Plei Me - Trận đầu thắng Mỹ trên chiến trường Tây Nguyên
Trong Chiến dịch Plei Me diễn ra trên chiến trường Tây Nguyên giữa Thu-Đông năm 1965, Quân giải phóng miền Nam lần đầu tiên đã đánh những trận quyết liệt với Sư đoàn Kỵ binh không vận 1 của Mỹ ở thung lũng Ia Đrăng, dưới chân núi Chư Prông. Thất bại thảm hại của sư đoàn này trong cuộc ra quân đầu tiên đã góp phần củng cố quyết tâm “đánh Mỹ để tìm ra cách thắng Mỹ” của quân và dân ta.
Thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, đưa quân Mỹ trực tiếp vào tham chiến ở miền Nam Việt Nam, nhằm cứu vãn sự sụp đổ của chính quyền và quân đội Sài Gòn. Trên chiến trường Tây Nguyên, Bộ chỉ huy quân Mỹ quyết định điều Sư đoàn Kỵ binh không vận 1 và một lữ đoàn dù của Sư đoàn 101 lên chiếm đóng An Khê, thực hiện nhiệm vụ ngăn chặn hoạt động của chủ lực Quân giải phóng miền Nam chia cắt Tây Nguyên với vùng đồng bằng ven biển miền Trung, cắt đứt sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc cho cách mạng miền Nam qua hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh và từ Lào sang.
Trước hành động của địch, Bộ tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên quyết định mở Chiến dịch Plei Me do Thiếu tướng Chu Huy Mân làm Tư lệnh kiêm Chính ủy chiến dịch, để tiêu diệt một bộ phận quan trọng quân chủ lực Sài Gòn, kéo Mỹ ra ứng cứu; nếu quân Mỹ ra thì cố gắng diệt một bộ phận quân Mỹ để tìm hiểu khả năng tác chiến của chúng, xây dựng cách đánh Mỹ cho bộ đội ta. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra, Bộ tư lệnh Chiến dịch Plei Me huy động 3 Trung đoàn Bộ binh 320, 33 và 66, cùng một tiểu đoàn đặc công, một tiểu đoàn pháo binh, một tiểu đoàn súng máy phòng không 12,7mm và lực lượng vũ trang địa phương.
Thực hiện chủ trương “đánh điểm, diệt viện”, trước đánh ngụy, sau diệt Mỹ, kéo quân Mỹ ra xa căn cứ của chúng, đi sâu vào các vùng rừng núi hiểm trở để tiêu diệt, đêm 19/10, ta diệt đồn Chư Ho, vây ép đồn Plei Me để buộc địch phải đến giải vây. Tiếp tục phát triển thế tiến công, ngày 23/10, ta phục kích diệt Chiến đoàn thiết giáp 3 quân đội Sài Gòn đến ứng cứu trên đường 21, buộc Sư đoàn kỵ binh không vận 1 Mỹ phải đưa hai tiểu đoàn của Lữ đoàn 1 vào tham chiến. Từ ngày 31/10 đến ngày 9/11, địch liên tiếp tiến hành các hoạt động thăm dò, tập kích vào hậu phương chiến dịch và một số khu vực trận địa ta, nhưng đều bị ta kịp thời chặn đánh, đẩy lui. Từ ngày 14/11, Mỹ đưa Lữ đoàn Kỵ binh không vận 3 vào chiến đấu và dùng chiến thuật "nhảy cóc" đổ quân xuống khu vực núi Chư Prông định bất ngờ đánh vào sau lưng đội hình ta. Dựa vào trận địa đã chuẩn bị sẵn, từ ngày 14 đến ngày 17/11 năm 1965, ta chặn đánh quyết liệt, dồn quân Mỹ về thung lũng Ia Đrăng, tiến công tiêu diệt gần hết một tiểu đoàn quân Mỹ, hoàn thành thắng lợi trận then chốt chiến dịch. Phát huy kết quả chiến đấu, ta đẩy mạnh tiến công, buộc Lữ đoàn Kỵ binh không vận 3 phải rút khỏi Ia Đrăng.
Sau hơn một tháng chiến đấu (19/10-26/11/1965), Chiến dịch Plei Me đã giành được thắng lợi vang dội, các lực lượng tham gia đã loại khỏi vòng chiến đấu gần 3.000 quân địch (có 1.700 quân Mỹ), tiêu diệt một chiến đoàn bộ binh cơ giới hỗn hợp quân đội Sài Gòn, diệt và đánh thiệt hại hai tiểu đoàn quân Mỹ, phá hủy 89 xe quân sự, bắn rơi 59 máy bay[1].
Thắng lợi này đã mở ra khả năng hiện thực là: Chẳng những ta dám đánh và biết cách đánh mà còn có thể đánh tiêu diệt từng đơn vị quân Mỹ. Từ thực tiễn của trận đọ sức với quân chiến đấu Mỹ tại Plei Me, bộ đội ta đã tìm ra cách đánh thắng quân kỵ binh không vận Mỹ có hiệu quả, đó là cách đánh gần “bám thắt lưng Mỹ mà đánh”, đánh cả ngày lẫn đêm, đánh liên tục, vừa tiến công vừa bao vây, chia cắt từng bộ phận, hãm quân Mỹ vào thế không cơ động nhanh được, trói chúng lại và tiêu diệt. Với cách đánh này, khoảng cách giữa ta và địch được thu hẹp, có nơi, có lúc gần đến mức không còn khoảng cách, làm cho quân Mỹ không thể sử dụng cách đánh trận tuyến trong chiến tranh hiện đại và buộc phải đánh theo cách đánh của ta.
Thành công của Chiến dịch Plei Me, nổi bật là trận then chốt tiêu diệt gần hết một tiểu đoàn quân Mỹ đầu tiên của Quân giải phóng miền Nam, đã góp phần xua tan nỗi lo ngại về sức mạnh của Mỹ, hạ uy thế của chúng, trực tiếp củng cố niềm tin vào quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ của quân và dân ta, khơi dậy khí thế hăng hái đánh Mỹ trên toàn chiến trường, góp phần cùng miền Nam anh hùng đánh bại cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ nhất của Mỹ.
Nói về sự kiện này, Trung tướng Harold Moore - nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1, Trung đoàn Kỵ binh không vận 7, Sư đoàn Kỵ binh không vận 1 đã từng tham chiến ở Ia Đrăng và phóng viên chiến tranh Joseph L. Galloway, người có mặt ở Plei Me và Ia Đrăng trong suốt thời gian diễn ra Chiến dịch Plei Me đã khẳng định Ia Đrăng là “Trận chiến đấu làm xoay chuyển cục diện chiến tranh”[2].
Thiếu tá, ThS LÊ MINH NAM - Viện Lịch sử quân sự
Nguồn: Báo QĐND
[1] Bộ Quốc phòng, Bách khoa toàn thư quân sự Việt Nam, Quyển 1: Lịch sử quân sự, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2015, tr.254.
[2] Trung tướng Harold G. Moore và Joseph L. Galloway, Đã một thời chúng tôi là những người lính… và trẻ trung, Người dịch: Vương Minh Quang, Viện Lịch sử quân sự xuất bản, 1993, tr.10.
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận