A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hải Thượng Lãn Ông: Những cống hiến vĩ đại cho nền y học cổ truyền

Hải Thượng Lãn Ông còn là người đầu tiên trong lịch sử Y học Việt Nam đặt nền móng xây dựng Y thuật. Trong suốt cuộc đời làm thuốc của mình, ông đúc kết tinh hoa của y học nhân loại và Y Dược cổ truyền Việt Nam. Ông đã để lại cho nền y học Việt Nam một di sản quý giá, bộ sách “Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh” gồm 28 tập, 66 quyển khắc in vào năm 1885.

Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. 

 

Trong tác phẩm đồ sộ này, Hải Thượng đã đúc kết tinh hoa y học cổ truyền Phương Ðông và y học cổ truyền Việt Nam, thông qua những kinh nghiệm thực tiễn phong phú của bản thân, xây dựng thành hệ thống toàn bộ Lý, Pháp, Phương, Dược của nền y học nước nhà.

Những trước tác mà đại danh y để lại chính là bộ giáo khoa kinh điển mẫu mực, góp phần đào tạo, bồi dưỡng về y đức, y đạo, y thuật cho các thầy thuốc đời sau. Trong đó, ông đã đề cập đến toàn bộ các vấn đề nội khoa, ngoại khoa, phụ khoa, nhi khoa, thương khoa, truyền nhiễm, cấp cứu, y đức, vệ sinh phòng bệnh, phương pháp nuôi dưỡng, chế biến các món ăn kể cả việc nuôi tằm dệt vải...

Ông đã thu thập tổng hợp 2.854 phương thuốc kinh nghiệm hay của các bậc tiền bối lưu truyền trong dân gian và phát hiện bổ sung hơn 350 vị thuốc Nam. Ông cho rằng, muốn làm thầy thuốc giỏi phải học tập không ngừng. Ông tiếp thu kinh nghiệm của người xưa một cách có chọn lọc, linh hoạt, sáng tạo, không hề rập khuôn máy móc. Từ đó, ông có quan điểm về nhận định bệnh tật và phương pháp điều trị sáng tạo phù hợp với đặc điểm phong thổ, khí hậu và đặc điểm của con người Việt Nam.

Trong y học cổ truyền, việc không chỉ chữa trị mà còn phòng ngừa bệnh tật luôn được coi trọng. Lê Hữu Trác đã đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì sức khỏe thông qua lối sống lành mạnh, chế độ ăn uống cân bằng và điều hòa tinh thần.

Bộ “Hải Thượng Y tông tâm lĩnh” được Hải Thượng Lãn Ông dày công biên soạn suốt hàng chục năm.

 

Điều này cũng phù hợp với y học phương Tây, đặc biệt trong bối cảnh thời đại ông, khi kiến thức y học còn nhiều hạn chế và việc phòng bệnh chưa được coi trọng đúng mức. Tư tưởng về y học dựa trên sự cân bằng giữa con người và thiên nhiên của ông vẫn có giá trị đến ngày nay, trong cả y học hiện đại lẫn y học cổ truyền.

Về trước tác và truyền thụ, ông muốn “thâu tóm toàn bộ hàng trăm cuốn sách, đúc thành một pho để tiện xem, tiện đọc” và xem đây như là một yêu cầu của thời bấy giờ. Ông cũng rất thận trọng trong việc viết sách: “Tôi nghĩ việc trước thư lập ngôn không phải dễ. Ngạn ngữ có câu “cho thuốc không bằng cho phương”, vì thuốc chỉ cứu được một người, cho phương thì giúp đỡ người ta vô tận.

Về kế thừa và học tập, ông nêu cao tinh thần khổ học. Học có phương pháp, ông nói: “học được rộng, biết được nhiều điều xa lạ mà quy hẹp lại cho thật đơn giản và sát đúng mới là đặc sắc trong y thuật”. Giữa học và hành, ông khuyên phải có sự “biến thông linh hoạt”. Học với tinh thần suy nghĩ độc lập cao.

Nguồn: NHÂN DÂN


Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội