Thứ tư, 08/05/2024 - 19:40
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhìn lại sự vận dụng các hình thức chiến thuật của Quân đội ta 5 ngày đầu đợt 2 Chiến dịch Điện Biên Phủ

Ngày 30/3/1954 - Ngày mở màn đợt tiến công thứ hai quyết liệt của quân ta vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ kéo dài hơn một tháng và cũng là đợt tiến công dài ngày nhất, khốc liệt nhất trong cả 3 đợt.

Mặc dù, “hai đợt tiến công của ta ở Điện Biên Phủ đều thắng lợi, tạo ra những thuận lợi căn bản cho quân ta hoàn thành nhiệm vụ, nhưng vì một số cán bộ mắc khuyết điểm, chủ quan, khinh địch, tinh thần trách nhiệm không đầy đủ, tác phong quan liêu, đại khái, cho nên đã gây ra ít nhiều tổn thất không cần thiết và hạn chế một phần thắng lợi”1 của quân và dân ta.

Nhiệm vụ đợt 2 đã được Đảng ủy và Bộ chỉ huy chiến dịch xác định: “Đánh chiếm các cao điểm phòng ngự phía đông của phân khu trung tâm, biến những điểm cao đó thành trận địa của ta, uy hiếp quân địch tại Mường Thanh, tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, trong đó có một số đơn vị cơ động, tạo đầy đủ điều kiện để chuyển sang tổng công kích tiêu diệt toàn bộ Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ” 1.

18 giờ ngày 30/-3/1954, đợt tiến công thứ hai của quân ta vào Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bắt đầu. Quân ta và quân Pháp giành giật nhau từng cứ điểm, mét giao thông hào. Cuộc chiến đấu diễn ra giằng co quyết liệt.

Nhìn lại sự vận dụng các hình thức chiến thuật của Quân đội ta 5 ngày đầu đợt 2 Chiến dịch Điện Biên Phủ
 Cuộc chiến đấu ác liệt diễn ra trên khu vực đồi C. Ảnh: Tư liệu TTXVN

 

Tại cao điểm C1, cuộc chiến đấu của Trung đoàn 98 Đại đoàn 316 diễn ra thuận lợi. Sau 45 phút, quân ta đánh chiếm được C1 và tiêu diệt, bắt sống một đại đội thuộc Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 4 Ma-rốc địch; nhanh chóng phát triển tiến công sang cứ điểm C2. Cùng với đó, tại cao điểm E, Trung đoàn 141, Đại đoàn 312 sử dụng Tiểu đoàn 16 và Tiểu đoàn 428 nổ súng tiến công địch trong lúc địch thay quân, khiến cho chúng hoảng loạn. 19 giờ 45 phút, đơn vị hoàn thành tiêu diệt đồi E.

Tại khu vực đồi D1, cuộc tiến công của Trung đoàn 209 cũng diễn ra tương đối thuận lợi. Chỉ sau 5 phút, ở hướng chính, Tiểu đoàn 166 ta đã phá xong 3 lượt hàng rào và xung phong vào căn cứ. 20 giờ, sau 2 giờ chiến đấu, các Tiểu đoàn 166 và Tiểu đoàn 154 chiếm được toàn bộ đồi D1. 

Tại khu vực đồi A1, Trung đoàn 174, Đại đoàn 316 không nhận được mệnh lệnh tiến công do mất liên lạc với Đại đoàn ngay từ giờ đầu; chỉ sau khi C1 của địch bị quân ta tiêu diệt, thấy pháo bắn chuyển làn vào A1, đơn vị mới chủ động cho bộ đội mở cửa và phải mất hơn 1 giờ mới mở thông được đường tiến; hai mũi tiến công của Tiểu đoàn 251 và Tiểu đoàn 249 phải mất hơn nửa giờ mới vượt qua được 100m rào và bãi mìn, lọt vào đồn địch. Hai bên giành giật nhau từng góc hào, từng lô cốt. 

Ta tung tiếp Tiểu đoàn 255 dự bị vào chiến đấu trong tình thế cuộc chiến đấu trên các cao điểm khác đã kết thúc, địch dồn tất cả hỏa lực đại bác và súng cối vào A1 hòng cứu vãn tình hình. Các đợt xung phong của Tiểu đoàn 255 quân ta không thể vượt được hàng rào lửa này. Cuộc đọ sức giữa Trung đoàn 174 vào Tiểu đoàn Bắc phi địch tiếp tục diễn ra giằng co tới sáng ngày 31 tháng 3. 

Buổi chiều và đêm 30-3, Bộ chỉ huy chiến dịch còn sử dụng 2 tiểu đoàn của Đại đoàn 312 và 1 tiểu đoàn của Đại đoàn 308 hình thành 3 mũi thọc sâu tiêu diệt trận địa pháo ở cứ điểm 210 và đánh vào các lực lượng địch ở vòng trong làm rối loạn thế trận phòng ngự địch, tạo thêm điều kiện thuận lợi cho quân ta đánh chiếm các đồi ở phía đông.

Tuy nhiên, ta gặp khó khăn. Càng tiến sâu vào bên trong, các tiểu đoàn thọc sâu càng gặp khó khăn vì địa hình phức tạp và không đủ bộc phá mở đường qua hệ thống hàng rào và những chướng ngại vật chằng chịt. Riêng mũi thọc sâu của Tiểu đoàn 11 vượt qua cửa mở đồi E tiến theo đường 41 vào tung hoành giữa trận đại địch. 

Sau khi xuyên qua tiểu đoàn dù ngụy số 5, Đại đội trưởng Nọa chỉ huy một mũi đánh thẳng vào khu trận địa pháo địch, Đại đội phó Hiệu và Chính trị viên Đại chỉ huy một mũi khác đánh vào trận địa của tiểu đoàn dù thuộc địa số 1. Mặc dù lực lượng bị tổn thất nặng, các dũng sĩ Đại đội 243 vẫn táo bạo phát triển ra tới sát bờ sông Nậm Rốm và trụ lại đây, đương đầu với địch suốt ngày hôm đó. 

Phía đồi C1, Tiểu đoàn 215, Trung đoàn 98 sau khi chiếm C1 quyết định điều Đại đội 35 lên thay thế Đại đội 38 vừa hoàn thành nhiệm vụ về phía sau làm lực lượng dự bị.   

Việc tổ chức tiến công C2 - đồi có hệ thống chiến hào liên hoàn với nhiều lô cốt, ụ súng khá kiên cố, nhiều lớp rào dây thép gai và bãi mìn của địch bị chậm lại, tới gần 21 giờ, đơn vị mới triển khai chiến đấu được. Tới 23 giờ, một trung đội thuộc Đại đội 35 vượt qua yên ngựa đột nhập một đoạn hào C2 chiếm 11 lô cốt và ụ súng, nhưng lực lượng phía sau qua nhiều lần xung phong đều bị hỏa lực rất mạnh của địch cản lại. Tiểu đoàn 215 quyết định lui về C1 tiếp tục chuẩn bị tiến công C2 vào ban ngày. 

Phía đồi D1, Tiểu đoàn 130, Trung đoàn 209 phát triển xuống D2 vấp phải hỏa lực bắn thẳng từ trận địa pháo trên cứ điểm 210 và 2 cỗ trọng liên 4 nòng đặt bên kia sông Nậm Rốm, phải ngừng lại để củng cố. Về khuya, hỏa lực địch càng mạnh, chống cự quyết liệt, khiến cho cuộc tiến công của quân ta trên những cao điểm phía đông chững lại. 

Trước tình hình đó, Bộ chỉ huy chiến dịch nhận định: Ta đã hoàn thành phần quan trọng nhiệm vụ đợt 2, nhưng vẫn chưa chiếm được cao điểm phòng ngự then chốt A1. Trung đoàn 174 đã sử dụng cả lực lượng dự bị, không còn khả năng giải quyết A1. Trung đoàn 98 đánh C2 không thành công, bị tiêu hao, cần điều đơn vị khác tiêu diệt A1 và phòng ngự ở C2 vào ban ngày. 

Và quyết định: Các đơn vị khẩn trương tổ chức trận địa phòng ngự trên các cao điểm C1, D1, E, chuẩn bị đánh địch phản kích ban ngày; Đại đoàn 308 sử dụng Trung đoàn 102 đưa sang phía đông, tiếp tục tiến công diệt A1 và phòng ngự C1; các Trung đoàn 88, 36 và Đại đoàn 308 tiến công diệt các cứ điểm 106 và cứ điểm 311 ở phía Tây; Trung đoàn 165, Đại đoàn 312 tiến công diệt cứ điểm 105 ở phía Bắc, tạo điều kiện cho các đơn vị khu đông hoàn thành nhiệm vụ.

Tại khu vực đồi D1, đơn vị dù xung kích 8 của địch lợi dụng khói đạn bò lên tiếp cận mục tiêu, nổ súng sau gần 25 phút, chiếm lại gần hết đồi D1, dồn đại đội phòng ngự quân ta vào một góc. Lật ngược tình thế, 2 đại đội của ta được pháo binh trung đoàn chi viện đắc lực, sau 1 giờ chiến đấu quyết liệt buộc địch phải tháo chạy về Mường Thanh và bỏ luôn D3 do 1 đại đội Thái bảo vệ và rút trận địa pháo tại 210. 

Tại C1, lúc 13 giờ 30 phút, địch đưa 2 tiểu đoàn dù 6 và 5 tiến lên C1, có pháo binh, không quân yểm hộ, xe tăng mở đường, Đại đội 273, Trung đoàn 102 cùng bộ phận còn lại của Đại đội 35, Trung đoàn 98 đánh lui nhiều đợt phản kích của địch từ C2. Địch cho đại bác bắn dữ dội rồi dùng súng phun lửa và xung phong lên đồi chiếm được cao điểm Cột Cờ, đẩy quân ta vào thế bất lợi. Bộ đội ta lấy vải dù trắng buộc lên đầu súng làm chuẩn cho pháo binh chi viện kết hợp với lực lượng tăng viện theo đường hào mới đào phía đồi D đánh bật quân địch khỏi Cột Cờ, khôi phục lại trận địa. Đến 16 giờ, địch rút lui. Trong ngày, quân ta đánh lui 7 đợt phản kích của 2 tiểu đoàn dù. 

Những cuộc phản kích của địch ngày 31/3 hoàn toàn thất bại. Nửa đêm về sáng ngày 31-3, ta tổ chức tiến công A1 lần thứ hai. Các chiến sĩ Trung đoàn 102 có sự phối hợp của một bộ phận Trung đoàn 174 tiến lên đánh chiếm ụ đất dài nhất trên đỉnh đồi mà ta đoán trong đó có hầm ngầm kiên cố của địch 4 đợt xung phong đều không vượt được khỏi tuyến ngang trước hầm ngầm địch và phải trụ lại ở nửa phần phía đông đồi A1. 

5 giờ sáng 1/4, hai xe tăng địch của quân tăng viện xuất hiện. Quân địch từ hầm ngầm cùng với quân tăng viện dựa vào xe tăng xông lên phản kích hòng đánh bật quân ta ra khỏi điểm cao. Ta dùng ba-dô-ca bắn cháy 1 xe tăng, bắn bị thương 1 chiếc khác. Cuộc chiến đấu diễn ra cực kỳ khốc liệt, hầu hết các ụ súng, các đường chiến hào đều bị đạn, bom nghiền nát. Riêng ụ đất đỏ vẫn sừng sững trên đỉnh đồi. 

Trong ngày 1/4, địch tổ chức 3 đợt xung phong đều bị Trung đoàn 102 đẩy lui; đêm cùng ngày, Trung đoàn 102 (đủ) tổ chức đợt tiến công thứ 3 về phía hầm ngầm địch, nhưng không thành công, buộc phải rút lui về tuyến phòng ngự. Trong các ngày tiếp theo, mỗi bên chỉ giữ được nửa cứ điểm, ta giữ nửa phần phía đông, địch giữ nửa phần phía Tây. Thế trận giằng co tại đây kéo dài đến ngày 4/4. 

Cùng với Trung đoàn 102, Trung đoàn 36 được lệnh vây ép cứ điểm 106 trên cánh đồng phía Tây Sân bay Mường Thanh. Vận dụng chiến thuật “vây lấn”, bộ đội Trung đoàn 36 đào dũi xuyên qua hàng rào cứ điểm và bất ngờ nổ súng chiếm gọn cứ điểm 106 trong 30 phút. Trung đoàn 88 nhận nhiệm vụ tiến công tiêu diệt cứ điểm 311, lợi dụng địch ở đây hoang mang vì cứ điểm 106 bị mất, đơn vị làm công tác địch vận, đến ngày 2-4, phần lớn 2 đại đội ngụy ra hàng, một số bỏ chạy về Mường Thanh. 

Ở phía Bắc, chiều 3/4, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312 tiến công cứ điểm 105 địch nằm không xa cứ điểm 106 vừa bị ta tiêu diệt. Cuộc chiến đấu kéo dài tới sáng, ta chiếm được 2/3 cứ điểm địch và tiêu diệt một bộ phận địch. Trời sáng, Đờ Cát tung một tiểu đoàn với 5 xe tăng ra phản kích, chiếm lại toàn bộ cứ điểm 106. 

Tới đây, sau 5 ngày chiến đấu, từ ngày 30/3 đến 3/4, đợt tiến công thứ hai của quân ta thu được thắng lợi quan trọng. Ở phía Đông, ta chiếm được 4 ngọn đồi hiểm yếu, nhưng địch vẫn giữ được điểm cao A1. Ở phía Tây, quân ta chiếm thêm được điểm cao 106 và điểm cao 311, sau lại bị địch chiếm lại điểm cao 106. Phạm vi chiếm đóng của địch bị thu hẹp và lực lượng chúng bị tổn thất lớn. Nhưng, quân ta không hoàn thành các mục tiêu đề ra, đặc biệt là chưa chiếm được hoàn toàn A1 - một mục tiêu trọng yếu của đợt 2. 

Ngày 8/4/1954, kết luận Hội nghị cán bộ chiến dịch sơ kết đợt 2, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận định: “Thắng lợi vừa qua rất lớn, đã tiêu diệt 4 cứ điểm phía đông, tiêu diệt và bức hàng 2 cứ điểm phía Tây, thu hẹp phạm vi chiếm đóng của địch.

Đại tá, TS NGUYỄN VĂN QUYỀN, Viện Lịch sử quân sự, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam

Nguồn QĐND


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Tin liên quan
Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội