Bảo tàng Quân khu 4 tiếp nhận kỷ vật của Thiếu tướng Hoàng Đan
Ngày 2/9/2024, tại Nhà lưu niệm Hoàng Khuê, Hoàng Đan (ở xóm Nam Kim Hòa, xã Nghi Thuận, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An), Bảo tàng Quân khu 4 đã tổ chức tiếp nhận kỷ vật của Thiếu tướng Hoàng Đan. Trong dịp này, anh Hoàng Nam Tiến, con trai út của Thiếu tướng Hoàng Đan đã trao tặng Bảo tàng Quân khu 4 những bức thư của vợ chồng Thiếu tướng Hoàng Đan và bà Nguyễn Thị An Vinh gửi cho nhau từ năm 1953 đến 1973. Đây là những kỷ vật có ý nghĩa và gắn với cuộc đời hoạt động cách mạng của Thiếu tướng Hoàng Đan.
Thiếu tướng Hoàng Đan, sinh năm 1928 trong một gia đình có truyền thống quân sự lâu đời, nhiều thế hệ đỗ đạt ra làm quan võ, làm thầy thuốc ở xã Nghi Thuận, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.
Tháng 3/1945, đồng chí Hoàng Đan tham gia hoạt động Cách mạng, được cử làm Ủy viên Ban Chấp hành Mặt trận Việt Minh huyện Nghi Lộc. Cách mạng tháng Tám năm 1945, Hoàng Đan đã cùng các đồng chí trong Mặt trận Việt Minh tổ chức biểu tình, vận động Nhân dân đứng lên khởi nghĩa, giành chính quyền tại huyện Nghi lộc.
Tháng 2/1946, đồng chí Hoàng Đan nhập ngũ vào Quân đội. Gần 50 năm trong quân ngũ, đồng chí đã qua nhiều đơn vị, nhiều cương vị khác nhau, từ Trung đội trưởng cho đến Phó giám đốc Học viện Quân sự cao cấp (nay là học viện Quốc phòng); Tư lệnh Quân đoàn, kiêm Tư lệnh Mặt trận Lạng Sơn; Phó Tư lệnh - Tham Mưu Trưởng Quân khu 1; Cục trưởng Cục Khoa học Quân sự, Bộ Quốc phòng... Đồng chí Hoàng Đan từng có mặt, trực tiếp chiến đấu ở các chiến trường ác liệt nhất trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược và chiến tranh biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc. Và từng được mệnh danh là “Hổ tướng”. Với những thành tích xuất sắc trong quá trình công tác, năm 1977, đồng chí Hoàng Đan được Chủ tịch nước phong quân hàm Thiếu tướng. Đồng chí đã được Đảng, Nhà nước, Quân đội tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý. Đặc biệt, năm 2015, Thiếu tướng Hoàng Đan được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Dù chiến tranh tàn khốc nhưng ông luôn giành cho gia đình những tình cảm đặc biệt nhất. Ông đã viết cho vợ hàng trăm lá thư. Năm 2003, sau khi Thiếu tướng Hoàng Đan mất, rất nhiều kỷ vật của ông vẫn được gia đình bảo quản và lưu giữ lại, trong đó có 3 bức thư mà ông đã gửi về cho vợ từ năm 1954 đến 1973, và một bức thư bà Nguyễn Thị An Vinh hồi đáp lại vào ngày 12/5/1961. Trong các bức thư, ông đã thăm hỏi tình hình từng thành viên trong tổ ấm của mình, khích lệ các con học tập tốt, để trở thành người có ích cho xã hội, phục vụ cho tương lai của bản thân; căn dặn vợ giáo dục con cái, xây dựng gốc rễ đạo đức từ nền tảng gia đình. Ngoài ra, ông còn báo tin tức nơi chiến trường và động viên vợ an tâm công tác, cùng chồng thi đua nơi tiền tuyến.
Những bức thư dù đã úa màu, nhưng vẫn chứa chan tình cảm của tiền tuyến gửi về hậu phương và có ý nghĩa hết sức to lớn, vừa có giá trị lịch sử, vừa có giá trị văn hóa, giá trị tinh thần và là vật chứng lịch sử. Vì vậy, mà gia đình Thiếu tướng Hoàng Đan vẫn bảo quản, cất giữ nguyên vẹn.
Sau hơn 70 năm lưu giữ, anh Hoàng Nam Tiến, con trai út của Thiếu tướng Hoàng Đan đã trao tặng những bức thư này để Bảo tàng Quân khu 4 lưu giữ làm hiện vật. Anh Hoàng Nam Tiến chia sẻ: “Những bức thư này là kỷ vật thiêng liêng của cha tôi để lại. Trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt, giữa ranh giới của sự sống và cái chết mong manh, những lá thư là sức mạnh, nguồn động viên kết nối hậu phương và tiền tuyến, là niềm tin và ý chí mạnh mẽ nơi chiến trường. Tôi muốn hiến tặng cho Bảo tàng Quân khu 4 những bức thư này để làm tư liệu giáo dục cho thế hệ trẻ với mong muốn thế hệ trẻ hôm nay hiểu được lịch sử của đất nước, những hi sinh, mất mát của thế hệ cha anh; một thời kỳ vừa đau thương những cũng rất oai hùng”.
Tin, ảnh: TRÀ MY
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận