A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thợ săn dưới nước: Sự phát triển của thủy lôi chống ngầm tự dẫn

Thủy lôi tự dẫn (trang bị đầu tự dẫn tấn công mục tiêu) là một loại vũ khí tương đối đặc biệt, theo các tài liệu đã công bố, hiện nay chỉ có 3 loại thủy lôi tự dẫn mà Mỹ và Nga đã nghiên cứu chế tạo.

Những quả thủy lôi KB trong khuôn viên bảo tàng Các lực lượng Vũ trang LB Nga (Nguồn: kienthuc.net).

           1. Thủy lôi Mk-60 của Mỹ

Nhằm đối phó với mối đe dọa ngày càng lớn của lực lượng tàu ngầm Liên Xô, khoảng thời gian trước và sau năm 1960, Hải quân Mỹ đầu tiên đã đề xuất kết hợp kỹ thuật của thủy lôi với ngư lôi, nghiên cứu chế tạo một loại thủy lôi tự dẫn kiểu mới chuyên dùng cho chống ngầm, còn được gọi là ngư-thủy lôi. Loại thủy lôi này sử dụng thân của thủy lôi neo làm tổ hợp neo giữ, sử dụng ngư lôi hiện đại trang bị trong thân thủy lôi làm đầu đạn, chủ yếu dùng để phong tỏa tuyến đường di chuyển dưới nước của tàu ngầm. Sau khi được thả, do thiết bị neo giữ thân thủy lôi ở đáy biển bằng dây cáp, sau khi ngòi nổ phát hiện và xác nhận mục tiêu, hệ thống điều khiển sẽ mở nắp ở đầu thủy lôi đồng thời phóng ngư lôi, sau đó ngư lôi tự động theo dõi và tấn công mục tiêu tàu ngầm hoặc tàu mặt nước.

Tháng 11 năm 1962, Hải quân Mỹ đã đưa ra mẫu thiết kế ngư-thủy lôi, tháng 5 năm 1964 chính thức bắt đầu nghiên cứu chế tạo, tháng 2 năm 1975 lắp ráp xong, năm 1979 chính thức đưa vào sử dụng, đó chính là thủy lôi tự dẫn Mk-60. Đầu đạn của thủy lôi này sử dụng ngư lôi Mk-46 Mod4 có đường kính 324mm, đây là ngư lôi chống ngầm tiêu chuẩn của NATO, trang bị phổ biến cho tàu mặt nước và máy bay chống ngầm. Cuối những năm 1980, Hải quân Mỹ có kế hoạch sản xuất 6.000 quả thủy lôi Mk-60, nhưng đến năm 1981 chỉ sản xuất được 1.810 quả thì dừng lại, sau đó vào năm 1982 lại sản xuất tiếp 600 quả, sử dụng ngư lôi Mk-46 mẫu cải tiến làm đầu đạn. Thủy lôi Mk-60 có thể được thả từ tàu mặt nước, tàu ngầm, máy bay ném bom B-52, máy bay tuần tra P-3C và từ máy bay tấn công trên tàu..., phạm vi tấn công của loại thủy lôi này vượt xa các loại thủy lôi khác hiện đang được sử dụng của Hải quân Mỹ. Mẫu tác chiến ngầm của loại thủy lôi này có đường kính 533mm, chiều dài 3,7m, trọng lượng 1.070 kg, được cấu tạo bởi thân ống có trang bị thiết bị thăm dò và nhận biết mục tiêu, đầu đạn và thiết bị neo, thân thủy lôi làm bằng hợp kim nhôm, có khả năng tự nổi theo phương thẳng đứng. Độ sâu hoạt động ổn định nhất của thân thủy lôi là 305 mét, khoảng cách bố trí tốt nhất giữa các thủy lôi là 2 ki-lô-mét, độ sâu rải lôi lớn nhất là 800 mét, thiết bị phản xạ sóng âm (sonar) của hệ thống điều khiển thăm dò có thể bảo đảm cho thủy lôi thăm dò tàu ngầm ở mực nước sâu 460 mét, bán kính thăm dò khoảng 1 ki-lô-mét, sử dụng hiệu quả trong thời gian 6 tháng, sau đó tự động tiêu hủy.

            Sau khi được thả, thiết bị neo sẽ giữ cố định thân thủy lôi tại mực nước sâu đã xác định để chờ thời cơ. Thủy lôi Mk-60 có hai phương thức làm việc là chủ động và thụ động. Khi làm việc theo phương thức thụ động, hệ thống tiến hành nhận biết mục tiêu, đồng thời thu tín hiệu thủy âm và thăm dò nguồn tiếng ồn, sau khi xác định hướng mục tiêu tiến hành liên kết với hệ thống thăm dò chủ động. Để giảm hao phí, hệ thống thăm dò và hệ thống nhận biết cứ cách từ 30 đến 60 giây sẽ liên kết 1 lần, sau đó ngắt khoảng 5 phút, đồng thời cứ tiến hành theo chu kỳ hoạt động như vậy. Sau khi hệ thống thăm dò và hệ thống nhận biết xác định đúng tàu ngầm đối phương đã tiến vào phạm vi tấn công, thủy lôi sẽ tự động hoàn thành trình tự thao tác đã được cài đặt: mở nắp để nước biển chảy vào trong ống phóng, làm thân ngư lôi nghiêng; khi nghiêng tới góc 30 độ, động cơ ngư lôi khởi động, phóng ngư lôi rời khỏi ống phóng tới độ sâu tìm kiếm đã xác định; lúc này hệ thống tự dẫn ngư lôi bắt đầu khởi động, trước tiên sẽ sử dụng phương thức làm việc thụ động, đồng thời xoay vòng đầu tiên theo hướng bên trái, khi thăm dò được mục tiêu ngư lôi lập tức hướng vào mục tiêu; nếu chưa phát hiện được mục tiêu, ngư lôi di chuyển vào quỹ đạo hình tam giác đã xác định trước để tiến hành xoay vòng lần đầu, thông qua phương thức này tìm kiếm thông tin quanh khu vực hoạt động, bán kính tìm kiếm lớn nhất đạt 1 ki-lô-mét, dựa theo quy hoạch lộ trình sử dụng, hành trình lớn nhất có thể đạt từ 8 đến 10 ki-lô-mét, có thế tấn công hầu hết các tàu ngầm hiện đang hoạt động.

            Đặc điểm chủ yếu của thủy lôi Mk-60 là tổ hợp thả thủy lôi thông dụng, có độ thông minh cao, độ sâu khi thả và phạm vi tấn công tương đối lớn, chỉ với số lượng ít đã có thể phong tỏa khu vực biển rộng lớn. Nhưng hạn chế của loại thủy lôi này cũng tương đối nhiều: đầu tiên, chỉ có thể tấn công mục tiêu tàu ngầm, tiếp đến là không đủ năng lực nhận biết tình hình đối phương và ta, một điểm quan trọng hơn nữa là uy lực ngư lôi được sử dụng tương đối nhỏ, không đủ để bảo đảm đánh chìm tàu ngầm hạt nhân Liên Xô sử dụng kết cấu thân vỏ kép. Cùng với các phương thức chống ngầm của Quân đội Mỹ ngày càng gia tăng, và quy mô thu hẹp của lực lượng tàu ngầm hạt nhân Hải quân Nga, cộng thêm đầu đạn ngư lôi đã hết thời gian sử dụng, loại thủy lôi này hiện nay đã cơ bản loại bỏ khỏi trang bị.

            2. Thủy lôi tự dẫn mẫu PMT-1 của Liên Xô

            Sau khi nhận được thông tin tình báo Mỹ tăng cường nghiên cứu chế tạo thủy lôi chống ngầm, Liên Xô cũng “nối gót” Mỹ, bắt đầu nghiên cứu chế tạo loại vũ khí giống vậy. Phân tích hoàn cảnh chiến lược mà Hải quân Liên Xô khi đó tiến hành thấy rằng, phạm vi khu vực biển của Liên Xô tương đối lớn, đặc biệt là Bắc Băng Dương rộng lớn đã trở thành chiến trường mới, cùng với việc trang bị số lượng lớn tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo, Mỹ và Liên Xô bắt đầu tiến hành các cuộc chiến tranh "dưới các tảng băng", ngăn chặn sự xâm nhập của tàu ngầm hạt nhân Mỹ đã trở thành một nhiệm vụ nặng nề của Hải quân Liên Xô. Sau khi tiến hành phân tích việc sử dụng chiến thuật tác chiến thủy lôi đã phát hiện, ở một số khu vực biển quan trọng và tuyến đường thủy then chốt thả thủy lôi chống ngầm có năng lực tấn công tự chủ trong phạm vi rộng, có thể tạo ra hiệu quả kiềm chế và tiêu diệt đối phương, tức là vừa có thể tiết kiệm binh lực, lại có khả năng tạo nên tác dụng răn đe hiệu quả. So sánh giữa ngư-thủy lôi với thủy lôi thông thường, thủy lôi thông thường thường ở trạng thái tấn công thụ động, phạm vi tác dụng tương đối nhỏ, yêu cầu chi phí cao để bố trí hàng rào thủy lôi cỡ lớn mới có thể tạo nên vai trò nhất định.

            Đầu những năm 1960, Bộ tư lệnh Hải quân Liên Xô đề xuất ý tưởng nghiên cứu một số mẫu thủy lôi chống ngầm kiểu mới, đồng thời chỉ định Viện nghiên cứu khí-thủy động lực học Trung ương có trách nhiệm nghiên cứu thủy lôi nổi và thủy lôi tự dẫn. Viện này đầu tiên đã nghiên cứu chế tạo thủy lôi nổi trên một loạt tên lửa PMR, đồng thời đã thành lập một tổ chuyên gia trẻ gồm các sinh viên tốt nghiệp Học viện chế tạo tàu, từ tháng 2-3 năm 1963, dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia lão thành đã chính thức nghiên cứu bản dự thảo thiết kế loại thủy lôi chống ngầm tự hành đầu tiên của Liên Xô. Ngày 18 tháng 12, tổ chuyên gia này đã đưa ra phương án tổng thể của thủy lôi tự dẫn PMT-1, nó đã tích hợp các ưu điểm kỹ thuật của thủy lôi và ngư lôi, đồng thời sử dụng kỹ thuật điều khiển tự động tiên tiến nhất khi đó, mục đích nhờ đó để bổ sung những lỗ hổng trong việc nghiên cứu chế tạo thủy lôi tự dẫn của Liên Xô.

            Nhưng những khái niệm của thủy lôi này tương đối tiên tiến, yêu cầu kỹ thuật cũng khá cao, gây ra những khó khăn tương đối lớn cho hệ thống công nghiệp của Liên Xô khi đó, do đó trong quá trình nghiên cứu chế tạo gặp rất nhiều khó khăn, trong đó vấn đề then chốt nhất là phải giải quyết hệ thống phóng ngư lôi và hệ thống phóng dưới nước, tiếp đến là tích hợp các ưu điểm của thiết bị cơ điện, làm cho nó có đủ độ tin cậy. Do ngư-thủy lôi cần thả dưới mực nước tương đối sâu, nên không thể sử dụng ngư lôi động cơ nhiệt chịu ảnh hưởng của áp suất nước khá lớn, phải sử dụng ngư lôi chạy điện dẫn đường bằng âm thanh. Tính năng của mấy loại ngư lôi chạy điện mà Hải quân Liên Xô trang bị khi đó đều tương đối lạc hậu, trọng lượng lại khá lớn, lựa chọn ngư lôi phù hợp trở thành thách thức đầu tiên phải khắc phục. Các nhà khoa học trẻ từ các trang bị hiện có, quyết định lựa chọn loại ngư lôi chạy điện chống ngầm kiểu phóng ngầm 400mm mẫu SET-40 mới, ngư lôi này có chiều dài 4,5 m, trọng lượng 550kg, đầu đạn mang 80kg thuốc nổ, sử dụng pin ôxít bạc làm nguồn cung cấp năng lượng, hành trình khi di chuyển với vận tốc lớn nhất 29 hải lý/giờ là 8 km, sử dụng hệ thống tự dẫn bằng âm thanh chủ động, thụ động và không chạm nổ kiểu mới, khoảng cách thăm dò lớn nhất đạt từ 600 đến 800 mét, ban đầu chủ yếu sử dụng làm vũ khí tự vệ của tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo, độ sâu thả lớn nhất đạt 200 mét.

            Nhằm giúp cho ngư lôi có thể hoạt động bình thường trong một thời gian dài nằm chờ dưới nước, nhất định phải thiết kế hệ thống phóng ngư lôi tự động dưới nước chuyên dụng. Sau khi thủy lôi được thả từ tổ hợp thả thủy lôi đồng thời đến được độ sâu xác định trước, thủy lôi phải duy trì tính ổn định, giúp hệ thống thăm dò có thể phát huy tác dụng ở mức cao nhất. Khi phóng ngư lôi, cần lực ban đầu nhất định làm nguồn tăng tốc, các nhà thiết kế khi nghiên cứu chế tạo hệ thống phóng đã phân tích những ưu-khuyết điểm của thiết bị phóng kiểu piston và kiểu áp suất thủy lực (thủy áp), đồng thời đã tiến hành các phương án thử nghiệm, cuối cùng lựa chọn phương pháp phóng piston khí nén sử dụng thiết bị tạo cháy làm nguồn khí, nguyên lý hoạt động của nó như sau: sau khi hệ thống thăm dò trên thủy lôi phát hiện tàu ngầm xâm nhập vào phạm vi tấn công, khởi động thiết bị tạo cháy bằng việc dùng thuốc nổ thể rắn làm nguồn tạo khí, thuốc nổ trong quá trình đốt cháy tạo ra lượng lớn thể khí (hơi) ở nhiệt độ cao, làm cho áp suất trong ống phóng dần tăng lên, cuối cùng đánh bật nắp ống phóng, đồng thời đẩy ngư lôi ra khỏi ống phóng, ngư lôi bay theo quán tính lực ép của thể khí thuốc nổ, sau đó khởi động động cơ đồng thời bắt đầu theo dõi mục tiêu. Mặc dù kết cấu của hệ thống phóng khá đơn giản, nhưng phải bảo đảm cân bằng các tính năng của thủy lôi và các bộ phận vận hành đáng tin cậy.

            Hệ thống thăm dò của thủy lôi là nhân tố quyết định tới ưu, nhược điểm các tính năng của thủy lôi tự dẫn, nó bao gồm: xen-xơ đo áp suất, bộ chuyển đổi âm thanh, máy thu, bộ khuếch đại điện áp, máy dò, thiết bị thu sóng, thiết bị chuyển đổi tín hiệu, máy phân tích phổ, hệ thống thiết bị xử lý Monolithic, máy phát tín hiệu, bộ khuếch đại công suất xung, thiết bị phóng và dụng cụ phụ trợ v.v. Vai trò của xen-xơ đo áp suất là khi thủy lôi được thả tới độ sâu nhất định sẽ tháo bỏ thiết bị bảo hiểm, nhằm bảo đảm an toàn cho tổ hợp thả thủy lôi.           

            Hệ thống thiết bị xử lý Monolithic là bộ phận hạt nhân của hệ thống ngòi nổ, có thể tiến hành phân tích phán đoán, phân loại và nhận biết thông tin mục tiêu từ nhiều phương diện, sau khi xác nhận mục tiêu, bộ điều khiển hệ thống mở nắp khởi động điểm hỏa thiết bị tạo cháy, đẩy ngư lôi ra khỏi vỏ thủy lôi. Khi đang hoạt động, thiết bị xử lý Monolithic còn có thể điều khiển thiết bị phát tín hiệu điện thăm dò mạch xung, sau đó tiến hành khuếch đại công suất tín hiệu này bằng thiết bị khuếch đại công suất, sử dụng thiết bị phóng để điều chỉnh tín hiệu mạch xung công suất khuếch đại, thông qua thiết bị chuyển đổi năng lượng chuyển thành tín hiệu âm thanh bức xạ vào trong nước, lợi dụng tiếng vọng phản xạ của mục tiêu để thăm dò nhận biết phương hướng và khoảng cách của mục tiêu.  

            Ngoài thực hiện nhiệm vụ thăm dò chủ động, thiết bị chuyển đổi âm thanh còn có thể chuyển đổi tín hiệu tiếng ồn bức xạ của tàu thu được thành tín hiệu điện, sau đó máy thu sẽ tiến hành lọc sóng và khuếch đại tín hiệu điện vừa được chuyển đổi, thông qua bộ khuếch đại điện áp tiếp tục khuếch đại thêm lần nữa đối với tín hiệu truyền ra từ bộ khuếch đại số 1, cung cấp giá trị điện áp cần thiết cho quá trình lọc sóng và chuyển đổi tín hiệu tiếp theo. Thiết bị lọc sóng dùng để lọc các thông tin mục tiêu, sau đó truyền vào thiết bị xử lý Monolithic để tiến hành xử lý, thông qua bộ chuyển đổi chuyển thành tín hiệu số để tiến hành phân tích và nhận biết mục tiêu. Cùng với đó, bộ chuyển đổi sẽ chuyển các tín hiệu phát ra từ bộ khuếch đại số 1 thành dữ liệu số, giúp cho thiết bị phân tích có thể tiến hành phân tích quang phổ đối với thông tin mục tiêu, đồng thời đưa ra các điểm đặc biệt của mục tiêu, tạo điều kiện cho thiết bị xử lý Monolithic tiến hành nhận biết mục tiêu.

            Thủy lôi tự dẫn chủ yếu được tạo thành bởi thân thủy lôi, ngòi nổ (thiết bị chuyển đổi năng lượng và thiết bị xen-xơ), đầu tấn công ngư lôi, thiết bị hỗ trợ (ống nối), máy tạo cháy, thiết bị neo và dụng cụ phụ trợ (thiết bị bảo hiểm, thiết bị làm mất hiệu lực hẹn giờ). Thân thủy lôi là thân vỏ chịu áp suất lớn được bịt kín có khả năng nổi nhất định, phần đầu có hình bán cầu, được trang bị hệ thống thăm dò, thiết bị chuyển đổi năng lượng, thiết bị xen-xơ và thiết bị mở nắp v.v. Ở giữa có hình trụ, bên trong có đầu tấn công ngư lôi và thiết bị hỗ trợ dùng để cố định đầu tấn công. Phần đuôi có hình nón, bên trong lắp thiết bị tạo cháy, pin…Ngòi nổ được tạo thành bởi ngòi nổ âm thanh và ngòi nổ chiến đấu. Ngòi nổ âm thanh hoạt động theo phương thức tiêu hao công suất thấp, thông qua đo tiếng ồn tần số thấp để phát hiện mục tiêu ở khoảng cách xa, đồng thời kích hoạt ngòi nổ chiến đấu. Ngòi nổ chiến đấu sử dụng phương thức thăm dò chủ động để tiếp tục thực hiện nhận biết và xác nhận mục tiêu thêm, sau đó tổng hợp tham số (hướng, khoảng cách, đặc trưng) của mục tiêu, xác nhận có thực hiện tấn công mục tiêu hay không, cuối cùng đưa ra chỉ lệnh cho thiết bị tạo cháy kích nổ và phóng ra ngư lôi.

            Tính năng thông dụng của loại thủy lôi này tương đối cao, có thể được thả ra từ tàu ngầm, máy bay và tàu mặt nước. Trước khi thả phải loại bỏ các chế độ bảo hiểm trước, sau khi thủy lôi chìm xuống một độ sâu nhất định, hệ thống phân tách điều khiển phân tách thân thủy lôi và thiết bị neo, chân thiết bị neo đang gấp được duỗi ra, thiết bị neo nằm dưới đáy biển, thông qua 2 dây cáp kéo giữ thân thủy lôi cách đáy biển một độ sâu nhất định. Lúc này xen-xơ áp suất loại bỏ chế độ bảo hiểm, khởi động thiết bị làm mất hiệu lực hẹn giờ, khi tới thời gian đã xác định trước, kích hoạt ngòi nổ hoạt động, thủy lôi bắt đầu bước vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu.

            Sau khi ngòi nổ âm thanh của thủy lôi thăm dò được tín hiệu mục tiêu, thông qua khuếch tín hiệu, thiết bị thu sóng sẽ lựa chọn chùm tín hiệu để tiến hành phân tích, sau khi phát hiện chỉ số [tín hiệu] ở khu vực nào đó vượt quá quy định, sẽ kích hoạt ngòi nổ chiến đấu đồng thời bật thiết bị xử lý Monolithic. Thiết bị xử lý trong ngòi nổ chiến đấu sẽ tiến hành chuyển đổi chùm tín hiệu truyền vào, đưa ra các điểm đặc biệt của chùm tín hiệu số. Thiết bị phân tích phổ tiến hành phân tích quang phổ đối với tín hiệu số truyền vào, đồng thời truyền tín hiệu phân tích tới thiết bị xử lý Monolithic. Hệ thống thiết bị xử lý Monolithic lần lượt tiến hành phân tích, nhận biết tổng hợp đối với chùm tín hiệu và đặc trưng quang phổ của mục tiêu, đồng thời khởi động ngòi nổ siêu thanh chủ động xác nhận mục tiêu một lần nữa. Nếu xác nhận là không phải mục tiêu, ngòi nổ sẽ khôi phục trạng thái hoạt động âm thanh thụ động. Nếu như ngòi nổ xác nhận đúng mục tiêu, tham số mục tiêu thu thập được (như hướng, khoảng cách) sẽ được truyền tới thiết bị quy hoạch lộ trình di chuyển của hệ thống tự dẫn ngư lôi, đồng thời khởi động con quay định vị giúp ngư lôi bắt đầu làm việc, sau đó ngòi nổ điều khiển thiết bị mở nắp tiến hành mở nắp đầu thủy lôi, thiết bị tạo cháy điểm hỏa đẩy ngư lôi ra khỏi vỏ thủy lôi. Sau khi ngư lôi ra khỏi vỏ, hệ thống động cơ đẩy của nó bắt đầu làm việc, hệ thống tự dẫn dựa vào tham số mục tiêu mà ngòi nổ đã xác định để theo dõi, bắt bám và tấn công mục tiêu. Trong trường hợp ngư lôi di chuyển tới một khoảng cách nhất định mà hệ thống tự dẫn vẫn chưa thăm dò được mục tiêu, ngư lôi sẽ di chuyển theo lập trình kiểu vòng tròn hoặc xoắn ốc để tiếp tục tiến hành tìm kiếm mục tiêu theo các hướng. Một khi tìm được mục tiêu, lập tức điều chỉnh đường đạn và tham số mục tiêu, bám sát mục tiêu ở tốc độ cao nhất. Thời gian sử dụng dưới nước của loại thủy lôi này khoảng 6 tháng, sau khi đạt tới thời gian đã cài đặt của thiết bị làm mất hiệu lực hẹn giờ, nguồn điện điều khiển ngòi nổ tự chập cháy làm cho thủy lôi mất hiệu quả hoặc tự hủy.

            Thủy lôi tự dẫn mẫu PMT-1 đầu tiên chính thức được dùng thử vào năm 1972, năm 1981 chính thức lắp ráp xong, đồng thời bắt đầu trang bị vào năm 1983. Quân đội Liên Xô khi sử dụng cho rằng, tính năng kỹ chiến thuật của loại thủy lôi này tương đương với thủy lôi tự dẫn Mk-60 của Mỹ, về độ sâu khi thả thì tốt hơn một chút. Nhưng khi so sánh thực tế thấy, tính năng của ngư lôi SET-40 còn kém xa so với ngư lôi mẫu Mk-46, toàn bộ trọng lượng của ngư lôi Mk-46 chỉ 258kg, tính năng lại hơn hẳn ngư lôi cùng loại của Liên Xô. Đồng thời, nghiên cứu chế tạo thiết bị điện tử luôn là một khoảng cách kỹ thuật giữa Mỹ và Liên Xô, do đó mặc dù vũ khí của Mỹ và Liên Xô có tính năng, chỉ tiêu kỹ thuật gần ngang nhau, nhưng khi bước vào thực tế chiến đấu lại luôn có khoảng cách khá lớn.

            Hiện nay, trên cơ sở mẫu PMT-1, Nga đang nghiên cứu chế tạo ra thủy lôi tự dẫn chống ngầm PMK-2 loại xuất khẩu. Loại thủy lôi này có đường kính 533mm, chiều dài 7,83 mét, trọng lượng 1.850kg, vận tốc thả của tàu ngầm là 4 đến 8 hải lý/giờ, độ sâu thả nông nhất là 200 mét, sâu nhất là 400 mét, thời gian tấn công mục tiêu không quá 7 giây. Loại thủy lôi này được tạo thành bởi thân vỏ, đầu đạn, mô-đun hệ thống phóng, mô-đun hệ thống thăm dò và chỉ thị mục tiêu, thiết bị đo độ sâu và hệ thống pin…Đầu đạn sử dụng cho ngư lôi chống ngầm chạy điện cỡ nhỏ 400mm UMGT-1 được chế tạo thành công vào năm 1981, nguyên bản của nó là ngư lôi thông dụng phóng ngầm 400mm SET-72 mà Hải quân Liên Xô bắt đầu đưa vào trang bị vào năm 1972, đây là loại ngư lôi đa năng đầu tiên trong lịch sử của Liên Xô, sử dụng hệ thống dẫn đường âm thanh chủ/thụ động, chiều dài 4,8 mét, trọng lượng 660 kg, đầu đạn nặng 80kg, tốc độ hành trình cao nhất trên 40 hải lý/giờ, hành trình lớn nhất là 8 ki-lô-mét, sử dụng ở độ sâu 400 mét.

            Đây là loại ngư lôi đầu tiên của Liên Xô sử dụng pin magiê bạc, có năng lượng cao hơn pin bạc kẽm gần gấp đôi, cao hơn pin axít chì từ 9 đến 10 lần, bình thường không cần dự trữ dung dịch điện phân, sau khi phóng nhanh chóng sinh ra điện năng, do đó trọng lượng kết cấu tương đối nhẹ, khi sử dụng có độ an toàn cao, hệ thống an ninh cấp 3, thời gian bảo quản thông thường là 10 năm, trong trường hợp không được bảo vệ có thể để trong ống phóng và trong kho một thời gian dài. Nói tóm lại, thủy lôi tự dẫn PMK-2 là một loại thủy lôi tấn công có hiệu quả tác chiến tương đối cao, sử dụng khá tiện lợi. Nó là loại thủy lôi đầu tiên của Liên Xô sử dụng thiết kế mô-đun hóa, có thể bảo quản tương đối tốt, khi tiến hành cài đặt tham số cho thủy lôi, chỉ cần rút mô-đun ngòi nổ từ tổ hợp điều khiển ra là được, không cần tháo khoang thủy lôi giống như loại trước kia.

            3. Ưu thế của thủy lôi tự dẫn

            Hiện nay, các quốc gia trên thế giới tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng việc phát triển thủy lôi phóng ngầm kiểu mới, trên cơ sở hiện có, tích hợp khá nhiều kỹ thuật của tên lửa, tăng khả năng dẫn đường chính xác, nhằm nâng cao năng lực tấn công chủ động; thông qua sử dụng thiết bị xen-xơ tổng hợp tiên tiến và công năng điều khiển từ xa của mạng lưới, giúp thủy lôi thông minh hơn, tức là có thể kích hoạt từng quả thủy lôi, đồng thời cũng có thể đồng thời kích hoạt cả bãi thủy lôi, làm cho tính năng tác chiến của chúng an toàn và linh hoạt hơn.

            Thủy lôi chống ngầm tự dẫn là loại thủy lôi mới mà hiện nay các nước đang nghiên cứu tương đối rộng rãi, sự kết hợp thủy lôi với ngư lôi là một bước đột phá kỹ thuật lớn của vũ khí thủy lôi tự dẫn. Vũ khí thủy lôi trước kia hầu hết sử dụng hình thức tác chiến thụ động, chỉ có thể chặn thu tín hiệu tàu đối phương trong phạm vi nhỏ, hoặc khi tàu chạm vào thủy lôi mới có thể tấn công. Loại thủy lôi kiểu cũ này tương đối dễ tránh né, khi sử dụng nó để tạo thành hàng rào thủy lôi sẽ phải cần một số lượng lớn thủy lôi, không những thế còn phải cần có khá nhiều tổ hợp thả thủy lôi. Thủy lôi tự dẫn sau khi được thả, bình thường sẽ thực hiện chức năng thông thường của vũ khí thủy lôi, ẩn náu thăm dò mục tiêu, một khi phát hiện được mục tiêu trong phạm vi tấn công, lập tức phóng ngư lôi hoặc tên lửa mang theo, tấn công nhanh chóng và chính xác tàu đối phương, làm cho tàu đối phương khó có thể tránh né. Nghiên cứu và thử nghiệm cho thấy, hiệu quả tác chiến của một quả thủy lôi tự dẫn tương đương với 100 đến 250 quả thủy lôi thông thường.

            So với các loại vũ khí khác, thủy lôi tự dẫn có đặc điểm như chi phí thấp, hiệu quả tác chiến cao. Trước khi ngừng sản xuất vào năm 1986, chi phí sản xuất một quả thủy lôi Mk-60 là 113 nghìn USD, chi phí chế tạo một quả tên lửa hành trình “Tomahawk” ở cùng thời điểm là 3,1 triệu USD, chi phí của tên lửa hành trình chống hạm “Harpoon” là 900 nghìn USD. Chi phí sử dụng một quả tên lửa hành trình “Tomahawk” có thể mua được 27 quả thủy lôi mẫu Mk-60, nếu thả và triển khai tác chiến trong vùng biển phù hợp, có thể tạo ra hiệu quả tác chiến rất tốt, hơn 10 quả thủy lôi đã có thể phong tỏa được đường giao thông quan trọng dưới nước, từ đó hạn chế khu vực hoạt động của tàu ngầm đối phương, đồng thời nâng cao tỉ lệ thành công trong việc tìm kiếm, giám sát và kiểm soát chống ngầm của quân nhà.

(Nguồn: Trung tâm Thông tin khoa học quân sự/Bộ Quốc phòng)


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội