Ý chí tự lực, tự cường của đồng chí Lý Tự Trọng
Phát huy ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc là nội dung quan trọng trong tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong suốt cuộc đời cách mạng của mình, Người đã truyền thụ tinh thần tự học, sự chủ động, chuẩn bị mọi mặt các điều kiện của cách mạng đến với toàn Đảng, toàn dân và trực tiếp đến những người học trò của mình, trong đó có đồng chí Lý Tự Trọng.
Đồng chí Lý Tự Trọng (1914-1931) là người thuộc lớp học trò đầu tiên được Bác Hồ truyền thụ về chủ nghĩa Mác - Lê-nin, về những vấn đề trọng tâm của cách mạng thế giới, cách mạng Việt Nam và phương pháp vận động cách mạng.
Truyền thống gia đình, truyền thống quê hương, đất nước, môi trường giáo dục và ý chí tự lực, tự cường đã hợp thành tinh thần cách mạng kiên cường của đồng chí Lý Tự Trọng. Với tinh thần đó, anh đã dõng dạc tuyên bố trước tòa án của thực dân Pháp: “Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác”.
Từ nhỏ, vì sự áp bức của thực dân Pháp, gia đình phải lánh nạn sang Xiêm, anh Lý Tự Trọng được sinh ra nơi đất khách quê người, do đó, đã sớm ý thức được nỗi đau mất nước và nung nấu khát vọng giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc. Tại Xiêm, khi đã được học tập tại trường Sơ học Bản Mạy (tỉnh Nakhon Phanom), trường học ở Bản Đông (tỉnh Phichit), Hoa Anh học hiệu (ChiangMai), anh luôn thể hiện là người ham học, có tinh thần cầu tiến và ý thức rèn luyện lòng yêu nước thương nòi, rèn luyện lễ nghĩa, đạo lý làm người.
Rời gia đình khi chỉ mới 11 tuổi, anh Lý Tự Trọng đã nén nỗi nhớ mẹ, thương cha ở trong lòng để bắt đầu hành trình của một người cách mạng trẻ tuổi. Tại trụ sở của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, anh đã tích cực tham gia học tập, tham gia những hoạt động như tham quan thực tế. Dù tuổi còn nhỏ nhưng sự nỗ lực và tinh thần cầu tiến, ý thức trách nhiệm của anh đã được Bác Hồ và nhiều chiến sĩ cách mạng đàn anh như: Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Phong, Trần Phú… đánh giá cao.
Trong quá trình hoạt động cách mạng, anh Lý Tự Trọng đã không ngần ngại xung phong nhận những nhiệm vụ khó khăn, nguy hiểm như liên lạc, chuyển tài liệu, tổ chức các cuộc mít tinh, bảo vệ các đồng chí lãnh đạo…
Với nhiệm vụ vận động và chuẩn bị lực lượng thanh niên tham gia vào việc thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản, anh đã thể hiện ý thức cầu tiến mạnh mẽ. Công việc này không hề đơn giản nhưng với lòng nhiệt huyết và ý chí quyết tâm, anh Lý Tự Trọng đã thu hút được nhiều người tham gia thông qua các hội nhóm thanh niên.
Khi bị thực dân Pháp bắt và đưa đến bốt Catinat, trước những cực hình tra tấn dã man của kẻ thù, anh Lý Tự Trọng vẫn giữ vững khí tiết, không hề khai báo bất cứ điều gì có hại cho cách mạng. Ngày 17/4/1931, trong phiên Tòa Đại hình, khi quan tòa hỏi “Có hối hận gì không?”, anh đã dõng dạc tuyên bố “Không hối hận gì cả”.
Trong những ngày tháng bị địch giam giữ tại Khám Lớn Sài Gòn, anh vẫn giữ vững niềm tin vào cách mạng. Người ta vẫn còn kể với nhau rằng, trong tù, dù thân thể đầy thương tích, dù gương mặt đã bầm tím vì đòn roi tra tấn, anh vẫn ngâm nga “Truyện Kiều” của Nguyễn Du. Ý chí kiên cường, tinh thần bất khuất của người thanh niên 17 tuổi đã trở thành nguồn cảm hứng cho những người xung quanh.
Từ câu chuyện của đồng chí Lý Tự Trọng, mỗi người đều có thể rút ra bài học quý giá về ý chí tự lực, tự cường. Tinh thần tự học, ý thức cầu tiến, việc xác lập mục tiêu rõ ràng và lòng kiên trì vẫn là những yếu tố cần thiết để mỗi người trẻ có thể vượt qua thử thách, tiến xa hơn trên con đường sự nghiệp và cống hiến cho cộng đồng.
Các thế hệ thanh niên ngày nay, khi đối diện với những thách thức trong học tập, công việc và cuộc sống, hãy nhìn vào tấm gương của anh hùng Lý Tự Trọng. Hãy tự nhắc nhở bản thân về trách nhiệm của mình đối với quê hương, đất nước và không ngừng nỗ lực học hỏi, rèn luyện bản thân. Bởi lẽ, chính ý chí tự lực, tự cường là điều kiện tiên quyết để mỗi người học tập, rèn luyện, trở thành nhân lực “vừa hồng, vừa chuyên”, trở thành lực lượng tiên phong tiến vào kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam trong thời đại mới.
Nguồn: Báo Hà Tĩnh
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận