Đường Trường Sơn, Đường Hồ Chí Minh trên biển - Hai tuyến vận tải huyền thoại trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước
Sau phong trào Đồng khởi, cách mạng miền Nam đã có bước phát triển nhảy vọt từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công, từ khởi nghĩa từng phần tiến lên chiến tranh cách mạng kết hợp song song đấu tranh chính trị với đấu tranh quân sự. Thực hiện nhiệm vụ này, miền Nam cần phải được chi viện sức người, sức của, đặc biệt là vũ khí, khí tài từ hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa.
Ngày 19/5/1959, Tổng Quân ủy tổ chức “Đoàn công tác đặc biệt”, sau gọi là Đoàn 559, có nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, đạn được, quân trang, quân dụng cho chiến trường miền Nam; đưa bộ đội, cán bộ cơ quan Dân - Chính - Đảng vào Nam, ra Bắc. Song song với tuyến chi viện trên bộ, tháng 7/1959, Tổng Quân ủy, Bộ Quốc phòng quyết định mở tuyến vận chuyển chi viện chiến lược trên biển. Bởi, đường biển là hướng quan trọng, có thể vận chuyển từng chuyến tương đối lớn, nhanh hơn, kịp thời hơn vào các chiến trường Nam Bộ, Nam Trung Bộ. Đến ngày 23/10/1961, Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập Đoàn 759 (sau là Đoàn 125), chính thức mở con đường vận chuyển chiến lược trên biển chi viện chiến trường, góp phần vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đây là những quyết định lịch sử mang tầm chiến lược, táo bạo, sáng suốt của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, thể hiện quyết tâm và ý chí sắt đá của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta: “Tất cả vì tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.
Tuyến vận tải huyền thoại Đường Trường Sơn được khởi công xây dựng vào tháng 6-1959 từ Khe Hó (Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị), liên tục được phát triển trong suốt cuộc kháng chiến, với tổng chiều dài đường vận tải bộ và hành quân cơ giới gần 17.000km, gồm nhiều trục dọc, trục ngang ở cả đông và tây Trường Sơn, qua các trọng điểm nổi tiếng: cua Chữ A, ngầm Ta Lê, đèo Phu La Nhích, Lùm Bùm, Văng Mu, Tha Mé, Xiêng Phan... Đường giao liên bộ dài trên 3.000km, xuất phát từ Bãi Hà (Quảng Trị) đến Đông Nam Bộ. Đường gùi thồ chủ yếu dựa vào đường giao liên bộ, có cải tạo để phù hợp với phương tiện gùi thồ.
Đường ống dẫn xăng dầu dài gần 1.400km, được xây dựng tháng 6-1968 từ Khe Hó đến Lộc Ninh, gồm 46 kho với sức chứa 17.050 tấn, 113 trạm bơm đẩy và cấp phát. Đường thủy lợi dụng các đoạn sông Sê Băng Hiêng, Sê Công, Mê Công... để thả gạo, xăng theo dòng chảy hoặc vận chuyển hai chiều bằng ca nô, thuyền gắn máy. Dọc tuyến đường còn có hệ thống bảo đảm kỹ thuật, hệ thống kho tàng, bệnh viện quân y, hệ thống thông tin liên lạc với gần 1.350km đường thông tin tải ba, 14.000km đường thông tin hữu tuyến dây bọc.
Trong quá trình xây dựng đường Trường Sơn, Đoàn 559 đã đào đắp khoảng 21 triệu m3 đất đá để làm đường, lấp hố bom bằng cả sức người và phương tiện cơ giới, làm 13.418m cầu, trên 10.000 cống với 9,520 triệu ngày công. Suốt 16 năm (1959-1975), lực lượng vận tải toàn tuyến đã vận chuyển trên 1 triệu tấn vũ khí và phương tiện vật chất, vận chuyển cơ động 10 lượt sư đoàn, 3 quân đoàn, hộ tống 90 đoàn binh khí kỹ thuật, bảo đảm hành quân cho hơn 2 triệu lượt người qua lại.
Nhằm ngăn chặn mọi nỗ lực chi viện của miền Bắc cho chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn liên tục điều chỉnh các chiến lược chiến tranh, ra sức bao vây, đánh phá, chia cắt tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn. Ở trên bộ, địch sử dụng biệt kích, thám báo và các binh đoàn cơ động mở các cuộc hành quân càn quét, đánh vào các căn cứ, cơ sở của ta; đồng thời, thiết lập phòng tuyến Mắc Namara (còn gọi là hàng rào điện tử) tại khu vực giới tuyến quân sự và Đường số 9, sử dụng các thiết bị điện tử tinh vi, hiện đại nhất, hình thành một “chiến trường điện tử” để kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn mọi sự xâm nhập qua tuyến đường này. Ở trên không, đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã huy động 733.000 lượt máy bay, trong đó có cả “pháo đài bay” B-52, ném xuống tuyến đường gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học nhằm phá hủy các căn cứ, kho tàng, bến bãi và tiêu diệt lực lượng ta trên tuyến Đường Trường Sơn.
Bất chấp “mưa bom bão đạn”, lớp lớp thanh niên theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc nối tiếp nhau lên đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, với tinh thần dũng cảm, thông minh đầy mưu trí sáng tạo, vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, ác liệt, chúng ta đã đánh bại mọi thủ đoạn chiến tranh ngăn chặn của địch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vận chuyển sức người, sức của từ hậu phương lớn cho tiền tuyến lớn, góp phần rất quan trọng vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến. Trong chiến đấu bảo vệ giao thông, bộ đội Trường Sơn đã bắn rơi 2.455 máy bay, diệt 1 trung đoàn, 4 tiểu đoàn, đánh thiệt hại nặng 5 trung đoàn bộ binh, diệt 16.900 tên, bắt 1.190 địch, thu và phá hủy hơn 100 xe quân sự. Để có thành công đó, hơn 2 vạn cán bộ, chiến sĩ Trường Sơn anh dũng đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường, 3 vạn người bị thương; 14.500 xe máy các loại, 400 khẩu pháo, 9 vạn tấn hàng bị phá hỏng và phá hủy. Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh trên bộ thực sự ghi vào lịch sử dân tộc ta như một con đường huyền thoại, một kỳ tích của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, một “kỳ tích của thế kỷ XX”.
Cùng với Đường Hồ Chí Minh trên bộ, Đường Hồ Chí Minh trên biển giữ vai trò quan trọng đối với mỗi giai đoạn phát triển của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Lực lượng vận tải quân sự trên biển ngày đầu chỉ với những con tàu gỗ thô sơ và 38 cán bộ, chiến sĩ làm nòng cốt, sau một thời gian hoạt động đã phát triển thành lữ đoàn vận tải, với những phương tiện, trang bị từng bước hiện đại. Từ chỗ chỉ có tàu gỗ, hoạt động ven bờ đã phát triển lên những đội tàu vỏ sắt, hoạt động xa bờ, dài ngày, tận dụng đường hàng hải quốc tế và cả vùng biển nước bạn, đi bằng hàng hải thiên văn, trà trộn vào những tàu thuyền của ngư dân hoạt động ven biển để cập bến an toàn. Đường Hồ Chí Minh trên biển gồm 5 tuyến đi có tổng chiều dài gần 12.000 hải lý (hơn 22.200km) là chiếc cầu nối giữa hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam, chi viện trực tiếp cho những chiến trường xa nhất khó khăn nhất là Nam Bộ, Nam Trung Bộ và vùng ven biển Khu 5, trở thành con đường huyền thoại với biết bao kỳ tích anh hùng.
Có thể khẳng định, với sự ra đời của Đường Hồ Chí Minh trên biển, hai tuyến vận tải chiến lược trên biển và trên bộ song song hoạt động, bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau, tạo nên một hệ thống vận tải tương đối hoàn chỉnh, chi viện kịp thời, hiệu quả sức người, sức của cho chiến trường miền Nam. Đặc biệt, vào giai đoạn cuộc kháng chiến ở miền Nam gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn, bằng Đường Hồ Chí Minh trên biển, “Đoàn tàu không số” đã kịp thời vận chuyển vũ khí, trang bị đến những địa bàn xa hậu phương, sâu trong vùng địch tạm chiếm, bảo đảm cho quân và dân miền Nam “đánh mạnh, thắng to”. Thực tế, với nguồn chi viện ngày càng lớn từ hậu phương miền Bắc, cách mạng miền Nam đã giành được thắng lợi từng bước vững chắc, lần lượt làm thất bại các kế hoạch chiến tranh của địch.
Trong suốt 14 năm (1961-1975), cán bộ, chiến sĩ “Đoàn tàu không số” đã lập nên những kỳ tích anh hùng trong những hoàn cảnh hết sức khó khăn, ác liệt. Các đơn vị vận tải quân sự trên tuyến đường biển đã khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, vượt qua sự kiểm soát gắt gao, phong tỏa, đánh phá ác liệt của địch, tổ chức hàng trăm lượt tàu ra khơi, về đích; hàng trăm tấn vũ khí, đạn dược, trang bị kỹ thuật, khí tài quân sự, hàng hóa, thuốc chữa bệnh; hàng trăm nghìn cán bộ, chiến sĩ từ hậu phương lớn được đưa vào tiền tuyến, đáp ứng kịp thời sức người, sức của cho chiến trường miền Nam trong những năm tháng ác liệt của chiến tranh. Con đường vận tải chi viện chiến lược trên biển đã cùng quân và dân cả nước đánh bại các chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ và làm nên thắng lợi Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Mỗi chuyến đi là một cuộc đấu trí căng thẳng, quyết liệt với kẻ thù, với thiên nhiên, với sóng gió, với mọi khó khăn thử thách, sẵn sàng hy sinh tính mạng, sẵn sàng điểm hỏa khối thuốc nổ đã được bố trí sẵn để hủy tàu, hủy hàng, bảo vệ bí mật con đường, con tàu và bến bãi… Nhiều người con ưu tú của Tổ quốc đã anh dũng hy sinh, ở lại với con đường biển, hóa thân thành sóng nước. Hai tuyến vận tải chiến lược trên bộ và trên biển mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại là kỳ công chiến lược, một sáng tạo tuyệt vời của Đảng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, viết nên những trang sử “huyền thoại” trong lịch sử dân tộc Việt Nam.
Nguồn: Báo QĐND
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận