Lương y Nguyễn Đình Sin - “Vị cứu tinh” của những bệnh nhân nghèo
Bài 2: Những ngôi nhà ấm áp tình đồng đội
“Trong chiến tranh người lính phải chịu nhiều hi sinh, vất vả. Thế nhưng, tinh thần người lính vẫn không hề nao núng. Tất cả với mục tiêu làm sao để chiến thắng kẻ thù, dành độc lập cho dân tộc. Người hi sinh, người bị thương binh, người lành lặn... nhưng khi trở về cuộc sống đời thường nhiều người phải chịu thiệt thòi, cuộc sống một số đồng đội, thân nhân đồng đội đã nằm lại nơi chiến trường xưa còn rất khó khăn. Vì vậy, mình phải cố gắng làm những gì tốt nhất để bù đắp phần nào cho anh em...” - Đó là chia sẻ của Thượng tá Nguyễn Đình Sin, nguyên chiến sĩ “Đoàn tàu không số”.
* Bài 1: Mang hạnh phúc đến cho bệnh nhân nghèo
Những ngôi nhà ấm tình đồng đội
Hơn 30 năm trong quân ngũ, với Thượng tá Nguyễn Đình Sin đó là những kỷ niệm không thể nào quên. Đặc biệt, 12 năm ở “Đoàn tàu không số”, người Yy sĩ kiêm báo vụ, thủy thủ Nguyễn Đình Sin đã không biết bao nhiêu lần đối mặt với hiểm nguy, cận kề với cái chết. Càng trong lúc gian nguy, sóng dữ, ông càng trân trọng, biết ơn tình đồng chí, đồng đội đã sẵn sàng nhận hy sinh để cho đồng đội được sống. Bởi thế, khi trở về đời thường, ngoài việc chữa bệnh miễn phí cho đồng đội, thân nhân đồng đội, người nghèo, ông còn tham gia nhiều hoạt động từ thiện.
Năm 1998, khi Hội Cựu chiến binh “Đoàn tàu không số” Nghệ Tĩnh được thành lập, Thượng tá Nguyễn Đình Sin được bầu làm Trưởng ban Liên lạc “Đoàn tàu không số” Nghệ Tĩnh. Khi đảm nhiệm trọng trách này, ông đã đi khắp các địa phương ở Nghệ An, Hà Tĩnh, nơi nào có đồng đội của mình đang sinh sống, ông đều đặt chân tới. Trong những chuyến đi đó, ông đã tìm hiểu gia cảnh của từng đồng đội, ai có khó khăn ông đều tìm cách giúp đỡ. Và rồi, cứ ngày qua ngày, ông thầm lặng “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” lặn lội đường sá xa xôi, cách trở hàng trăm cây số để vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm quyên góp ủng hộ và trình hồ sơ, thủ tục xây “Nhà tình nghĩa”.
Tôi còn nhớ trong lần về huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh dự lễ bàn giao “Nhà tình nghĩa” tặng ông Nguyễn Phi Anh, nguyên chiến sĩ “Đoàn tàu không số” ở thôn Đại Đồng, xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân, chúng tôi không khỏi xúc động bởi cầm chìa khóa nhà trên tay mà ông Nguyễn Phi Anh vẫn không tin đó là sự thật. Ôm chặt Thượng tá Nguyễn Đình Sin ông Nguyễn Phi Anh nói trong nước mắt: “Tôi cứ tưởng mình đang nằm mơ. Nếu không có anh, không biết bao giờ tôi mới có được căn nhà này để ở!...”.
Tìm hiểu, chúng tôi được biết, gần 10 năm tham gia “Đoàn tàu không số”, khi trở về quê mang trên mình hàng chục vết thương nhưng ông Nguyễn Phi Anh vẫn không được hưởng chế độ gì do đã mất hết hồ sơ. Vợ con ông thường xuyên đau ốm. Căn nhà tạm vợ chồng ông đang ở đã dột nát mà không có khả năng tu sửa. Qua đồng đội, ông đã gặp Thượng tá Nguyễn Đình Sin, Trưởng ban Liên lạc Đoàn tàu không số Nghệ Tĩnh. Biết đồng đội đang gặp khó khăn, ông Sin đã tìm mọi cách liên hệ với cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể từ xã đến tỉnh để tìm nguồn trợ giúp ông Phi Anh làm “Nhà tình nghĩa”. Sau nhiều tháng, cuối cùng ông Sin tìm được nguồn hỗ trợ từ Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam - chi nhánh Hà Tĩnh 50 triệu đồng; Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay 30 triệu đồng; Hội Cựu chiến binh “Đoàn tàu không số” Nghệ Tĩnh, các tổ chức đoàn thể xã Cương Gián và huyện Nghi Xuân cùng anh em họ hàng đã hỗ trợ ông Nguyễn Phi Anh xây được căn nhà tình nghĩa có diện tích 45m2, trị giá 180 triệu đồng...
Cũng như ông Nguyễn Phi Anh, hoàn cảnh gia đình cựu chiến binh “Đoàn tàu không số” Lê Văn Hòa, ở huyện Lộc Hà (nay là huyện Thạch Hà), tỉnh Hà Tĩnh cũng hết sức khó khăn. Năm 1970, trong một lần tàu ông chuyển hàng vào vùng Vàm Lũng, Cà Mau, 18 thành viên thủy thủ đoàn đều bị nhiễm chất độc da cam/dioxin mà kẻ thù vừa rải xuống cách đó vài ngày. Ông Hòa là một trong hai người may mắn còn sống đến nay nhưng thường xuyên phải chịu sự dày vò của những cơn đau do di chứng chất độc da cam để lại. Đau đớn hơn khi di chứng chất độc da cam đã đẩy gia đình ông đến bi kịch, cả 7 người con của ông đều bị di chứng từ bố. Trong đó, 1 người đã chết, 1 người bị bại liệt nằm một chỗ, 1 người bị tâm thần... Vợ ông cũng thường xuyên đau ốm nên gia đình hết sức khó khăn. Biết hoàn cảnh gia đình ông Hòa, năm 2013, Thượng tá Nguyễn Đình Sin đã kêu gọi cấp ủy, chính quyền địa phương, Trung ương Đoàn, Bộ Tư lệnh Hải quân và anh em cựu chiến binh “Đoàn tàu không số” hỗ trợ ông Hòa số tiền 183 triệu đồng để làm “Nhà tình nghĩa”. Năm 2023, trở lại thăm đồng đội, thấy ngôi nhà ông Hòa đã xuống cấp, phần mái bị dột nhưng không có điều kiện sửa chữa. Một lần nữa Thượng tá Nguyễn Đình Sin lại kêu gọi Bộ Tư lệnh Hải quân hỗ trợ 40 triệu đồng giúp ông Hòa sửa chữa nhà ở...
Ông Sin chia sẻ: “Cán bộ, chiến sĩ “Đoàn tàu không số” đã chịu nhiều hy sinh, vất vả. Mỗi khi lên tàu là xác định sẵn sàng hy sinh để bảo vệ hàng hóa và bảo đảm bí mật nhưng họ vẫn không nao núng tinh thần. Thế nhưng, khi trở về cuộc sống đời thường, họ là những người chịu nhiều thiệt thòi nhất, đến bây giờ nhiều người vẫn không có một chế độ gì. Mình phải cố gắng làm gì đó để bù đắp cho anh em...”.
Trên hành trình “vác tù và hàng tổng”, mỗi lần gặp đồng đội, ông được nghe nhiều câu chuyện về hoàn cảnh éo le của những thân nhân đồng đội không may nằm lại nơi chiến trường xưa. Không thể kìm lòng khi gia đình, người thân của các đồng đội đã hi sinh còn gặp nhiều khó khăn cần giúp đỡ, năm 2018, Thượng tá Nguyễn Đình Sin lại xông pha thêm cương vị mới là Phó trưởng Ban vận động Hội thân nhân liệt sĩ tỉnh Nghệ An. Dù tuổi cao, sức khỏe yếu nhưng khi biết thân nhân liệt sĩ nào có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ông lại tìm mọi cách để kêu gọi tài trợ từ các nhà hảo tâm. Tuy nhiên, có không ít lần đến các cơ quan, đơn vị xin tài trợ xây dựng nhà cho đồng đội ông còn hiểu sai, chưa tin tưởng nhưng ông không hề tự ái, không nản lòng vì lợi ích của đồng đội. Ông tin rằng, khi mọi người chứng kiến được những hoàn cảnh thật sự khó khăn các đồng đội, thân nhân liệt sĩ sẽ cảm thông và tin tưởng thì đơn vị nào cũng đều sẵn sàng tài trợ đúng nơi, đúng người.
Gần 30 năm giữ trọng trách Trưởng Ban liên lạc “Đoàn tàu không số” Nghệ Tĩnh và Phó trưởng Ban vận động Hội thân nhân liệt sĩ tỉnh Nghệ An, Thượng tá Nguyễn Đình Sin đã cùng Ban Liên lạc, Ban Vận động kêu gọi, vận động cấp ủy, chính quyền các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm xây dựng được 32 “Nhà đồng đội” tặng cựu chiến binh “Đoàn tàu không số” và gia đình các thân nhân liệt sĩ trên địa bàn hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh cùng hàng trăm triệu đồng hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn...
Trao “cần câu” cho con em đồng đội
Không chỉ giúp các đồng đội có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn xây “Nhà tình nghĩa”, chữa bệnh miễn phí cho đồng đội, thân nhân đồng đội và người nghèo, lương y Nguyễn Đình Sin còn nhận con em đồng đội chưa có công ăn việc làm về nuôi dạy truyền nghề y để trao “cần câu” cho các cháu.
Anh Nguyễn Văn Dũng, con ông Nguyễn Văn Dần, ở xã Nghi Liên, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An là một trong số nhiều con đồng đội được lương y Nguyễn Đình Sin truyền dạy nghề. Năm 2010, sau khi tốt nghiệp PTTH, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, anh Dũng không có điều kiện học tiếp. Biết Dũng có đam mê với nghề y, ông Sin đã đưa Dũng về để truyền nghề. Sau hơn 2 năm truyền nghề, được sự cổ vũ và tài trợ của ông Sin, Dũng theo học lớp Cao đăng Y học cổ truyền ở Trường Cao đẳng Y dược Tuệ Tĩnh. Tốt nghiệp ra trường, ông tiếp tục đưa Dũng về phòng mạch của mình làm việc để truyền thụ thêm kinh nghiệm, “bí quyết” nghề. Sau thời gian vững tay nghề, Dũng đã mở phòng mạch tại phường Lê Mao, thành phố Vinh.
Trò chuyện với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Dũng cho biết: “Nhờ có bác Sin giúp đỡ mà tôi đã thực hiện được ước mơ của mình. Hiện nay, phòng mạch của tôi cũng khá đông bệnh nhân nên thu nhập cũng ổn định. Ngoài những thời gian làm việc ở phòng mạch, tôi còn tranh thủ đến học hỏi thêm kinh nghiệm từ bác Sin”.
Không những truyền dạy kiến thức, thủ thuật y học, ông còn dạy các học trò cách đối nhân xử thế, đạo đức làm người, đạo đức nghề nghiệp “lương y như từ mẫu”. Các thế hệ học trò của ông hiện nay đều là những người thành đạt, có công việc làm ổn định; vừa chữa bệnh cứu người vừa làm từ thiện, giúp các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn vững tin điều trị.
Chia tay Thượng tá Nguyễn Đình Sin, trong tôi trào dâng một cảm xúc thật khó tả. Tôi thật sự cảm phục ông bởi tấm lòng tất cả vì đồng đội, sẵn sàng đầu tư cả công sức, tiền bạc để mong sao đồng đội, thân nhân đồng đội bớt khó khăn. “Trong chiến tranh người lính phải chịu nhiều hi sinh, vất vả. Thế nhưng, tinh thần người lính vẫn không hề nao núng. Tất cả với mục tiêu làm sao để chiến thắng kẻ thù, dành độc lập cho dân tộc. Người hi sinh, người bị thương binh, người lành lặn... nhưng khi trở về cuộc sống đời thường nhiều người phải chịu thiệt thòi, cuộc sống một số đồng đội, thân nhân đồng đội đã nằm lại nơi chiến trường xưa còn rất khó khăn. Vì vậy, mình phải cố gắng làm những gì tốt nhất để bù đắp phần nào cho anh em...” - Thượng tá Nguyễn Đình Sin chia sẻ trước lúc chia tay.
Bài, ảnh: HUY CƯỜNG
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận