A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khắc tên các anh trong trái tim mọi người

Trung tá Trần Minh Hải, Đại úy Tôn Thất Bảo Phúc và Thượng úy Quân nhân chuyên nghiệp Trương Anh Quốc, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế là 3 trong số 13 cán bộ, chiến sĩ hi sinh anh dũng khi đang trên đường làm nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn tại Thủy điện Rào Trăng 3. Họ đã anh dũng hi sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, để lại đó những ước vọng, khát khao cống hiến còn dang dở…

Trạm Quản lý bảo vệ rừng sông Bồ, nơi 13 cán bộ đoàn công tác Bộ Tư lệnh Quân khu 4 và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế dừng chân và hi sinh.

 

Cha mẹ già khóc cạn nước mắt

Đôi mắt đỏ hoe, trũng sâu vì đã thức trắng mấy đêm nay ngóng tin con bình yên trở về, mặc dù đau đớn tận tâm can, nhưng ba mẹ Trung tá Trần Minh Hải (sinh năm 1979), Phó Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn trấn an vợ con anh: “Nó đi làm nhiệm vụ rồi nó về. Đã là người lính thì chấp nhận hiểm nguy. Là hậu phương của lính thì cũng cần phải có tinh thần thép con ạ”. Nói vậy nhưng ông Trần Thiện Cường (ba của đồng chí Hải) lại quay đi để gạt nước mắt.

Rồi khi phép màu không xuất hiện, cha mẹ già lại khóc cạn nước mắt, người vợ hiền gần như ngã quỵ trước hung tin đã tìm thấy 13 thi thể, trong đó có Trung tá Trần Minh Hải.

Trung tá Trần Minh Hải bên trái tại cuộc diễn tập Khu vực phòng thủ huyện Phú Lộc năm 2018.

Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng tại phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà, từ nhỏ Trần Minh Hải luôn có ý chí tự lập, phấn đấu. Trong quá trình học tập và công tác, anh luôn gương mẫu, tâm huyết với công việc, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, được cấp trên tin tưởng, cấp dưới quý mến, người dân tin yêu…

Là  người chỉ huy, nhưng Trung tá Trần Minh Hải như một người anh, người bạn của những người đồng đội trẻ, bởi anh rất thân thiện, dễ gần. Anh thường xuyên chuyện trò, động viên và giúp đỡ cán bộ, chiến sĩ nhất là những chiến sĩ xa nhà, có hoàn cảnh khó khăn an tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Khi còn là Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Ban CHQS huyện Nam Đông và Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Phú Lộc, anh đã rất gần gũi, hết lòng với người dân địa phương. Hễ có thiên tai, bão lụt anh đều nhanh chóng cùng cán bộ, chiến sĩ đơn vị cơ động đến tận nơi để giúp đỡ bà con.

“Phú Lộc là địa phương thấp trũng, năm nào cũng hứng chịu nhiều đợt thiên tai, bão lũ. Bất cứ lúc nào người dân cần, cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện Phú Lộc, trong đó có anh Hải luôn kịp thời có mặt để giúp đỡ bà con. Từ di chuyển người, tài sản của Nhân dân vùng ngập lụt đến nơi an toàn đến chằng chống nhà cửa khi bão về, rồi khắc phục hậu quả sau mưa bão... đâu đâu cũng có màu áo lính. Nay nghe tin anh Hải hi sinh trong khi làm nhiệm vụ mà trái tim tôi quặn thắt...” - Anh Nguyễn Văn Dinh, người dân ở huyện Phú Lộc ngậm ngùi nhớ lại.

Con thơ đợi ba về

Khi biết hung tin, rất nhiều bà con xóm giềng, bạn bè đến gia đình động viên, chia buồn cùng gia quyến Đại úy Tôn Thất Bảo Phúc (sinh năm 1986, quê thành phố Huế), Trưởng ban Công binh, Phòng Tham mưu, Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên Huế. Tất cả mọi người chẳng ai cầm được nước mắt khi thấy hai đứa con thơ của anh vẫn hồn nhiên chơi đùa, thỉnh thoảng lại nhắc tên ba. Khi thấy chị Trang (vợ anh Bảo) khóc ngất vì đau đớn, mọi người xúm lại động viên. Thấy vậy, đứa con trai mới hơn 5 tuổi hồn nhiên nói: “Mẹ đừng khóc, để con gọi cho ba nhé. Ba dặn Bảo Hưng ở nhà phải ngoan, thương em Bảo Minh (sinh năm 2018), ba đi làm rồi ít bữa ba về mà, chắc hai ba ngày nữa ba về thôi mẹ ạ...!”. Sự hồn nhiên của con trẻ càng khiến chúng tôi quặn thắt lòng.

Thiếu tá Tôn Thất Bảo Phúc (bên trái cùng) chỉ huy các lực lượng trục vớt bom mìn còn lại sau chiến tranh tại huyện Phong Điền.

Theo như nhận xét của đồng đội, trong công việc, đồng chí Bảo Phúc luôn là người cán bộ mẫu mực, có tính sáng tạo. Mang trên vai trọng trách của một người lính công binh với bao gian khó, hiểm nguy rình rập: như rà phá bom mìn, xây dựng công trình phòng thủ, làm đường hầm, băng rừng vượt suối, ứng cứu thiên tai…, Đại úy Tôn Thất Bảo Phúc cùng đồng đội luôn nhận và hoàn thành, dù nhiệm vụ có khó khăn, gian nan, vất vả. “Mồ hôi bạc vai áo/ da sạm đen nắng trời”, như lời bài hát Lính công binh miền Đông, vì nhiệm vụ, anh cũng triền miên xa nhà. Mỗi lần về, anh cũng chỉ biết động viên vợ con rồi lại lên đường với những nhiệm vụ mới.

 Các con của Đại úy Bảo Phúc còn chưa biết, chưa nhận thức được sự ra đi mãi mãi của ba, nhưng sau này lớn lên các em sẽ biết sự hi sinh đó thật đáng trân quý và tự hào.

Trương Anh Quốc và lòng yêu Tổ quốc

Thượng úy Quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Trương Anh Quốc (sinh năm 1984, quê xã Phong Hiền, huyện Phong Điền), Nhân viên Điệp báo Chiến dịch Trạm Điệp báo, Phòng Tham mưu, Bộ CHQS tỉnh hi sinh khi tuổi đời mới ngoài 30 mươi, cái tuổi còn biết bao hoài bão, cống hiến…

Năm 2004, đồng chí Quốc tham gia nghĩa vụ quân sự. Với những nỗ lực, phấn đấu không ngừng nghỉ và tinh thần trách nhiệm trong công việc cùng tác phong chững chạc, năm 2006, Trương Anh Quốc được chuyển chuyên nghiệp, phục vụ lâu dài trong Quân đội.

Người thân, đồng đội sẽ luôn nhớ tới nụ cười hiền của Thượng úy Trương Anh Quốc.

Sau khi được cử đi đào tạo tại trường Trung cấp Trinh sát, năm 2014 đến nay, đồng chí Trương Anh Quốc công tác tại Trạm Điệp báo, Phòng Tham mưu, Bộ CHQS tỉnh. Với đặc thù công việc khắc nghiệt, lại thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn thời tiết khắc nghiệt, thường xuyên xảy ra thiên tai, bão lũ…, nhưng Thượng úy Quốc cùng đồng đội luôn bám sát chỉ lệnh, kế hoạch đề ra, nắm chắc nhiệm vụ được phân công, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, triển khai đồng bộ các phương thức nắm tình hình, tham mưu, đề xuất cho chỉ huy các cấp nắm chắc và đánh giá đúng tình hình.

Tận tụy, yêu nghề nên Thượng úy QNCN Trương Anh Quốc không chỉ nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao mà anh còn luôn tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu, đề xuất nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác chuyên môn. Thượng úy QNCN Trương Anh Quốc cũng là người rất thân thiện, cởi mở.

Giờ đây, anh hi sinh để lại người vợ hiền cùng hai đứa con thơ và nỗi đau chất chồng đối với những người ruột thịt thân yêu và đồng đội của anh. Ngày các anh ra đi, trời mưa như trút. Ngày đón các anh về, Nhân dân khóc cạn nước mắt. Những giọt nước mắt mặn chát hòa vào nước mưa lạnh ngắt...

Những người lính ấy, họ còn quá trẻ, những đứa con thơ vẫn cứ ngóng trông đợi ba về. Dẫu biết đã mang trên mình màu áo lính, thì chuyện hi sinh khi làm nhiệm vụ là điều không tránh khỏi, nhưng sự hi sinh giữa thời bình thật quá xót thương. Một sự hi sinh cao cả, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho gia đình, đồng đội và Nhân dân cả nước. Đất mẹ sẽ ôm các anh vào lòng. Sông núi  sẽ mãi khắc tên anh!

Bài, ảnh: THANH THẢO


Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội