trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 93.
Cho đến những giây phút cuối đời, trong tâm khảm mẹ vẫn canh cánh một nỗi niềm day dứt khôn nguôi - đó là ước nguyện tìm được phần mộ của người con trai cả, liệt sĩ Trương Xuân Thành. Anh hy sinh tại chiến trường Quảng Trị vào năm 1972, giữa những trận đánh ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Khi ấy, anh còn rất trẻ, mang trong mình bao hoài bão và nhiệt huyết cống hiến cho Tổ quốc. Suốt những năm tháng sau ngày đất nước thống nhất, mẹ âm thầm gửi thư đến các đơn vị, nhờ đồng đội cũ của con, liên hệ với các cơ quan chức năng, hy vọng tìm được dù chỉ một chút thông tin về nơi con yên nghỉ. Gia đình đã nhiều lần vào Quảng Trị tìm kiếm, nhưng giấy tờ tùy thân của anh Thành đã thất lạc, khiến việc tìm kiếm càng trở nên vô vọng. Khi nhắm mắt xuôi tay, mẹ vẫn chưa thể thực hiện được tâm nguyện cuối cùng, chưa thể biết được nơi con trai mình nằm xuống để một lần gọi trọn tên con. Đó là nỗi đau âm thầm, sâu lắng, chẳng thể diễn tả bằng lời.
Dù mẹ đã mãi mãi ra đi, nhưng tình yêu thương và lòng kiên trì của mẹ dành cho con trai vẫn sống mãi trong trái tim những người ở lại. Ông Lan nghẹn ngào: “Dù mẹ không còn nữa, nhưng chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục hành trình tìm mộ cho anh Thành, thực hiện tâm nguyện dang dở của mẹ. Đó là trách nhiệm và cũng là niềm an ủi lớn nhất đối với vong linh của mẹ”.
Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Huệ đã đi xa, nhưng hình ảnh người mẹ kiên cường, bất khuất, giàu đức hy sinh sẽ mãi là tượng đài sáng ngời trong lòng mỗi người dân Việt Nam. Câu chuyện về mẹ là minh chứng cho sức mạnh phi thường của người phụ nữ Việt Nam trong chiến tranh và là lời nhắc nhở về giá trị của hòa bình, độc lập mà biết bao thế hệ đã đổ xương máu để giành lấy.
Bài, ảnh: TRÀ MY
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận