A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đại tướng Võ Nguyên Giáp người Anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tên khai sinh là Võ Giáp, bí danh Văn, sinh ngày 25 tháng 8 năm 1911, tại làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy tỉnh Quảng Bình trong một gia đình có truyền thống hiếu học và yêu nước.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong Lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân tiền thân Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Năm 1925, Võ Nguyên Giáp tốt nghiệp trường Tiểu học Đồng Hới và thi vào trường Quốc học Huế. Ông đỗ Á khoa. Những năm 1925-1926, ông tích cực tham gia các cuộc biểu tình, bãi khóa chống thực dân Pháp của học sinh Huế nên bị thực dân Pháp đuổi học.

Năm 1927, ông tham gia Tân Việt cách mạng Đảng. Trong những năm 1928 – 1929, ông làm việc tại nhà xuất bản Quan Hải tùng thư và báo “Tiếng dân”. Tại đây, ông đã tiếp xúc và chịu ảnh hưởng mạnh mẽ các tác phẩm cách mạng của Nguyễn Ái Quốc. Tháng 10 năm1930, trong sự kiện Xô Viết Nghệ Tĩnh, Võ Nguyên Giáp bị thực dân Pháp bắt giam ở nhà lao Thừa Phủ (Huế).

Cuối năm 1931, ông được trả tự do và ra Hà Nội học tại trường Anbexaro. Năm 1937, ông nhận bằng cử nhân luật. Trong phong trào dân chủ Đông Dương (1936-1939), ông là một trong những sáng lập viên của mặt trận và là Chủ tịch Ủy ban báo chí Bắc kỳ. Thời kỳ này, ông tham gia thành lập và là biên tập viên các báo của Đảng: “Tiếng nói của chúng ta”,“Lao động”, “Tiến lên”, “Tín tực” , “Dân chúng”.

Tháng 5 năm 1939, ông tham gia dạy môn sử trường Tư thục Thăng Long (do Hoàng Minh Giám làm Giám đốc trường). Tháng 6 năm 1940, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương với bí danh Dương Hoài Nam. Sau đó, ông cùng Phạm Văn Đồng được tổ chức cử sang Trung Quốc gặp Nguyễn Ái Quốc. Nhận thấy Võ Nguyên Giáp là người có nhiều triển vọng, Nguyễn Ái Quốc đã cử ông đi học quân sự tại căn cứ Diên An. Nhưng ngay sau đó do tình hình biến đổi mau lẹ, Nguyễn Ái Quốc lại cử ông quay về nước chuẩn bị đón thời cơ.

Tháng 1 năm 1941, Võ Nguyên Giáp cùng Nguyễn Ái Quốc về Cao Bằng xúc tiến xây dựng cơ sở cách mạng và mở lớp huấn luyện quân sự chính trị chuẩn bị lực lượng cho cuộc khởi nghĩa vũ trang khi có thời cơ. Đến cuối năm 1944, Mặt trận Việt Minh đã xây dựng được cơ sở chính trị rộng khắp toàn quốc. Về lực lượng vũ trang, ta đã thành lập được 3 trung đội Cứu Quốc quân và nhiều đội du kích tự vệ.

Ngày 22 tháng 12 năm 1944, theo chỉ thị của Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp thành lập đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân tại căn cứ Trần Hưng Đạo, thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, với 34 chiến sỹ, được trang bị 2  súng ngắn, 17 súng trường, 14 súng kíp và 1 súng máy. Đây là tổ chức tiền thân của quân đội ta. Trong chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, Hồ Chí Minh viết: “Tên đội là Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự. Tuyên truyền trọng hơn vũ trang. Nay tuy nó là đội quân nhỏ bé, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó sẽ đi khắp miền Nam Bắc trong suốt cuộc trường chinh giải phóng. Nó là đội quân cách mạng đàn anh. Mong cho nó có những đội quân đàn em…”.

Võ Nguyên Giáp thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chúng ta dựa vào sức mình là chính… Mọi điều kiện đều do nhân dân mà nên. Có nhân dân là có tất cả”. Chỉ 2 ngày sau khi thành lập, dưới sự chỉ huy của Võ Nguyên Giáp, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã lập chiến công, diệt gọn 2 đồn Phay Khắt và Nà Ngần, mở đầu cho truyền thống dũng cảm, mưu trí trăm trận trăm thắng của Quân đội ta.

          Tháng 4 năm 1945, tại Hội nghị quân sự cách mạng Bắc kỳ, Võ Nguyên Giáp được cử vào Uỷ ban quân sự cách mạng Bắc kỳ. Ngày 15 tháng 5 năm 1945, thống nhất các Trung đội giải phóng quân và Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân thành Việt Nam Giải phóng quân do Võ Nguyên Giáp làm Tư lệnh.

Tháng 6 năm 1945, tai Hội nghị toàn quốc của Đảng, ông được giao nhiệm vụ thành lập Ủy ban chỉ huy lâm thời khu giải phóng Việt Bắc. Ngày 14 tháng 8 năm 1945, Võ Nguyên Giáp trở thành Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương; sau đó là Ủy viên Thường vụ Trung ương và tham gia Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc.

Tại Đại hội Quốc dân họp ở Tân Trào (16/08/1945), ông được bầu vào Ủy ban dân tococj giải phóng Việt Nam (sau này là Chính phủ lâm thời).

Chiều 16 tháng 8 năm 1945, dưới sự chỉ huy của Võ Nguyên Giáp, một trung đội Việt Nam giải phóng quân từ Tân Trào tiến về giải phóng thị xã Thái Nguyên, mở màn cho Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945. Cách mạng tháng Tám thành công, ông là Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong Chính phủ lâm thời. Tháng 3 năm 1946, ông được cử giữ chức vụ Chủ tịch quân sự, Ủy viên trong Chính phủ liên hiệp kháng chiến và là Bí thư Quân ủy Trung ương. Lúc này, Việt Nam Giải phóng quân đã phát triển đến 8 vạn người, cùng hàng triệu dân quân du kích. Sau đó, Việt Nam Giải phóng quân được đổi tên thành Quân đội quốc gia Việt Nam. Năm 1950, chính thức đổi thành Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Tháng 10 năm 1946, ông được cử giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và được Hồ Chủ Tịch ủy quyền làm Tổng chỉ huy các lực lượng vũ trang Việt Nam. Mặc dù không được đào tạo bài bản từ các trường quân sự, cũng không trải qua các cấp bậc quân hàm trong quân đội nhưng ngày 20 tháng 01 năm 1948, Võ Nguyên Giáp được phong quân hàm Đại tướng Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ông trở thành vị Đại tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam khi mới 37 tuổi.

Trong 9 năm trường kỳ kháng chiến chống Pháp (1946-1954), là chỉ huy cao nhất của quan đội, ông đã có nhiều sáng kiến quan trọng để phát huy sức mạnh quân sự. Ví như lập đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung… Ông chỉ đạo chiến sỹ học tập, nghiên cứu, tiếp thu phương pháp tác chiến của nước ngoài. Nhưng đồng thời luôn nhắc nhở họ phải ghi nhớ việc tiết kiệm sinh mạng bộ đội. Ông vừa là Tổng chỉ huy lực lượng vũ trang, vừa trực tiếp tham gia chiến dịch với tư cách Tư lệnh hoặc Bí thư Đảng ủy của các chiến dịch lớn như Chiến dịch Việt Bắc năm 1947, Chiến dịch Biên giới năm 1950, Trung du năm 1950, Hòa Bình 1951, Thượng Lào 1953.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn thân tình, quan tâm bộ đội.

Tháng 12 năm 1953, Bộ Chính trị quyết định chọn Điện Biên Phủ làm trận quyết chiến chiến lược giữa ta và Pháp. Phương châm chiến dịch là đánh nhanh, thắng nhanh. Đại tướng được giao nhiệm vụ chỉ huy trưởng chiến dịch này. Trước khi ra trận, Bác Hồ dặn: “Tướng quân ra trận, Bác cho chú toàn quyền quyết định. Chắc thắng thì đánh. Trận này chỉ được đánh thắng, không được thua. Vì thua là hết vốn”.

Sau khi nghiên cứu kỹ chiến trường Điện Biên Phủ, Đại tướng đã có quyết định đúng đắn: chuyển từ đánh nhanh, thắng nhanh sang đánh chắc, tiến chắc. Với thiên tài quân sự, ông đã chỉ huy bộ đội ta làm nên chiến thắng Điên Biên “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Chiến thắng này đã chấm dứt hơn 80 năm ách thống trị của thực dân Pháp ở Đông Dương và đưa Võ Nguyên Giáp đi vào lịch sử thế giới như một danh nhân quân sự Việt Nam, một vị tướng huyền thoại, một người hùng của thế giới thứ 3 - nơi có những người dân bị nô dịch luôn xem Võ Nguyên Giáp là thần tượng để họ quyết tâm lật đổ chế độ thực dân, giành độc lập dân tộc.

Sau thất bại ở Điện Biên Phủ, trả lời trước ủy ban điều tra của Bộ Quốc phòng Pháp, tướng Đờ cát tơ ri nói: “Người ta có thể đánh bại một quân đội, chứ không thể đánh bại một dân tộc”. Từ ngày 7 tháng 5 năm 1954 xuất hiện một cụm từ như là biểu tượng của thời đại: “Việt Nam – Hồ Chí Minh - Điện Biên Phủ - Võ Nguyên Giáp”. Việt Nam là đất nước anh hùng, là con người sáng tạo. Hồ Chí Minh là người vạch đường chỉ lối đúng đắn, Điện Biên Phủ là thắng lợi vẻ vang, Võ Nguyên Giáp là danh tướng kiệt xuất.

Trong hơn 20 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước với cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Quân ủy Trung ương, Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ Trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có những cống hiến to lớn, góp phần lãnh đạo toàn quân, toàn dân ta làm nên những chiến thắng lẫy lừng điển hình là chiến thắng Khe Sanh năm 1968; chiến thắng Đường 9 – Nam Lào năm 1971; chiến thắng Điên Biên Phủ trên không trên bầu trời Hà Nội (12 ngày đêm cuối năm 1972) và Đại thắng mùa Xuân 1975 đánh bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược dài ngày nhất, quy mô lớn nhất, ác liệt nhất của một đế quốc sừng sỏ nhất là đế quốc Mỹ.

Tiếp đó Đại tướng tiếp tục lãnh đạo bộ đội ta khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh và chiến đấu anh dũng đánh bại hai cuộc chiến tranh xâm lược, bảo vệ vững chắc biên giới và chủ quyền Tổ quốc trong những năm 1975-1979.

Năm 1991, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thôi giữ chức Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ và nghỉ hưu ở tuổi 80. Mặc dù tuổi cao và đã nghỉ hưu nhưng Đại tướng vẫn luôn quan tâm đến công cuộc đổi mới đất nước. Ông đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, chân thành với Đảng, Chính phủ về những vấn đề cơ bản và cấp bách của đất nước.

Với những cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp cao cả của dân tộc Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được Đảng và nhà nước tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương cao quí: Huân chương Sao vàng, 2 Huân chương Hồ Chí MinhHuy hiệu 70 năm tuổi Đảng, 2 Huân chương Chiến thắng hạng nhất và nhiều Huân Huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.

Xuất thân là giáo viên lịch sử, Võ Nguyên Giáp trở thành nhà lãnh đạo quân sự kiệt xuất của Việt Nam và là một trong những vị tướng kiệt xuất trên thế giới. Nếu lấy tiêu chí của Hồ Chủ tịch là: “Đánh thắng đại tướng thì phong đại tướng”, thì suốt cuộc đời mình, Võ Nguyên Giáp đã đọ sức và lần lượt đánh bại 10 đại tướng (4 tướng Pháp và 6 tướng Mĩ). Chưa kể đến 169 tướng của Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Ông được nhiều tờ báo ca ngợi là anh hùng của Việt Nam. Đại tướng Mỹ Oét mo len gọi ông là “Vị tướng huyền thoại”. Trong Bách khoa toàn thư của Mỹ và nhiều nước, tên và hình ảnh của ông được ghi lại như một trong những vĩ nhân quân sự hiển hách nhất.

Tháng 3 năm 2008, Nhà xuất bản Thoms- Hudson của Anh, xuất bản cuốn sách “Những nhà lãnh đạo quân sự lớn của thế giới trong 2500 năm qua”, giới thiệu 59 nhân vật danh tiếng nhất trong lịch sử quân sự thế giới, xếp theo thứ tự thời gian, Đại tướng Võ Nguyên Giáp xếp thứ 59, là nhân vật nổi bật nhất sau Chiến tranh thế giới thứ hai và là nhân vật duy nhất còn sống khi cuốn sách ra đời.

          Nguyên Bộ Trưởng quốc phòng Pháp, Đại tướng Mareel Bugeard viết: “Võ Nguyên Giáp đã chỉ huy Quân đội Việt Nam chiến đấu giành thắng lợi trong thời gian đặc biệt lâu dài suốt 30 năm. Một kỳ  tích chưa từng thấy, không phải hôm nay mà muôn đời sau. Tôi tin rằng, cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng mãi mãi là tấm gương, là niềm tự hào của mỗi người dân Việt Nam”.

Bộ Bách khoa toàn thư quân sự Bộ Quốc phòng Mỹ, xuất bản năm 1993, viết: “Tài thao lược của tướng Giáp về chiến lược, chiến thuật và hậu cần được kết hợp nhuần nhuyễn với chính trị ngoại giao. Sức mạnh hơn hẳn về kỹ thuật, tính ưu việt về công nghệ, cùng sức mạnh áp đảo về quân sự và hỏa lực khổng lồ của các cường quốc phương Tây đã phải khuất phục trước tài thao lược của vị tướng một thời là thầy giáo dạy sử”.

Đại tướng Pi tơ Mac đô nan, nhà nghiên cứu Khoa học lịch sử quân sự Anh, nhận xét: “Từ năm 1944- 1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn liền với chiến đấu và chiến thắng, khiến ông trở thành một Thống soái của mọi thời đại. Ông là người có phẩm chất phi thường trong mọi lĩnh vực của chiến tranh. Khó có vị tướng nào có thể so sánh với ông trong việc kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy. Sự kết hợp đó, xưa nay chưa từng có”.

Đun ca Town, trong sách “Những vị tướng lừng danh”, viết Võ Nguyên Giáp là một trong 21 vị tướng của thế giới. Trong 25 thế kỉ qua, từ thời A lêch xăng đại đế đến thời cận hiện đại…Những người đã có công tạo nên bước ngoặt của nghệ thuật chiến tranh”

Các nước trên thế giới khi nhắc đến Võ Nguyên Giáp đều bày tỏ sự ngưỡng mộ sâu sắc. Các dân tộc châu Phi và Mĩ latin xem Chiến thắng Điện Biên Phủ do ông chỉ huy là khởi nguồn cho nền độc lập ngày nay của họ. Khi ông mất, hàng chục chính phủ gửi điện chia buồn. Tổng thống An giê ri gọi ông là “Anh hùng Quân đội Việt Nam” và khẳng định tên tuổi của ông sẽ mãi mãi khắc sâu trong kí ức Nhân dân An giê ri.

Điện chia buồn của Tổng thống nước Cộng hòa Nhân dân Bô-li-vi-a, viết: “Nỗi đau này dường như chính là nỗi đau của nhân dân tôi khi mất đi một người lính vĩ đại”. Còn Chính phủ Vê-nê-du-ê-la đã thông qua quyết định tưởng nhớ và tôn vinh Đại tướng, lập kế hoạch xuất bản toàn bộ tác phẩm của Đại tướng.

Hơn 80 năm hoạt động cách mạng, được Đảng và Nhà nước giao phó nhiều trọng trách, với tài thao lược quân sự và nhân cách phi thường, Đại tướng đã rèn luyện và lãnh đạo Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân với 34 chiến sỹ ban đầu, trở thành đội quân chính quy hiện đại, chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược, xứng đáng với tên gọi Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là Tổng Tư lệnh văn võ song toàn, đức tài trọn vẹn, mà còn là nhà chính trị, nhà văn hóa, nhà khoa học, nhà lý luận quân sự hàng đầu của Việt Nam. Tài năng đức độ của Đại tướng được thể hiện tập trung nhất ở tinh thần “Dĩ công vi thượng”, đặt lợi ích của nhân dân, của đất nước lên trên hết. Đại tướng nói: “Tôi sống ngày nào cũng là vì đất nước ngày đó”.

Vị tướng huyền thoại còn được mọi người biết đến là hiện thân của bậc vĩ nhân nhưng vô cùng bình dị, với nụ cười bình thản, vui vẻ, chân tình trong từng lời nói và việc làm, luôn luôn quan tâm tới Nhân dân, đặc biệt là người lính. Chúng ta thấy thấp thoáng đâu đó phong cách của Bác Hồ trong con người Đại tướng.

Đi qua 2 cuộc chiến tranh khốc liệt nhất trong lịch sử Việt Nam, hình ảnh luôn đọng mãi trong tim Đại tướng là đồng chí, đồng đội của mình. Người xúc động khi gặp lại cán bộ chiến sỹ từng tham gia các chiến dịch năm xưa. Ôm đồng đội vào lòng, Đại tướng nghẹn ngào: “gặp lại nhau được ở đây là tốt rồi, quý lắm rồi”. Đại tướng luôn yêu cầu: chiến thắng thì tối đa, nhưng thương vong thì tối thiểu. Đại tướng biết quý từng giọt máu của chiến sĩ. Ông có một phương pháp luận hết sức biện chứng, khoa học, tỷ mỉ, không hề phạm một sai lầm nào.

Trong trận đánh Quảng Trị năm 1970, sau khi ra lệnh tấn công, đêm nằm, Đại tướng đã khóc vì khó tránh khỏi thương vong mất mát, nhưng vì đại cuộc, không thể không ra lệnh. Sau mỗi chiến thắng, khi các chiến sỹ hò reo, vui mừng thì Đại tướng lại ngậm ngùi rơi nước mắt, lặng lẽ thương tiếc biết bao chiến sỹ đã ngã xuống, nhiều người bị thương tật vì đạn bom, những mất mát lớn làm ông đau đớn. Mỗi lần được hỏi về chiến công vĩ đại năm xưa, Đại tướng đều xúc động nhắc về sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ, sự hi sinh quên mình của quân và dân ta. Còn xem phần đóng góp của mình như giọt nước giữa đại dương mênh mông, xem mình bình đẳng với người lính. Đại tướng luôn nhắc nhở: “Chúng ta được sống như ngày hôm nay là nhờ cán bộ, chiến sỹ đã ngã xuống, nên phải cố gắng đưa anh em về với gia đình họ”.

Trong các buổi nghe báo cáo về tìm kiếm hài cốt liệt sỹ, Đại tướng thường ngồi lặng, mắt nhòe lệ, nói thương các đồng chí ấy quá. Mỗi lần đi công tác địa phương, việc đầu tiên Đại tướng làm là tới thắp hương các nghĩa trang liệt sỹ. Và những lần ấy, Đại tương không cầm được nước mắt. Người luôn căn dặn cán bộ địa phương chú ý trùng tu sửa sang nghĩa trang liệt sỹ.

103 năm tại thế, gần trọn một thế kỷ phấn đấu hi sinh cho dân tộc, với những chiến công lẫy lừng của một thiên tài quân sự, với nhân cách của một con người vĩ đại, Đại tướng trở thành điểm tựa tinh thần của nhân dân Việt Nam.

Năm tháng sẽ qua đi nhưng hình ảnh anh hùng và thân thương của Võ Đại tướng sẽ mãi mãi in sâu trong con tim, khối óc của các thế hệ người Việt Nam như một người anh hùng dân tộc vĩ đại. Chắc chắn rằng các thế hệ nhà văn, nhà báo, nhà sử học, nhà quân sự của Việt nam và thế giới sẽ còn viết nhiều, bình luận nhiều về Đại tướng.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi vào lịch sử Việt Nam như một anh hùng dân tộc và đi vào lịch sử thế giới như một danh tướng kiệt xuất. Đúng vì như nhà sử học quân sự Mỹ, Giáo sư Cecil Curey, trong tác phẩm “Chiến thắng bằng mọi giá, đại tướng Võ Nguyên Giáp thiên tài của Việt Nam” đã viết: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ trở thành huyền thoại mà có lẽ còn trở thành một thiên tài quân sự lớn nhất thế kỷ 20 và một trong những thiên tài quân sự lớn nhất của tất cả các thời đại”.

PHÓNG VIÊN

                          


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội