Phong trào Đồng khởi trên toàn miền Nam tạo bước ngoặt chiến lược cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước
Cuối năm 1959 đầu năm 1960, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trực tiếp là Xứ ủy Nam Bộ, các tầng lớp nhân dân miền Nam đã nhất loạt đứng lên Đồng khởi và giành thắng lợi to lớn. Thắng lợi của Phong trào Đồng khởi là một trong những bước ngoặt quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, làm lung lay bộ máy ngụy quyền Sài Gòn ở cơ sở, buộc đế quốc Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn phải bị động thay đổi hình thức chiến tranh.
Thắng lợi của Phong trào Đồng khởi là bước kiểm nghiệm đường lối cách mạng của Trung ương Đảng, sự nhạy bén sáng tạo trong vận dụng và chỉ đạo thực tiễn của Xứ ủy Nam Bộ; về tinh thần chủ động, quyết đoán của các cấp bộ đảng, quân và dân các địa phương miền Nam; về sức mạnh của quần chúng nhân dân, là minh chứng hùng hồn về sự kế thừa và phát huy lên tầm cao mới truyền thống đánh giặc, giữ nước của dân tộc Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.
Ngày 21-7-1954, Hiệp định Geneva về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta giành thắng lợi, mở ra thời cơ thực hiện độc lập thống nhất nước nhà. Song, với bản chất hiếu chiến, đế quốc Mỹ từng bước thay thế thực dân Pháp, ngang nhiên vi phạm Hiệp định, âm mưu biến miền Nam Việt Nam thành tiền đồn ngăn chặn “làn sóng cộng sản” ở Đông Nam Á. Với dã tâm đó, đế quốc Mỹ tăng cường viện trợ cho ngụy quân, ngụy quyền ở Sài Gòn. Được sự giúp đỡ của đế quốc Mỹ, ngụy quyền Sài Gòn từng bước thiết lập quyền kiểm soát trên toàn miền Nam, đẩy mạnh chương trình bình định, lập “khu dinh điền”, “khu trù mật” đồng thời triển khai chính sách “tố cộng, diệt cộng”, tăng cường khủng bố, đàn áp hòng triệt phá lực lượng cách mạng và khuất phục nhân dân ta. Những thủ đoạn dã man, tàn bạo của đế quốc Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn gây nhiều đau thương, mất mát cho đồng bào miền Nam, đặt phong trào cách mạng nước ta đứng trước nhiều khó khăn, thách thức to lớn.

Trước tình hình đó, tháng 1-1959, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Chấp hành Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị lần thứ 15 (khóa II, mở rộng). Trên cơ sở phân tích sâu sắc tình hình trong nước, bối cảnh quốc tế và khu vực, tương quan lực lượng giữa ta và địch, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 15 chỉ rõ nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam là: “Giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc và phong kiến, thực hiện độc lập dân tộc và người cày có ruộng, hoàn thành cách mạng dân chủ nhân dân ở miền Nam, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”. Về hình thức đấu tranh, Đảng ta dự định: “... Đế quốc Mỹ là đế quốc hiếu chiến nhất, cho nên trong những điều kiện nào đó, cuộc khởi nghĩa của nhân dân miền Nam cũng có khả năng chuyển thành cuộc đấu tranh vũ trang trường kỳ. Trong tình hình đó, cuộc đấu tranh sẽ chuyển sang cục diện mới: Đó là chiến tranh trường kỳ giữa ta và địch, và thắng lợi cuối cùng nhất định về ta. Trong khi lãnh đạo, Đảng ta phải thấy trước khả năng ấy để chuẩn bị chu đáo và chủ động đối phó trong mọi tình thế”. Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 15 phản ánh nhu cầu khách quan của cách mạng, đáp ứng nguyện vọng thiết tha của đông đảo cán bộ và đồng bào miền Nam.
Quán triệt và thực hiện Nghị quyết Trung ương 15, các cuộc khởi nghĩa từng phần nhanh chóng phát triển thành phong trào Đồng khởi rộng khắp ở các địa phương miền Nam từ vùng rừng núi Liên khu 5 đến các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, trong đó tiêu biểu là: Cuộc nổi dậy ở Bác Ái (2-1959), khởi nghĩa ở Trà Bồng (8-1959), trận đánh ở Giồng Thị Đam - Gò Quản Cung (9-1959), trận xẻo Rô (10-1959), trận Tua Hai (1-1960)..., đặc biệt là cuộc đấu tranh đồng loạt và mạnh mẽ trở thành phong trào Đồng khởi ở Bến Tre (1-1960). Tổng số 1.193 xã toàn Nam Bộ đã có 895 xã với 10 triệu lượt người nổi dậy phá thế kìm kẹp, lập chính quyền tự quản; vùng giải phóng được hình thành, nối liền từ Tây Nguyên đến miền Tây Nam Bộ và đồng bằng Liên khu 5; lực lượng vũ trang nhân dân phát triển mạnh... Từ thắng lợi của Phong trào Đồng khởi, tháng 12 năm 1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập, giữ vai trò tổ chức, tập hợp lực lượng, đẩy mạnh cuộc đấu tranh cách mạng ở miền Nam.
Thắng lợi của Phong trào Đồng khởi đã thúc đẩy phong trào đấu tranh ở các đô thị và đồn điền, nhà máy, tạo ra dư luận mạnh mẽ phản đối ngụy quyền Sài Gòn. Thành công của phong trào Đồng khởi đã đưa tới việc thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam - ngọn cờ tập hợp quảng đại quần chúng nhân dân đoàn kết đấu tranh chống đế quốc Mỹ và tay sai nhằm xây dựng một miền Nam độc lập, hòa bình, trung lập, tiến tới hòa bình, thống nhất đất nước.
Phong trào Đồng khởi thắng lợi đánh dấu bước phát triển nhảy vọt của phong trào cách mạng miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công, từ đấu tranh chính trị là chủ yếu sang kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang; từ khởi nghĩa từng phần tiến lên chiến tranh cách mạng. Thắng lợi này không chỉ khẳng định đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng Lao động Việt Nam, sự nhạy bén, sáng tạo của Xứ ủy Nam Bộ, mà còn đánh dấu bước trưởng thành về phương pháp và nghệ thuật chỉ đạo đấu tranh cách mạng của các cấp ủy đảng cũng như trình độ giác ngộ của quần chúng nhân dân miền Nam. Đánh giá về Phong trào Đồng khởi, báo cáo của Bộ Chính trị tại Hội nghị lần thứ 21 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (6-1973) đã khẳng định: “Phong trào Đồng khởi cuối năm 1959 đầu năm 1960 đã giáng một đòn bất ngờ vào chiến lược Aixenhao, làm thất bại một hình thức thống trị điển hình của chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ. Đây là một cái mốc rất quan trọng chuyển cách mạng miền Nam sang thế tiến công, tạo cơ sở vững chắc để ta đánh thắng “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ”. Phong trào Đồng khởi còn là một hiện tượng lịch sử độc đáo, sáng tạo của cách mạng miền Nam nói riêng và cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói chung".
Theo QĐND Điện tử
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận