A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản
Kỷ niệm 48 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2023)

Cái kết được báo trước về chiến tranh Việt Nam

Trong giai đoạn 1962-1967, nhằm dự đoán hướng phát triển của cuộc chiến tại Việt Nam, các bộ óc tài giỏi nhất của Lầu Năm Góc đã tổ chức một chuỗi các phiên đánh trận giả chính trị-quân sự mang mật danh “Sigma”. Những cuộc chiến mô phỏng này đều đi đến kết cục như lịch sử đã an bài, với nhiều diễn biến trở thành sự thật trên thực địa.

Tại một khu vực bí mật bên trong Lầu Năm góc, các quan chức Mỹ chia làm hai đội xanh và đỏ để “tham chiến” trên sa bàn mô phỏng Đông Dương. Đội xanh đại diện cho Chính phủ Mỹ cùng các chư hầu. Đội đỏ đóng vai các nhà lãnh đạo Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Mặt trận Dân tộc Giải phóng (DTGP) miền Nam Việt Nam cùng các nước khác trong khối xã hội chủ nghĩa. Một nhóm chỉ huy đóng vai kênh liên lạc và trung gian đàm phán giữa các bên.

Tháng 2-1962, phiên đánh trận giả đầu tiên, mật danh "Sigma I-62" diễn ra. Cuộc chơi ngã ngũ với việc đội xanh quyết định đổ quân vào Việt Nam. Đồng thời xung đột xảy ra liên miên trong nội bộ chính quyền Sài Gòn. Trên thực tế, tổng thống ngụy Ngô Đình Diệm bị ám sát vào tháng 11-1963. Chỉ trong hai năm, chính quyền Sài Gòn chứng kiến 4 cuộc đảo chính. Tới tháng 3-1965, quân đội Mỹ chính thức tham chiến.

Tổng thống Lyndon B.Johnson (thứ hai, từ trái sang) quan sát vị trí đóng quân của Mỹ trên sa bàn miền Nam Việt Nam.

 

Mùa xuân 1963, Lầu Năm Góc tiếp tục tổ chức "Sigma I-63". Phiên đánh trận giả kết thúc vào thời điểm năm 1970 trên sa bàn, lúc này, 500.000 quân Mỹ sa lầy trên chiến trường. Biểu tình, bạo loạn phản đối chế độ quân dịch nổ ra liên miên tại Mỹ. Nước Mỹ lâm vào đúng hoàn cảnh như vậy sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 nổ ra trên toàn miền Nam Việt Nam.

Nhằm tìm cách tránh viễn cảnh sa lầy, người Mỹ tính đến việc sử dụng không quân đánh phá cơ sở hạ tầng miền Bắc. Walt Rostow, cố vấn đặc biệt về an ninh quốc gia cho Tổng thống Lyndon B.Johnson khi đó cho rằng, chỉ cần bẻ gãy các nỗ lực chi viện cho miền Nam Việt Nam là đủ để chiến thắng. Từ tháng 4 đến tháng 9-1964, lần lượt "Sigma I-64" và "Sigma II-64" được tổ chức, bắt đầu với giả định phe xanh leo thang ném bom phá hoại.

Tuy nhiên, "Sigma I-64" đi đến kết luận rằng ngay cả khi bị bom đạn tàn phá, miền Bắc vẫn duy trì được các tuyến đường vận chuyển. Chỉ cần tối thiểu 15 tấn hàng hóa chi viện mỗi ngày, Mặt trận DTGP miền Nam vẫn có thể làm sa lầy quân Mỹ như trong "Sigma I-63". Theo nhà báo, sử gia David Halberstam, "Sigma II-64" là lời cảnh báo rằng bom đạn không thể khuất phục miền Bắc Việt Nam.

Trong quá trình diễn ra "Sigma II-64", phe đỏ đạt được chiến thắng tại Tchepone, một thị trấn quan trọng trên đường Trường Sơn. Đến năm 1971, chính khu vực này là nơi diễn ra Chiến dịch Lam Sơn 719, một trong những thất bại chiến lược của chính quyền Sài Gòn.

Ngày 2-8-1964, Mỹ dựng lên sự kiện vịnh Bắc Bộ, phát động chiến tranh phá hoại miền Bắc. Chiến lược của Washington hầu như không thay đổi so với những nước đi của phe xanh trên sa bàn, bất chấp kết quả mô phỏng.

Mỹ và quân chư hầu rút quân khỏi Việt Nam.

 

Ngày 5-8-1965, tướng Maxwell Taylor, đồng tác giả kế hoạch Staley-Taylor trong chiến lược “chiến tranh đặc biệt” tự tin cho rằng: "Đến cuối năm, Bắc Việt sẽ hứng chịu nhiều tổn thất mà không đạt được bước tiến nào. 1965 sẽ là năm mang tính quyết định”. Hài hước thay, Maxwell Taylor đưa ra tuyên bố trên cùng thời điểm "Sigma II-65" tàn cuộc, dự báo rằng Mỹ vẫn rơi vào thế bị động trên chiến trường. Các chiến dịch không kích không đạt được những mục tiêu đề ra.

Đến lúc này, Lầu Năm Góc tính đến lựa chọn duy trì cục diện như ở bán đảo Triều Tiên. Năm 1966, "Sigma I-66" và "Sigma II-66" diễn ra với giả định đội đỏ đề nghị đàm phán. Đội xanh ngừng không kích, đổi lại hai bên đi đến thỏa thuận ngừng bắn. Nhưng tình hình vẫn không khả quan hơn cho đội xanh. Nhóm người chơi nhập vai Mặt trận DTGP miền Nam nhận định: “Các ông đang dâng toàn bộ vùng nông thôn cho Việt Cộng. Chúng ta phải làm thế nào để đánh bại 100.000 du kích Việt Cộng?”.

Lầu Năm Góc lại phải tính đến hướng đi khác là chấp nhận giải pháp chính trị ở miền Nam. Lần lượt "Sigma I-67" diễn ra vào ngày 27-11-1967, nối tiếp là "Sigma II-67" ngày 7/12/1967. Trong "Sigma I-67", nhóm chỉ huy đặt quy định hai bên tiến hành đàm phán vào ngày 7-3-1968 ở Paris. Phe đỏ có lợi thế dư luận thế giới phản đối chiến tranh, ra điều kiện rằng sẽ chỉ ngừng bắn sau khi Mỹ rút quân khỏi Việt Nam. Nhóm nhập vai chính quyền Sài Gòn tìm cách phá hoại đàm phán do lo ngại sẽ thất thủ nếu thiếu sự hỗ trợ của Mỹ.

Đội xanh còn dự kiến sẽ ném bom miền Bắc nếu đàm phán rơi vào thế bất lợi. Diễn biến này đã trở thành sự thật khi Mỹ nối lại các cuộc không kích kể từ năm 1970. Đỉnh điểm của nỗ lực này là Chiến dịch Linebacker II vào cuối năm 1972, nhưng đã thất bại sau 12 ngày đêm.

"Sigma II-67" giả định đội xanh sẽ công nhận Mặt trận DTGP miền Nam là một chính thể ở miền Nam, từ đó tổ chức bầu cử. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc Mỹ phải rút quân. Chính quyền Sài Gòn sẽ thất thế trong bầu cử do không có được ủng hộ từ người dân. Các đội chơi kết luận rằng, nếu chấp nhận hòa bình, Mỹ vẫn không thể cứu vãn được chính quyền Sài Gòn.

Trải qua 10 phiên đánh trận giả, kết quả đều cho thấy thất bại của Mỹ là điều không thể tránh khỏi. Năm 1998, nguyên cố vấn an ninh quốc gia Harold McMaster đã đưa ra kết luận rằng, những diễn biến của “Sigma” là “những lời tiên đoán ảm đạm” về cái kết của Mỹ tại Việt Nam.

Nguồn: BÁO QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội