A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản
Kỷ niệm 48 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2023)

Xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang cho Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, Đảng ta đã huy động lực lượng vũ trang (LLVT) 3 thứ quân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích) cùng lực lượng chính trị của quần chúng và toàn dân để đánh địch.

Việc xây dựng, phát triển và phát huy vai trò của LLVT, nòng cốt là các quân đoàn chủ lực góp phần quyết định thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, LLVT ta được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh giáo dục, rèn luyện đã nhanh chóng lớn mạnh và trưởng thành, làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc. Tuy nhiên, trước đối tượng tác chiến mới là quân viễn chinh Mỹ và chư hầu - đội quân xâm lược nhà nghề với trang bị vũ khí hiện đại, nhiệm vụ xây dựng LLVT cả nước nói chung, ở miền Nam nói riêng đòi hỏi có những yêu cầu mới cao hơn.

Nhận thức đúng vị trí, vai trò của LLVT trong kháng chiến, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm quan tâm xây dựng LLVT, trong đó tập trung xây dựng ở miền Nam từng bước lớn mạnh. Quán triệt và thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (tháng 1-1959), cách mạng miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng chuyển sang thế tiến công. Từ trong phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng (1954-1958) và trong cuộc Đồng khởi (1959-1960), LLVT cách mạng ở miền Nam gồm: Các đội tự vệ, du kích ở xã; các đội vũ trang ở tỉnh, huyện và các đơn vị bộ đội tập trung của khu hình thành và phát triển.

Đoàn xe vận tải 238 vận chuyển hàng hóa cho chiến dịch.

 

Từ năm 1961, nhiệm vụ xây dựng LLVT miền Nam được đẩy mạnh. Theo chủ trương của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, ngày 15-2-1961, các LLVT cách mạng ở miền Nam được thống nhất tổ chức toàn miền với tên gọi Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, đặt dưới sự lãnh đạo tập trung thống nhất về mọi mặt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và sự chỉ huy thống nhất của Bộ Quốc phòng-Tổng Tư lệnh, mà trực tiếp là Trung ương Cục miền Nam và Ban Quân sự Miền (từ tháng 10-1963 là Đảng ủy và Quân ủy Miền).

Trong những năm 1961-1964, trên cơ sở phát triển lực lượng chính trị quần chúng và được sự chi viện tích cực của miền Bắc, LLVT giải phóng miền Nam hình thành 3 thứ quân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích) ngày càng hoàn chỉnh. Trong đó, khối bộ đội chủ lực cơ động trên các chiến trường khẩn trương được xây dựng với quy mô tổ chức từ cấp tiểu đoàn lên trung đoàn gồm: 3 trung đoàn bộ binh (1, 2, 3) và Đoàn Pháo binh 80 (tương đương trung đoàn) chủ lực Miền; 3 trung đoàn bộ binh (1, 2, 3) chủ lực Quân khu 5; 2 trung đoàn bộ binh 1 và 2, Trung đoàn Pháo binh 4 chủ lực Quân khu 9 và Trung đoàn Bộ binh 320 được tăng cường từ miền Bắc vào Tây Nguyên. Việc hình thành các trung đoàn bộ đội chủ lực trên các chiến trường, cùng bộ đội địa phương và dân quân du kích đã tăng khả năng đánh địch trên cả 3 vùng chiến lược (miền núi, nông thôn đồng bằng và đô thị), trong đó, bộ đội chủ lực giữ vai trò nòng cốt trong đấu tranh vũ trang và chiến tranh cách mạng.

Lực lượng vũ trang miền Đông Nam bộ vận chuyển lực lượng, vũ khí, đạn dược phục vụ chiến dịch.

 

Năm 1965, khi đế quốc Mỹ đưa quân Mỹ và đồng minh ồ ạt vào miền Nam, nhiệm vụ xây dựng LLVT nói chung, đặc biệt là phát triển bộ đội chủ lực nói riêng đòi hỏi rất khẩn trương. Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương, các LLVT ở miền Nam được xây dựng, phát triển cả về số lượng và chất lượng. Dân quân du kích các xã, ấp phát triển mạnh, đến cuối năm 1965 có 174.000 người. Bộ đội địa phương tổ chức tiểu đoàn ở tỉnh và đại đội ở các huyện. Bộ đội chủ lực được tăng cường thêm 7 trung đoàn bộ binh từ miền Bắc vào chiến trường, nâng tổng số lên 18 trung đoàn bộ binh và một số đơn vị binh chủng. Trên cơ sở phát triển 3 thứ quân, trong hai năm 1965-1966, ta thành lập 3 sư đoàn bộ binh (5, 7, 9) và Đoàn Pháo binh 69 (tương đương sư đoàn) chủ lực ở Nam Bộ; 2 sư đoàn bộ binh (2, 3) ở Khu 5 và Sư đoàn Bộ binh 1 chủ lực ở Tây Nguyên, cùng một số trung đoàn, tiểu đoàn bộ binh và binh chủng.

Những năm 1969-1972, LLVT 3 thứ quân ở miền Nam được củng cố, phát triển, trong đó khối bộ đội chủ lực được duy trì trên các hướng chiến lược quan trọng. Đặc biệt, việc xây dựng những binh đoàn chủ lực mạnh ở ngay trên chiến trường miền Nam được đặt ra. Quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Hội nghị Quân ủy Trung ương (tháng 2-1970) xác định: Xây dựng những binh đoàn chủ lực mạnh, làm trụ cột cho cả chiến trường Đông Dương; xây dựng bộ đội chủ lực ở miền Nam đủ mạnh để có thể đánh những trận tiêu diệt lớn quân địch.

Theo chủ trương đó, từ năm 1970, việc xây dựng các binh đoàn chủ lực mạnh, làm trụ cột cho các chiến trường đánh Mỹ có bước phát triển mới. Ngày 10-10-1970, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Binh đoàn 70 ở nam Quân khu 4. Tiếp đó, năm 1971, Quân ủy và Bộ tư lệnh Miền quyết định thành lập Bộ tư lệnh tiền phương (mật danh Đoàn 301) và Trung ương Cục quyết định đổi tên Bộ chỉ huy Miền thành Bộ tư lệnh Miền. Việc hình thành Binh đoàn 70 (đơn vị tương đương quân đoàn), Đoàn 301 và Bộ tư lệnh Miền (cơ quan chỉ huy tương đương cấp quân đoàn) đã đáp ứng yêu cầu xây dựng, chỉ đạo, chỉ huy các binh đoàn chủ lực cơ động tác chiến hiệp đồng binh chủng tiêu diệt lớn quân địch. Đây là cơ sở để những năm tiếp theo tổ chức các quân đoàn chủ lực khi có điều kiện.

Nữ chiến sĩ biệt động Nguyễn Trung Kiên (Cao Thị Nhíp) dẫn đường cho các chiến sĩ xe tăng Sư đoàn 10 (Quân đoàn 3) đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất, ngày 30/4/1975.

 

Sau khi Hiệp định Paris được ký kết (ngày 27/01/1973), cục diện chiến trường miền Nam có những thay đổi nhanh chóng đòi hỏi phải đẩy mạnh xây dựng LLVT lớn mạnh, đặc biệt là xây dựng các binh đoàn chủ lực quy mô cấp quân đoàn. Thời điểm này, những điều kiện khách quan và chủ quan để chúng ta tổ chức các quân đoàn chủ lực cơ bản được bảo đảm đầy đủ không chỉ ở hậu phương miền Bắc mà trên cả các hướng chiến lược quan trọng ở chiến trường miền Nam.

Trước yêu cầu bức thiết của việc xây dựng các binh đoàn chiến lược, ngày 15-10-1973, Bộ Chính trị phê chuẩn đề nghị của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng về việc thành lập các quân đoàn chủ lực. Theo chủ trương đó, ngày 24-10-1973, Quân đoàn 1-Binh đoàn Quyết Thắng được thành lập ở Ninh Bình. Trên cơ sở bộ đội chủ lực được củng cố và phát triển, các quân đoàn chủ lực tiếp tục được tổ chức ở chiến trường miền Nam. Ngày 17/5/1974, Quân đoàn 2-Binh đoàn Hương Giang được thành lập ở Trị-Thiên. Ngày 20/7/1974, Quân đoàn 4-Binh đoàn Cửu Long được thành lập ở Đông Nam Bộ. Tháng 2-1975, Đoàn 232 (tương đương quân đoàn) thành lập tại Nam Bộ. Tiếp đó, ngày 26/3/1975, Quân đoàn 3-Binh đoàn Tây Nguyên được thành lập ở Tây Nguyên. Với các binh đoàn chiến lược quy mô tổ chức quân đoàn binh chủng hợp thành được trang bị khá mạnh, sức đột kích lớn, sức cơ động cao, sức chiến đấu liên tục, LLVT ta có khả năng mở các chiến dịch tiến công bằng lực lượng binh chủng hợp thành trên các hướng chiến lược ở chiến trường miền Nam.

Bộ đội giải phóng tiến vào đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất, ngày 30/4/1975.

 

Thực hiện quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị về giải phóng miền Nam trong năm 1975 (lúc đầu là hai năm 1975-1976), từ ngày 4/3/1975, LLVT ta và toàn dân bắt đầu tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 trên khắp miền Nam, trọng tâm là 3 đòn tiến công chiến lược gối đầu và kế tiếp nhau trên phần lớn các chiến trường quan trọng, bao gồm: Đòn tiến công giải phóng Tây Nguyên; đòn tiến công giải phóng Huế-Đà Nẵng và đòn tiến công giải phóng Sài Gòn-Gia Định, được thực hiện chủ yếu bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh. Trong chiến dịch này, LLVT ta huy động 4 quân đoàn (1, 2, 3, 4) và Đoàn 232 (tương đương quân đoàn), với tổng số 15 sư đoàn, 1 lữ đoàn và 4 trung đoàn bộ binh; 20 lữ đoàn, trung đoàn và 8 tiểu đoàn pháo binh; 3 lữ đoàn, trung đoàn và 6 tiểu đoàn thiết giáp; 8 lữ đoàn, trung đoàn và 2 tiểu đoàn đặc công; 4 trung đoàn và 10 tiểu đoàn thông tin, 1 trung đoàn tên lửa, một bộ phận lực lượng hải quân, không quân và LLVT địa phương cùng nhân dân trên địa bàn chiến dịch. Sau 4 ngày chiến đấu, đợt 1, ta tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân địch. Cờ giải phóng tung bay trước tòa nhà chính của Dinh Độc Lập lúc 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975. Đòn tiến công giải phóng Sài Gòn thắng lợi oanh liệt đã quyết định giải phóng các tỉnh, thành phố trên đất liền, các đảo và quần đảo ở Biển Đông và toàn miền Nam, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh thể hiện Đảng ta đã thành công về nhiều mặt, trong đó sớm đề ra chủ trương, đường lối đúng đắn về xây dựng, phát triển LLVT 3 thứ quân, đặc biệt là coi trọng xây dựng, phát triển quy mô tổ chức của bộ đội chủ lực ở miền Nam, từ những đơn vị bộ đội tập trung cấp tiểu đoàn, đại đội, từng bước tổ chức quy mô cấp trung đoàn, sư đoàn đến đơn vị và cơ quan chỉ huy tương đương quân đoàn, cuối cùng là các quân đoàn, quy mô tổ chức cao nhất của Quân đội ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đồng thời, tổ chức, sử dụng hợp lý và phát huy hiệu quả vai trò của LLVT, lấy bộ đội chủ lực làm nòng cốt cho bộ đội địa phương và dân quân du kích cùng toàn dân lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ và cuối cùng là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 đại thắng.

Nguồn: BÁO QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội