A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

"Hóa giải" mưu đồ đen tối

Bài 2: Sự thật vạch trần xuyên tạc

Từ khi thành lập đến nay, Quốc hội Việt Nam không ngừng hoàn thiện, đổi mới và phát triển, thực hiện tốt quyền lập hiến, quyền lập pháp; quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước. Quốc hội ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển đất nước và thể hiện vai trò, vị trí là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, cơ quan đại diện cao nhất của Nhân dân. Thế nhưng, trước sự thành công của các kỳ họp Quốc hội, nhất là các kỳ họp bất thường vừa qua, các thế lực thù địch, phản động luôn tìm mọi cách tuyên truyền, xuyên tạc với mục đích làm mất vị trí, vai trò của Quốc hội; chia rẽ mối quan hệ giữa Đảng với Quốc hội, giữa Quốc hội với Chính phủ...

- Bài 1: Mưu đồ đen tối

Quốc hội họp bất thường không vi hiến

Ngay khi mới ra đời trong bối cảnh đất nước vừa giành độc lập, ở thời khắc lịch sử chính quyền còn non trẻ, phải đối diện nhiều thử thách về thù trong, giặc ngoài, tình thế như “ngàn cân treo đầu sợ tóc” nhưng Quốc hội khóa I đã xây dựng, ban hành được Hiến pháp năm 1946 thể hiện ý chí của dân tộc, kỷ cương của đất nước. Đến cuối khóa I, Quốc hội đã ban hành Hiến pháp năm 1959, tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật, tiền đề để Quốc hội tiếp tục sửa đổi, bổ sung ban hành thêm 03 bản Hiến pháp năm 1980, 1992 và 2013.

Trong giai đoạn hiện nay, trước yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng đặt ra ngày càng cao, Quốc hội có nhiều đổi mới, đột phá, sáng tạo trong hoạt động để giải quyết yêu cầu thực tiễn đặt ra, đáp ứng kỳ vọng của cử tri. Đặc biệt, Quốc hội khóa XV đã có đột phá là tổ chức các kỳ họp bất thường để giải quyết các vấn đề cần thiết, cấp bách của đất nước. Vậy các kỳ họp bất thường của Quốc hội “có vi hiến” như luận điệu của kẻ xấu đưa ra?

Các đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết tại kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV.
Ảnh: Internet

 

Có thể khẳng định chắc chắn rằng, Quốc hội họp bất thường hoàn toàn không vi hiến. Theo quy định trong Hiến pháp và pháp luật nước ta, khi có những việc cần thiết, cấp bách, cần giải quyết sớm thì Quốc hội sẽ có thêm những kỳ họp bất thường bên cạnh hai kỳ họp thường kỳ mỗi năm, với mục tiêu tối thượng là phục vụ Nhân dân, phục vụ cho phát triển đất nước, bảo đảm thể chế hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, không bị ách tắc; thể hiện sự chủ động, tích cực của Quốc hội trong thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Các kỳ họp bất thường mặc dù diễn ra trong thời gian ngắn, song Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan chức năng của Quốc hội, Chính phủ đã chuẩn bị đầy đủ, kỹ lượng nội dung, chương trình các kỳ họp. Do vậy, các kỳ họp bất thường đã giải quyết kịp thời, hiệu quả nhiều vấn đề cấp bách của đất nước được cử tri và Nhân dân đồng tình ủng hộ. Thông tin, kết quả các kỳ họp bất thường cũng được cử tri và đồng bào cả nước theo dõi qua các phương tiện thông tin đại chúng với rất nhiều kênh truyền hình trực tiếp, trực tuyến.

Vậy mà vẫn có một số người lại cố tình xuyên tạc nội dung, bản chất của các kỳ họp bất thường. Họ rêu rao trên mạng xã hội, phát biểu trên một số phương tiện thông tin đại chúng của nước ngoài rằng: “Quốc hội họp bất thường để tạo cơ sở pháp lý cho việc tham nhũng chính sách”, “Quốc hội họp bất thường vì lợi ích nhóm”, “Quốc hội họp bất thường có bình thường không vào lúc này?”; “Quốc hội họp bất thường là vi hiến”, “Quốc hội họp bất thường là trái luật”... Họ không biết hoặc cố tình không biết, tại khoản 2, Điều 83, Hiến pháp năm 2013 và Điều 90, Luật Tổ chức Quốc hội đã quy định rõ: “Quốc hội họp thường lệ mỗi năm hai kỳ. Trường hợp Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội yêu cầu thì Quốc hội họp bất thường”. Như vậy, việc Quốc hội họp bất thường đã được quy định trong Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội. Không phải “Quốc hội họp bất thường là vi hiến”, “Quốc hội họp bất thường là trái luật” như lý lẽ của những kẻ xấu...

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì kỳ họp bất thường lần thứ ba, Quốc hội khóa XV.
Ảnh: Internet

 

Điểm qua những luận điệu chống phá các kỳ họp bất thường của Quốc hội, chúng ta dễ dàng nhận thấy, những kẻ xấu chủ yếu tập trung vào vấn đề quyết định nhân sự. Thực tế cho thấy kết quả 4 kỳ họp bất thường của Quốc hội thể hiện sự tích cực, chủ động, trách nhiệm cao của Quốc hội trước đòi hỏi của thực tiễn đất nước và mong muốn, nguyện vọng của người dân, doanh nghiệp; khẳng định Quốc hội cùng các cơ quan luôn lắng nghe cử tri và Nhân dân, không ngừng nỗ lực, đổi mới, kiến tạo để phát triển. Quốc hội họp bất thường không chỉ quyết định vấn đề nhân sự mà còn giải quyết nhiều nội dung quan trọng, cấp bách khác mà thực tiễn đặt ra. Đơn cử ở kỳ họp bất thường lần thứ nhất với nhiều nội dung hết sức quan trọng không chỉ cho năm 2022 mà cả giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo. Quốc hội đã quyết sách kịp thời các vấn đề quan trọng nhằm thể chế hóa, cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về kinh tế, xã hội, tài chính, ngân sách để hỗ trợ cho Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của đất nước, của doanh nghiệp, sinh kế và đời sống của Nhân dân.

Kỳ họp bất thường lần thứ 2 mặc dù diễn ra trong 4 ngày vào thời điểm ngay sau Tết Dương lịch và kỳ họp bất thường lần thứ 3 diễn ra trong 0,5 ngày sát Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 nhưng với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm cao, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra với những kết quả đạt được rất quan trọng. Quốc hội đã xem xét, thông qua 1 Luật, 3 Nghị quyết và xem xét, quyết định công tác nhân sự thuộc thẩm quyền. Các nội dung được Quốc hội xem xét, quyết định góp phần tháo gỡ kịp thời nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, tạo tiền đề quan trọng để thực hiện nhiệm vụ năm 2023 và các năm tiếp theo.

Kỳ họp bất thường lần thứ 4 đã bầu Chủ tịch nước bằng hình thức bỏ phiếu kín. Với 487/488 đại biểu có mặt tham gia biểu quyết tán thành, đạt tỷ lệ 98,38% tổng số đại biểu Quốc hội có mặt, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư khóa XIII được bầu làm Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026...

Thành công của các kỳ họp bất thường tiếp tục khẳng định bản lĩnh, quyết tâm chính trị của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước những vấn đề cấp bách, cần xử lý ngay của đất nước, sự nỗ lực đổi mới, hành động quyết liệt vì lợi ích của cử tri và Nhân dân. Đồng thời thể hiện sự lãnh đạo đúng đắn, xuyên suốt, kịp thời của Đảng, sự phối hợp chặt chẽ của toàn hệ thống chính trị; sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, khẩn trương của các cơ quan của Quốc hội, của Chính phủ và các cơ quan hữu quan; sự tích cực, chủ động, tâm huyết của các vị đại biểu Quốc hội; sự theo dõi, giám sát và chia sẻ của cử tri, Nhân dân cả nước; sự tham gia, đưa tin kịp thời, chính xác của các cơ quan thông tấn, báo chí.

Có thể nói rằng, Quốc hội khóa XV có rất nhiều đổi mới trong hoạt động. Quốc hội không chỉ song hành với Chính phủ mà trong một số hoạt động, Quốc hội còn đóng vai trò dẫn dắt, những đề án, dự án luật không chỉ từ cơ quan Chính phủ đề xuất mà các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn đưa ra những đòi hỏi, định hướng, gợi ý, đề nghị đối với Chính phủ. Hoạt động của Quốc hội đã bám sát được những động thái quan trọng nhất, những yêu cầu quan trọng nhất của người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay. Với việc luôn bám sát yêu cầu của thực tiễn, Quốc hội có thể có những kỳ họp bất thường vào bất cứ thời gian nào để đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát sinh, đáp ứng mong mỏi của cử tri cả nước. Đây cũng chính là phong cách làm việc mới của Quốc hội.

Đảng không áp đặt, làm thay Quốc hội

Điều 69, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1913 hiến định: “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước”. Quốc hội là cơ quan duy nhất do cử tri cả nước bầu ra dựa trên nguyên tắc: phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Chỉ Quốc hội mới có quyền thể chế ý chí, nguyện vọng của Nhân dân thành Hiến pháp và pháp luật, thành các quy định chung mang tính chất bắt buộc phải tuân thủ đối với mọi tầng lớp trong xã hội.

Các kỳ họp Quốc hội là nơi đại biểu Quốc hội thay mặt cử tri và Nhân dân cả nước bàn bạc, quyết sách những vấn đề quan trọng của đất nước, từ thẩm tra đến thảo luận, quyết định tại Quốc hội được xem xét kỹ lưỡng, toàn diện, có sự trao đổi, tranh luận sôi nổi, thẳng thắn. Các vấn đề đã đi đến cùng nên đại biểu và cử tri cũng thỏa mãn. Điều này dẫn đến các quyết định của Quốc hội được nâng cao. Trong hoạt động giám sát, Quốc hội đã có nhiều hình thức đa dạng, đổi mới. Các cuộc họp giải trình của các cơ quan hành pháp và tư pháp bao quát được nhiều lĩnh vực, đáp ứng được yêu cầu mang tính thời sự của đất nước...

Quang cảnh kỳ họp bất thường lần thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Ảnh: Internet

 

Tuy nhiên, đây cũng là lúc kẻ xấu, núp bóng “dân chủ, nhân quyền” không từ mọi thủ đoạn để suy diễn, xuyên tạc các kỳ họp. Chúng ra sức xuyên tạc vị trí, vai trò, chức năng của Quốc hội, chúng cho rằng “Đảng làm thay Quốc hội; các kỳ họp bất thường của Quốc hội chỉ là “hình thức” theo sự “áp đặt” của Đảng?!?” nhằm chia rẽ mối quan hệ giữa Đảng với Quốc hội, giữa Quốc hội với Chính phủ. Đây là điều không thể chấp nhận được.

Hiến pháp Việt Nam đã khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội. Điều này không hề làm mất đi vai trò của Quốc hội. Bởi quyền lực Nhà nước ở nước ta là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, nhưng đó là sự lãnh đạo có nguyên tắc và theo quy định. “Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật” (Khoản 3, Điều 4, Hiến pháp năm 2013). Như vậy, mối quan hệ giữa Đảng và Quốc hội là mối quan hệ biện chứng, chặt chẽ, hai chiều, nghĩa là Đảng lãnh đạo hoạt động của Quốc hội, nhưng sự lãnh đạo đó vẫn phải trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, Đảng không thể đứng trên, đứng ngoài Hiến pháp và pháp luật. Quốc hội là cơ quan đại diện của Nhân dân có quyền lực cao nhất trong bộ máy Nhà nước có chức năng: lập hiến, lập pháp; quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước; giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.

Đảng lãnh đạo nhưng luôn tôn trọng và phát huy vai trò của Quốc hội, không áp đặt, không làm thay, mà định hướng nội dung và phương thức hoạt động của Quốc hội. Đảng lãnh đạo, chứ Đảng không điều hành công việc của Quốc hội. Vai trò lãnh đạo của Đảng thông qua phát huy vai trò của tổ chức Đảng, đảng viên hoạt động trong bộ máy Nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Với cơ chế vận hành đó, không thể nói Quốc hội chỉ là cơ quan hợp thức hóa quyền lực của Đảng như luận điệu của kẻ xấu.

Trước những luận điệu xuyên tạc hết sức nham hiểm của các thế lực thù địch, phản động, các phần tử bất mãn, cơ hội chính trị, thời gian qua, các cơ quan, đơn vị trong Lực lượng vũ trang Quân khu 4 đã có những cách làm sáng tạo nhằm tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ nâng cao nhận thức, chủ động đấu tranh với các âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động. Đồng thời, thực hiện phương châm mỗi cán bộ, chiến sĩ là một tuyên truyền viên để tuyên truyền, định hướng tư tưởng cho người thân, gia đình và Nhân dân nơi đóng quân, nơi cư trú...

NHÓM PHÓNG VIÊN

Bài 3: Lực lượng vũ trang Quân khu 4 "Hóa giải" mưu đồ đen tối


Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội