A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Gala Dinner chào mừng các nhà lãnh đạo kinh tế APEC 2017

Tối 10/11, tại Khách sạn Sheraton - Đà Nẵng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Chủ tịch Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 25 đã chủ trì Tiệc chiêu đãi trọng thể và chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc (Gala Dinner) chào mừng các nhà Lãnh đạo kinh tế APEC và các phu nhân, phu quân nhân dịp tham dự Hội nghị Cấp cao APEC 2017.

 

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và phu nhân chụp ảnh chung với các nhà lãnh đạo kinh tế 

Phát biểu tại Gala Dinner, thay mặt Nhà nước và nhân dân Việt Nam, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhiệt liệt chào mừng các nhà Lãnh đạo kinh tế APEC đến dự Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 25 tại thành phố biển Đà Nẵng tươi đẹp, giàu lòng mến khách. 

Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, ca dao Việt Nam có câu “Anh em bốn bể là nhà”, nhưng còn hơn thế nữa, cùng sống bên hai bờ Thái Bình Dương, suốt hàng chục năm qua, các nền kinh tế APEC may mắn được chia sẻ trái ngọt của hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực. Từ một nơi từng là chiến trường, sau mấy chục năm qua, châu Á - Thái Bình Dương đã trở thành cái nôi của những câu chuyện thần kỳ về phát triển kinh tế... 

Sau gần 30 năm thành lập, APEC đã trở thành diễn đàn hợp tác kinh tế hàng đầu khu vực và thế giới, là vườn ươm của rất nhiều ý tưởng, sáng kiến về phát triển, liên kết kinh tế, thương mại, đầu tư và là cơ chế điều phối hợp tác kinh tế toàn khu vực. “Cùng nhau nỗ lực nâng cao vai trò của APEC trong quản trị kinh tế khu vực và toàn cầu, chúng ta sẽ biến dự báo thế kỷ 21 là “Thế kỷ châu Á - Thái Bình Dương” trở thành hiện thực”, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang chia sẻ, về mặt địa lý, Việt Nam được coi như mặt tiền của Đông Nam Á lục địa nhìn ra Thái Bình Dương. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương luôn là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại và chiến lược phát triển của Việt Nam. Từ khi bắt đầu tiến hành đổi mới, việc hai lần vinh dự là chủ nhà Năm APEC 2006 và 2017 cho thấy, tương lai Việt Nam không thể tách rời tương lai chung của toàn khu vực, đúng như chủ đề Năm APEC 2017 là “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”. 

Đúng 11 năm trước, khi lần đầu tiên tổ chức Hội nghị Cấp cao APEC, Việt Nam mới bắt đầu chặng đường hội nhập nền kinh tế khu vực và thế giới. Trong quãng thời gian đó, Việt Nam đã ra khỏi tình trạng kém phát triển, gia nhập nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình; thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng gấp 3 lần, từ 730 USD năm 2006 lên gần 2.400 USD hiện nay. Việt Nam đã trở thành thành viên tích cực, có trách nhiệm của các cơ chế hợp tác khu vực và toàn cầu; là một mắt xích quan trọng của nhiều liên kết kinh tế hàng đầu khu vực. 

Tổng thống Trump và Tổng thống Putin bắt tay nhau tại sự kiện APEC tại Đà Nẵng. (Ảnh: AFP)

Tổng thống Trump và Tổng thống Putin bắt tay nhau tại sự kiện APEC tại Đà Nẵng. (Ảnh: AFP)

 

Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định, những thành tựu đạt được sau gần 20 năm tham gia APEC càng khẳng định quyết tâm của Việt Nam đổi mới đồng bộ, hội nhập sâu rộng và phát huy vai trò chủ động, tích cực hơn nữa trong việc góp phần định hình các cơ chế hợp tác khu vực và toàn cầu. Đồng thời, đó cũng là thành quả của tiến trình hợp tác ngày càng sâu rộng giữa Việt Nam với các nền kinh tế thành viên APEC. 

Chủ tịch nước Trần Đại Quang mong muốn các nền kinh tế thành viên sẽ cùng Việt Nam viết tiếp câu chuyện thành công của APEC nói chung, và của Việt Nam nói riêng. Để có một Việt Nam đang không ngừng vươn lên và là điểm đến ưa thích của bạn bè quốc tế, Việt Nam cùng các nền kinh tế thành viên APEC tiến những bước dài trên chặng đường hợp tác và phát triển. 

Nhiều nền kinh tế thành viên APEC đã trở thành đối tác hàng đầu của Việt Nam về trao đổi thương mại và đầu tư (chiếm 85% lượng du khách quốc tế đến Việt Nam và 80% lượng sinh viên Việt Nam đang du học ở nước ngoài). Các nền kinh tế thành viên APEC thực sự đã góp phần đưa Việt Nam ra thế giới và mang thế giới đến với Việt Nam. 

*Trước đó, chiều 10-11, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tham dự và phát biểu tại Phiên toàn thể cuộc Đối thoại giữa các nhà lãnh đạo kinh tế APEC với Hội đồng Tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC) Tham dự cuộc đối thoại có các nhà lãnh đạo kinh tế APEC cùng 63 đại diện ABAC là các doanh nghiệp trong khu vực APEC. Sau phiên toàn thể, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tham dự ba phiên thảo luận nhóm để cùng các nhà lãnh đạo kinh tế APEC và các đại diện ABAC làm sáng tỏ hơn các chính sách và giải pháp nhằm tăng cường hợp tác giữa chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp trong việc bảo đảm phát triển kinh tế bao trùm; tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa vào thị trường toàn cầu; tích cực đóng góp để APEC trở thành cơ chế hợp tác hiệu quả hơn nữa nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững và tạo việc làm cho người dân.

*Chiều cùng ngày, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã chủ trì cuộc Đối thoại Cấp cao không chính thức giữa APEC và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Tham dự đối thoại có các nhà lãnh đạo kinh tế APEC cùng Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen, Chủ tịch nước Lào Bounnhang Vorachith và Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi.

Chủ tịch nước khẳng định, APEC và ASEAN đều là hai cơ chế hội nhập khu vực thành công, luôn đi đầu trong việc thúc đẩy tăng trưởng và liên kết kinh tế khu vực. APEC đã khẳng định là diễn đàn hợp tác kinh tế hàng đầu khu vực và là vườn ươm ý tưởng của tương lai. ASEAN đã góp phần quan trọng đưa Đông Nam Á từ đối đầu sang đối thoại, từ nghi kỵ sang hợp tác, từ chia rẽ sang đoàn kết và liên kết, mà đỉnh cao là việc hình thành Cộng đồng ASEAN.

Trong bối cảnh năm nay đánh dấu việc cả APEC và ASEAN đều đang chuẩn bị bước vào giai đoạn chuyển đổi quan trọng: APEC đang chuẩn bị bước vào thập niên thứ tư và xây dựng tầm nhìn sau năm 2020; ASEAN đang ở năm kỷ niệm vàng sau 50 năm thành lập và đang tích cực thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN đến năm 2025, Chủ tịch nước cho rằng, cuộc đối thoại là cơ hội tốt để các nhà lãnh đạo chia sẻ tầm nhìn và định hướng cho hợp tác APEC-ASEAN, đặc biệt là làm thế nào để hai Diễn đàn có thể bổ trợ lẫn nhau trong việc ứng phó có hiệu quả những thách thức chung về liên kết, kết nối kinh tế và cùng nhau củng cố cấu trúc kinh tế khu vực bền vững, qua đó tạo động lực mới cho một châu Á - Thái Bình Dương kết nối toàn diện, vì hòa bình, ổn định, năng động, gắn kết và thịnh vượng.

Trong khi đó, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã có bài phát biểu trên cương vị Chủ tịch ASEAN, khẳng định APEC là nơi khởi xướng ý tưởng và động lực của tăng trưởng, liên kết kinh tế khu vực; đánh giá cao sáng kiến của Việt Nam tổ chức đối thoại giữa APEC và ASEAN nhằm kết nối chặt chẽ hơn tầm nhìn của các nhà Lãnh đạo kinh tế APEC và các nhà lãnh đạo ASEAN. Tiếp đó, các nhà lãnh đạo kinh tế APEC cùng các nhà lãnh đạo ASEAN đã chia sẻ nhiều ý kiến sâu sắc, gợi mở những phương hướng và biện pháp nhằm tăng cường hợp tác giữa APEC và ASEAN; đẩy mạnh phối hợp giữa hai cơ chế trong nỗ lực xây dựng một cấu trúc kinh tế khu vực bền vững, minh bạch, có khả năng thích ứng cao; chú trọng kết nối toàn diện về con người, kết cấu hạ tầng và thể chế, hợp tác thúc đẩy chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa… Nhân dịp này, Chủ tịch Đối thoại Cấp cao không chính thức giữa APEC và ASEAN đã ra tuyên bố báo chí,

P.V (tổng hợp)


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội