A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản
Noi gương anh dũng hy sinh của cán bộ, chiến sĩ khi thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn và giúp Nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ

Người con hiếu thảo

Chiều đầu tháng Ba, trời xứ Thanh trong xanh, nắng nhẹ thay cho cái lạnh cuối Đông phần nào xua đi nỗi buồn vốn án ngự suốt những tháng qua trong căn nhà ông Lê Xuân Năm và bà Trần Thị Tươi, ở thôn Thạch Đài, xã Định Tăng, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá, là bố mẹ của Đại úy Lê Đức Thiện, Nhân viên quản lý Đoàn KT-QP 337, một trong 22 liệt sĩ đã hy sinh trong khi thực hiện nhiệm vụ giúp Nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ tháng 10 năm 2020.

Căn nhà cấp 4 tuy cũ nhưng thường xuyên ngăn nắp, gọn sạch bởi có sự chung tay giúp đỡ của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang huyện và bà con lối xóm. Anh Thiện ra đi để lại bố mẹ già năm nay đều đã ở tuổi 70 và đều bị bệnh tiểu đường, xương khớp hành hạ. Không những thế, bố anh, ông Năm cách đây hơn 10 năm bị tai biến khiến tai không còn nghe được nữa. 14 năm qua, mắt bà Tươi, mẹ anh không còn nhìn rõ, đi đâu hai ông bà cũng đi cùng nhau để ông thay mắt cho bà, còn bà nghe hộ cho ông. Trong câu chuyện với ông bà và bà con lối xóm, chúng tôi hiểu thêm về anh, một tấm gương trung hiếu, không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ ở đơn vị mà anh còn là một tấm gương hiếu thảo.

Anh Thiện sinh năm 1980, là con trai thứ 2 trong gia đình có 5 chị em. Năm 1997, sau khi học xong cấp 3, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên anh không thi đại học mà ở lại quê hương sản xuất, giúp đỡ bố mẹ nuôi các em ăn học. Năm 2001, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh được đi học và tuyển dụng làm quân nhân chuyên nghiệp công tác tại Ban Hành chính, Phòng Tham mưu - Kế hoạch, Đoàn KT-QP 337. Gần 23 năm tuổi quân, liệt sĩ Lê Đức Thiện có tròn 21 năm bám đất, bám làng gắn bó cùng bà con đồng bào Pa Kô, Vân Kiều nơi núi rừng Khe Sanh giữa đại ngàn Trường Sơn, giúp Nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, luôn xung kích đi đầu trong phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn. Do thường xuyên phải bám bản, bám dân, nắm chắc cơ sở nên mỗi năm, anh Thiện và đồng đội chỉ tranh thủ về thăm gia đình được một hoặc vài lần.

Cán bộ, nhân viên Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 giúp dân xã Hướng Việt, 
huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị dọn bùn sau lũ.

 

Dù hoàn cảnh khó khăn, xa nhà nhưng anh luôn trung hiếu vẹn toàn. Gia đình chị gái đầu hoàn cảnh khó khăn nên cũng không giúp được bố mẹ nhiều, các em đều lập nghiệp ở Đắc Lăk nên mọi việc trong nhà đều do anh Thiện lo toan. Hằng tháng, anh đều tằn tiện tiết kiệm rồi gửi đồng lương bộ đội ít ỏi về để thuốc men cho bố già, mẹ yếu và chu cấp cho các em ăn học. Có lẽ vì thế mà đến khi đã 40 tuổi, các em đều đã có công ăn, việc làm, gia đình ổn định, việc “trăm năm” của mình, anh vẫn cứ lần lữa thất hứa với mẹ. Bà Trần Thị Tươi ngậm ngùi: “Nhà nghèo quá, các em ăn học, thuốc men cho bố mẹ, cái gì cũng đến tay nó. Mấy đồng lương ít ỏi có bao giờ để cho bản thân đâu, được bao nhiêu gửi hết về cho mẹ. Mỗi lần về phép tôi đều mong nó sớm lấy vợ để mong có cháu bồng bế tuổi xế chiều. 2 con trâu, 2 con bò và đàn lợn tôi chăm bẵm béo tốt để cưới vợ cho nó nhưng nó bảo tôi bán đi mà thuốc men, chuyện cưới vợ con sẽ cố gắng tự lo được. Nó cũng dự định mua cho mẹ cái điều hoà, đưa bố đi khám tai, đưa mẹ đi chữa mắt, vậy mà… Dù Thiện không còn nữa nhưng những tình cảm và sự tri ân mà đồng đội và toàn xã hội đang nỗ lực chung tay hiện thực hóa những dự định của cháu nó phần nào giúp gia đình tôi vơi đi nỗi đau mất đi người con hiếu thảo”.

HẢI BĂNG


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội