A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản
Noi gương anh dũng hy sinh của cán bộ, chiến sĩ khi thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn và giúp Nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ

Lính Công binh “đánh trận” thời bình

Trao đổi với chúng tôi về công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, Thượng tá Mai Văn Thanh, Phó lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Lữ đoàn Công binh 414 cho biết: “Lữ đoàn Công bình 414 là đơn vị đảm nhiệm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng các công trình quốc phòng, rà phá bom mìn, vật liệu nổ sót lại sau chiến tranh và cơ động lực lượng tham gia giúp Nhân dân phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, bão lụt, cứu hộ cứu nạn... Nhiệm vụ nào cũng khó khăn nguy hiểm, nhưng cán bộ, chiến sĩ đơn vị đều xác định rõ trách nhiệm sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Để có được điều đó, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn đã đề ra nhiều chủ trương, biện pháp nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ. Trong đó, tập trung giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm và tăng cường huấn luyện nâng cao trình độ, khả năng xử lý các tình huống cho cán bộ, chiến sĩ”.

Nhiều lần tham gia cùng Lữ đoàn Công binh 414 thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, phục vụ diễn tập... chúng tôi đều chứng kiến tinh thần, hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ đơn vị. Trong trận lũ quét xảy ra hồi tháng 8/2019, tại bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa, hình ảnh những người lính Công binh Lữ đoàn 414 ngâm mình dưới dòng suối dữ, làm việc xuyên ngày, trắng đêm để sớm hoàn thành cây cầu bắc qua sông Luồng vào tiếp tế bà con bản Sa Ná được Nhân dân nhớ mãi. Đặc biệt, trong những trận lũ lịch sử tháng 10 năm 2020, những người lính Công binh Lữ đoàn 414 luôn dầm mưa, đối mặt hiểm nguy phá đá, mở đường và tham gia tìm kiếm các cán bộ, chiến sĩ hy sinh tại Thủy điện Rào Trăng 3 và Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 đã làm lay động hàng triệu con tim. Và mới đây, những ngày đầu tháng 11 trên những chiếc xuống cứu hộ, cán bộ, chiến sĩ đơn vị dầm mình trên khắp cánh đồng nước lũ tại huyện Nam Đàn (Nghệ An) tìm kiếm nạn nhân đuối nước đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng Nhân dân. Hay trong các lần tham gia diễn tập với các địa phương, đơn vị, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 414 đều nỗ lực vượt qua mọi khó khăn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ…

Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 414 bắc cầu phao vào bản Sa Ná, xã Na Mèo 
để chuyển hàng cứu trợ cho bà con, tháng 8 năm 2019.

Thiếu tá Trần Văn Chính, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Vượt sông 4 chia sẻ: “Nhằm thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phòng, chống lụt bão, tìm kiếm, cứu nạn, Tiểu đoàn đã triển khai đồng bộ các biện pháp về tư tưởng, tổ chức và kỹ thuật. Đơn vị thành lập các đội chuyên trách tìm kiếm, cứu nạn trên sông nước, đội cứu hộ trên cạn. Các đội được huấn luyện cơ bản về nội dung, phương pháp tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn và rèn luyện nâng cao bản lĩnh, kỹ năng tác nghiệp. Yêu cầu đặt ra đối với từng phân đội, từng cán bộ, chiến sĩ là phải biết vận dụng sáng tạo; từng vụ việc, từng địa hình cụ thể cần triển khai nhanh nhất các biện pháp có thể, không rập khuôn máy móc, với thời gian nhanh nhất khi tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn”.

Ngoài thành lập các đội cứu hộ, cứu nạn chuyên trách, Lữ đoàn tăng cường huấn luyện cho mọi cán bộ, chiến sĩ thuần thục các kỹ năng cứu hộ, cứu nạn trong mọi tình huống. Vì thế, cùng với việc huấn luyện đầy đủ các nội dung trong chương trình, đơn vị chú trọng huấn luyện chuyên sâu những kiến thức, kỹ năng trong phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, tìm kiếm cứu nạn như: Cách chằng, chống nhà cửa, kho tàng, phương pháp sơ cứu, cấp cứu vận chuyển người bị nạn, phương pháp phòng, chống cháy nổ, sập đổ công trình... Một trong những vấn đề cốt lõi của cán bộ, chiến sĩ là sử dụng, vận hành thành thạo các phương tiện, khí tài tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ hiện đại, chuyên dùng được trang bị như: Xe cứu hộ đa năng, xuồng cao tốc, xe cẩu, máy xúc lật… phục vụ cho công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn.

Theo Đại tá Đặng Viết Huỳnh, Chính ủy Lữ đoàn Công binh 414 thì cùng với việc tăng cường huấn luyện, bài học có ý nghĩa quyết định đến kết quả nhiệm vụ phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, tìm kiếm cứu nạn là xây dựng động cơ, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ. Đây là nhiệm vụ chiến đấu thường xuyên trong thời bình, có tính nguy hiểm, phức tạp, đòi hỏi rất khẩn trương. Mỗi nhiệm vụ, đơn vị thông tin cho bộ đội về tình hình thiên tai, những đặc điểm thuận lợi, khó khăn; phương án kế hoạch thực hiện, nhiệm vụ của từng người, từng bộ phận. Chỉ huy Lữ đoàn và các cơ quan được phân công thường xuyên có mặt tại hiện trường để chỉ đạo, phối hợp với địa phương và các lực lượng, nắm chắc tình hình, tổ chức chỉ huy hiệp đồng chặt chẽ; điều động lực lượng, phương tiện, kịp thời.

Dù trong hoàn cảnh nào, cán bộ, chiến sĩ đơn vị luôn sẵn sàng nhận lệnh, kịp thời có mặt ở những nơi khó khăn, trong thời điểm cam go nhất, sát cánh cùng với địa phương, các lực lượng để chống chọi với thiên tai, sự cố để cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả. Trong gian nan, cán bộ, chiến sĩ càng thể hiện rõ vai trò người lính Công binh trên quê hương Bác Hồ kính yêu luôn hết mình vì Nhân dân.

NGỌC THĂNG


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội