A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản
Kỷ niệm 48 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2023)

Bước tạo đà trực tiếp cho Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng

Đầu năm 1975 cục diện trên chiến trường miền Nam chuyển sang thế có lợi cho ta. Trên cơ sở đánh giá tình hình, tháng 1-1975, Bộ Chính trị tiến hành Hội nghị mở rộng thông qua Kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam trong hai năm 1975-1976, trong đó nhấn mạnh nếu thời cơ đến thì quyết tâm giải phóng trong năm 1975, hướng tiến công chiến lược chủ yếu đầu năm 1975 được xác định là Tây Nguyên.

Trên hướng Tây Nguyên, ta tổ chức nghi binh bằng cách điều Sư đoàn 968 từ Nam Lào về, cùng với LLVT các tỉnh Kon Tum, Gia Lai đánh mạnh ở Bắc Tây Nguyên; bí mật đưa Sư đoàn 10, Sư đoàn 320A (ở Kon Tum, Gia Lai) vào Đắc Lắc nhưng để lại hệ thống liên lạc liên tục hoạt động với tần suất ngày càng cao nhằm thu hút và giam chân quân chủ lực của địch. Địch phán đoán ta đánh chiếm thị xã Kon Tum nên tập trung lực lượng bố trí ở hai tỉnh Kon Tum, Gia Lai gồm sư đoàn 23 (thiếu) và 6 liên đoàn biệt động quân, để hở Nam Tây Nguyên và Buôn Ma Thuột. Đây chính là thời cơ thuận lợi nhất để ta tiến công giải phóng Buôn Ma Thuột, sau đó giải phóng toàn khu vực Tây Nguyên, tạo đà giải phóng các tỉnh khu vực miền Trung và tiến về Đông Nam Bộ, Sài Gòn. Lực lượng tham gia tiến công Buôn Ma Thuột gồm: Sư đoàn 316 tăng cường Trung đoàn 95B và 1 tiểu đoàn của Sư đoàn 10; Trung đoàn Đặc công 198; 2 trung đoàn pháo binh 40 và 675; 2 trung đoàn cao xạ 232 và 234; 2 trung đoàn công binh 7 và 575; Trung đoàn Tăng-Thiết giáp 273; Trung đoàn Thông tin 29.

Quân Giải phóng đánh chiếm sở chỉ huy sư đoàn 23 ngụy trong trận Buôn Ma Thuột, tháng 3-1975.

 

Sau thời gian nghi binh, lừa địch, ngày 10/3/1975, quân ta nổ súng tiến công Buôn Ma Thuột, địch hoàn toàn bị động; lực lượng ta thực hiện bao vây, chia cắt từng cụm cứ điểm, kết hợp đột phá với thọc sâu, tiêu diệt sinh lực địch, phá vỡ hệ thống phòng thủ kiên cố, kéo quân địch còn lại ra ngoài công sự để tiếp tục tiêu diệt. Thắng lợi đòn tiến công giải phóng Buôn Ma Thuột tạo đà cho ta tiếp tục giải phóng Gia Lai, Kon Tum, hoàn thành thắng lợi chiến dịch ngày 24/3/1975. Thắng lợi Chiến dịch Tây Nguyên tạo sự thay đổi cơ bản về so sánh lực lượng và thế chiến lược có lợi cho ta, mở ra thời cơ mới để ta giải phóng các tỉnh đồng bằng ven biển.

Để thực hiện quyết tâm chiến lược “giành thắng lợi trong năm 1975”, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định mở đòn tiến công chiến lược gối đầu kế tiếp Huế-Đà Nẵng nhằm giải phóng các tỉnh thuộc quyền kiểm soát của Quân khu 1 ngụy. Đòn tiến công Huế-Đà Nẵng được hợp thành bởi 3 chiến dịch: Chiến dịch Trị Thiên-Huế, Chiến dịch Nam-Ngãi và Chiến dịch Đà Nẵng.

Trên Mặt trận Nam-Ngãi, ngày 10/3/1975, Quân khu 5 sử dụng Sư đoàn 2 giải phóng Tiên Phước, Phước Lâm, uy hiếp Tam Kỳ (Quảng Nam); đồng thời đẩy mạnh tiến công địch ở các khu vực Trà Bồng, Bình Sơn, Sơn Tịnh, uy hiếp thị xã Quảng Ngãi, đến ngày 24-3-1975 giải phóng hoàn toàn thị xã Tam Kỳ và hầu hết tỉnh Quảng Ngãi. Cùng thời gian với Chiến dịch Nam-Ngãi, quân dân ta đồng thời giải phóng Quảng Trị (19/3/1975), Huế (25/3/1975).

Thắng lợi Chiến dịch Nam-Ngãi cùng với thắng lợi Chiến dịch Thừa Thiên-Huế và Chiến dịch Tây Nguyên tạo thế bao vây Đà Nẵng từ các hướng Bắc-Nam-Tây, lúc này Đà Nẵng bị cô lập về đường bộ, đường sắt, trơ trọi như một ốc đảo nằm giữa vùng giải phóng của ta, chỉ còn có thể liên hệ với Sài Gòn bằng đường không và đường thủy. Tận dụng thời cơ mới, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh quyết tâm giải phóng Đà Nẵng và chỉ thị cho Khu 5 và Quân đoàn 2 “hành động táo bạo, bất ngờ, làm cho địch không kịp trở tay”. Ngày 25/3/1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương thành lập Bộ Tư lệnh Mặt trận Quảng-Đà (mật danh Mặt trận 475), đồng chí Lê Trọng Tấn làm Tư lệnh, đồng chí Chu Huy Mân, Tư lệnh Quân khu 5 làm Chính ủy.

Quân giải phóng tiến vào đánh chiếm sân bay Hòa Bình ở thị xã Buôn Ma Thuột.

 

Tại thời điểm này, lực lượng địch ở Quảng-Đà gần 10 vạn tên, trong đó có nhiều tàn binh ở các nơi chạy về, tinh thần hoang mang, hầu hết mất sức chiến đấu nhưng các tướng lĩnh của quân ngụy Sài Gòn vẫn cho rằng: Muốn tiến công Đà Nẵng, đối phương phải có thời gian ít nhất một tháng để chuẩn bị; do vậy địch chủ trương “tử thủ Đà Nẵng và di tản dần nhằm bảo toàn lực lượng co về giữ vững Đồng bằng Nam Trung Bộ và Nam Bộ”.

Trên cơ sở thế trận chiến lược đã mở ra, Bộ tư lệnh Mặt trận 475 xác định quyết tâm đánh tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân địch ở Đà Nẵng, nhanh chóng tiến công, không cho địch có thời cơ co cụm cố thủ; trường hợp địch cố thủ, phải đột phá nhanh, không cho chúng rút về Sài Gòn. Bộ Tư lệnh quyết định sử dụng Quân đoàn 2 tiến công từ hướng bắc và tây bắc, Sư đoàn 304 (thiếu Trung đoàn 9) tiến công từ hướng tây nam, LLVT Quân khu 5, chủ yếu là Sư đoàn 2 được tăng cường tiến công từ hướng nam, đông nam vào TP Đà Nẵng.

Lúc 5 giờ 30 phút ngày 28-3, pháo binh ta bắn phá, chế áp các mục tiêu trong thành phố, hỗ trợ cho các lực lượng trên các hướng tiến công vào Đà Nẵng. Đúng 7 giờ ngày 29/3/1975, quân ta từ các hướng đồng loạt tiến công phá vỡ tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch, kết hợp với thọc sâu. Đến 15 giờ ngày 29/3/1975, ta đã đánh chiếm toàn bộ các mục tiêu quan trọng trong TP Đà Nẵng và bán đảo Sơn Trà. Kết hợp với đòn tiến công quân sự, lực lượng địa phương phát động quần chúng nổi dậy, diệt ác, phá kìm, giải phóng hoàn toàn TP Đà Nẵng.

Đòn tiến công chiến lược Đà Nẵng giành thắng lợi rực rỡ; chỉ trong thời gian ngắn ta tiêu diệt, làm tan rã một lực lượng lớn quân địch, trong đó có 3 sư đoàn bộ binh và lính thủy đánh bộ thiện chiến, 1 sư đoàn không quân chiến lược của chúng và các lực lượng cảnh sát, bảo an, dân vệ… với tổng quân số hơn 10 vạn tên; phá hủy và thu toàn bộ vũ khí, trang bị, phương tiện chiến tranh. Thắng lợi không những trực tiếp đập tan ý định co cụm chiến lược của địch, đẩy quân địch vào thế liên tiếp thất bại, mất dần các địa bàn chiến lược, thế phòng thủ chiến lược bị đảo lộn mà còn làm cho chúng tinh thần ngày càng thêm rệu rã, hoang mang, dao động cực độ.

Trên địa bàn các tỉnh cực Nam Trung Bộ, ngày 1/4/1975, lực lượng ta theo Đường 19 tiến công tiêu diệt Sư đoàn 22 địch, giải phóng tỉnh Bình Định, Phú Yên. Trên hướng Khánh Hòa, từ Buôn Ma Thuột, Sư đoàn 10 tiến xuống Ninh Hòa, đánh tan cụm quân địch tại đèo Phượng Hoàng (29-3). Như một sự đổ vỡ dây chuyền, quân địch ở Nha Trang trở nên rối loạn, mất kiểm soát, bỏ chạy về quân cảng Cam Ranh. Ngày 2-4, Nha Trang được giải phóng. Ngày 3-4, Cam Ranh được giải phóng. Đồng thời với giải phóng các tỉnh trên đất liền, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đã chỉ đạo Quân khu 5 phối hợp với Quân chủng Hải quân giải phóng các đảo, quần đảo trên Biển Đông.

Bị mất Đà Nẵng và các tỉnh duyên hải miền Trung, địch lập “lá chắn thép” Phan Rang hòng ngăn cản bước tiến của quân ta; bảo vệ Sài Gòn từ xa, nhưng hy vọng của địch đã bị đập tan vào ngày 16/4/1975. Từ đây, quân ta phát triển đánh thẳng vào Sài Gòn-sào huyệt cuối cùng của địch, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 30/4/1975.

Thắng lợi đòn tiến công giải phóng Đà Nẵng và Tây Nguyên đã tạo đà trực tiếp, mở ra thời cơ mới, thế và lực của ta vững chắc hơn, mạnh hơn bao giờ hết để các cánh quân của ta "Thần tốc, thần tốc hơn nữa" tiến về Sài Gòn hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Nguồn: BÁO QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội