Bài 3: “Pháo đài” trong thực hiện nhiệm vụ chiến đấu thời bình
LTS: Những vấn đề an ninh phi truyền thống mang tính toàn cầu như: Đại dịch Covid - 19; thiên tai, bão lụt, cháy rừng… đã và đang hiện hữu trong đời sống chúng ta, gây ra những hậu quả khôn lường đối với tính mạng và tài sản của Nhà nước, Nhân dân. Nhận thức sâu sắc chức năng, nhiệm vụ và truyền thống kiên cường, đoàn kết, tương thân, tương ái, Lực lượng vũ trang (LLVT) Quân khu 4 luôn xác định giúp dân phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa môi trường là “nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình”. Trong cuộc chiến đấu khốc liệt này, cán bộ, chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam nói chung, cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu 4 nói riêng không chỉ đánh giặc “dịch bệnh”, “giặc thủy”, “giặc hỏa” mà còn chiến đấu quyết liệt với các “loại giặc” trên không gian mạng. Bằng tinh thần “phía trước là Nhân dân”, cứu Nhân dân là mệnh lệnh không lời, cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu 4 đã dũng cảm xung kích, xông pha càng trong gian khó, hiểm nguy càng tỏa sáng hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”... góp phần xây nên “Pháo đài” trong thực hiện nhiệm vụ chiến đấu thời bình.
Những hình ảnh, tấm gương của cán bộ, chiến sĩ Lực lượng vũ trang (LLVT) Quân khu 4 xả thân trong thiên tai, dịch bệnh đã tạo nên “Bức tường lửa” trong lòng Nhân dân. “Bức tường lửa” đó ngăn chặn, vô hiệu hóa các thông tin xấu độc, phản động. Không chỉ vậy “Bức tường lửa” lòng dân Quân khu 4 còn huy động người người, nhà nhà xung phong lên tuyến đầu chống “giặc thủy”, “giặc lửa”, “giặc dịch bệnh” nên tinh thần “Mỗi người dân là một chiến sĩ”, “Cả Quân khu là một pháo đài” trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc lại được khơi dậy, phát huy mạnh mẽ trong cuộc chiến đấu thời bình.
Đảng viên tiên phong xây dựng “pháo đài”
Với tinh thần “Phía trước là Nhân dân”, “cứu dân là mệnh lệnh không lời”, ở đâu Nhân dân gặp khó khăn, ở đó có cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu 4 luôn sẵn sàng xung kích, xông pha có mặt ở những nơi hiểm nguy để ứng cứu Nhân dân. Sự dũng cảm, xả thân đó đã tạo nên sự lan tỏa sâu rộng, góp phần thôi thúc mọi tổ chức, mọi người cùng vào cuộc. Trong đó, các tổ chức Đảng ở địa phương với tinh thần “Đảng viên đi trước” đã có những chủ trương, biện pháp phát huy cao nhất “4 tại chỗ” và tinh thần xả thân của “Đảng viên nêu gương sáng” trong phòng chống thiên tai, dịch bệnh. Trong trận “Đại hồng thủy” tháng 10, 11 năm 2020, khi biết tin 7 người dân trong xã mất tích do lũ, đồng chí Hồ Văn Sinh, Chủ tịch UBND xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị không một phút do dự lập tức vượt lũ cứu dân. Quá trình ứng cứu Nhân dân, đồng chí Hồ Văn Sinh bị mưa lũ vùi lấp, bị thương và may mắn được bà con cứu sống...
Vùng rốn lũ Quảng Bình mưa lũ nước lên nhanh hàng trăm ngôi nhà bị chìm trong biển nước nhưng với quyết tâm “Nhà chìm nhưng người dân phải nổi”, đồng chí Lê Văn Quyết, Chủ tịch UBND xã An Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình bất chấp hiểm nguy đi đến từng ngõ ngách để cứu người dân. Đồng chí Phan Thanh Miên, Chủ tịch UBND xã Bắc Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình “chiến đấu” với dòng nước lũ cứu dân rồi vĩnh viễn ra đi khi lũ rút… Đồng chí đã được Đảng, Nhà nước truy tặng Huân chương Lao động hạng Ba, được công nhận liệt sĩ và cấp bằng "Tổ quốc ghi công". Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Bình anh dũng hy sinh khi cùng đoàn cán bộ Bộ Tư lệnh Quân khu vào Thủy điện Rào Trăng 3 ứng cứu công nhân mất tích. Trước lúc đi, anh vẫn dặn cán bộ các cấp: “Phải nắm chắc tình hình, bất luận hoàn cảnh nào cũng không được để Nhân dân thiếu đói”. Đồng chí Phạm Văn Hướng, Trưởng phòng Thông tin tuyên truyền Cổng Thông tin điện tử tỉnh Thừa Thiên Huế bất chấp hiểm nguy, anh luôn bám sát địa bàn, bám dân để chuyển tải thông tin mới nhất tới người dân cũng như tham gia cứu hộ, cứu nạn... Và còn đó hàng trăm, hàng nghìn cán bộ, đảng viên các cấp ngày đêm căng mình trong mưa lũ cứu dân...
Dù biết hiểm nguy, hy sinh tính mạng nhưng cán bộ, đảng viên vẫn xung phong lên đường cứu Nhân dân. Đó là lời khẳng định đanh thép: “Dù khó khăn đến mức nào, dù nguy hiểm đến tính mạng cán bộ, đảng viên không để người dân nào bị bỏ lại phía sau, không để dân đói, rét, chịu cảnh màn trời chiếu đất”. Tinh thần ấy đã trở thành “mệnh lệnh từ trái tim” của mỗi cán bộ, đảng viên trên giải đất Khu 4.
Mỗi người dân là một chiến sĩ
Đảng viên tiên phong đi đầu đã khơi dậy truyền thống “làng giữ làng”, “xã giữ xã” trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của dân tộc, thôi thúc người dân cùng vào trận. Trong cơn “Đại hồng thủy” bão lũ dồn dập, ông Võ Văn Bình ở xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình (66 tuổi) vượt qua bao hiểm nguy quên mình cứu dân. Chị Nguyễn Thị Luyến, một trong số gần 100 người dân xã Hiền Ninh được bác Bình cứu sống xúc động nói với chúng tôi “Nhờ ông Bình mà mẹ con tôi được “tái sinh” lần 2”. Thử hỏi tại sao trong lúc mưa lũ cuồn cuộn, tuổi cao, sức yếu như ông Bình vẫn vượt biển nước cứu dân? Đó là vì nghĩa đồng bào ông Bình đã quên đi tất cả những hiểm nguy rình rập để đến với Nhân dân.
Hay hai cha con ông Nguyễn Văn Sử, ở thị trấn Phong Nha, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình dù nhà bị ngập sâu trong nước vẫn chèo đò cứu người, cứu đói cho người dân... Đặc biệt, khi người dân gặp nguy hiểm, những chiếc thuyền đánh cá của ngư dân ven biển tỉnh Quảng Bình đã trở thành những “con tàu hộ mệnh” vượt dòng nước lũ cứu Nhân dân. Ít ai biết rằng, ngư dân có điều kiêng kỵ là không để phụ nữ mang bầu hoặc vừa sinh lên thuyền... Thế nhưng khi Nhân dân gặp nạn, những con thuyền nan của ngư dân nơi đây nối đuôi nhau tiến về vùng lũ cứu dân, trong đó có nhiều phụ nữ có thai, sản phụ đến bệnh viện sinh nở mẹ tròn con vuông. Những con thuyền nan như những chiến sĩ tiên phong vượt qua bão tố vì tính mạng của Nhân dân, đó là tình người của người dân đất Việt.
Không những vậy, ở mọi miền Tổ quốc hàng triệu người dân thức trắng đêm nấu cơm, làm bánh chưng và những dòng xe nối dài vượt hàng km mang lương thực, thực phẩm, áo phao, quần áo, thuốc men tới bà con vào vùng lũ... Đó là mệnh lệnh không lời thể hiện tinh thần của những “chiến sĩ” “con Lạc, cháu Hồng” trỗi dậy một cách mãnh liệt... Khi dịch Covid-19 bùng phát ở nước ta, hàng triệu người dân Việt Nam đã trở thành những chiến sĩ tiên phong ra trận đánh “giặc Covid-19”. Nhiều công dân đang cách ly khi biết tin bố (mẹ), người thân qua đời nhưng đã nén đau thương ở lại khu cách ly chung tay phòng, chống dịch. Rồi những câu chuyện về các cụ già vào tuổi “xưa nay hiếm”, các thương binh, các cháu nhỏ chắt góp từng cân gạo, bó rau, quả trứng, tiền tiết kiệm... để ủng hộ khu cách ly đã làm lay động lòng người. Có thể thấy mỗi khi đất nước có thiên tai, dịch bệnh, từ người già đến trẻ nhỏ đều trở thành những “chiến sĩ tiên phong ra trận” chung sức đồng lòng cùng cơ quan chức năng chống giặc thủy, hỏa, thiên tai, dịch bệnh. Đó là truyền thống quý báu được xây đắp nên từ hàng ngàn năm lịch sử trở thành một “pháo đài” vững chắc để chiến thắng mọi kẻ thù cũng như đập tan mọi âm mưu thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch.
“Pháo đài” bất khả xâm phạm
Dải đất miền Trung khắc nghiệt, nhưng cũng từ đó tạo cho quân dân Khu 4 chung một ý chí, đồng sức, đồng lòng, đoàn kết cùng “ra trận” “chống giặc” bảo vệ Nhân dân xây đắp nên một “pháo đài” trong thực hiện nhiệm vụ chiến đấu thời bình. Đó vừa là sức mạnh nội sinh tạo động lực giúp quân dân Khu 4 vượt qua mọi khó khăn, vừa là những bằng chứng đanh thép, bác bỏ, “nhấn chìm”, đập tan mọi âm mưu thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt của các thế lực thù địch.
Ông Nguyễn Văn Thực, ở thành phố Vinh, Nghệ An cho biết: “Vì ứng cứu Nhân dân trong bão lũ, 33 cán bộ, chiến sĩ Quân đội và nhiều người dân đã ngã xuống giữa thời bình. Có đồng chí là cán bộ cấp tướng, có những chiến sĩ mới ở tuổi đôi mươi, có đồng chí là chủ tịch huyện, chủ tịch xã... Tất cả đều không quản ngại nguy hiểm, gian lao, sẵn sàng vào nơi khó khăn, hiểm nguy nhất với tinh thần vì Nhân dân phục vụ... Vậy mà trên mạng xã hội vẫn có những tiếng nói lạc lõng, thiếu thiện chí: “Có cần thiết phải để những vị tướng vào vùng lũ để rồi tử nạn không?... “Suất” đó dành cho chiến sĩ trẻ, khỏe thì tốt hơn”... Những luận điệu xuyên tạc đó cho thấy kẻ xấu rất vô cảm, vong ơn, bội nghĩa vì mục đích đen tối của mình mà sẵn sàng chà đạp, xúc phạm sự hy sinh của các liệt sĩ. Các thế lực thù địch, cơ hội chính trị đâu biết rằng dù có chống phá như thế nào chúng tôi vẫn một lòng đi theo Đảng, sát cánh cùng quân dân Khu 4 vượt qua thiên tai, bão lũ, dịch bệnh và đánh tan mọi âm mưu chống phá của kẻ thù”.
Chị Mai Thị Thúy ở thị trấn Phong Điền (huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế) là vợ của nạn nhân mất tích ở Thủy điện Rào Trăng 3, nói: “Ban đầu tôi đọc trên các trang mạng xã hội thấy một số bài viết rằng: “Quân đội chỉ lo cứu bộ đội, cứu quân của mình”… Nhưng khi vào Thủy điện Rào Trăng 3, trực tiếp chứng kiến các chú bộ đội và các lực lượng bất chấp nguy hiểm ngày đêm chạy đua với thời gian sử dụng nhiều phương tiện, kể cả nắn dòng sông để tìm kiếm... thì tôi mới hiểu rằng những thông tin trên mạng đều là bịa đặt, rất nguy hiểm của các thế lực thù địch hòng chống phá Đảng, Quân đội gây mất đoàn kết quân dân, chúng ta cần phải lên án, đấu tranh”.
Mỗi khi Nhân dân miền Trung gặp khó khăn, hoạn nạn, dịch bệnh... thì LLVT Quân khu 4 lại sát cánh cùng người dân đoàn kết vượt qua mọi khó khăn, thử thách, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc, xây nên “pháo đài” bất khả xâm phạm. Hiện nay, một thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch là phá vỡ thế trận lòng dân, hòng làm giảm niềm tin của người dân đối với Đảng, Quân đội, gây mất đoàn kết quân dân... Nhưng thế lực thù địch càng chống phá thì thế trận lòng dân càng vững chắc; sức mạnh đoàn kết quân dân là vũ khí sắc bén, vũ khí mạnh nhất trong cuộc chiến thời bình đập tan mọi luận điệu xuyên tạc chống phá của kẻ thù.
NHÓM PHÓNG VIÊN
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận