A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đại tướng Đoàn Khuê - Một chiến sĩ cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo chính trị, quân sự xuất sắc

Đại tướng Đoàn Khuê, bí danh là Võ Tiến Trình, sinh ngày 29/10/1923 ở làng Gia Đẳng, xã Triệu Tân (nay là xã Triệu Lăng), huyện Triệu Phong (Quảng Trị), trong một gia đình giàu lòng yêu nước, có truyền thống đấu tranh cách mạng. Ðại tướng Ðoàn Khuê là nhà chính trị, quân sự xuất sắc của Ðảng, Quân đội ta. Ông đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cụ thân sinh của đồng chí Đoàn Khuê là ông Đoàn Cầu, được kết nạp vào Đảng rất sớm và là người Cộng sản đầu tiên của làng Gia Đẳng (Đồng chí là con cả trong gia đình 8 người con; 5 người con là liệt sĩ, cụ bà thân sinh được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng; 2 người em trai là Trung tướng Đoàn Chương- nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược quân sự và Đại tá Đoàn Thúy). Hồi nhỏ, gia đình cho đồng chí theo học thầy ở làng, lớn lên theo học trường tư ở thị xã Quảng Trị. Đến khi 16 tuổi (năm 1939), đồng chí tham gia phong trào Thanh niên phản đế ở Trường Tiểu học Trường Xuân, sau đó làm Bí thư Phủ ủy Thanh niên phản đế của phủ Triệu Phong. Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy Quảng Trị, Đoàn Thanh niên phản đế Triệu Phong tổ chức rải truyền đơn kêu gọi Nhân dân hưởng ứng khởi nghĩa Bắc Sơn đánh đuổi Nhật - Pháp.

Đại tướng Đoàn Khuê (29/10/1923 - 16/01/2009).

 

Biết đồng chí Đoàn Khuê là Bí thư Thanh niên phản đế phủ Triệu Phong, địch ráo riết truy tìm. Ngày 30/10/1940, đồng chí bị bắt, bị kết án tù ở nhà lao Quảng Trị, sau đó bị đưa đi đày ở Buôn Ma Thuột. Gần 5 năm trong nhà tù, đồng chí luôn tỏ rõ chí khí kiên cường, bất khuất trước sự đày ải và tra tấn dã man của kẻ thù, giữ vững khí tiết kiên cường của người chiến sĩ cách mạng. Thông qua thực hiện các nhiệm vụ tổ chức trong nhà tù phân công, như “Ủy ban vận động cách mạng”, công tác chi bộ, đồng chí được rèn luyện về phẩm chất đạo đức cách mạng, nâng cao trình độ lý luận, hiểu biết về cuộc sống, dày dạn trong đấu tranh với quân thù và những kinh nghiệm tổ chức, vận động quần chúng đoàn kết. Những ngày ở tù chịu đựng bao gian khổ, đồng chí luôn tôi luyện bản lĩnh, học nhiều tiếng đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên và học những kiến thức quân sự ban đầu. Tháng 5/1945, đồng chí ra tù, về hoạt động, gây dựng cơ sở cách mạng ở Quảng Bình; sau đó được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và được cử làm Chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh tỉnh Quảng Bình. Kiên cường, bất khuất trong lao tù đế quốc, nhạy bén tranh thủ thời cơ khởi nghĩa, đồng chí Đoàn Khuê đã góp phần tích cực vào thắng lợi của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền về tay Nhân dân ở tỉnh Quảng Bình.

Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, khi thực dân Pháp gây hấn ở Sài Gòn, Nhân dân Nam Bộ và Nam Trung Bộ vùng lên kháng chiến, đồng chí Đoàn Khuê được giao nhiệm vụ chiến đấu và chỉ huy chiến trường Liên khu 5. Các trung đoàn, sư đoàn do đồng chí chỉ huy phần lớn hoạt động trên các địa bàn vô cùng khó khăn, ác liệt. Là một cán bộ tận tuỵ, sâu sát cơ sở, đồng chí đã cùng cấp ủy lãnh đạo các đơn vị hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Hiệp định Giơ-ne-vơ chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết, nhưng đất nước vẫn bị chia cắt hai miền Nam - Bắc. Đảng ta đã từng bước vạch ra chiến lược và phương pháp đấu tranh cách mạng để đưa cách mạng đến thắng lợi. Lúc đó, khu vực giới tuyến quân sự ở vĩ tuyến 17 được bố trí lực lượng mạnh là Lữ đoàn 270, đồng chí Đoàn Khuê giữ chức Chính ủy. Ý thức rõ trách nhiệm nặng nề mà cấp trên tin tưởng giao phó, đồng chí đã cùng Ban chỉ huy lữ đoàn lãnh đạo chỉ huy đơn vị phối hợp chặt chẽ với Công an vũ trang, Đoàn 126 Hải quân và các lực lượng khác, cùng Đảng bộ địa phương xây dựng Vĩnh Linh thành lũy thép kiên cường. Đồng chí góp phần cùng Khu ủy, Bộ chỉ huy quân sự Đặc khu Vĩnh Linh xây dựng các đơn vị vũ trang huyện Gio Linh, Cam Lộ vững mạnh, tạo dựng cơ sở cho những chiến công đặc biệt xuất sắc của quân và dân Vĩnh Linh trong chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Đầu năm 1963, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở miền Nam bước vào thời kỳ quyết liệt, đồng chí được Đảng cử vào Nam chỉ huy chiến đấu.

Ở chiến trường Khu 5, một địa bàn trọng điểm, nơi đế quốc Mỹ và tay sai tập trung đánh phá ác liệt, đồng chí Đoàn Khuê đã cùng Quân khu ủy chỉ đạo hiệu quả công tác tư tưởng, xây dựng bản lĩnh, ý chí quyết tâm “Dám đánh và quyết đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” của toàn Quân khu. Khi đế quốc Mỹ ồ ạt đưa quân vào miền Nam, đồng chí góp phần cùng tập thể Khu ủy, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 lãnh đạo quân và dân Khu 5 chiến đấu kiên cường, trở thành nơi “đi đầu diệt Mỹ” với những trận đánh nổi tiếng như Vạn Tường (tháng 8/1965), Plây me (tháng 9/1965), Đồng Dương (tháng 12/1965), Xuân Sơn (năm 1966)... Vào thời điểm Hiệp định Pa-ri được ký kết (tháng 1/1973), với cương vị Phó Chính ủy Quân khu 5, đồng chí đã chỉ đạo các cấp phải nắm vững quan điểm bạo lực cách mạng của Đảng, chống ảo tưởng, mất cảnh giác, lỏng lẻo ý chí chiến đấu; đồng thời cùng tập thể lãnh đạo Quân khu đề ra chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị tiến công địch, giữ vững vùng giải phóng và xây dựng lực lượng mạnh để tiếp tục chiến đấu, giành thắng lợi to lớn trong các chiến dịch năm 1974 và mùa xuân 1975 lịch sử.

Sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (12/1976), đồng chí Đoàn Khuê được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được bổ nhiệm làm Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 5; Bí thư Đảng ủy Quân khu 5. Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của đồng chí, đã phát huy trách nhiệm chính trị, đoàn kết thành một khối thống nhất, lãnh đạo lực lượng vũ trang thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao, trong đó có việc “giải quyết FULRO”, góp phần ổn định tình hình chính trị xã hội, tạo điều kiện cho công cuộc khắc phục hậu quả chiến tranh, tăng cường quốc phòng, phát triển kinh tế trên địa bàn quân khu. Đối với nhiệm vụ quốc tế giúp cách mạng Campuchia, tháng 1/1979, Quân khu 5 đảm nhiệm một hướng chiến lược, đồng chí Đoàn Khuê trực tiếp làm Tư lệnh chiến dịch, đã khẩn trương chuẩn bị lực lượng, chuẩn bị chiến trường, chỉ huy tiến công địch giành thắng lợi.

Đại tướng Đoàn khuê với cán bộ chiến sỹ Trung đoàn Thủ đô tháng 12/1996.

 

Năm 1983, đồng chí Đoàn Khuê được phân công giữ chức Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh 719, Phó trưởng đoàn chuyên gia giúp bạn Cam-pu-chia; đến cuối năm 1986, được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tư lệnh Bộ Tư lệnh 719, Trưởng ban lãnh đạo đoàn chuyên gia giúp bạn Campuchia. Trên cương vị mới, đồng chí Đoàn Khuê luôn quán triệt tư tưởng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, “giúp bạn là tự giúp mình”. Bằng đức độ và năng lực của mình, đồng chí đã cùng tập thể Bộ Tư lệnh 719, Ban lãnh đạo đoàn chuyên gia Việt Nam ở Campuchia xác định đúng đắn các mục tiêu, nhiệm vụ giúp bạn, kịp thời đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Chính trị những nội dung quan trọng, góp phần củng cố, tăng cường sự đoàn kết giữa hai Đảng, hai quân đội và nhân dân hai nước Việt Nam - Campuchia. Những năm đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, trên cương vị là Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, với những bài học kinh nghiệm thực tiễn rất phong phú, tầm nhìn chiến lược sâu rộng, đồng chí đã đề xuất, tham mưu với lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhiều chủ trương đúng đắn về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; tổ chức thực hiện thành công cuộc điều chỉnh chiến lược chuyển từ đề phòng chiến tranh xâm lược quy mô lớn sang đối phó với xung đột vũ trang, “chiến tranh phá hoại nhiều mặt”, “diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ...

Với tư duy chính trị, quân sự sắc sảo, đồng chí đã góp phần đánh giá tình hình thế giới, khu vực và cục diện cách mạng nước ta, các khả năng đe dọa an ninh đối với Tổ quốc và với chế độ, đề ra và tổ chức thực hiện thành công cuộc điều chỉnh chiến lược quân sự quan trọng. Trên cơ sở đó, bố trí lực lượng và tổ chức phòng thủ phù hợp trên các hướng, các địa bàn, vùng biển đảo, biên giới đất liền, các trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa... bảo đảm khả năng phòng thủ của từng địa phương và cả nước vững chắc trong mọi tình huống. Đồng chí là người lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quan điểm kết hợp kinh tế với quốc phòng, chủ trì thực hiện chủ trương xây dựng các tỉnh, thành phố thành khu vực phòng thủ vững chắc, trực tiếp chỉ đạo nhiều cuộc diễn tập khu vực phòng thủ của các tỉnh, thành phố trong cả nước. Đồng chí có nhiều đóng góp vào việc thực hiện chủ trương xây dựng quân đội theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, góp phần giữ vững an ninh chính trị, tạo môi trường hòa bình, ổn định trong công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đại tướng Đoàn Khuê đã hoạt động ở nhiều vùng, nhiều địa phương, nhiều chiến trường, trong đó có hơn 40 năm gắn bó máu thịt với sự nghiệp giải phóng miền Nam và làm nghĩa vụ quốc tế cao cả. Đánh giá công lao của đồng chí, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã khẳng định: “Trải qua nhiều cương vị khác nhau, dù ở đâu, làm gì, đồng chí cũng luôn luôn đem hết sức mình cống hiến cho Đảng và nhân dân, đặt lợi ích chung của cách mạng, của Quân đội lên trên lợi ích cá nhân, luôn luôn trau dồi kiến thức, sâu sát cơ sở, quan tâm tổng kết thực tiễn, giữ vững tính đảng, tính nguyên tắc, phấn đấu hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao”.

Nguồn: BÁO QUẢNG TRỊ


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội