A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trung đội Trần Minh Lệ

Chiến tranh cũng như một phần của lịch sử dân tộc, nhiều khi chỉ được ghi lại đầy đủ nhất trong ký ức của các cựu chiến binh và nhân dân. Với Trung đội 1 (Đại đội 9, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 4, Sư đoàn 337) trong chiến dịch bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 do Thiếu úy Trần Minh Lệ quê ở xã Quỳnh Minh (Quỳnh Lưu, Nghệ An) làm Trung đội trưởng là một trường hợp đặc biệt. Ðặc biệt bởi dưới sự chỉ huy của người trung đội trưởng gan dạ, mưu trí ấy, Trung đội 1 đã đẩy lùi nhiều đợt tiến công, gây thương vong lớn cho một tiểu đoàn quân xâm lược, dù còn lại chiến sĩ cuối cùng vẫn tiêu diệt hàng chục tên địch để sau chiến tranh, ký ức về họ còn mãi với non sông...

Sau khi giành thắng lợi trong trận mở màn ngày 28/2/1979 trong chiến dịch bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979, Trung đội 1 do Trung đội trưởng Trần Minh Lệ chỉ huy, được lệnh cơ động lên điểm cao 559 (đồi Pa Pách) chốt giữ thay thế Trung đội 3. Ngay đêm 28, trung đội đã khẩn trương cơ động chiếm lĩnh vị trí, củng cố trận địa, chuẩn bị chiến đấu.

Rạng sáng ngày 1/3/1979, Trung đội vừa hoàn thành công tác chuẩn bị, chưa một phút nghỉ ngơi thì pháo binh địch bắn như vãi đạn trùm lên điểm cao. Pháo vừa dứt, một tiểu đoàn quân xâm lược hùng hổ tràn lên. Trần Minh Lệ bình tĩnh quan sát, đợi địch đến thật gần. Một trăm mét, bảy mươi mét, năm mươi mét... Anh ra lệnh bắn! tất cả các loại hỏa lực đồng loạt nhả đạn. Quân địch bỏ mạng, xác chồng lên xác, số còn lại rối loạn tháo lui. Nhưng chỉ mươi phút sau, chúng chia thành ba hướng, vừa đánh vỗ mặt, vừa thọc vào sườn trái đội hình trung đội. Trần Minh Lệ vẫn bình tĩnh chỉ huy, bộ phận chặn hướng chính diện, vừa dẫn lực lượng cơ động, chủ động đón đánh mũi thọc sườn của chúng. Toàn trung đội bình tĩnh, mưu trí đợi địch đến thật gần mới đồng loạt nhả đạn, tiêu diệt quân thù ngay trước công sự, liên tiếp đẩy lùi các đợt tiến công của chúng.

Các cựu chiến binh Sư đoàn 337 thắp hương tưởng nhớ các đồng đội hy sinh trong chiến tranh biên giới năm 1979 tại Nhà bia chiến thắng Sư đoàn 337
                                                                                                      Ảnh: DƯƠNG NGUYÊN

 

Tính đến trưa ngày 2/3/1979, tất cả 12 đợt tiến công của tiểu đoàn địch đều bị Trung đội 1 đánh bại, gần 100 tên địch phải bỏ mạng. Trời chuyển về chiều, toàn trung đội bị thương vong, chỉ còn Trung đội trưởng Trần Minh Lệ cùng hai chiến sĩ mới là Nguyễn Văn Minh và Nguyễn Đình Bắc. Anh quyết định chuyển thương binh về tuyến sau rồi khẩn trương củng cố công sự, tập hợp vũ khí sẵn sàng chiến đấu, quyết tâm bảo vệ chốt. Mặc dù cả ba anh em đều đói, khát, kiệt sức, nhưng vẫn mưu trí, dũng cảm chiến đấu tiếp tục đẩy lùi 6 đợt tiến công của tiểu đoàn địch. Trời tối hẳn, quân địch rút lui, nhưng đạn đã sắp hết. Hai đồng chí Nguyễn Văn Minh và Nguyễn Đình Bắc cũng đã hy sinh. Chỉ còn lại một mình, nhưng anh quyết không rời trận địa. Ngay trong đêm tối, anh khẩn trương lần tìm, tập hợp số vũ khí của đồng đội và của quân địch để lại, xếp vào từng đoạn chiến hào, suy nghĩ cách đánh, quyết sống mái với quân thù.

Mờ sáng ngày 3/3/1979, tiểu đoàn địch lại hùng hổ tiến công. Với bản lĩnh của một chiến sĩ trinh sát dày dạn kinh nghiệm và một người chỉ huy mưu trí, anh vừa cơ động vừa chiến đấu. Quân địch bị hỏa lực bắn từ nhiều hướng. Chúng không thể hình dung nổi quân ta chỉ còn một tay súng. Một mình Trần Minh Lệ đã ngoan cường, mưu trí tiêu diệt hàng chục tên xâm lược. Khi quân địch tràn vào được công sự, hết đạn, anh dương lê lao lên tiêu diệt địch thì bị trúng đạn. Anh dồn hết sức lực, quay ngược khẩu AK đập mạnh vào thành công sự, quyết không để súng rơi vào tay giặc. Anh ngã xuống, tay lần mở quả thủ pháo "để giành" chờ địch. Quân giặc hí hửng hò nhau ập đến. Chỉ chờ có vậy, anh bình tĩnh rút nụ xòe. Thủ pháo nổ tung, thi thể anh hòa vào trong đất, nhưng gần một chục tên xâm lược đã bị đền mạng.

Cả Trung đội đã anh dũng hy sinh. Tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh của Trung đội 1, mà điển hình là người trung đội trưởng mưu trí, dũng cảm đã đi vào lịch sử cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc. Trong lòng cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 337 và Quân đoàn 14 cùng nhân dân các dân tộc huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn - nơi Thiếu úy Trần Minh Lệ hóa thân vào sông núi luôn coi anh và Trung đội 1 như những người anh hùng. Cũng từ ngày ấy, mọi người đều trân trọng gọi Trung đội 1, Đại đội 9 là "Trung đội Trần Minh Lệ" để ghi nhớ công ơn của người con xứ Nghệ đã hy sinh cho biên cương Tổ quốc.

ĐỖ PHẤN ĐẤU


Tác giả: đỗ phấn đấu
Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội