Tạo lập “Thế trận” từ quân nhân xuất ngũ
Quân khu 4 gồm 6 tỉnh (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế), trung bình mỗi năm có hơn 6.000 quân nhân ở các đơn vị thuộc Quân khu hoàn thành nghĩa vụ quân sự, xuất ngũ trở về địa phương (trong đó, có từ 300 - 350 đảng viên). Nhằm phát huy vai trò của lực lượng này, Ban Chỉ đạo 35 Đảng ủy Quân khu 4 đã chủ động phối hợp với các địa phương thực hiện chủ trương: Tạo lập “Thế trận” từ quân nhân xuất ngũ nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.
Bài 1: “Chống độc” cho quân nhân xuất ngũ
Thực hiện chủ trương: Tạo lập “Thế trận” từ quân nhân xuất ngũ, thời gian qua, các cơ quan, đơn vị thuộc Quân khu 4 đặc biệt quan tâm “chống độc” cho quân nhân tại ngũ. Việc “chống độc” cho bộ đội được tiến hành thường xuyên, liên tục với nhiều biện pháp, cách làm phù hợp với từng đối tượng, cơ quan, đơn vị, đảm bảo cho mỗi quân nhân trước khi xuất ngũ biết: “Nhận diện đúng, thông tin kịp thời, đấu tranh hiệu quả”.
Tìm hiểu “Thế trận” từ quân nhân xuất ngũ, chúng tôi có mặt tại một số địa phương, đơn vị trên địa bàn Quân khu 4. Gặp anh Nguyễn Văn Hữu, là ngư dân ở xã Trung Giang, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, từng thực hiện nghĩa vụ quân sự tại Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 19, Sư đoàn 968, anh cho biết: “Thời gian tôi thực hiện nghĩa vụ quân sự, các tỉnh miền Trung xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường biển do Công ty TNHH Hưng nghiệp Fomosa xả thải. Lúc đó, tôi không khỏi bất an, lo lắng vì nơi quê nhà, người thân không thể ra khơi đánh bắt hải sản mà còn nhiều luồng thông tin về vụ việc, không biết đâu là sự thật. Trước tình hình trên, đơn vị đã tập trung hướng dẫn chúng tôi nhận biết đâu là thông tin chính thống, đâu là bịa đặt, xuyên tạc. Nhờ đó, tôi đã thường xuyên liên lạc về nhà cảnh báo người thân không nghe theo lời xúi dục của kẻ xấu, không tham gia biểu tình…”.
Còn anh T.V.T, giáo dân ở Giáo xứ Làng Nam, xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, kể lại với chúng tôi, năm 2022, lúc anh T thực hiện nghĩa vụ quân sự ở Trung đoàn 1, Sư đoàn 324, thì ở xảy ra vụ việc một số đối tượng quá khích ở xóm Bình Thuận, xã Nghi Thuận, huyện Nghi Lộc, gây rối trật tự công cộng, cản trở thi công Dự án khu công nghiệp WHA, chống đối người thi hành công vụ. Lúc đó, anh T nghe nhiều thông tin như: “Chính quyền đàn áp tự do tôn giáo”; “cướp đất giáo dân giao cho doanh nghiệp…!?!”. Rồi kẻ xấu kêu gọi, xúi dục người dân quanh vùng (trong đó có Giáo xứ Làng Nam) đi biểu tình, chống đối. Anh T kể: “Lúc đó, tôi cũng phân vân, nhưng khi cán bộ đơn vị chiếu clip của Việt Tân tung lên mạng có tiêu đề là “Cận cảnh Công an Nghệ An tấn công giáo dân xứ Bình Thuận để cướp đất giao doanh nghiệp!” với các ngôn từ kích động, khoét vào vấn đề tôn giáo…, cho thấy, thủ đoạn nham hiểm, vu khống chính quyền, xuyên tạc bản chất vụ việc. Vì phần lớn clip được cắt ghép từ các hình ảnh diễn tập của lực lượng vũ trang, biên tập lại rất tinh vi, nếu ai không trải qua môi trường Quân đội, Công an thì rất khó nhận biết. Nhờ được trang bị kiến thức nhận biết thông tin “xấu độc” khi còn ở đơn vị nên khi xuất ngũ về địa phương, tôi thường xuyên hướng dẫn người thân nhận biết đâu là thông tin chính thống, đâu là âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch để không bị mắc mưu”.
Mang theo câu chuyện của anh Hưng, anh T, chúng tôi đến Sư đoàn 324 và Sư đoàn 968, là hai đơn vị chủ lực đủ quân của Quân khu 4. Hằng năm, hai đơn vị quản lý, huấn luyện hàng nghìn chiến sĩ là con em của nhiều địa phương trên địa bàn. Thực tế, trước khi nhập ngũ vào đơn vị, các chiến sĩ trẻ có tài khoản mạng xã hội cá nhân của riêng mình và đã trở thành thói quen, nhu cầu sử dụng hằng ngày. Vì vậy, khi vào đơn vị, việc không được sử dụng điện thoại di động, sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng “xé rào”. Nhất là khi cơ động ra ngoài doanh trại, khi đi tranh thủ, nghỉ phép, bộ đội thường tìm mọi cách tiếp cận với các tài khoản cá nhân mà mình đăng ký. Trong đó, có không ít những thông tin “xấu độc”, nếu như không được làm rõ, định hướng kịp thời, rất dễ gây sự tò mò, xì xào, rỉ tai nhau, tạo nên sự bán tín, bán nghi, gây dư luận không tốt trong đơn vị. Cùng với việc “xé rào”, cá biệt còn có những quân nhân còn “tung” lên mạng những hình ảnh phản cảm, thậm chí là những thông tin, hình ảnh liên quan đến hoạt động của đơn vị, làm lộ lọt bí mật quân sự. Đây là những kẻ hở, “miếng đất màu mỡ” để các thế lực phản động, thù địch khai thác, lợi dụng, xuyên tạc, chống phá.
Thấy rõ những hệ lụy đó, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị thuộc Sư đoàn 324 và Sư đoàn 968 đã vào cuộc quyết liệt, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho quân nhân nhận thấy những tiện ích cũng như những “mặt trái” của internet và cả những hậu quả có thể xảy ra từ việc tham gia các trang mạng xã hội không đúng cách. Đồng thời, tổ chức cho bộ đội sử dụng mạng internet đúng quy định.
Đại tá Nguyễn Thanh Hùng, Chính ủy Sư đoàn 968 cho biết: “Thực tế, việc cấm hoàn toàn bộ đội sử dụng internet, mạng xã hội là rất khó thực hiện. Vì thế để “chống độc” hiệu quả cho bộ đội trước những luồng thông tin “xấu độc”, đơn vị đã tổ chức định hướng cho bộ đội sử dụng internet, tiếp cận khai thác các tiện ích của mạng xã hội. Qua đó giúp bộ đội nhận diện rõ, đấu tranh có hiệu quả với các thông tin xuyên tạc, chống phá”.
Nhằm “tăng sức đề kháng”, tạo “miễn dịch” cho bộ đội trước các thông tin “xấu độc”, thời gian qua, không chỉ ở Sư đoàn 324 và Sư đoàn 968 mà các cơ quan, đơn vị thuộc Quân khu 4 đã có nhiều cách làm hay, có hiệu quả. Cùng với việc, phát huy hiệu quả hoạt động của "lực lượng 47", các đơn vị còn lựa chọn những cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định; có kiến thức về các môn khoa học xã hội nhân văn và am hiểu về thông tin mạng, có khả năng tổng hợp sự kiện, viết tin, bài để thành lập các tổ, nhóm “Tuyên truyền đấu tranh phòng chống thông tin xấu độc trên Internet”, “Tổ tư vấn pháp luật”, “Tổ dân vận”, “Tổ bảo vệ”…
Các tổ, nhóm hoạt động dưới sự hướng dẫn, chỉ đạo của Ban Chính trị và do Chính trị viên Tiểu đoàn phụ trách, có nhiệm vụ giúp mỗi quân nhân nhận diện, vạch mặt, chỉ tên các những trang báo mạng, trang thông tin, những diễn đàn trên mạng xã hội đã và đang hằng ngày đăng tải những thông tin “xấu độc”, xuyên tạc, chống phá... Cán bộ, chiến sĩ khi tiếp nhận thông tin, cùng nhau trao đổi, nhận diện, bóc trần, “hóa giải” các thông tin “lề trái”. Sau đó, đơn vị tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ trực tiếp liên lạc về gia đình, người thân, nói rõ âm mưu, thủ đoạn, cách thức phòng chống, không tiếp tay cho kẻ xấu.
Trung sĩ Hoàng Hữu Hưng, Khẩu đội trưởng Đại đội 7, Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn Phòng không 283 nói: “Việc đơn vị hướng dẫn cách nhận biết kỹ thuật chỉnh sửa dữ liệu, hình ảnh, cắt ghép, tạo bằng chứng, thông tin giả, giúp chúng tôi vạch trần được âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch. Từ đó, chúng tôi thêm tự tin, có chứng cứ vừa viết bài đấu tranh vừa để thuyết phục người thân không nghe theo lời kích động, xúi dục của kẻ xấu…”.
Đối với các đơn vị có cán bộ, chiến sĩ là con em đồng bào dân tộc thiểu số thì các nội dung được dịch và biên soạn phù hợp với ngôn ngữ của đồng bào để dễ phổ biến, tuyên truyền. Từ đó, mỗi cán bộ, chiến sĩ như một tuyên truyền viên thông tin kịp thời với đơn vị kết nghĩa, cấp ủy, chi bộ thôn, xóm, Ban Chỉ huy Quân sự xã, huyện và người thân ở quê nhà.
Ông Lầu Bá Chò, ở bản Thăm Hín, xã Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An kể: “Lúc con trai tôi còn tại ngũ, cháu thường xuyên gọi điện về cảnh báo tình trạng tuyên truyền đạo trái phép trên địa bàn. Giờ cháu đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự, lao động ở Bình Dương nhưng con trai tôi thường xuyên liên lạc, nhắc nhở gia đình cảnh giác với các thủ đoạn dụ dỗ, lôi kéo của những người lạ…”.
Để thông tin kịp thời, đấu tranh hiệu quả, lan tỏa, bền vững, các cơ quan, đơn vị đã xây dựng các trang fanpage, tài khoản mạng xã hội như một “tờ báo” chính thống vừa để tuyên truyền vừa tạo môi trường thuận lợi giúp bộ đội tham gia đấu tranh trực diện với các thông tin xuyên tạc, sai trái. Các cơ quan, đơn vị khuyến khích mỗi cá nhân cùng tham gia thành các tài khoản “vệ tinh” cho các trang, nhóm chính. Hàng tuần, đơn vị khoán chỉ tiêu chấm điểm thi đua trong việc viết, đăng tải, chia sẻ tin, bài, ảnh tuyên truyền, đấu tranh trên mạng.
Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Vương Kim Hải, Chính ủy Cục Hậu cần Quân khu 4 cho biết: “Cục Hậu cần hiện có hơn 2.000 trang, nhóm, tài khoản facebook của tập thể và cá nhân; duy trì có hiệu quả 4 trang chính do cơ quan Cục quản lý, mỗi trang có lượt thích, theo dõi trên dưới 6.000 người, trong đó có trang thu hút hơn 10.000 lượt theo dõi. Hiệu quả tuyên truyền, đấu tranh được lan tỏa không chỉ trong cơ quan, đơn vị thuộc Cục mà còn thu hút được đông đảo Nhân dân cùng tham gia…”.
Kiên trì thực hiện quan điểm "mưa dầm thấm lâu", "lấy cái đẹp dẹp cái xấu", "lấy cái tích cực, đẩy lùi tiêu cực", các cơ quan, đơn vị chủ động tăng cường đăng tải, chia sẻ thông tích cực đi đôi phòng thủ tích cực, vững chắc với tiến công đáp trả, kịp thời ngăn chặn, xử lý các tình huống trên không gian mạng một cách linh hoạt và hiệu quả, không để bị động, bất ngờ; không để khoảng trống không gian mạng để kẻ xấu lợi dụng.
Từ cách làm của các đơn vị chủ lực, các cấp của cơ quan quân sự địa phương cũng vào cuộc quyết liệt. Ban Chỉ huy Quân sự các huyện, thị, thành phố trên địa bàn Quân khu xây dựng các tổ, nhóm đấu tranh và thiết lập “Đường dây thông tin nóng” gồm nhóm zalo, facebook, số điện thoại của các đồng chí Bí thư - Chính trị viên, đồng chí Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã, Trung đội trưởng dân quân cơ động, cán bộ dự bị động viên, quân nhân xuất ngũ trên địa bàn. Các thành viên nhận được thông báo thông tin “xấu độc”, tiếp tục gửi tin nhắn theo hệ thống thông tin của cấp mình. Cán bộ, chiến sĩ lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên, mọi người khi nhận được tin nhắn, ngay lập thức tuyên truyền, phổ biến cho gia đình và Nhân dân… Từ đó, tạo thành “Thế trận” đấu tranh rộng khắp với thông tin xấu độc trên không gian mạng.
Cùng với đó, trong hơn 2 năm qua, thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng hiệu quả công tác dân vận của lực lượng vũ trang Quân khu 4 giai đoạn 2023 - 2030 và những năm tiếp theo”, các cơ quan, đơn vị xác định công tác dân vận là mũi tiến công chính trị quan trọng trong đấu tranh, phòng, chống “Diễn biến hòa bình”. Từ đó, chủ động phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương tích cực đổi mới hình thức, phương pháp tuyên truyền, vận động Nhân dân thông qua các mô hình, việc làm thiết thực, hiệu quả. Nhờ đó, “thế trận lòng dân” trên không gian mạng ngày càng được củng cố, mở rộng.
Trước các thông tin “xấu độc”, bằng các biện pháp đồng bộ, các cơ quan, đơn vị thuộc Quân khu 4 thời gian qua đã tạo được “bức tường lửa”, nâng cao khả năng tự “chống độc” cho bộ đội. Đây là “nền tảng” vững chắc để khi quân nhân xuất ngũ về địa phương “tự miễn dịch” trước các luận điệu xuyên tạc, chống phá, sai sự thật. Tuy nhiên, âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động ngày càng tinh vi, dai dẳng, đeo bám, rỉ tai, cài bẫy, len lỏi, khó phát hiện. Do đó, tạo “Thế trận” từ quân nhân xuất ngũ, là việc làm cấp bách, cần sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, Nhân dân địa phương và lực lượng vũ trang các cấp để đấu tranh, làm thất bại những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới.
Bài, ảnh: NHÓM PHÓNG VIÊN
Bài 2: Hình thành, bổ sung, tăng cường “Thế trận”
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận