A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ký ức Điện Biên của Cựu chiến binh Trần Minh Trường

Tròn bảy thập kỷ đã trôi qua, những ký ức về những năm tháng cùng đồng đội “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” trong Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí của Cựu chiến binh Trần Minh Trường, 90 tuổi ở xóm 4, xã Quỳnh Diễn, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.

Những ngày giữa tháng 4 rực lửa, chúng tôi may mắn được gặp gỡ, trò chuyện với Cựu chiến binh Trần Minh Trường - Người chiến sĩ đã tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong suốt 56 ngày đêm, làm nhiệm vụ thông tin, bộ binh, đào giao thông hào đi xuyên lòng núi cho Quân đội ta tiến lên tiêu diệt quân thù.

Tháng 01/1953, khi vừa tròn 20 tuổi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng thanh niên Trần Minh Trường lên đường nhập ngũ vào Trung đoàn 77 (Phú Thọ). Sau 1 tháng huấn huyện tân binh, ông được chuyển về Trung đoàn 209 thuộc Đại đoàn 312, trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông Trường chia sẻ: “Nhiệm vụ của bộ đội thông tin trong Chiến dịch Điện Biên Phủ rất quan trọng, công việc đòi hỏi phải chính xác, bí mật, đảm bảo đường dây luôn thông suốt để truyền tải những mệnh lệnh chỉ đạo của cấp trên đến các đơn vị bộ đội”.

Chiếc khăn dù, bình tông đựng nước là kỷ vật luôn mang theo bên người chiến sĩ Trần Minh Trường trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

 

Thời điểm đó được Trung Quốc viện trợ đường dây điện thoại. Tuy nhiên, do dây to nên một cuộn chỉ rải được khoảng từ 200 - 300m. Các chiến sĩ phải làm việc liên tục để vận chuyển và đấu nối đầu dây lại với nhau, để nhanh chóng đến được các trung đội, đại đội đảm bảo chỉ huy thông suốt. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, ông phát hiện đường dây liên lạc của địch, có kích cỡ nhỏ hơn đường dây của ta nhiều, ông đã gọi đồng đội khẩn trương đào lấy về phục vụ cho hoạt động quân sự ta. Khi đường dây chiến lợi phẩm nối sóng ông và đồng đội vỡ òa sung sướng. Trong các trận đánh, ông và các chiến sĩ thông tin đã nêu cao tinh thần chiến đấu dũng cảm, không sợ hy sinh, đảm bảo “mạch máu” thông tin luôn thông suốt.

Cùng với nhiệm vụ bảo đảm thông tin, ông và các đồng đội còn thay nhau đào công sự như hầm nằm, hầm quỳ đến hầm đứng rồi phát triển hệ thống giao thông hào... Với sức trẻ, ý chí và lòng nhiệt huyết của tuổi thanh xuân, không kể ngày đêm các chiến sĩ đào xuyên lòng núi lên đến các đỉnh đồi - nơi có căn cứ của địch chỉ bằng những dụng cụ thô sơ như xẻng tay, cuốc. Đào đến đâu đều được quân ta ngụy trang hầm bằng cây lau sậy, lá cây rừng nhằm che mắt quân địch. Vào những ngày trời mưa, khi đào đất lại theo nước mưa chảy xuống, lấp đầy đường hào, anh em phải đào lại. Trong khi đó, trên trận địa, máy bay địch không ngừng ném bom nhưng cán bộ, chiến sĩ không thể làm nao núng tinh thần, quyết tâm khắc phục khó khăn, gian khổ, hi sinh để chiến thắng kẻ thù xâm lược.

Với những thành tích trong kháng chiến, Cựu chiến binh Trần Minh Trường đã được tặng nhiều phần thưởng cao quý.

 

Cựu chiến binh Trần Minh Trường nhớ lại: “Đơn vị tôi được giao nhiệm vụ đánh các đồi D, E và đồi A1. Trong đó, đồi D vừa là nơi làm căn cứ cho cơ quan Trung đoàn bộ, vừa là nơi làm hầm cho chiến sĩ chờ đợi, nghỉ ngơi, thay nhau chiến đấu. Đây cũng là nơi diễn ra trận chiến ác liệt của các chiến sĩ Trung đoàn 209, Đại đoàn 312 trong đợt tiến công thứ 2 của Quân đội ta vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Chiến dịch ngày càng ác liệt, mặc dù thiếu thốn đủ bề nhưng cán bộ, chiến sĩ cùng lúc vừa chiến đấu với kẻ thù, vừa xây dựng hệ thống công sự hầm hào. Mỗi ngày, các chiến sĩ được “anh nuôi” tiếp tế cho hai vắt cơm nắm và muối trắng, nhiều lần đến bữa ăn địch xuất hiện anh em phải bỏ bữa chiến đấu quên cả đói, mệt”.

Khi chúng tôi nhắc đến tinh thần chiến đấu oanh liệt của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Trường nói với giọng đầy tự hào: “Lúc đó vũ khí chiến đấu của Quân đội ta quá thô sơ, chỉ có các loại súng trường, tiểu liên, trung liên, đại liên và lựu đạn... Trong khi đó, quân Pháp được trang bị cả máy bay, súng máy hiện đại. Ở giai đoạn 2 của Chiến dịch tiếng nổ của pháo và súng địch, cùng tiếng súng của quân ta vang rền cả đất trời suốt ngày đêm. Bằng tinh thần đoàn kết, anh dũng, mưu trí, bản lĩnh, không sợ “mưa bom, bão đạn”, quân và dân ta đã làm cho quân thù khiếp sợ.

Niềm vui bên gia đình, người thân của Cựu chiến binh Trần Minh Trường.

 

Với ông Trường, hình ảnh chiến sĩ Phan Đình Giót ôm bộc phá lao lên lấy thân mình bịt kín lỗ châu mai của địch mãi mãi không bao giờ phai. Mặc dù bị thương khá nặng, sức khỏe giảm đi trông thấy nhưng sự hi sinh của đồng đội trước họng súng kẻ thù ở lô cốt số 2, anh Phan Đình Giót đã vùng dậy, ôm bộc phá lao lên rồi bịt kín lỗ châu mai của địch. Tiếng súng bỗng im bặt nhưng chiến sĩ Phan Đình Giót đã hi sinh, toàn thân anh bị bom đạn kẻ thù bắn nát. Sự hi sinh anh dũng của chiến sĩ Phan Đình Giót tạo điều kiện cho quân ta xung phong nhanh chóng xông lên tiêu diệt cứ điểm Him Lam, mở màn thắng lợi trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Sau 36 năm chiến đấu và làm nhiệm vụ trong quân đội, trở về địa phương ông Trần Minh Trường vẫn giữ vững và phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, tích cực vận động con cháu và Nhân dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; hăng hái tham gia lao động, sản xuất và công tác xã hội tại địa phương. Bên cạnh đó, ông cũng giáo dục con cháu tiếp tục phát huy tinh thần, hào khí Điện Biên năm xưa, tiếp bước truyền thống cha anh, cống hiến xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp.

Bài, ảnh: HỒNG DIỆN


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội